Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Từ Hiroshima đến Quảng Trị: Ngàn cánh hạc bay

Hạc giấy là một hình ảnh truyền thống của Nhật Bản biểu tượng ước mơ, hy vọng và hòa bình. Biểu tượng hòa bình của nước Nhật bắt nguồn từ câu chuyện về cô bé Sasaki Sadako ở Hiroshima qua đời vì bệnh bạch cầu do nhiễm phóng xạ từ quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố này vào năm 1945, khi em mới chỉ 2 tuổi. Em được nhớ đến như một biểu tượng của tinh thần chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới, vì đã gấp hơn một ngàn con hạc giấy origami trên giường bệnh với niềm tin rằng chúng sẽ giúp em hồi phục.

Sau khi Sadako qua đời ngày 25/10/1955, các bạn học của cô bé đã quyên góp để xây dựng một đài tưởng niệm cho Sadako và những trẻ em là nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima. Năm 1958, Đài tưởng niệm Hòa bình cho trẻ em, còn được gọi là “Tháp Senbazuru” (ngàn cánh hạc) được khánh thành nằm trong Công viên Hòa bình Hiroshima, cách nơi quả bom nguyên tử phát nổ chỉ vài mét. Đài tưởng niệm có dạng một mái vòm, phía trên là tượng Sadako cầm một con hạc giấy lớn, bên dưới chân đài tưởng niệm có dòng chữ: Đây là lời kêu gọi của chúng tôi. Đây là lời cầu nguyện của chúng tôi. Hòa bình cho thế giới. Khi câu chuyện về Sadako lan rộng khắp thế giới, người dân Mỹ biết được thông tin, họ cảm động và đã dựng một bức tượng về Sadako cùng bầy hạc giấy rực rỡ màu sắc hi vọng đặt trong Công viên Hòa bình tại thành phố Seattle nước Mỹ.

Suốt bảy thập kỷ qua, câu chuyện về Sadako gấp một ngàn con hạc giấy đã trở thành một di sản đặc biệt tại Nhật Bản, khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều cuốn sách và phim ảnh. Đồng thời, gấp hạc giấy và đặt tại chân đài tưởng niệm để cầu mong cho hòa bình cũng trở thành một truyền thống không chỉ của trẻ em Nhật Bản mà còn trở thành một biểu tượng hòa bình trên thế giới. Cho đến ngày nay, những con hạc giấy vẫn tiếp tục được gấp và được gửi tới từ khắp nơi trên thế giới để kết thành chữ “PEACE” - Hòa Bình đặt dưới chân Tháp Senbazuru.

Hình ảnh hàng ngàn con hạc giấy đặt dưới chân Tháp Senbazuru làm tôi nhớ đến những con hạc giấy ở trong nhà bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị. Chúng được trưng bày trang trọng trong tủ kính, bên cạnh những hiện vật và tư liệu chiến tranh đặc biệt quý hiếm của chiến trường Thành Cổ mùa hè năm 1972. Chị Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng ban quản lý Di tích Thành Cổ Quảng Trị cho hay, những con hạc giấy này là quà tặng của ngài Akagi Tatsuo, Chủ tịch Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam (HVPF). Ngài Akagi đã tự mình gấp mỗi ngày một con hạc giấy để tặng cho Thành Cổ Quảng Trị vào ngày 9/11/2011.

Ngài Akagi Tatsuo đã gấp rất nhiều  hạc giấy trao tặng di tích Thành Cổ để bày tỏ lòng tưởng niệm những người lính đã hi sinh và gửi gắm thông điệp hòa bình - Ảnh: C.N

Ngài Akagi Tatsuo đã gấp rất nhiều hạc giấy trao tặng di tích Thành Cổ để bày tỏ lòng tưởng niệm những người lính đã hi sinh và gửi gắm thông điệp hòa bình - Ảnh: C.N

Ngài Akagi Tatsuo đến Quảng Trị xuất phát từ sự đồng cảm và thấu hiểu. Bởi thành phố Hiroshima quê hương của ông và tỉnh Quảng Trị đều từng chịu thiệt hại nặng nề vì bom đạn chiến tranh. Vào những ngày cuối cùng của chiến tranh thế giới thứ hai, quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima không chỉ làm hơn 140 ngàn người thiệt mạng mà còn có hàng chục ngàn người khác bị nhiễm phóng xạ, chưa kể cả một thành phố bị san bằng tạo nên cảnh tượng kinh hoàng khiến cả thế giới ám ảnh cho đến ngày nay. Và với Thành Cổ Quảng Trị cũng thế, số bom Mỹ ném xuống Thành Cổ trong 81 ngày đêm chiến sự tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima. Cái thị xã nhỏ bé với diện tích chỉ vài cây số vuông được ví như một túi bom đạn, và mỗi mét vuông đất là một mét vuông máu. Có lẽ không ở đâu như Thành Cổ Quảng Trị, chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng nỗi đau cuộc chiến vẫn còn nằm sâu trong lòng đất rồi dần dần hiện ra qua những cuộc tìm kiếm hài cốt và di vật người lính hi sinh.

Chính vì sự hi sinh mất mát quá lớn lao như vậy nên Thành Cổ Quảng Trị được cả thế giới biết đến là một địa chỉ chiến tranh khốc liệt bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Khốc liệt đến nỗi một nhà văn đã gọi nơi này là “thành phố tuẫn đạo” của thế giới. Còn ngài Akagi Tatsuo thì coi vùng đất Quảng Trị là “thánh địa của hòa bình”. Và ông nghĩ từ đồng nghĩa với “Hiroshima và Nagasaki” ở Nhật Bản là “Quảng Trị”. Chính bởi hoàn cảnh tương đồng là đều chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh đã mở ra cho Hiroshima - Quảng Trị cơ hội gặp gỡ, xây dựng quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển.

Ngài Akagi Tatsuo (thứ 5 từ trái qua) cùng các thành viên Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam thăm di tích Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị cung cấp

Ngài Akagi Tatsuo (thứ 5 từ trái qua) cùng các thành viên Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam thăm di tích Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị cung cấp

Lần đầu tiên ngài Akagi Tatsuo cùng đoàn công tác Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam sang thăm Quảng Trị là năm 2010, lúc đó ngài Akagi Tatsuo là Nghị sĩ thành phố Hiroshima kiêm Tổng thư ký Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam. Đoàn đã gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao đổi về khả năng thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai bên và đến thăm một số nơi còn khó khăn của Quảng Trị để xem xét hỗ trợ về giáo dục, y tế, văn hóa. Từ đó đến nay đã mười bốn năm với mười bốn chuyến thăm, Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam đã đến hàng chục địa điểm ở Quảng Trị, với nhiều hoạt động ý nghĩa như: trao tặng học bổng, viện trợ thiết bị y tế, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, chất độc da cam, hỗ trợ người nghèo, giúp đỡ người dân vùng ảnh hưởng thiên tai… Đến nay, Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam đã tài trợ hơn 60.000 USD để cấp học bổng cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú và một số thiết bị y tế cho thị xã Quảng Trị cũng như nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị. Những hoạt động từ thiện này, theo như chia sẻ của ngài Akagi Tatsuo trên trang facebook cá nhân, đó là sự huy động vật chất và tấm lòng của những người dân Nhật Bản, để gửi lời chia sẻ từ đất nước Nhật Bản đến với những người dân Quảng Trị, Việt Nam.

Cùng với các hoạt động nhân đạo từ thiện, Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam những năm qua còn nỗ lực kết nối để tiến tới thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa hai tỉnh Hiroshima - Quảng Trị cũng như hai đô thị của hai tỉnh; giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh Quảng Trị đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn tại Quảng Trị; hỗ trợ sinh viên Quảng Trị tiếp cận với các chương trình học bổng của Chính phủ Nhật Bản; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, kết nối văn hóa giữa thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hiroshima; hỗ trợ liên kết giao lưu giữa các trường học của thị xã Quảng Trị với các trường ở Hiroshima… Đặc biệt, Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam đã làm một việc đầy ý nghĩa, hội viên của Hội đã tự tay gấp 50 ngàn con hạc giấy và mang những chiếc lọ đựng 50 ngàn con hạc giấy ấy từ Nhật Bản sang Việt Nam, vào Quảng Trị để trao tặng các địa điểm mà họ viếng thăm. Cùng với những con hạc giấy được trưng bày tại bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, hàng ngàn con hạc giấy khác được ngài Akagi Tatsuo và hội viên Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam trao tặng những nghĩa trang liệt sĩ, những trường học, bệnh xá, những ngôi làng dân tộc thiểu số ở vùng núi cao Quảng Trị…

Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam tặng học bổng cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị cung cấp

Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam tặng học bổng cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị cung cấp

Lần đầu vào Thành Cổ Quảng Trị, thấy những con hạc giấy rực rỡ sắc màu được trưng bày trong nhà bảo tàng nhưng tôi cũng không để ý nhiều, vì nghĩ đó cũng chỉ là một món quà tặng ngoại giao để thể hiện tinh thần kết giao mà thôi. Nhưng khi đã biết về ý nghĩa của chim hạc trong văn hóa Nhật Bản và câu chuyện ngàn hạc giấy của Sadako, cũng như hiểu rõ hơn các hoạt động từ thiện nhân đạo mà Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam đã thực hiện ở Quảng Trị nhiều năm qua thì mới thấy, họ đã gửi vào hình ảnh hạc giấy thông điệp hòa bình. Tìm đọc các bài viết và xem nhiều bức ảnh ngài Akagi Tatsuo đăng trên facebook sau mỗi chuyến thăm Quảng Trị, ta có thể cảm nhận được sự chân thành của một người Nhật đã đến và đã thấy sắc diện của chiến tranh và hòa bình ở Quảng Trị. Để rồi từ đó, ngài Akagi cùng với Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam đã khởi sự một hành trình sang thăm Quảng Trị hằng năm để thấu hiểu nhau và để hiểu thêm niềm vui của hòa bình, hữu nghị.

Có lẽ trong lịch sử nhân loại, chiến tranh, xung đột vẫn luôn xảy ra đâu đó trên trái đất. Ngay lúc tôi đang viết những dòng này, vẫn còn những người dân đang mất nhà cửa, mất người thân vì bom rơi đạn lạc. Trên sân khấu lễ trao giải Oscar lần thứ 96 vừa qua, đạo diễn Mstyslav Chernov trở thành đại diện đầu tiên của Ukraine giành tượng vàng Oscar nhờ bộ phim tài liệu “20 ngày ở Mariupol”. Phát biểu khi nhận giải, Chernov nói ước mình không phải làm bộ phim này, và giá như ông có thể đổi giải thưởng danh giá của ngành điện ảnh để lấy lại những ngày đất nước Ukraine thanh bình. Vậy mới biết, được sống trong hòa bình luôn luôn là khát vọng mãnh liệt của các quốc gia và của cả nhân loại.

Tháng Bảy này, có một lễ hội rất ý nghĩa, rất xúc động lần đầu tiên diễn ra ở Quảng Trị - Lễ hội Vì Hòa bình. Rất nhiều người dân trên đất nước Việt Nam và cả du khách nước ngoài đã tham dự lễ hội. Cùng với độ lùi của thời gian, khi đến với Quảng Trị, người ta thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh để trân quý hơn giá trị của hòa bình. Và, khi thông điệp hòa bình được cất lên từ Quảng Trị, một vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát bởi chiến tranh và nay đang hồi sinh mạnh mẽ trong hòa bình đã làm lay động tới rất nhiều những vùng đất trên thế giới, đặc biệt là những vùng đất đã từng chịu chung số phận như Quảng Trị. Từ lễ hội này, Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình của bạn bè quốc tế. Khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành điểm đến vì hòa bình luôn nhận được sự chia sẻ của bạn bè quốc tế, nhất là những vùng đất từng chịu hậu quả chiến tranh tàn khốc như thành phố Hiroshima của Nhật Bản vẫn còn phải khắc phục hậu quả nặng nề của vụ nổ bom nguyên tử trong thế chiến thứ hai.

Tôi nhớ, ông Trần Khánh Phôi - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị có lần chia sẻ câu chuyện, là mỗi lần sang thăm Quảng Trị, ngài Akagi Tatsuo - Chủ tịch Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima - Việt Nam luôn mang theo trong người những tờ giấy nhỏ hình vuông nhiều màu sắc. Ngài Akagi vừa đi vừa gấp hạc, rồi trao tặng những người dân Quảng Trị mà ngài có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc. Và, những người dân Quảng Trị được ngài Akagi tặng hạc giấy đều đón nhận món quà ấy với tình cảm nâng niu trân trọng. Chính câu chuyện đó cũng gợi lên suy nghiệm về chiến tranh và hòa bình vốn ở ngay quanh ta, nếu con người biết dừng lại, hiểu và thương nhau thì thù hận hóa yêu thương, chiến tranh hóa hòa bình.

CẨM NHUNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 358

Mới nhất

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

27/01/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

7 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

11 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground