Đồng chí Hồ Xuân Hòe - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị
PV: Thưa đồng chí, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) qua gần 15 năm triển khai đã thực sự làm thay đổi diện mạo nông thôn của cả nước. Riêng đối với Quảng Trị, có lẽ đó là một nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân bởi xuất phát điểm rất thấp khi bắt đầu triển khai Chương trình. Đồng chí có thể đánh giá khái quát chặng đường đã qua?
Đồng chí Hồ Xuân Hòe:
Có thể đánh giá khái quát sau gần 15 năm triển khai thực hiện Chương trình và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, diện mạo khu vực nông thôn Quảng Trị ngày càng khởi sắc, khang trang, hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ; phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi theo chiều hướng tích cực; bản sắc văn hóa nông thôn được gìn giữ và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Chương trình đã thực sự tạo ra một luồng gió mới làm biến chuyển nhận thức trên diện rộng về xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn.
Tỉnh Quảng Trị bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình từ năm 2011. Lúc đó, đa số các xã đều đạt dưới 5 tiêu chí thì đến nay toàn tỉnh có 69/95 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 72,6%), 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới đều đạt và vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, y tế, nhà văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ.
Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên và liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm được hình thành. Đến nay, toàn tỉnh có 320 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX nông nghiệp, gần 2.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp… Cùng với đó, tỉnh rất chú trọng triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 172 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP 5 sao, 33 sản phẩm OCOP 4 sao, 137 sản phẩm OCOP 3 sao. Chương trình OCOP không chỉ góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, phát huy lợi thế nguồn nguyên liệu mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Từ đó tạo nên sản phẩm có chất lượng, uy tín trên thị trường, từng bước cho giá trị kinh tế cao, thúc đẩy phát triển sản xuất tại các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương vẫn còn có những khó khăn, chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí chưa bền vững, còn nhiều xã ở miền núi chưa đạt chuẩn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và chính sự nỗ lực của cộng đồng người dân nông thôn cũng chính là những chủ thể của Chương trình nên về cơ bản phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, góp phần xây dựng những miền quê đáng sống với cuộc sống của người dân ngày càng sung túc.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên mô hình ‘“Cánh đồng không dấu chân” của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị - Ảnh: T.L
PV: Để đạt được những kết quả như vậy chắc chắn cần lòng quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp chính quyền và người dân. Trong đó có việc vận dụng những cách làm hay và sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về những cách làm đó?
Đồng chí Hồ Xuân Hòe:
Trên cơ sở điều kiện đặc thù của địa phương, tỉnh đã có những cách làm phù hợp với tình hình thực tế, thiết thực và hiệu quả. Hằng năm, UBND tỉnh sẽ chọn ra một số xã điển hình để tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành hỗ trợ các xã để phấn đấu đạt chuẩn theo đúng lộ trình, kế hoạch của tỉnh. Ngoài ra, để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, UBND tỉnh đã phân công các sở ban ngành, đoàn thể, một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn đỡ đầu các xã ở khu vực khó khăn, đồng hành hỗ trợ các xã quyết tâm hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích; khen thưởng công trình phúc lợi xứng đáng cho các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỉnh Quảng Trị luôn xác định mục tiêu cốt lõi của Chương trình là nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Vì vậy, tỉnh chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế nông thôn như Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Chương trình phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.
Sau một thời gian triển khai với nhiều cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đã làm diện mạo nông thôn Quảng Trị không ngừng khởi sắc, văn minh, hiện đại hơn. Có thể nói, nếu không có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là vùng nông thôn thì chắc chắn Quảng Trị sẽ không đạt được những kết quả thiết thực như vậy.
PV: Thưa đồng chí, nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Trải qua các giai đoạn, nhiều di sản văn hoá quý báu của nông thôn bị xuống cấp, mai một. Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ cần phải cân bằng giữa bảo tồn và phát triển khu vực nông thôn một cách bền vững. Ở Quảng Trị, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới được thực hiện như thế nào?
Đồng chí Hồ Xuân Hòe:
Xây dựng nông thôn mới không chỉ là phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng, mà còn củng cố, tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống nhằm vun đắp đời sống tinh thần con người. Mọi cư dân nông thôn cần biết đến những cái hay, cái đẹp của văn hóa địa phương, tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, lễ hội truyền thống. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá trong xây dựng nông thôn mới luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng, thể hiện trong những thành tựu đạt được về hai tiêu chí là cơ sở vật chất văn hóa và văn hóa.
Cụ thể, các địa phương đã quan tâm đến xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa; kết hợp vừa xây mới, vừa nâng cấp, cải tạo và tận dụng sử dụng những thiết chế cơ sở hạ tầng có sẵn như đình, chùa, hội trường ủy ban, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc... Đến nay, cả tỉnh đã có 85 xã (chiếm 84,1%) đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có điểm đến sinh hoạt, giao lưu văn hóa.
Mặt khác, đời sống văn hóa của người dân nông thôn liên tục được cải thiện. Đến nay, cả tỉnh đã có 95 xã (100%) đạt tiêu chí về văn hóa. Người dân được xác định vừa là chủ thể trong sáng tạo vừa là đối tượng hưởng thụ các giá trị văn hóa. Do đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Điển hình là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh ở nông thôn. Cùng với đó, nhiều di sản văn hóa được tu bổ, tôn tạo; nhiều lễ hội truyền thống và các trò chơi dân gian được phục hồi và phát triển, nhất là các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Đặc biệt, tỉnh đang nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh ở các làng quê.
Có thể nói, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa nông thôn, hướng đến hai mục tiêu chính. Đó là để người làng quê trân quý những giá trị truyền thống cha ông để lại và để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
PV: Nông thôn mới là Chương trình mục tiêu quốc gia lâu dài, liên tục, không có điểm dừng. Xin đồng chí cho biết một số giải pháp mà tỉnh đề ra trong giai đoạn mới để tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở mức cao hơn, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh?
Đồng chí Hồ Xuân Hòe:
Đó chính là việc tập trung rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch chung xây dựng xã đối với các xã hình thành sau sắp xếp đơn vị hành chính; đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí của các xã, khắc phục các tiêu chí bị sụt giảm của các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nghiên cứu và ban hành các chính sách địa phương để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Bảo đảm duy trì và phát triển vững chắc kết quả xây dựng nông thôn mới của các địa phương đã đạt chuẩn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục xây dựng một số mô hình làng, xã thông minh, tạo dựng hình ảnh của những miền quê đáng sống, gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện xây dựng thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới theo phương châm “có nhiều thôn, bản đạt chuẩn sẽ có xã đạt chuẩn”.
Để định hướng xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn mới, trong các giải pháp chủ yếu cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi số để phát huy hết các tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình thực hiện khó tránh khỏi những bỡ ngỡ bước đầu, nhưng ứng dụng chuyển đổi số sẽ làm thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ và người dân, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã hiệu quả hơn.
Nông nghiệp là lợi thế của tỉnh và đã đến lúc chúng ta phải chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị nông sản từ đó không ngừng nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.
Song song với phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải chú trọng chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Người dân ở nông thôn phải được tiếp cận các tiện ích của đô thị, đồng thời cần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp đã hình thành cả nghìn năm nay để tạo nên những miền quê hiện đại, đáng sống nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!