1.
Tương truyền khi xưa ở Vĩnh Thủy có nghề săn hổ ác, dân phu đi khắp nơi cùng xứ săn bắt hổ ác theo lệnh vua.
Có lần người trong đoàn phu quả quyết có ba con cọp ác, nhưng chỉ bắt được hai con, triều đình khiển trách cho rằng nói dối. Đoàn phu kiên trì, chịu khổ ở lại săn tìm, cuối cùng đã bắt được con cọp ác thứ ba như đã khẳng định. Biết bao trường hợp như thế trong mịt mùng khổ ải, rừng thiêng nước độc, lệnh vua hà khắc, sự việc ấy cũng đáng xem là sự lạ, con người ấy đáng xem là kỳ tài. Không thế mà, cả thế kỷ trôi qua, dân làng vẫn xưng tụng, bái phục.
Tạm gọi sự trên là phục hổ lần thứ nhất.
Nơi duy nhất của nước ta có nghề bắt hổ ác là xã Vĩnh Thủy nên quan tâm, phát huy - Ảnh: Yên Bình
2.
Thời chống Mỹ, cả một cuộc biến thiên kỳ vỹ. Ai ai cũng trở nên xuất chúng, anh hùng. Sự lạ nhiều không kể hết. Nổi lên trong số ấy, là chiến tích một ngày bắn rụng 6 máy bay xâm lược, rúng động địa cầu.
Tạm gọi sự trên là phục hổ lần thứ hai.
3.
Thời nay, kiến thiết quê hương, xuất hiện nhiều tấm gương sáng chói. Khắp xóm làng, ruộng đồng, rừng rú…, đâu đâu cũng có người làm nên sự việc giỏi giang, xuất sắc, được vinh danh, xưng tụng, truyền cảm hứng.
Ấy thế, có sự việc nào sánh với sự phục hổ lần thứ nhất, phục hổ lần hai. Chắc phải suy ngẫm, cân nhắc nhiều mới chọn ra được.
4.
Trong lúc suy ngẫm, cân nhắc, chúng tôi mạo muội đặt vấn đề, phải chăng phục hổ lần thứ ba, nếu có, là xây nên thành trì thịnh vượng?
Đó là hoài bão của cả cộng đồng nhân loại, đâu đâu cũng mơ ước, hướng tới. Mấy năm gần đây nhiều người cũng nhắc đến cụm từ “Giấc mơ Quảng Trị”, chắc cũng mang hàm ý này. Tất nhiên, để đi đến thành công thì không hề đơn giản. Đó hẳn là kỳ quan của những nỗ lực phi thường, ghê gớm; từ xuất phát điểm hiện nay mà nói, thịnh vượng vẫn là giấc mơ xa vời.
Ấy vậy, nếu choáng ngợp, sợ hãi với chính hoài bão, khát khao của chính bản thân mình, liệu có phải là ứng xử khôn ngoan nhất. Hay thử đi tìm vài từ khóa để giải quyết vấn đề, xem sao.
Xét đông tây kim cổ, thấy làm nên việc to tát, khác thường, hay đột phá như cách gọi phổ biến hiện nay, ngoài ý chí mãnh liệt của cộng đồng, thì thấy nổi lên hai chữ: Nhân tài.
Mà điều đó cũng đã được Đảng ta chỉ ra rất rõ, là một trong 3 khâu đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực, hạ tầng).
Lại hỏi, nhân tài ở đâu?
Cả xã hội đều tìm kiếm nhân tài, tư nhân cũng như nhà nước, hễ ở đâu có liền mời về, trọng dụng. Thế nên, nhân tài khan hiếm, khó tìm, cũng chẳng khác việc vào rừng tìm hổ thời xưa. Tìm được nhân tài là việc khó. Tìm có thể không thấy, nhưng dám chắc, không tìm sẽ không bao giờ thấy, hoặc giả có thấy thì cũng chỉ là bèo nước gặp nhau, hội ngộ, chia lìa.
Nên tìm nhân tài là công việc thuộc hàng chiến lược, chưa nói đến, phạm vi huyện, xã, nơi thực thi là chính, thì việc ban hành chính sách thu hút nhân tài càng khó trùng trùng. Là khó chứ không phải bất khả thi. Như khi xưa, bắt hổ giữa chốn rừng thiêng, bắn rụng máy bay trên trời cao, cũng đâu phải chuyện dễ dàng gì.
Vả lại, người Quảng Trị kiệt xuất cũng nhiều, riêng trong số ấy chọn ra một người cũng không hẳn là quá khó.
Lạm bàn, cấp ủy đảng, chính quyền sở tại, nên chăng đưa việc tìm người tài vào nghị quyết, hoặc ít ra cũng là một kế hoạch. Thế mới mong…
Quan tâm truyền thống quê nhà ngay từ những việc thường ngày - Ảnh: Hương Quê
5.
Lại hỏi, vời nhân tài về làm việc chi cho đáng?
Người tài ắt hẳn có kiến giải kiệt xuất của riêng họ. Với người xây dựng chính sách, cái hay nhất, cũng khó nhất, chính là ra cho được đề bài. Bởi chỉ có họ mới am tường địa hình, địa vật, đất đai, con người, và nhất là khao khát cháy bỏng của cộng đồng cư dân. Chúng tôi trộm nghĩ, đề bài vào lúc này, càng cụ thể, càng chi tiết, càng dễ thực thi.
Bất giác nghĩ đến hồ La Ngà.
Lạm bàn thêm một chút. Quảng Trị có 6 hồ nước lớn, gồm Bảo Đài, La Ngà, Kinh Môn, Hà Thượng, Trúc Kinh và Rào Quán, như 6 viên ngọc quý. Trong số đó, hồ La Ngà, ngoài chức năng thủy lợi còn là một cảnh đẹp mê hồn: Một hồ nước mênh mông giữa bao la trời đất, trong lòng hồ nổi lên những hòn đảo rộng từ vài đến trên một chục héc-ta.
Tiềm năng như hiện ra trước mắt.
Ví như ở đây xuất hiện một bậc kỳ tài, ắt hẳn nảy sinh ý tưởng, kế hoạch, biến tiềm năng thành ra cơm áo và tương lai thịnh vượng.
Liệu nào có thể, tìm lấy một thị trường đâu đó trên thế giới, xem người ta cần gì, nhất lương thực, thực phẩm,… Rồi, lấy khu vực hồ La Ngà quy hoạch thành vùng sản xuất cho riêng thị trường ấy. Lại nhân đó mà quy hoạch những nơi cảnh quan đẹp đẽ, nhất là những hòn đảo trên hồ, thành ra đô thị sinh thái, làm nơi sinh sống của cư dân và tổ chức dịch vụ.
Đấy là thiển ý của chúng tôi, chứ nhân tài người ta ắt hẳn đưa ra nhiều kiến giải hay và thực tế hơn nhiều.
Chúng tôi tin rằng, tìm được người, giao được việc, không sớm thì muộn, cũng có điều thay đổi.