Trước thực trạng dấu tích xưa trên mặt đất hầu như không còn gì, phải nói rằng, một hướng làm đắc dụng, phù hợp trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, di sản Chúa Nguyễn Hoàng tại huyện Triệu Phong, đó là tôn tạo di tích, tôn vinh di sản...
Trong số 10 địa điểm của di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)” đã kể trên, ngoài địa điểm Miếu Trảo Trảo phu nhân cần phục dựng lại ngôi miếu, các địa điểm còn lại chủ yếu là thực hiện phương thức tôn tạo di tích, tôn vinh di sản.
Tại các địa điểm: Cồn Tập, Mô Súng, Tàu Tượng, Bãi Trận, Chợ Hôm cần tôn tạo, dựng bia giới thiệu di tích, dựng lại hình ảnh huấn luyện quân sự, võ nghệ, chăm sóc và thuần dưỡng voi… dưới thời chúa Nguyễn.
Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đã được xây dựng, khánh thành năm 2022 - Ảnh: Cẩm Nhung
Tại Ghềnh Phủ cần tôn tạo, dựng bia biển, dựng lại hình ảnh sinh động về một nơi giao thương, buôn bán nhộn nhịp dưới thời chúa Nguyễn. Đại Nam thực lục viết về thời điểm năm 1572: “Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm… Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn”14. Trong thời gian lập dinh, đứng chân trên đất Triệu Phong, nhất là với thời kỳ Dinh Cát (1600 - 1626), Chúa Nguyễn Hoàng và Chúa Nguyễn Phúc Nguyên với tầm nhìn hướng ra biển đã thúc đẩy mở mang giao thương với Nhật Bản và các nước khác. Điều này thể hiện rõ nét qua các bức quốc thư của các chúa Nguyễn gửi cho Mạc phủ Tokugawa, chính quyền quân sự Nhật Bản lúc bấy giờ. Trong quan hệ đối ngoại với Nhật Bản, Chúa Nguyễn Hoàng khéo dùng phép “nhu viễn nhân” (mềm mỏng với người phương xa) để thu phục nhân tâm. Trong 2 thư của Chúa Nguyễn Hoàng hiểu thị (bảo ban) các khách buôn Nhật Bản, gửi năm 1606, trong đó có thư đề ngày 8 tháng 5 niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606), sau khi nhắc chuyện cũ 3 thương thuyền Nhật Bản đến buôn bán, được chúa hậu đãi, nhưng họ lại cướp bóc vật sản của thương nhân, áp bức dân tình, phụ nữ, bất đắc dĩ Chúa phải sai tướng dưới trướng đến hỏi tội họ, Chúa Nguyễn Hoàng đã bày tỏ lòng mình thương cảm đối với các thương nhân Nhật Bản mới đến: “Nay, các ngươi cũng là những thương nhân Nhật Bản, vốn muốn đi đến nước ngoài buôn bán. Các ngươi gặp gió không thuận nên ghé đến vùng đất của nước ta, tự mình dâng lên 5 đôi bình phong. Ta thấy việc đó cũng nảy sinh tình cảm xót xa. Ta trước đã có tờ hiểu thị, khiến các ngươi biết đức độ của ta. Nay, các ngươi lại đến xin lệnh, ta ban cho các ngươi 1 chiếc thuyền lớn đi biển với chiếc cờ 1 mặt (có chữ) “phụng mệnh”, và gửi tặng phương vật đến Quốc vương Nhật Bản gồm 20 cân trầm hương, 5 xấp lụa bạch thục quyên, đợi kỳ gió thuận thì các ngươi trở về đất nước (Nhật Bản). Các ngươi nên bẩm bạch lại đầy đủ khiến mọi người biết được đức “nhu viễn nhân” của ta, tờ hiểu dụ đến nơi, hãy nghe và hiểu rõ ràng. Nay ta có lời hiểu thị!”15. Cần chọn lọc những lá thư tiêu biểu của Chúa Nguyễn Hoàng và Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (thời kỳ còn đứng chân trên địa bàn huyện Triệu Phong) gửi cho Nhật Bản để khắc ghi, phục dựng lại trong không gian Ghềnh Phủ.
Tại địa điểm Dinh Ái Tử, đây là nơi đứng chân đầu tiên của Chúa Nguyễn Hoàng, nơi đây có không gian rộng, ít bị các công trình dân sinh “xâm lấn”, là nơi đắc địa cho việc hình thành không gian tưởng niệm và không gian lễ hội Nguyễn Hoàng - Người mở cõi. Trong không gian tưởng niệm cần xây dựng Đền thờ Chúa Nguyễn Hoàng, thờ Chúa Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn, có phối thờ Nguyễn Kim (cha Nguyễn Hoàng), Nguyễn Ư Dĩ và các bậc khai quốc công thần khác như Mạc Cảnh Huống, Tống Phước Trị… Trong không gian lễ hội, cần thiết kế xây dựng quảng trường và tượng đài Chúa Nguyễn Hoàng với quy mô bề thế, hoành tráng. Không gian nơi đặt tượng đài Chúa Nguyễn Hoàng phải có sự gắn kết hợp lý với không gian xây dựng Đền thờ Chúa Nguyễn Hoàng. Cần dựng Bảo tàng lịch sử thời chúa Nguyễn với quy mô trưng bày tương xứng, bao quát được lịch sử của thời kỳ này như quá trình dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng và Chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Thuận Quảng, sự nghiệp xây dựng và phát triển Đàng Trong của các chúa Nguyễn, việc mở mang giao thương với Nhật Bản và các nước, việc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… và phải ứng dụng công nghệ bảo tàng số, triển lãm số… cho thêm phong phú, hấp dẫn. Cùng với bảo tàng, cần xây dựng Thư viện về Chúa Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn.
Tại các địa điểm Trà Bát, Dinh Cát, cần tôn tạo và dựng bia giới thiệu di tích. Hiện ở đây, Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đã được xây dựng, khánh thành năm 2022, tuy nhiên, cần điều chỉnh một số chi tiết cho phù hợp kiến trúc, mỹ thuật thời Lê Trung hưng và thời chúa Nguyễn. Nhằm trân quý, tôn vinh giá trị pho tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ tại Đền thờ này, làng Trà Liên cần thống nhất đồng ý để UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận pho tượng đồng này là bảo vật quốc gia. Các công trình như Miếu Phủ, Giếng Phủ, ngôi mộ người Việt cổ cần được nghiên cứu, khảo cổ (địa điểm, hiện vật), đánh giá, đưa vào quy hoạch để tiếp tục có hướng tôn tạo thích hợp. Sử dụng kết quả khảo cổ năm 2016 cộng với kết quả khảo cổ mở rộng mới tới đây để đưa ra hướng bảo tồn, tôn tạo di tích, tôn vinh di sản Chúa Nguyễn Hoàng một cách tương xứng, đúng tầm tại các vị trí chiến lược, trọng yếu Ái Tử, Trà Bát và Dinh Cát.
- Khai thác, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể
Trong bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của bất cứ di tích lịch sử văn hóa nào, cần chú trọng toàn diện cả hai mặt “vật thể” và “phi vật thể” của nó. Cái “phi vật thể” (huyền thoại, huyền tích, câu chuyện thiêng… ) làm cho cái “vật thể” càng trở nên lấp lánh hơn, sinh sắc hơn, hấp dẫn hơn. Nhất là với di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)”, nơi dấu tích gốc trên mặt đất gần như là “hoang vu”, việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của di tích này càng cần được đặc biệt chú trọng. Tại Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)”, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Điểm b, Khoản 2, Điều 1 có nêu về một trong những đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch, đó là: giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với các điểm di tích.
Phải nói rằng, cho dẫu dâu bể thời gian đã làm mất đi nhiều vật thể Dinh chúa Nguyễn nhưng những giá trị văn hóa phi vật thể gắn với nó rất phong phú và mãi mãi lưu truyền. Xin nêu một số chuyện tiêu biểu mà việc kể lại, dựng lại thông qua lễ hội, hoặc qua sân khấu hóa, qua tác phẩm văn học nghệ thuật, qua nội dung số, truyền thông số… sẽ góp phần làm cho di tích “sống dậy” mãi mãi với thời gian và nước non này.
Chuyện người dân dâng 7 chum nước cho Chúa Nguyễn Hoàng khi vào trấn nhậm Thuận Hóa là một chuyện hay, giàu ý nghĩa về sức thu phục nhân tâm của Chúa Nguyễn Hoàng. Về chuyện Chúa Nguyễn Hoàng vào Ái Tử, Đại Nam thực lục chỉ viết thuần về sự kiện: “Mậu Ngọ, năm thứ 1 (1558) (Lê - Chính Trị năm 1, Minh - Gia Tĩnh năm 37), mùa đông, tháng 10, chúa bắt đầu vào trấn Thuận Hóa, 34 tuổi. Những người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hoa đều vui lòng theo đi. Dựng dinh ở xã Ái Tử (thuộc huyện Vũ Xương, tức nay là Đăng Xương)16. Nhưng Đại Nam liệt truyện tiền biên không chỉ viết về sự kiện mà còn kể tích chuyện: “Năm Mậu Ngọ (1558) mùa đông Thái tổ vào Thuận Hóa, Ư Tỵ đem con em đi theo. Đến bãi cát Ái Tử (thuộc huyện Đăng Xương) dân đem dâng chum nước trong. Ư Tỵ tâu mừng rằng: “Đấy là phúc trời cho đó. Việc trời tất có hình tượng. Nay chúa thượng mới đến mà dân đem “nước” dâng lên, có lẽ là điềm “được nước” đó chăng?”. Thái tổ nhận lấy 7 chum nước ấy, bèn cắm doanh trại ở xã Ái Tử”17.
Chuyện tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nhiều lần bị trộm lấy đi nhưng không bị mất là một chuyện lạ có thật mà ngỡ như “huyền tích”. Ông Hồ Sỹ Út, Trưởng thôn Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong cho biết: “Lần thứ nhất, thời chống Pháp, khoảng năm 1950, tượng bị trộm đưa ra khỏi chùa Liễu Bông (lúc này, chùa còn và tượng được thờ trong chùa) khoảng 10 - 15m nhưng rồi không khiêng nổi, phải bỏ lại trên đồi cát. Lần thứ hai, cũng dưới thời chống Pháp, tượng bị trộm lấy thả xuống hồ Bút Nghiên, cách chùa Liễu Bông 100m, dân làng phát hiện, khiêng tượng về. Lần thứ ba, năm 1988, lúc này chùa Liễu Bông không còn, tượng được đặt trong nhà xây tạm trên vị trí chùa này, tượng bị trộm hạ xuống, cưa sau lưng tượng một đường cưa, nhưng rồi chúng không lấy tượng đi được. Lần thứ tư, năm 1990, lúc này tượng vẫn đặt trong nhà xây tạm, trên địa điểm chùa Liễu Bông, tượng bị trộm lấy đi, nhưng chúng đem xuống thuyền chở đi thì bị gãy mạn thuyền. Chúng chôn tượng xuống dưới bờ sông. Dân làng đi tìm, dùng thuốn mìn thọc xuống bờ cát và tìm được tượng”. Cũng theo ông Hồ Sỹ Út, năm 1972, có một đơn vị bộ đội ra đa về đóng tại làng Trà Liên (địa điểm gần chùa Liễu Bông). Nhưng ra đa không quay được, có thể do bị ảnh hưởng của pho tượng đồng này. Sau đó, đơn vị này phải chuyển lên đóng ở làng Phú Áng (nay thuộc thôn Phú Mỹ Kiên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong).
Chuyện thần sông Ái Tử bày cho Nguyễn Hoàng cách thắng giặc Lập Bạo năm 1572 bằng mỹ nhân kế là một “huyền tích” cần được kể cho du khách khi đến tham quan Miếu Trảo Trảo phu nhân (sẽ được phục dựng) và cần được dựng lại trong Lễ hội Nguyễn Hoàng - Người mở cõi. Có một tình tiết thú vị đáng lưu ý khi kể “huyền tích” này, đó là phải nêu rõ ngôi miếu này được Nguyễn Hoàng cho dựng lên trước khi đánh Lập Bạo hay sau khi thắng Lập Bạo? Theo Đại Nam thực lục, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nguyễn Hoàng đã cho dựng một ngôi miếu để “họp thề” với Lập Bạo, nghĩa là ngôi miếu này được dựng lên từ trước để chuẩn bị đánh Lập Bạo. Đại Nam thực lục viết: “Chúa lập tức dựng một ngôi đền tranh ở bên bờ sông, chỗ có tiếng kêu “trao trao”, để làm nơi họp thề, và đào hầm đặt phục binh. Đến hẹn, Lập Bạo cùng Ngô Thị ngồi thuyền nhỏ, chỉ vài chục người theo hầu. Khi đến bến, thấy dưới cờ chúa cũng chỉ có vài chục người thôi. Lập Bạo thản nhiên không ngờ, bèn lên bờ thong thả bước đến cửa đền. Thình lình phục binh nổi dậy”18. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí viết tương tự, nhưng viết kỹ hơn, cho biết, ngôi miếu (dựng trước khi đánh Lập Bạo) được Chúa Nguyễn Hoàng cho sửa sang lại, sau khi thắng Lập Bạo: “Đế sai người đến gò cát Trảo Trảo lập ngay một ngôi miếu mà bốn phía đều có đào hào sâu rồi cho phục binh dưới hào ấy; lại sai người già yếu cầm sọt rác và chổi theo hầu vào trong miếu”19, “Vào hạ tuần tháng Mười, Ngô Thị dụ được Lập Bạo đến miếu để thề. Lập Bạo khinh quân của Đế ít ỏi nên một mình đi thuyền đến chỗ hẹn. Đến trước miếu, Lập Bạo thấy Đế khăn áo tề chỉnh, dung mạo nghiêm nghị mà chẳng có quân hầu tả hữu nên y ngang nhiên vào miếu. Đế hô to một tiếng, phục binh bèn nổi dậy, Lập Bạo hốt hoảng bỏ chạy ra bến sông nhưng thuyền đã rời bến. Y bèn nhảy xuống sông, phục binh đuổi theo và giết đi. Quân hầu Lập Bạo đều bỏ chạy tứ tán. Đế thừa thắng tiến thẳng vào dinh giặc. Quân thủy bộ của Lập Bạo chỉ trong một lúc đều tan rã, số còn lại thì xin đầu hàng. Đế cho số lính hàng này đến ở dưới xứ Cồn Tiên, tức nay là tổng Bái Trời vậy. Đế đại thắng liền sai người sửa sang miếu Trảo Trảo, sắc phong là Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch Tương Hựu Phu nhân chi thần, bốn mùa đều hưởng lệ quốc tế, rồi cứ mỗi triều sau vua lên ngôi đều gia phong thêm hai chữ”20.
Chuyện bà Phạm Thị Còng (Tôm), người cứu Chúa Nguyễn Hoàng thoát nạn trên biển được Đại Nam liệt truyện tiền biên kể: “Năm Canh Ngọ (1570), mùa hạ, Thái tổ vượt biển về Nam, thuyền đến cửa biển Thần Phù, dân nhiều người đi theo. Nghe nói quân Trịnh đuổi riết, Ư Tỵ sai quân bơi thuyền đi nhanh. Dây thừng bị đứt. Có người huyện Yên Mô là Phạm Thị Còng dâng một sọt tơ sống để làm thừng kéo thuyền, thuyền bèn đi nhanh (Phạm Thị Còng theo vào Thuận Hóa, đến lúc chết được tặng phong là Thị tùng hỗ giá Phạm phu nhân)”21. Chuyện của bà còn được ghi vào danh mục 133 di tích được công nhận di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh theo Quyết định số 2187/2004/QĐ-UB ngày 16/7/2004 của UBND tỉnh Quảng Trị, số danh mục 132 “Lăng mộ bà Phạm Thị Tôm (Còng) như sau: “Theo các sử sách triều Nguyễn và tư liệu tại địa phương thì vào thời Chúa Nguyễn Hoàng, bà Phạm Thị Tôm (Còng) đã cùng chồng là đội trưởng Tổng Thái Bá Đỗ Thuần và một số quân lính phò Chúa Nguyễn Hoàng vào khai phá, lập trấn thủ ở xứ Thuận Hóa. Trên đường xuôi về Nam thì bị quân Trịnh đuổi theo, chẳng may quai chèo bị đứt, đang trong lúc vô cùng nguy hiểm đó bà đã hiến hai cuộn tơ (vốn được bà đem theo dệt vải) để làm quai chèo, cứu Chúa thoát nạn. Sau này, khi đã ổn định dinh ở Ái Tử, nhớ tới công lao của bà, Chúa Nguyễn Hoàng đã phong chức “Thị giá phu nhân” cho bà Phạm Thị Tôm (Còng). Bà Phạm Thị Còng đã cùng chồng về xứ An Mô khai khẩn đất hoang làm nơi an cư lạc nghiệp. Nhà Nguyễn đã liệt bà vào danh sách các Liệt nữ”. Tựu trung, các di sản văn hoá phi vật thể liên quan đến Chúa Nguyễn Hoàng ở huyện Triệu Phong và tỉnh Quảng Trị cần được khảo sát, đánh giá, hệ thống lại để bảo tồn đầy đủ, khai thác, phát huy giá trị bằng nhiều phương thức truyền tải đa dạng, phong phú.
Với việc đề ra định hướng và các giải pháp vừa sát đúng thực tiễn, vừa có tầm chiến lược, có lộ trình, bước đi vững chắc, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản Nguyễn Hoàng ở huyện Triệu Phong dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng chắc chắn sẽ vượt qua giai đoạn chờ đợi, tìm đường để tạo chuyển biến mới. Đặc biệt, tiềm năng, triển vọng của vấn đề bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản Nguyễn Hoàng ở huyện Triệu Phong, ở tỉnh Quảng Trị càng được nhân lên bội lần khi kết nối với các tỉnh, thành khác trong nước, khi đặt trong tổng thể mối quan tâm chung của cả nước đối với “hành trình mở cõi” của Chúa Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn.
___________
Chú thích:
13. Lê Mạnh Thát, Về tấm bia của Tiến sĩ Hoàng Bính và niên đại tạo lập Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, bài in trong ấn phẩm “Liễu Quán” số tháng 1/2018 của Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán - Huế, NXB Thuận Hoá, Huế, tr. 43.
14. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 31.
15. PGS TS Đỗ Bang (chủ nhiệm đề tài), TS Võ Vinh Quang (sưu tầm, phiên dịch, chú thích), Việt - Nhật thông thư (Các bức quốc thư bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII), NXB Hà Nội, 2022, tr. 66, 67.
16. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập I, sđd, tr. 28.
17. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, tập I, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 76.
18. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập I, sđd, tr. 31.
19, 20. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch và chú giải, NXB Thế giới, Hà Nội, 2021, tr. 444.
21. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, tập I, sđd, tr. 76.