Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/10/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vĩnh Linh - những màu xanh no ấm

Năm 1972, người Vĩnh Linh rời địa đạo lên mặt đất, họ bảo quê của mình lúc ấy y như cái mặt trăng. Một phần đất trắng, ba phần là sắt thép hố bom. Một cuộc cách mạng khai hoang phục hóa được tiến hành, hàng ngàn hecta đất được giải phóng để sản xuất nông nghiệp, mở ra những cánh đồng lúa trải dài và những đồi đất đỏ bazan màu mỡ. Bây giờ, cứ nói đến Vĩnh Linh là trước mắt chúng tôi hiện ra một vùng đại điền thẳng cánh cò bay, cùng một miền gò đồi rộng lớn với hàng ngàn hecta cao su, hồ tiêu, cây màu đặc sản. Diện tích lúa, cao su, hồ tiêu ở Vĩnh Linh cũng lớn nhất nhì Quảng Trị. Đó là kết quả đáng tự hào của ngành nông nghiệp Vĩnh Linh sau nửa thế kỷ tái thiết và xây dựng quê hương, góp phần đưa huyện Vĩnh Linh trở thành huyện nông thôn mới.

Từ “ăn cơm bữa diếp” đến cánh đồng mẫu lớn

Gốc xuất xứ của cụm từ “ăn cơm bữa diếp” là ở Vĩnh Linh. Ăn cơm bữa diếp tức là ba ngày mới được ăn một bữa cơm. Hỏi người Vĩnh Linh ăn cơm chưa và nghe trả lời ăn từ bữa diếp là đã ăn cơm từ ngày kia, ngày hôm qua và hôm nay chỉ có khoai sắn trừ bữa. Cuộc sống cơ cực triền miên cơm độn khoai sắn của vùng đất này đã từng được diễn tả trong câu ca buồn: “Môn khoai năm tháng đỡ đần / Chột môn thay cá, sắn tàu thay cơm”.

Thế rồi giai đoạn thiếu thốn lương thực cũng mau chóng qua đi. Qua những năm 80 ngay sau khi đất nước thống nhất, những chiếc máy cày ngày đêm bươn bả đồng trên ruộng dưới, cày xới đất đai còn lổn nhổn hố bom, mở ra những cánh đồng rộng dài. Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, một hồ chứa nước La Ngà hoạt động từ năm 1963 không thể đáp ứng nhu cầu tưới nước của đồng ruộng Vĩnh Linh. Với sự trợ giúp của Nhà nước, lần lượt các công trình thủy lợi mới vừa và nhỏ trên địa bàn ra đời mà tiêu biểu là công trình thủy lợi Bảo Đài khởi công năm 1996, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2002. Hồ chứa nước Bảo Đài có dung tích 25 triệu mét khối nước có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 1.000 ha lúa của các xã vùng đông Vĩnh Linh. Công trình đập dâng Sa Lung khởi công năm 2007, khánh thành đưa vào sử dụng năm 2010 đã cấp nước tưới tiêu cho 700 ha ruộng và hoa màu. Ba công trình thủy lợi lớn có sức chứa hơn trăm triệu mét khối nước ngọt cùng hàng chục công trình hồ đập nhỏ có vốn đầu tư từ vài tỷ đồng đến chục tỷ đồng đã phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu cho đồng ruộng Vĩnh Linh.

Hơn mười năm nay, huyện Vĩnh Linh đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm tạo ra có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Để đạt được mục tiêu đó, huyện tập trung đầu tư quy hoạch cải tạo đồng ruộng, hệ thống kênh thủy lợi và dồn điền đổi thửa, bước đầu hình thành vùng sản xuất lúa trọng điểm tập trung chủ yếu ở một số xã như Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long… Cùng với hình thành các vùng trọng điểm lúa, Vĩnh Linh kịp thời tiếp nhận đưa các loại giống mới vào gieo cấy, xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất lúa nên năng suất và sản lượng lương thực không ngừng tăng lên.

Từ vùng quê “ăn cơm bữa diếp”, đến nay huyện Vĩnh Linh có diện tích gieo cấy lúa gần 7.000 ha và sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng trên 39.000 tấn. Đây là thành công của chủ trương dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp. Từ đó góp phần nâng cao giá trị cây lúa, thúc đẩy sản xuất lúa chất lượng cao của địa phương. 

Mô hình cánh đồng mẫu lớn được huyện Vĩnh Linh triển khai từ đầu năm 2018 tại 26 đơn vị hợp tác xã với tổng diện tích trên 850 ha. Trong vụ đầu tiên năng suất từ các mô hình cao hơn so với lúa sản xuất ngoài mô hình. Vì vậy, những năm tiếp theo huyện Vĩnh Linh tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên toàn bộ các địa phương trồng lúa. Chủ trương xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn ban đầu hình thành trong quá trình thực hiện các mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được thực hiện tại 30 hợp tác xã, diện tích được mở rộng lên 3.800 ha, trong đó có 312 ha sản xuất liên kết và 223 ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

Đồng ruộng xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh được quy hoạch bằng phẳng vuông vắn - Ảnh: Trung Thành

Đồng ruộng xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh được quy hoạch bằng phẳng vuông vắn - Ảnh: Trung Thành

Một điển hình làm tốt mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Vĩnh Linh chính là xứ đồng Lâm Sơn Thủy (gồm ba xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy). Đây là vựa lúa của Vĩnh Linh từ bao đời nay, nơi làm ra gần hai phần ba sản lượng lúa hằng năm của huyện. Ai đến xứ đồng này cũng đều phải trầm trồ với khung cảnh những thảm lúa mênh mông, xanh thì xanh ngút mắt, vàng thì vàng rợp chân trời. Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, những cánh đồng ở Lâm Sơn Thủy được quy hoạch kiến thiết lại bằng phẳng, các thửa ruộng vuông vức xếp bên nhau như những ô bàn cờ đan xen giữa những kênh mương thuỷ lợi, rất thuận tiện cho việc sản xuất. Từ ngày chỉnh trang xứ đồng Lâm Sơn Thủy này, bà con sản xuất lúa năng suất cao hơn trước. Thành công từ Lâm Sơn Thủy khởi đầu cho niềm tin dồn điền đổi thửa để hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung, thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Vĩnh Linh. Thời gian tới, những ruộng đồng mấp mô khác ở huyện sẽ tiếp tục được chỉnh trang thành ruộng lớn bằng phẳng để thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn.

“Vàng trắng” miền đất đỏ

Những ai đã đi qua vùng kinh tế mới Bắc sông Bến Hải chắc chắn đều nhìn thấy những vườn cao su xanh ngút ngát. Cao su đã trở thành cây phủ xanh đất trống đồi trọc, cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân vùng kinh tế mới này. Nhờ trồng cao su, nhiều gia đình giàu vụt lên, vùng kinh tế mới Bắc sông Bến Hải trở thành một vùng quê trù phú của huyện Vĩnh Linh.

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, cây cao su đã có mặt trên đất Vĩnh Linh khi Nông trường Quyết Thắng đưa cây cao su vào trồng tại Bãi Hà, thị trấn Bến Quan. Nhưng thực sự phải đến khi huyện triển khai cho các hộ dân ở vùng kinh tế mới Bắc sông Bến Hải trồng cao su mới đặt nền móng cho sự phát triển đại trà loại cây này trên đất Vĩnh Linh. Chuyện bắt đầu từ hơn ba mươi năm trước, Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh đề ra nghị quyết mở hướng phát triển kinh tế lên gò đồi, xác định cao su là cây công nghiệp chủ lực. Từ quyết sách của Thường vụ Huyện ủy, cán bộ phòng nông nghiệp huyện lên Nông trường Quyết Thắng tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su về triển khai cho người dân vùng kinh tế mới Bắc sông Bến Hải trồng những hecta cao su tiểu điền đầu tiên năm 1991.

Khi huyện Vĩnh Linh triển khai cho nông dân trồng cây cao su tiểu điền, không ít người hoài nghi. Bởi lúc bấy giờ, chỉ các nông trường có kinh nghiệm, kỹ thuật, máy móc, lao động tập trung, mới trồng cây cao su. Đưa cây cao su cho nông dân trồng là việc làm táo bạo. Thế nhưng khi “ý Đảng hợp lòng dân”, những người dân vùng kinh tế mới đã mạnh dạn khai hoang vỡ đất tập trồng cây cao su. Huyện đã xây dựng hẳn một dự án phát triển cây cao su tiểu điền ở vùng kinh tế mới Bắc sông Bến Hải và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, trong đó có việc thành lập một lực lượng cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người dân trồng cây cao su. Cụ thể, phòng nông nghiệp huyện mua cây giống giúp dân, cán bộ nông trường Quyết Thắng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân… Nhờ đó, hàng trăm hộ dân vùng kinh tế mới đã biết trồng và chăm sóc cây cao su. Rồi cây phát triển đúng với quy trình kỹ thuật, người dân đã nhìn thấy tương lai từ giống cây được ví như “vàng trắng” này.

Trong vòng 5 năm, nông dân vùng kinh tế mới Bắc sông Bến Hải đã trồng được 600 ha cây cao su. Và khi cây cao su bắt đầu cho mủ, chứng minh được người nông dân trồng được cao su, huyện Vĩnh Linh quyết định tiếp tục phát triển diện tích cao su tiểu điền ra nhiều địa phương trong huyện. Từ đó, với những chính sách khuyến khích phù hợp như tạo điều kiện cấp đất, cho các hộ dân được vay vốn trồng cao su không lãi suất, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc khai thác cây cao su,... vì vậy không chỉ ở vùng gò đồi, người dân từng bước mở rộng diện tích cây cao su ở vùng đồng bằng và ven biển.

Rừng cao su tiểu điền ở Vĩnh Linh - Ảnh: Trung Thành

Rừng cao su tiểu điền ở Vĩnh Linh - Ảnh: Trung Thành

Từ những hecta cao su tiểu điền đầu tiên ở vùng Bắc sông Bến Hải, ba mươi năm sau, diện tích cao su trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã tăng lên gần 6.500 ha, trong đó có hơn 6.200 ha đã đưa vào kinh doanh, sản lượng mủ cao su hàng năm thu được đạt giá trị hàng hóa hàng trăm tỷ đồng. Đây là thành công của quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng đầy táo bạo và được chỉ đạo quyết liệt qua nhiều kỳ đại hội Đảng bộ huyện, kết quả là đưa huyện Vĩnh Linh trở thành huyện có diện tích cao su tiểu điền lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Nông dân Vĩnh Linh đổi đời, giàu lên nhờ cao su.

Có đi hết vùng đất Vĩnh Linh, tận mắt chứng kiến hàng ngàn hecta cao su xanh tươi suốt từ cầu treo Bến Tắt trên sông Bến Hải, sang đầu nguồn La Ngà về Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, Vĩnh Thủy, lên Vĩnh Khê… mới thấy hết công sức của những người nông dân cần mẫn chăm sóc cây “vàng trắng” này. Trung bình, mỗi hộ trồng được từ 2 đến 3 ha cao su, có hộ trồng đến 5 - 10 ha. Đến mùa thu hoạch, mủ cao su chảy ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Không có chuyện giải cứu mủ cao su như một số cây trồng. Chúng tôi đã gặp những tỷ phú cao su ở vùng đất này. Họ nói rằng công cuộc làm giàu trên vùng đất Vĩnh Linh không thể không có sự góp mặt của cây cao su. Những ngôi nhà lầu khang trang bề thế, xe ô tô và các tiện nghi đắt tiền nữa… đều là mủ của cao su dâng tặng.

Nâng tầm cây đặc sản địa phương

Bên cạnh cây lúa và cây cao su, không thể không nhắc đến những cây đặc sản của Vĩnh Linh. Về vùng đất này, có thể thấy, hầu như nhà ở nông thôn đều được xây cất giữa những khu vườn vuông vức rộng rãi trồng những cây truyền thống, đặc sản của Vĩnh Linh như tiêu, chè, đậu, lạc, khoai, môn…

Hồ tiêu trồng trên đất đỏ Vĩnh Linh đã khẳng định danh tiếng của mình vì sự thơm ngon và trở thành đặc sản của vùng đất này. Từ chỗ mỗi nhà trồng vài gốc hồ tiêu, hiện nay toàn huyện Vĩnh Linh có 1.317 ha hồ tiêu, đưa vào kinh doanh 1.285 ha, sản lượng 1.349 tấn. Chúng tôi đã đến một số địa phương trồng tiêu ở Quảng Trị, nhưng có thể nói chưa nơi nào được quy hoạch bài bản như ở các vùng trồng tiêu của Vĩnh Linh. Năm 2014, hồ tiêu Vĩnh Linh được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Chúng tôi có đến thăm vườn tiêu của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh. Sau hơn 8 năm thành lập, Hợp tác xã này đang quản lý 140 ha diện tích trồng tiêu, trong đó khoảng 33 ha trồng tiêu hữu cơ, còn lại 107 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản lượng hằng năm khoảng 250 tấn. Mới đây, Hợp tác xã mời nhóm chuyên gia thuộc Tổ chức chứng nhận hữu cơ toàn cầu Control Union đi thực tế tại các vùng trồng tiêu hữu cơ của Hợp tác xã, kiểm định chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất hồ tiêu. Kết quả 33 ha hồ tiêu hữu cơ của Hợp tác xã vượt qua khâu kiểm tra khắt khe về dịch hại lẫn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu. Giờ thì các thành viên của Hợp tác xã đang kỳ vọng, vào mùa thu hoạch, những hạt tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế đầu tiên sẽ lên máy bay vượt vùng đất đỏ đưa hồ tiêu Vĩnh Linh đến tận tay người tiêu dùng Mỹ và châu Âu. Khi đã xuất khẩu được vào những thị trường khó tính này thì coi như một tấm vé thông hành cho “vàng đen” Vĩnh Linh tiếp cận những thị trường khác.

Sản phẩm hạt tiêu đỏ hữu cơ của HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đạt OCOP 4 sao - Ảnh: H.N

Sản phẩm hạt tiêu đỏ hữu cơ của HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đạt OCOP 4 sao - Ảnh: H.N

Cùng với hồ tiêu, những cây trồng truyền thống khác của Vĩnh Linh cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể là ném Vĩnh Linh, lạc Vĩnh Linh, khoai môn Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú và đậu xanh Vĩnh Giang. Đây đều là những sản phẩm có nguồn gốc bản địa, được thị trường ưa chuộng và mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân.

Năm 2018, Vĩnh Linh triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương. Nhiều chủ thể đã chủ động tham gia chương trình, xây dựng sản phẩm OCOP từ nguyên liệu bản địa. Kết quả thật đáng mừng, sau hơn 6 năm triển khai, Vĩnh Linh đã có 9 sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương được công nhận sản phẩm OCOP, gồm: Hạt tiêu đỏ hữu cơ của HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh; bột đậu xanh Vĩnh Giang của HTX Nông nghiệp Cổ Mỹ; thanh long ruột đỏ của HTX Kinh doanh và dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy; tinh bột nghệ, bánh quy tinh bột nghệ và bánh quy bột ngô của Công ty TNHH MTV Hùng Dung; dầu lạc nguyên chất của Công ty TNHH Hùng Thịnh Thành; dầu lạc nguyên chất Làng An của Hộ kinh doanh Lê Thanh Biên; miến ngũ sắc của Cơ sở sản xuất Loan Hảo. Trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Các chủ thể khi đạt được chứng chỉ OCOP 3 sao và 4 sao họ đều sẵn sàng đầu tư công sức, chi phí để hoàn thiện quy trình sản xuất với mong muốn nâng tầm sản phẩm của mình lên 5 sao và các tiêu chí cao hơn.

Vĩ thanh

Tháng 8 vừa qua, huyện Vĩnh Linh kỷ niệm 70 năm truyền thống và đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong câu chuyện của huyện nông thôn mới, nhiều người đã nhắc đến đóng góp của những cây trồng chủ lực đang mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, mang lại sự trù phú khang trang cho những làng quê nông thôn mới của Vĩnh Linh. Chúng tôi được giới thiệu đến nhà ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trước khi làm Chủ tịch huyện, ông Hiền là Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh thời kỳ sau đổi mới, gắn bó gần hai chục năm với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Vĩnh Linh.

Ngồi nghe ông Hiền kể lại chuyện xưa, ông nói so với ba mươi năm trước đây, hoặc xa hơn nữa, kể từ khi chiến tranh chấm dứt trên vùng đất này, Vĩnh Linh đã hồi sinh trong màu xanh của cây trái phủ khắp nơi nơi. Với lợi thế địa hình gò đồi xen kẽ đồng bằng, thực hiện “chân đồng, chân đồi”, kết quả là đưa Vĩnh Linh trở thành huyện phát triển đa dạng các loại cây trồng. Ông Hiền nói rằng, để có được thành quả ấy, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Linh phải trải qua bao trăn trở, phải có những quyết sách phát triển cây trồng phù hợp với thực tế của địa phương và được dân đồng tình hưởng ứng mới thành công trọn vẹn. Cứ nhìn những đồng lúa đồng màu cùng những vườn cao su, hồ tiêu xanh tốt, tự nó đã khẳng định hướng đi của vùng đất Vĩnh Linh. Từ đất đai, mồ hôi và trí tuệ của người dân đã cho những màu xanh no ấm.

HẠNH NGUYÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 360

Mới nhất

Địa danh và quá trình phát triển vùng đất Đông Hà qua các thời kỳ lịch sử (kỳ 2)

2 Giờ trước

Sau khi đất nước thống nhất (4/1975), từ tháng 2/1976, thực hiện Nghị quyết 245-NQ/TW ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp tỉnh và Nghị quyết số 19/NQ ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị về việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra nghị định về việc giải thể khu vực Vĩnh Linh để sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên mới được thành lập, bao gồm tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh (của miền Bắc) và tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên của miền Nam(25).

Địa danh và quá trình phát triển vùng đất Đông Hà qua các thời kỳ lịch sử

2 Giờ trước

*Vài nét về địa danh Đông Hà Theo các nguồn tư liệu và thư tịch cổ mà chúng ta biết đến hiện nay thì địa danh Đông Hà xuất hiện đầu tiên trong ghi chép của Nhà bác học Lê Quý Đôn vào nửa cuối thế kỷ XVIII, đó là vào năm 1776, khi ông giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hoá.

Khởi sắc Vĩnh Ô

2 Giờ trước

Những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo đã phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, từ những chắt chiu trong cuộc sống thường ngày, cần cù trong lao động, học hỏi, áp dụng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh đã mang đến những đổi thay về vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô và từng bước đưa nơi này thoát dần những khó khăn đeo đẳng bao đời.

Hiền Lương - Bến Hải nơi biểu trưng cho khát vọng hòa bình

4 Giờ trước

Năm 2024 được sự đồng ý của Trung ương, tỉnh Quảng Trị phối hợp với các ban, bộ, ngành tổ chức lễ hội Vì Hòa bình, cụm di tích Hiền Lương - Bến Hải là địa điểm trọng tâm tổ chức lễ hội đặc biệt này.

Tập huấn nghiệp vụ làm phim tài liệu, phim phóng sự truyền hình tại Quảng Trị

21 Giờ trước

Sáng ngày 15/10/2024, Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị khai mạc lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ làm phim tài liệu, phim phóng sự truyền hình.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/10

25° - 27°

Mưa

18/10

24° - 26°

Mưa

19/10

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground