Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mây về thành phố

Tôi làm đơn xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chú Ngụ. Không gói ghém gì nhiều, chỉ cần bỏ vào túi cái khăn mặt, chai dầu gội, bàn chải đánh răng và một vài đồ dùng để phòng khi cần đến. Nhà tôi cách bệnh viện bốn cây số, cách nhà chú Ngụ năm cây, nó nằm trên hai trục đường khác nhau.

Con Hixa thấy tôi chuẩn bị đồ dùng tới ngửi rồi đưa chân trước đặt nhẹ lên chân tôi. Biết rằng nó muốn đi, nên khi chiếc xe nổ máy, thấy tôi chẳng có phản ứng gì Hixa sẵn sàng nhảy lên phía sau ngồi chồm hổm. Đoạn xe chạy qua dốc, gió thổi vù vù, tôi nhìn Hixa từ gương chiếu hậu, búi lông trắng trên đầu và tai bị gió đè bẹp xuống, nó thè chiếc lưỡi đỏ au, thỉnh thoảng cào nhẹ vào lưng tôi, dường như tôi chạy hơi nhanh khiến Hixa cảm thấy không an toàn.

Bệnh viện, tầng ba, phòng 308, chú Ngụ nằm nghiêng trên giường bệnh, chân phải và tay trái bị gãy, ở má bị trầy xước nhẹ nhưng môi sưng vều. Có lẽ nó trông mặt chú rất khác so với thường lệ, trước đó tôi chưa hề quen biết chú. Tai nạn là nguyên nhân dẫn tôi đến đây. Tôi gõ cửa rất khẽ, chú dùng tay phải tì xuống giường kéo người ngồi dậy nhìn tôi vẻ ngạc nhiên.

- Răng cháu vô giờ ni?

- Con Hixa, nó đang ở góc cầu thang…

Tôi ra vẻ lí thú, mặt chú Ngụ tươi hẳn lên, chú kéo người tới gần mép giường rồi ra hiệu cho tôi đẩy chiếc xe lăn tới. Chú dùng tay phải vịn vào người tôi, trụ người đứng dậy bằng chân trái, được rồi, chú mừng khi đặt người vào chiếc xe lăn. Tôi đẩy chiếc xe đi và tôi không quên quan sát những con mắt dò xét của những người trong bệnh viện. Nhất là các cô điều dưỡng và y tá. Này là giờ túc trực của các cô, bệnh nhân đi đâu, làm gì phải báo. Tôi bỏ qua lệ thường, tới đoạn gần chân cầu thang thì bị một bác sĩ chặn lại.

- Đưa bệnh nhân đi đâu?

- Tôi cho chú ra ngoài chút cho thảnh thơi.

Bác sĩ hài lòng bởi câu trả lời và việc làm của tôi. Đẩy nhanh chú Ngụ tới chân cầu thang, tôi chạy ra gầm gọi con Hixa, nó rón rén bước tới. Vừa nhận ra chú Ngụ, nó phóng nhanh đến chồm lấy chú khiến chiếc xe lăn đổ nhào. Tôi hốt hoảng đến dựng chiếc xe rồi đỡ chú lên. Chú Ngụ vẫn nghiêng người ôm cổ con Hixa, hôn lên đầu nó rồi xoa xoa vào lưng. Đoạn đưa chú ngồi lên xe, chú cười.

- Được rồi, ở đây lâu bệnh viện sẽ rầy, về nhà đi.

Tôi nhờ một người trên hành lang đẩy chú Ngụ về phòng bệnh để đưa con Hixa về nhà. Chiếc xe lăn đi chậm, chú Ngụ vẫn quay lại nhìn chúng tôi, Hixa cũng thế. Tôi kéo mạnh nó hơn, dường như hiểu được mệnh lệnh của tôi, con Hixa không quay lại nữa. Về nhà, mẹ ở tầng trên hỏi với xuống, tôi chỉ trả lời cho qua chuyện rồi lấy thức ăn cho Hixa, cho nó uống nước rồi khóa cửa. Con Hixa rên ư ử khi tôi dắt xe đi, tôi ngoái lại.

- Ở nhà đó, tối rồi tính tiếp.

Hôm chú Ngụ dắt con Hixa trên đường, tôi gọi trổng “Hixa”. Đó là cách làm thường lệ, khi bắt gặp con chó nào đó mà thâm tâm tôi nghĩ đó là con chó gia đình tôi bị lạc. Tìm lại Hixa là tâm nguyện của bố tôi. Ông ấy hi sinh vào đúng ngày thành phố giải phóng. Nên khi bắt gặp con chó có màu lông trắng, mình cao lớn, tướng đi rất oai phong là tôi gọi Hixa. Nó giằng dây nhảy cẫng chạy theo tôi, khiến chú Ngụ ngã nhào và kéo lê chú đi một đoạn dài. Sau đó Hixa nhảy lên yên xe của tôi. Lúc tôi hốt hoảng quay xe trở lại, chú Ngụ thều thào:

- Gọi xe đưa chú vào bệnh viện và tuyệt đối không được đánh con chó.

Sự việc chỉ mới diễn ra vào hôm trước. Giờ tôi và chú Ngụ đã quen nhau. Chú cười bảo đó là họa nhưng duyên. Tôi lấy nước cho chú Ngụ uống, chú bảo:

- Con Nhặt không đòi đi à?

- Nhặt mô chú?

- Con cháu gọi Hixa đó, hắn tên Nhặt.

Rồi câu chuyện chú Ngụ nhặt con chó trên nền nhà đổ nát của thành phố hiện về như lát cắt của cuộc sống. Lúc đơn vị chú tiến về giải phóng thành phố, mọi thứ đã tan hoang. Trong đống đổ nát, cạnh một đồng chí ngã xuống có chú chó nằm buồn xo, mắt ướt…

- Con chó chú nhặt cạnh đồng chí ấy nó là con Nhặt? - Tôi hỏi chú Ngụ.

- Không, con chó chú nhặt thuộc về mấy thế hệ trước đây của con Nhặt.

- Chú có biết tên, hình dáng con chó đầu tiên ấy không ?

- Tướng mạo rất oai phong, như con Nhặt bây giờ, tên thì chú không biết. Lúc đó mọi thứ hoang tàn đổ nát, thành phố không một bóng người, có lẽ đi theo chú là lựa chọn cuối cùng của nó.

Minh họa: Trần Phú

Minh họa: Trần Phú

Lần theo câu chuyện của chú Ngụ, về địa điểm của sự việc, tôi biết người hi sinh trong đống đổ nát đó là bố tôi. Con chó chú Ngụ mang về ngày đó có thể là Hixa. Như thế là con Hixa đã chết, cuối cùng tôi không hoàn thành được di nguyện của bố dù đó là lí do khách quan. Có một chút nuối tiếc và thất vọng hình thành trong tôi. Lúc chú Ngụ ngủ lim dim, tôi bước ra lan can nhìn về phía thành phố. Những mái nhà ngói đỏ, những mái nhà tôn xanh, con đường tôi thường đi ngoằn ngoèo như nét vẽ giữa lòng đô thị. Chập tối, từ lầu ba của bệnh viện cũng có thể thấy ánh đèn rực sáng. Tôi nhìn về phía dòng sông, nơi nhà tôi ở, nơi có chiếc cầu thao thức nhìn dòng sông trôi. Giờ này chắc mẹ tôi đã ngủ. Tôi giấu mẹ sự việc về chú Ngụ, chỉ giải thích về con Hixa, tôi bảo tôi nhặt được ở trên phố chờ người ta nhận lại hoặc nếu không có ai nhận thì con Hixa sẽ sống với chúng tôi. Lúc đầu, mẹ tưởng tôi đã tìm thấy con chó của gia đình. Sau mẹ ngạc nhiên vì con Hixa rất thân thiện với mẹ ngay từ ngày đầu mới gặp. Giống chó không như thế, chúng rất dò xét và cảnh giác thậm chí tấn công người lạ.

- Hay hắn chính là con Hixa… - Mẹ tôi thầm nghĩ.

- Con không biết, nhưng chắc không phải đâu, mấy chục năm trời rồi - tôi trả lời mẹ.

Mẹ gật đầu, tay vẫn thoa lên lưng con chó. Tôi cảm thấy bùi ngùi, tôi biết trong lòng mẹ giờ đang ngổn ngang câu chuyện về bố, về mái nhà nhỏ giữa thành phố và bà con xung quanh. Những thứ giản đơn nhưng nó thuộc về gia đình, nơi sản sinh ra hạnh phúc. Mười giờ tối, chú Ngụ giục tôi về. Chú còn bảo ngày mai không cần phải đến, cứ đi làm và chăm con Nhặt cho chú. Tôi bảo đã cắt phép, chú không hài lòng.

- Trả phép đi, việc nhỏ chưa chi đã vội vàng.

- Bởi cháu không thấy người nhà của chú.

- Con bé tháng tới mới về nước, con trai chú thỉnh thoảng có đến nhưng không gặp cháu thôi.

- Họ có trách cháu không?

- Làm sao biết mà trách.

Thì ra chú Ngụ không nói việc tôi gọi con Hixa gây thương tích cho chú, gia đình chú chỉ đoán già đoán non về con Hixa. Chú bảo, những gì không đáng thì đừng lôi nhiều người vào, câu chuyện chỉ thêm rườm rà. Con trai chú bảo không tìm lại con chó nữa… tôi nghe đến đây thấy mừng, về nhà biết chuyện này mẹ mừng đến quên ăn, cứ ngồi suốt buổi vuốt đầu con Hixa rồi nhìn lộc vừng rơi trên đường phố. Mùa này, con phố nghiêng nghiêng theo những chuỗi hoa lộc vừng đong đưa theo gió. Loài hoa này nở vào chiều muộn, sáng mai ra quanh gốc cây một vòng tròn màu đỏ tươi, ai thức dậy sớm sẽ nhìn thấy những bông hoa đỏ tươi nhẹ nhàng lìa cành, chao nhẹ nhàng trong gió và đáp xuống những mặt hoa đã lót thảm vào những phút trước đó. Những thảm hoa trải dài con phố, màu đỏ ấy kéo dài suốt vỉa hè tới cuối những dãy nhà quanh khúc cua.

Tôi trả phép, cơ quan bàn việc chiều nay thăm bố sếp Từ. Ông ấy bị ốm nằm viện. Tôi chau mày nghĩ đến chú Ngụ, có khi nào chú là bố của sếp Từ không? Có lẽ đây là sự trùng hợp. Tôi tự trấn an mình. Việc tôi và con Hixa gây ra chẳng mấy hay ho. Sếp Từ mới về cơ quan hơn một tháng nên mọi người vẫn chưa biết nhiều về sếp, nhất là về gia đình. Tôi đi qua văn phòng, mấy chị em nháo nhác.

- Tùng, có đi thăm bố sếp Từ không?

- Ông cụ ốm à?

- Ốm đã may, gãy chân và tay…

Tôi lặng người đi lên phòng, lúc sau chuông điện thoại reo, mọi người giục nhau vào bệnh viện. Chặng đường bốn cây số khá thân quen gần gũi hôm nay dài ngao ngán. Tôi như người mất hồn, trên xe lúc này không có sếp Từ, sáng này ông ấy vào bệnh viện đưa bố đi kiểm tra lại một số thứ. Mọi người quay qua phía tôi.

- Tùng mê chó cho lắm, bố sếp nghe đâu bị tai nạn vì chó đấy.

- Bố sếp Từ tên chi? - Tôi hỏi, mọi người bảo không biết, chỉ biết nằm tầng ba, phòng bệnh 308…

Đến đây thì mọi thứ có vẻ không còn là trùng hợp. Chú Ngụ chắc chắn là bố sếp Từ. Tôi đưa hai tay vuốt mặt, đoạn xuống xe tôi chần chừ. Lúc tới khoa bệnh, bảo vệ chặn lại, bảo chỉ được vào không quá hai người, thời gian thăm không quá mười phút vì đây đang giờ khám bệnh, châm chước lắm mới cho vào. Nếu muốn thăm không giới hạn thì đi vào trưa hoặc chiều tối. Tôi bị đẩy vào trong, chị văn thư kéo tôi lại bảo để chị đi, chị còn mang quà. Tôi bước trở ra, lòng thở phào nhẹ nhõm. Lúc mọi người thăm bệnh ra, tôi nắm tình hình cho dễ bề hỏi chuyện, đoạn hỏi tên bố sếp Từ, mọi người cười xòa bảo không biết.

Tối đến tôi cùng Hixa cuốc bộ trên đoạn đường dài. Nó đi về hướng bệnh viện. Không đoán chắc là nó muốn đi đâu nhưng tôi tò mò theo sau. Con Hixa bám vỉa hè, đoạn đèn đỏ nó dừng lại, đèn xanh hiện hình người nó đi vội qua. Chốc chốc nó quay lại nhìn tôi rồi đi chậm kiểu như chờ đợi. Những đoạn phố vắng, lác đác người qua, mọi thứ rất yên bình. Đó cũng là thứ tôi yêu nhất ở đây, cuộc sống không quá xô bồ, vội vã. Thành phố nhỏ bé như lòng bàn tay và hết thảy những con người đều quen mặt nhau. Đó có lẽ là điều đặc biệt nhất khi ai đó hỏi tôi về nơi mình sinh ra. Tôi sẽ bảo với họ như thế. Và tôi sẽ nói thêm về bố tôi, giờ phút ông hi sinh để thành phố được giải phóng, về con Hixa và chú Ngụ… những thứ giản đơn, trong trẻo đối với tôi. Con Hixa có bước nhanh hơn, đoạn sau thì nó chạy chậm, lúc này tôi biết chắc nó muốn đi vào bệnh viện. Đoạn đường dài nó cứ đánh hơi rồi tiếp tục đi, "Hixa", tôi gọi. Con Hixa đứng lại đợi tôi. Đoạn tôi đến, nó đi tiếp.

Tôi và Hixa chui vào cổng phụ của bệnh viện, lặng lẽ và thận trọng đi qua hàng cây rồi đi phía cầu thang bộ, Hixa rên ư ử, hình như nó mừng vì sắp được gặp chú Ngụ. Tôi ra hiệu cho nó lặng im, nó dụi đầu vào hông trong khi tôi đang cúi đầu quan sát.

- Mày ở yên đây, tao cần phải đi coi trước tình hình, nếu ổn lên phòng 308, giờ này chú Ngụ không ra ngoài được.

Tôi đi thong dong, lỡ có ai bắt gặp khỏi nảy sinh nghi ngờ. Con Hixa ngồi chờ ở gốc cây. Tôi lên tầng ba, từ đầu đến cuối dãy không một bóng người, quan sát vài phòng đầu tiên, người nhà và bệnh nhân đã ngủ. Tôi quay lại tầng trệt huýt sáo gọi Hixa, nó nhẹ nhàng chạy, trong ánh đèn vàng lông con Hixa lấp lánh đến kì lạ. Từng bước chân bật xa, hai tai rung rung và mắt nó rực sáng. Tôi níu con Hixa lại, chúng tôi thận trọng lên tầng ba. Đến phòng 308 một cách an toàn, tôi nhìn Hixa cười rồi rón rén mở cửa, con Hixa nhanh chân bước vào, nó đi lọt cánh cửa rồi đừng im thin thít chứ không tiến tới chỗ chụ Ngụ. Tôi sững sờ, trước mặt chúng tôi là sếp Từ với gương mặt cương nghị, chiếc kính trắng trễ xuống mũi. Sếp nhìn tôi rồi nhìn con Hixa. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, càng khó hơn khi sếp Từ chẳng nói gì. Tôi nghe hơi thở chú Ngụ kéo nhẹ. Đoạn này tôi mong chú thức dậy hoặc con Hixa chủ động làm một cái gì đó nhưng nó lặng im. Sếp Từ chau mày, con Hixa tiến tới chỗ chú Ngụ, nó liếm nhẹ vào tay. Chú Ngụ tỉnh giấc nhưng vẫn nằm yên mỉm cười nhìn nó, chú túm lấy tai kéo nó đến gần hơn, nó ngoan ngoãn nhích thêm một chút, sếp Từ bảo với tôi.

- Thủ phạm là đây đúng không? Biết thăm nạn nhân nữa đấy. - Sếp nhìn về phía con Hixa.

- Do tôi đã gọi tên Hixa, nó mới kéo ông cụ.

- Nó tên Nhặt, Hixa liên quan gì đến nó.

- Hixa là tên con chó trước đây của gia đình tôi, là thế hệ trước của con Nhặt...

- À, tôi nghe ông cụ kể rồi, nhưng làm sao con Nhặt biết Hixa là tên của con chó thế hệ trước nó.

Tôi nhìn qua phía chú Ngụ, chú không nói gì. Sếp Từ bảo sẽ cân nhắc về việc có nên để con Nhặt trở về nhà không. Chú Ngụ vuốt đầu con Nhặt.

Chú bảo:

- Con Nhặt ở đâu cũng được…

- Quyết định đó không thuộc về chúng ta. Con Nhặt là của con bé Mây bố à.

Một lúc sau không khí bớt căng thẳng, sếp Từ nhìn tôi nhưng tôi cố tình lảng tránh ánh nhìn đó. Ông đến gần vỗ vai tôi rồi bảo:

- Đem nó về đi, cuối tuần ông cụ ra viện, con bé Mây về nước, đoạn đó tính chuyện con Nhặt. Dù sao tôi cũng cảm ơn cậu đã chăm sóc ông cụ và chăm nom cho thủ phạm này.

Đoạn sếp Từ vuốt đầu Hixa, nó mừng quýnh kiểu như được xá tội rồi chạy ra cửa, tôi theo sau, nụ cười chú Ngụ còn sáng trên môi. Chúng tôi xuống tầng trệt, cánh cửa phụ bị khóa, Hixa cào cấu, tôi vỗ nhẹ trấn an nó rồi tiến về phía bảo vệ.

- Tôi xin lỗi, tôi muốn ra ngoài.

Bảo vệ hết nhìn tôi rồi nhìn con Hixa.

- Chó của lão Ngụ à? - Bảo vệ hỏi.

- Sao chú biết?

- Lão Ngụ thì ai không biết, lão là anh hùng của thành phố, chính lão đã dẫn quân chiếm lô cốt, giải phóng thành phố, tuổi trẻ bây giờ ít xem ti vi và lười đọc sách báo nên không biết cũng phải.

Tôi gật gù vừa đi vừa ngẫm về mấy lời của bác bảo vệ. Hixa và tôi được ra ngoài một cách thuận lợi. Trên đường về tôi thảnh thơi chạy trước, con Hixa đuổi theo sau. Thành phố yên ắng đến lạ lùng. Đến nhà thì tôi nhận được tin nhắn của sếp Từ: “Cuối tuần cậu ra sân bay đón Mây cùng tôi, nhớ mang theo con Nhặt”. Tôi trả lời đồng ý với sếp Từ rồi bắt đầu tìm một vài tài khoản mạng xã hội có tên là Mây, rất nhiều hình đại diện, cô nào cũng xinh đẹp. Chỉ riêng một tài khoản tên Mây lấy ảnh của Hixa làm hình đại diện. Đó có lẽ là người tôi đón vào cuối tuần này cũng là người quyết định con Hixa được ở với ai.

 

HOÀNG HẢI LÂM

Mới nhất

Dọn nhà cuối năm

02/01/2025 lúc 10:02

Đã thôi những cơn mưa dai dẳng, chỉ thi thoảng mới có vài thoáng phùn như là mưa xuân buổi sáng sớm, tới trưa hửng chút nắng kéo tận chiều. Xuân tới rõ ràng từ độ giữa tháng chạp.

Nối vòng tay nhân ái hỗ trợ người nghèo đón Tết

17 Giờ trước

TCCVO - Tối 3/1, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh,Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

02/01/2025 lúc 16:31

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025

01/01/2025 lúc 17:24

TCCVO - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2025, tối 31/12/2024, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị

Lễ hội Vì hòa bình 2024: Giá trị nhân văn để tiến vào kỷ nguyên mới

31/12/2024 lúc 09:36

 Năm 2024, dấu ấn đậm nét nhất trên mảnh đất Quảng Trị là lễ hội Vì hòa

Bồi dưỡng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí

28/12/2024 lúc 22:39

TCCVO - Sáng ngày 28/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khai mạc khóa bồi dưỡng “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tác nghiệp báo chí” cho 38 học viên là phóng viên, biên tập viên, Tạp chí Cửa Việt, Báo Quảng Trị, Đài PTTH Quảng Trị, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/01

25° - 27°

Mưa

07/01

24° - 26°

Mưa

08/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground