Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dọn nhà cuối năm

Đã thôi những cơn mưa dai dẳng, chỉ thi thoảng mới có vài thoáng phùn như là mưa xuân buổi sáng sớm, tới trưa hửng chút nắng kéo tận chiều. Xuân tới rõ ràng từ độ giữa tháng chạp.

Ông trời xứ này cũng khéo tính toán sắp đặt cho người ta có chút thuận lợi để dọn dẹp nhà cửa, hay chạy chợ bán buôn kiếm đôi đồng ăn Tết. Ở cái dải đất miền Trung thời tiết khắc nghiệt bao đời, nhất là từ cuối thu cho đến đông chí luôn mưa bão khiến dân tình lao động tự do làm ăn phải thất thế thất thường. Thế nên cái dịch vụ dọn dẹp nhà cuối năm, xem ra cũng là một nghề mới mọc ra, mà nhanh chóng thịnh hành.

Buổi trưa, lúc ra công viên tranh thủ ghế đá ngả lưng nghỉ ngơi, anh thấy trong mớ đồ phế thải nhà chủ cho có một cuốn sách, lật xem vu vơ thì phát hiện tờ giấy màu xanh xám. Anh đã nhìn thấy tờ giấy này vài lần nhưng chưa bao giờ cầm được nó trên tay.

- Ui chao, một trăm đô la.

Anh hét lên khiến vợ đang thiu thiu ngủ trên băng ghế gần đó phải vùng dậy, rớt luôn cái lưng to bè ra khỏi mặt đá hoa cương. Khi chị bước tới thì anh lật tiếp sách và tìm thêm được mấy tờ giống như thế nữa. Cả thảy chín tờ như nhau.

- Tiền âm phủ à? - Chị hỏi, vừa hớn hở lại vừa cẩn trọng để không bị mừng hụt.

- Phủ đâu mà phủ, không thấy nó óng ánh thế này hả.

Vừa nói anh vừa lật nghiêng nghiêng tờ tiền trước mặt. Ánh sáng buổi trưa soi chiếu làm dải ruy băng màu xanh vạch ngang giữa tờ tiền lấp lánh, mấy hình quả chuông nhỏ xíu nhấp nháy chuyển thành các số 100. Đúng là tiền thật mới có thứ óng ánh đó.

- Đô bữa nay mấy rồi?

- Ai biết đâu. Có tiền đô bao giờ đâu mà biết, hình như hai mươi mấy.

Nhẩm tính rất nhanh, anh ướm đoán.

- Chừng này cỡ hai chục triệu ấy chứ.

Nói rồi anh đưa cả tập tiền cho vợ. Chị măn mo tờ tiền trong tay, mắt sáng lên theo những ánh kim trên dải ruy băng tờ tiền.

Minh họa: Trương Đình Dung

Minh họa: Trương Đình Dung

Cuối năm đi dọn dẹp nhà cửa thuê, thế nào người ta cũng sẽ vứt một đống đồ hư hỏng, hết hạn, không dùng nữa. Lúc người ta sai bỏ luôn ra vỉa hè cho nhân viên lấy rác, chị thường ngắm nghía rồi chọn lại những thứ có thể bán được. Một vài đồ máy móc thiết bị không dùng nữa, hay một chồng giấy báo tạp chí… tất tần tật có thể đem đi bán đồng nát cũng kiếm thêm được dăm ba chục ngàn như chơi.

Có lần người ta vứt chiếc máy cát-sét, chị toan đem đi cân đồng nát thì có người tấp vào vỉa hè hỏi han, rồi mua luôn với giá năm trăm ngàn. Cái máy hát lỗi thời ấy nếu đem đi bán đồng nát quá lắm được chục ngàn bạc thôi, ấy vậy mà họ cho chị cả tờ pô-li-me xanh. Sau lần ấy chị biết trong mớ rác của nhà giàu đôi khi lẫn những thứ đồ độc, đồ xưa mà giới sưu tập rất thích.

Sách thì với chị nó không có ý nghĩa gì nhiều, hẳn nó không phải đồ quý, mấy lần trước chị đều đem bán cân ký, mỗi cân bốn ngàn đồng. Thứ sách cũ nhàu ấy, người ta mua cho đã là may, chị nghĩ vậy nên chẳng bao giờ lưỡng lự khi đứng trước một chồng sách nhà chủ vứt ra, chỉ ướm xem chừng đó được mấy cân.

Cuốn sách trưa nay cũng thế thôi, bìa da màu nâu, bên rìa mép bị lũ gián gặm nham nhở, nhìn thôi là biết đã lâu chẳng ai động đến. Chị mở ra thấy nó toàn chữ tây chữ tàu gì đấy. Chị ít học nhưng cũng đủ rành rọt tiếng mẹ đẻ a bờ cờ, rõ ràng nó không phải sách tiếng nước mình, mấy ai đọc cho hiểu mà sưu tập thứ này. May thay, trong cuốn sách bìa da cứng ấy lại có chín tờ tiền đô la. Trúng cú này thì ngon ăn hơn cả cát-sét hôm bữa.

- Giờ tính sao? - Anh hỏi. Anh muốn nghe ý kiến của vợ vì rõ ràng mớ đồ cũ này lúc sáng người chủ cho chị.

- Hai chục triệu mua được cái xe máy cho thằng cu đấy nhỉ?

- Ý tôi là giữ luôn hay là, hay là… trả lại cho người ta.

Không chút ngần ngại, chị bật luôn:

- Trả làm gì, người ta cho mình mà.

- Nhưng người ta cho sách chứ đâu có cho tiền?

- Thì mình cũng đâu có xin tiền, đâu có ăn cắp.

Dường như thấy chồng không vừa ý với cách phân định, chị nói thêm:

- Giả sử anh không lật sách ra, mình đem bán đồng nát cả mớ này, thì sao.

- Ờ, cũng có lý. Nhưng chỉ áy náy chút thôi.

- Áy náy gì cho nhọc. Thôi ngủ chút, lát tới làm tiếp.

Nói xong chị sung sướng cất mấy tờ đô vào cái bóp xẹp lép, lại lận bóp vào cạp quần bên hông, vỗ vỗ chắc chắn và đặt lưng xuống ghế đá. Lát sau, chị lại đưa tay lần tìm cái bóp, rồi nghiêng người để dằn bóp xuống phía dưới, sát mặt ghế đá, cho chắc ăn.

Theo nghề dọn dẹp cuối năm chuyện ngủ ngáy ban trưa rất qua loa. Từ sau hai mươi tháng chạp, vợ chồng anh chị tất bật hơn, gắng hết sức làm như không biết mệt mỏi là gì. Dọn nhà, ấy gọi là nghề cũng được, không cũng chả sao, miễn có tiền. Ba năm nay cứ đến lúc gieo dặm xong vụ lúa đông xuân chị từ làng lên phố, làm mải miết cho đến tận ngày hai bảy, hai tám mới thôi. Chỉ hơn chục ngày công đi dọn dẹp nhà cửa cho người ta mà kiếm được bằng làm cả vụ lúa ngót nghét ba tháng trời.

- Nghề này kể ra cũng vui, nhỉ, thỉnh thoảng trúng mánh.

Nghe chồng nói, chị biết thế là anh cũng đã xuôi lòng, yên tâm hưởng xái tiền trong mớ đồ cũ. Chị thì đã quen chuyện này nhưng anh chỉ mới lần đầu, nên hơi ngần ngại. Bình thường mấy năm trước giờ này anh đang đi làm thợ hồ, gần Tết mấy công trình chạy đôn chạy đáo lo hoàn tất. Chỉ năm nay đất đai đứng ngắc, cũng chả mấy ai xây dựng gì, thợ hồ thợ nề rảnh rỗi suốt, thế là chị rủ anh đi làm cùng việc dọn dẹp.

Nhiều nhà họ muốn thuê đàn bà làm cùng đàn ông. Mà cả cặp vợ chồng người ta càng thích, càng yên tâm. Có thêm anh công việc nhanh hơn nhiều, nhất là những việc khó, cần đến đàn ông như trèo chặt mấy cành cây vươn rậm rạp, bưng bê xê dịch mấy chậu cây cảnh. Đàn bà tuy tỉ mẩn khéo léo hơn nhưng chỉ xoay quanh mấy việc quét dọn lau chùi, sắp đặt những thứ lặt vặt nội thất. Từ ngày có anh cùng đi dọn dẹp, phần quét mạng nhện trần nhà, hay lau chùi bàn thờ chị đều để anh làm.

Những phần việc có giao kèo hẳn hoi giữa gia chủ và người dọn dẹp, tất cả đều trao đổi thống nhất bằng miệng, kể cả tiền công cán tính theo giờ hay khoán trọn gói. Ba năm theo nghề, chị đã quen với cách tính tiền trọn gói, chỉ cần nhìn sơ qua là ngã giá ngay và đa phần người chủ cũng gật đầu ngay. Cuối năm, chẳng ai đi so đo đồng bạc với kẻ làm thuê. Chị làm có tâm, nên những nhà đã thuê năm trước thì năm sau họ lại ới chị. Quen nhà, quen luôn chủ, chị cứ thế mà làm. Lại có khi nhờ uy tín mà người ta giới thiệu cho những mối khác để dọn dẹp.

Ví như ngôi nhà hôm nay là người ta mới thuê chị lần đầu, do một người quen chị giới thiệu. Mấy hôm trước chị đã ghé qua xem nhà, nhận việc và giao kèo. Chủ khoán trọn gói triệu rưỡi, yêu cầu làm trong một ngày phải xong, chị muốn kêu thêm ai thì kêu. Ướm tính, chị nghĩ chỉ cần thêm chồng mình nữa, làm tích cực một ngày là được. Triệu rưỡi coi như chị hưởng trọn.

Sáng hôm nay lúc đứng trước ngôi nhà ba tầng chờ người ta mở cổng, anh đã hục hặc với vợ:

- Tận ba tầng mà làm một ngày thì lòi con mắt chứ chẳng chơi.

- Anh đừng lo, em xem qua rồi. Nhìn ngoài vậy thôi, vào trong cũng khá tươm tất đấy, không nhiều việc lắm đâu.

Cô chủ mỉm cười đon đả mở cổng, rồi bỗng có chút ngại ngùng khi nhìn thấy anh. Anh cũng hơi luống cuống vụng về. Trong khi đó chị đã đi tót vào sân nhanh chóng mở túi đồ nghề lấy khăn trùm mặt và găng tay ra đeo.

Từ cổng đi vào, cô chủ và anh chẳng nói với nhau được lời nào, vì dễ hơn hai chục năm rồi họ mới gặp lại nhau, trong một hoàn cảnh éo le thế này, người thành bà chủ giàu sang, kẻ đi làm thuê mạt hạng.

Choàng khẩu trang lên tận mí mắt dưới, anh cố giấu cảm xúc để vợ không phát hiện biểu cảm lúc này. Ôi cái cô chủ nhà, là người bạn cùng khóa khi xưa anh từng si mê một thời học trò cấp ba, nhưng anh không được người ta để tâm chút nào. Chính xác thì có một lần, vào kỳ thi cuối cấp, anh đã chuồi cho cô một tờ đáp án môn toán để cô chép vào bài làm. Thời đó anh học khá, cô thì chỉ được cái xinh đẹp chứ học yếu đến mức ai cũng nghĩ cô sẽ rớt tốt nghiệp. Ngày đi dò kết quả bạn bè lướt xem điểm toán của cô mà ngạc nhiên vô cùng, tận chín điểm, bằng đúng điểm số của anh.

Chín tờ đô la hôm nay, phải chăng là cô cố ý kẹp vào cuốn sách để trả ơn cho anh. Anh nghĩ, rồi chợt dấy lên một chút đau lòng, rằng thế là cô đang chơi trò sòng phẳng với anh, cô không muốn nhận một chút tình cảm gì của chàng trai học tài lận đận năm xưa. Hay là cô đang thương hại anh cũng nên.

- Này, ngủ à?

Anh gọi với qua, vợ đang ngáy khò khò trên ghế đá. Vợ anh đúng là chẳng thể so bì nhan sắc với người ta, nhưng được cái siêng năng và… dễ ngủ, bạ đâu cũng ngủ được.

- Mấy giờ rồi, đi hả?

- Còn sớm, mới mười hai rưỡi, ngủ tiếp đi.

- Điên à. Tưởng đã quá chiều. Thế kêu dậy làm gì.

- Nhà người ta có lắp camera đấy. Lúc sáng tôi để ý tầng nào cũng có đến hai, ba con.

- Thì sao?

- Trả lại tiền cho người ta chứ sao. Họ xem lại camera là thấy ngay mình bưng thùng giấy đi. Có khi người ta cố tình để tiền vào để thử lòng tham của mình đấy.

- Đã bảo là người ta cho mà. Người ta cho cái gì mình nhận cái đó, hên xui ai biết.

- Cho thật à? Hay em...

- Lại nói điên nói khùng rồi. Ai thèm ăn cắp mớ giấy lộn.

Nghỉ trưa một loáng, anh chị lại đến căn nhà ba tầng làm nốt việc. Xem ra căn nhà này cũng dễ dọn dẹp. Nhà mặt phố nên không có vườn tược, đỡ mất công anh chặt cành cây hay làm cỏ. Khoảnh sân nhỏ dăm ba chậu kiểng bonsai biếng lười chăm sóc chỉ cần tỉa tót chút là được. Thế là may cho anh, chứ không gặp đận này leo trèo hay bưng bê thì vất vả hơn. Bữa đầu năm đi làm thợ nề bị sập giàn giáo, chân trái của anh gẫy ngang phải vào bệnh viện trung ương mổ, bắt vít nẹp cố định xương. Nay thì cái chân đã tạm lành nhưng anh vẫn phải đi cà nhắc và không làm được việc nặng.

Cả năm trời từ bữa gãy chân anh không còn theo nghề thợ nề, trong khi đứa con đã vào năm cuối sinh viên. Vừa rồi chị phải đi vay tiền để gửi cho con đóng học phí kỳ cuối. Vụ sập giàn giáo khiến anh chị chật vật hơn. Ra Tết tới đây lại phải mua cho thằng con chiếc xe máy để nó đi thực tập nữa chứ. Gia cảnh anh chị, đám “đồng nghiệp” dọn dẹp đều biết cả, nên có mối nào ngon họ đều nhường cho. Hôm trước dẫn chị đến xem cái nhà ba tầng này, người dẫn mối đã trình bày một thôi một hồi hoàn cảnh chị, khiến chị ngại vô cùng.

Suốt buổi chiều, anh vừa làm vừa nghĩ ngợi đủ thứ chuyện. Chuyện hệ trọng nhất lúc này là mấy tờ đô la, xử lý thế nào cho ổn cũng đau đầu. Nghèo, thì đã nghèo rồi. Khó, cũng khó rồi. Nhưng mình có tự trọng chứ, thêm nữa đây lại là nhà của cô bạn gái thời học trò, anh vừa tự ái vừa tự ti. Anh không muốn bị coi thường, càng không muốn được thương hại. Quay sang vợ, anh bảo:

- Lát xong việc trả lại cho người ta đi. Tôi thấy khó chịu.

Chị không tỏ vẻ đồng ý hay phản đối, chỉ im lặng cúi đầu lau sàn nhà. Anh cũng không hỏi thêm nữa, thôi thì nhất vợ nhì trời, tùy.

Với tay khua sào quét mạng nhện, mắt anh cũng đảo liếc nhìn bức hình đôi vợ chồng đang lồng khung treo bên vách. Cô xinh xắn nên lấy được chồng giàu, kể cũng xứng đáng quá. Hai người trông thật đẹp đôi, rạng ngời. Anh khua cái chổi toan quét luôn chỗ đó, nhưng thôi.

- Này anh, ai giàu có cũng sống cũng hạnh phúc ấy nhỉ?

- Chưa chắc.

Sáu giờ tối, căn nhà đã đâu vào đấy, sạch sẽ ngăn nắp. Không còn mạng nhện chăng ngang chăng dọc trên trần. Đồ đồng đồ sứ trên bàn thờ sáng choang. Bàn ghế tủ bếp sạch tinh tươm. Anh ra quán nước gần đó ngồi đợi, vợ chờ cô chủ nhà về kiểm tra và trả tiền. Anh muốn tránh mặt lúc này. Nửa tiếng sau vợ đi ra.

- Cô chủ cho thêm, là được hai triệu luôn nhé. Hôm nay gặp được chủ nhà xịn.

- Còn mấy tờ đô, trả cho người ta rồi chứ?

Chị không đáp lời, anh cũng không hỏi thêm. Dọc đường về anh chở chị, hai người im lặng.

* * *

Hai tám tháng chạp, chiều muộn, anh chị đã dọn dẹp xong cái nhà cuối cùng cho người ta. Từ ngày mai anh chị bắt đầu lo cái Tết cho nhà mình.

- Mình nghỉ Tết cũng giống công chức nhà nước quá nhỉ. Tất bật suốt, chỉ được hai ngày cuối năm để chuẩn bị cho mình. Nhưng mà vui, vì có mớ tiền trang trải.

- Em tính trả nợ bữa vay đóng học phí cho con xong vẫn còn một ít để ăn Tết.

- Ờ, thế vui rồi. Còn tiền mua xe máy cho thằng cu, qua năm ta tính tiếp.

Xe chạy qua ngôi chợ đông đúc, chợ Tết mà, người đi như hội. Chị đập vai anh kêu dừng xe, rồi chạy tót vào chỗ tiệm vàng bạc đá quý. Nhoáng sau chạy ra bảo:

- Em vừa xem tỷ giá. Đô hôm nay gần hai ba. Đổi chín tờ đô này là được hơn hai chục triệu luôn đấy. Đổi không?

- Đừng. Về thôi.

Chị có vẻ giận dỗi. Lúc qua hội hoa xuân anh khen hoa đẹp, chị không ư hử, mặt như bà chằn.

* * *

Ngày ba mươi, trời tối nhanh, xong bữa cơm tất niên, vợ chồng giờ mới thấy rã rượi tay chân. Cả nửa tháng trời đi dọn dẹp cho người ta, rồi về dọn dẹp nhà mình, lo chuyện cúng quảy cuối năm, đi mấy chỗ giải quyết vài khoản nợ nần, không vất vả sao được. Tuy mệt nhưng giờ là lúc anh chị được cảm giác hân hoan. Hơi xuân, nói thế tuy có chút văn vẻ, nhưng kỳ thực nó len lỏi tận sâu thẳm trong mỗi con người vào những thời khắc sắp tiễn năm cũ đi đón năm mới tới.

- Hết năm hết tháng, hết nợ hết nần, may quá. - Vợ vươn tay sảng khoái, vừa nói.

- Hình như vẫn còn nợ ấy chứ?

- Mấy tờ đô, đúng rồi. Anh lấy xe ra chở em đi nhanh, để còn kịp về đón giao thừa.

Tám giờ đêm. Căn nhà ba tầng đèn điện sáng trưng, đúng thật là một biệt thự nhỏ xinh xắn và sang trọng mặt phố. Một bản nhạc xuân xưa đang rỉ rả từ trong kia vọng tới tận bên ngoài. Anh đứng chờ ở cổng, chỉ mình chị đi vào.

- Em gửi lại cuốn sách tìm thấy trong mớ giấy loại hôm trước chị cho. Chắc nó là sách quý, thấy toàn chữ nước ngoài.

Cô chủ nhà hơi bất ngờ, cầm sách lên xem bìa rồi lật ra. Chín tờ đô la nằm kẹp ngay ở giữa tờ bìa và trang đầu tiên. Không chờ cô chủ hỏi, chị nói ngay:

- Hôm rồi em mở sách thì thấy mấy tờ tiền, nay em gửi lại anh chị.

Gặp chuyện hy hữu, cô chủ đang tươi cười, bỗng mặt biến sắc.

- Thôi rồi, thế là lão nhà này lại lập quỹ đen đây.

Nói xong cô vụt đứng dậy ngoảy lưng đi vào phía trong, chân giẫm chình chịch lên từng nấc cầu thang. Chị toan đứng dậy ra về, song chưa kịp chào thì cô chủ đã khuất, đành nán chờ nói với người ta một tiếng.

Từ trên tầng hai vọng xuống những âm thanh oang oang không rõ ràng, giọng đàn ông giọng đàn bà xen lẫn, hình như là cãi nhau. Chị thoáng rùng mình, rồi đứng lên lén lút ra cửa, vừa nhẹ nhàng vừa vội vàng vọt ra khỏi cổng.

- Về nhanh thôi.

Ngồi lên xe, chị giục anh chạy nhanh, mắt vừa ngoái lại nhìn một cách e dè và sợ sệt.

- Từ từ, làm như ai rượt không bằng.

- Còn hơn cả rượt. Biết thế, đây chẳng đến trả lại tiền làm gì. Mà, cũng tại anh cứ nằng nặc bắt trả.

- Sao thế. Không được lời cám ơn à?

- Ơn ngãi con khỉ.

Đêm muộn ngày ba mươi, con đường từ phố về làng chạy giữa những cánh đồng quê tối om om và cũng khá vắng vẻ. Giờ này mọi người ai nấy đã ở nhà sửa soạn cúng giao thừa. Có ánh đèn pha từ phía sau lưng anh chị, rồi cứ chầm chậm tiến tới, ánh sáng chói lóa dần hơn, lướt qua, và rồi chiếc ô tô dừng lại. Hai vợ chồng cô chủ bước xuống như kiểu chặn đường.

- Xin lỗi cô đường đột một chút. Mà lúc nãy cô đi nhanh quá, làm chúng tôi vòng vèo suốt mấy ngõ đường chẳng thấy. Thôi thế này cho nhanh, năm cùng tháng tận tự nhiên nảy ra mấy tờ tiền, cũng vui nhỉ. Lẽ ra nó đã theo hàng đồng nát, mà cô tìm thấy thì nó là lộc của cô rồi.

Cô chủ chìa tập đô la về phía chị.

- Dạ không. Em gửi trả chị. Em không dám nhận.

Anh chủ lúc này mới tiến tới, rõ ràng là một khuôn mặt đĩnh đạc, đôn hậu.

- Cuốn sách ấy hồi đi nghiên cứu sinh bên nước ngoài tôi mua ở quầy sách cũ nhưng chưa kịp mở ra. Cũng tính cho đồng nát mấy lần, chắc là nó có duyên với cô. Mà, cô nhận cho là giúp vợ chồng tôi khỏi nghi ngờ nhau, khỏi đổ thừa nhau lập quỹ đen.

Hai vợ chồng cô chủ nhìn nhau cười khiến chị cũng mỉm cười theo. Rồi cô chủ níu lấy tay chị.

- Tôi biết cô cũng hoàn cảnh lắm. Lại nghe nói thằng cu nhà cô sắp ra trường, cũng cần sắm sửa để đi làm chứ. Tiền này là tiền may mắn đấy, công việc sẽ thuận lợi cho mà xem.

Chị ngại ngùng không dám nhận, cô chủ cứ nhét xấp đô la vào tay chị.

- Em biết ơn anh chị. Vậy coi như em mượn. Sau này thằng cu nên nổi thì em xin trả lại.

- Cô đừng bận tâm quá. Chỉ mong thằng cu khấm khá, nó sẽ giúp đỡ người khác.

Đường về vài chỗ gặp ổ gà khó đi, xe xốc nảy, chị ép sát vào lưng anh. Cả hai đùa nhau lúc nào giàu có ta cũng lập quỹ đen nhỉ, rồi cười rúc rích. Ai đi qua nhìn thấy cứ tưởng họ là đôi tình nhân đang còn xuân.

 

 

HOÀNG CÔNG DANH

Mới nhất

Mây về thành phố

02/01/2025 lúc 10:06

Tôi làm đơn xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chú Ngụ. Không gói ghém gì nhiều, chỉ cần bỏ vào túi cái khăn mặt, chai dầu gội, bàn chải đánh răng và một vài đồ dùng để phòng khi cần đến. Nhà tôi cách bệnh viện bốn cây số, cách nhà chú Ngụ năm cây, nó nằm trên hai trục đường khác nhau.

Nối vòng tay nhân ái hỗ trợ người nghèo đón Tết

17 Giờ trước

TCCVO - Tối 3/1, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh,Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

02/01/2025 lúc 16:31

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025

01/01/2025 lúc 17:24

TCCVO - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2025, tối 31/12/2024, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị

Lễ hội Vì hòa bình 2024: Giá trị nhân văn để tiến vào kỷ nguyên mới

31/12/2024 lúc 09:36

 Năm 2024, dấu ấn đậm nét nhất trên mảnh đất Quảng Trị là lễ hội Vì hòa

Bồi dưỡng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí

28/12/2024 lúc 22:39

TCCVO - Sáng ngày 28/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khai mạc khóa bồi dưỡng “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tác nghiệp báo chí” cho 38 học viên là phóng viên, biên tập viên, Tạp chí Cửa Việt, Báo Quảng Trị, Đài PTTH Quảng Trị, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/01

25° - 27°

Mưa

07/01

24° - 26°

Mưa

08/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground