Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Rú làng

Đi một vòng qua huyện Vĩnh Linh, điểm những rú làng còn tồn tại qua bao thăng trầm của lịch sử để biết giá trị của nó. Như rú Lịnh, nó không còn là rú làng của một làng cụ thể nào mà thực tế nó là rú của nhiều xã trong huyện. Rú Lịnh được ví von là “lá phổi xanh” của một vùng dân cư đông đúc phía đông huyện Vĩnh Linh. Với diện tích khoảng 100 ha rừng nguyên sinh, rú Lịnh là hình ảnh thu nhỏ của rừng già Trường Sơn giữa đồng bằng. Nó là nguồn sinh thuỷ chính cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho người dân và nuôi sống đồng đất các xã Vĩnh Hoà, Hiền Thành, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Nam Trung, Vĩnh Tú, Vĩnh Chấp…

Có thể nhiều người Vĩnh Linh vẫn nghĩ rằng rú Lịnh chỉ có giá trị với mấy xã liền kề mà không biết thực tế này: Khởi nguồn từ đông và đông bắc rú Lịnh, có hai con khe chảy ngược từ nam lên phía bắc, một con chảy qua thôn Huỳnh Công Đông tạo nên bàu Thủy Trung xã Trung Nam trước khi đổ xuống bàu Thuỷ Ứ ở xã Vĩnh Tú, làm nên một danh thắng độc đáo của Vĩnh Linh. Một nhánh khe khác lớn hơn từ rú Lịnh cũng chảy ngược lên phía bắc qua giữa thôn Nam Hùng, Nam Cường xã Nam Trung, qua khu phố Hòa Phú thị trấn Hồ Xá. Khe chảy dọc các thôn phía tây xã Vĩnh Tú, lên địa phận xã Vĩnh Chấp góp nước tạo nên bàu Côộc. (Bàu Côộc sâu, nhiều nước đến độ thời chống Pháp một đồn trưởng quân Pháp đóng ở đồn Chấp Lễ đã tự tin thách thức: “Khi nào nước bàu Côộc cạn thì Việt Minh mới hạ được đồn này”. Nước bàu Côộc không bao giờ cạn là một thực tế nhưng đồn Chấp Lễ đã bị du kích Việt Minh lập mưu bắt sống cả quan lẫn lính không tốn một viên đạn). Con khe này đi gần hết địa phận xã Vĩnh Chấp thì chuyển hướng chảy về phía tây khoảng 3 km nữa rồi chuyển hướng đông nam, đổ nước vào sông Hồ Xá nhập vào sông Sa Lung ở ngã ba Châu Thị rồi xuôi về sông Bến Hải. Nói dài dòng như vậy để biết rằng, nguồn sinh thủy từ rú Lịnh cấp nước cho gần hết cả huyện Vĩnh Linh!

Nhờ có con khe làm chức năng dẫn thủy mà dân hai bên bờ khe làm được ruộng, trồng được màu và cây ăn quả trong đó có giống dưa hấu Vĩnh Tú nổi tiếng. Dân quanh vùng đồn rằng dân thôn Tây, Thuỷ Tú, Phường Duyệt trồng dưa đỏ thành thương hiệu là nhờ lá trâm bầu khô đốt cháy sem sém trộn với phân hữu cơ ủ hoai mục.

Rú Lịnh rộng gần 100 hecta, với nhiều cây gỗ cổ thụ Ảnh: Hoàng Táo

Rú Lịnh rộng gần 100 hecta, với nhiều cây gỗ cổ thụ Ảnh: Hoàng Táo

Các thôn làng của xã Vĩnh Tú, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp dọc con khe này hiện vẫn lưu giữ được những rú làng có diện tích nhỏ hơn rú Lịnh nhưng khá thú vị. Đó là những rú làng “thuần chủng” một loại cây trâm bầu, như các rú làng thôn Tây, Thuỷ Tú, Phường Duyệt, Chấp Lễ hoặc xen lẫn trâm bầu với dẻ gai như rú làng Thượng Lập. Những rú làng này tuy không đa dạng sinh học như rú Lịnh nhưng hiện nay đang được bảo vệ và quản lý với mục đích cải thiện môi trường, ngăn ngừa thiên tai.

*

Trong tôi, những ký ức về làng mình với rú Chùa, rú Đình, rú Thần bao quanh làng để lại những kỷ niệm không thể mờ phai. Khi tôi lớn lên rú làng chính là thế giới cổ tích đầu tiên ùa vào tuổi thơ. Thực tế rú làng chỉ rộng dăm chục hecta, nhưng trong mắt thơ bé của tôi nó là một cánh rừng già, bao la và hùng vĩ với những thân cây to lớn, vỏ cây xù xì, rêu phong cao vút vươn lên trời. Các tán lá cây tầng cao sum suê, tạo nên một mái che khổng lồ, lọc những tia nắng lọt qua kẽ lá chiếu xuống tạo nên những vệt sáng nhảy múa lung linh.

Dưới tán lá mát mẻ là những bụi cây thấp, những đám rêu, lùm thảo dã xanh mướt phủ kín các khoảng đất trống, những cành cây khô gãy rơi vương vãi trên nền đất ẩm ướt. Trên vòm cao tiếng chim hót líu lo, dưới đất tiếng côn trùng râm ran hòa trong tiếng gió ru cành cây xào xạc. Rú làng có vẻ gì đó bí ẩn, nguyên sơ và thâm nghiêm trầm mặc. Tôi nhớ từ lúc lẫm chẫm biết đi, mùa thu đã theo mẹ vào rú làng quét lá khô về ủ làm phân. Tháng mười một mưa dầm chuyển se sắt heo may thì đi tìm nấm mối, nấm meo, chắt chắt, nấm môi lợn, nấm cỏ may, nấm bọc, nấm mạo, nấm gạo, nấm tràm. Mùa hè thì vào rú lượm củi khô về đun và tuyệt nhiên không ai mang ra khỏi rú một cành nhỏ hay ôm lá tươi… Trong rú làng chứa cả một thiên đường trái cây, hoa lá hấp dẫn khó cưỡng. Mùa nào thức ấy, chúng tôi thuộc lòng từng mùa, từng loại trái chín theo vòng luân chuyển của tự nhiên như: Mùa sim, muồng, dâu, trâm bầu, chúc mao, hồng leo, móc, nho dại... Đặc biệt mùa hè, lũ trẻ con chúng tôi được nghỉ học, thoả sức thao túng tất cả thú vui của thiên nhiên ban tặng cho trẻ con miền bán sơn địa.

Rú Lịnh rộng gần 100 hecta, với nhiều cây gỗ cổ thụ Ảnh: Hoàng Táo

Rú Lịnh rộng gần 100 hecta, với nhiều cây gỗ cổ thụ Ảnh: Hoàng Táo

Bọn trẻ con rủ nhau vào làm lán lợp bằng lá chuối dưới tán cây cổ thụ trong rú làng, mô phỏng theo những ngôi nhà nhỏ trong truyện cổ tích. Mê mải tìm chim, hái quả chín ăn được mang về mở những bữa tiệc trái cây và lùng trong các hốc cây bắt những chú sáo mỏ vàng, mỏ ngà sắp ra ràng về nuôi và kiên trì dạy cho chúng bắt chước nói tiếng người. Trong rú làng, ở triền thấp có những lạch nước nhỏ và nông, chảy mà nhìn như không chảy, lạch nước này rịn ra từ chính những vạt trâm bầu, lau cù, suốt mùa hè làm ẩm mát những vạt ruộng quanh làng. Đây là giang sơn của các loài cá đen: trê, nheo, rô, tràu, lươn, chạch và đặc biệt là cá tràu cóc đỏ đuôi.

Cá tràu, có tên gọi khác là cá đô, miền Bắc thì gọi là cá quả, cá chuối, miền Nam gọi là cá lóc. Con cá tràu tên chữ là “Lục hoa ngư” một trong những loài thủy sản được liệt vào hàng “quốc bảo” đã được vua Minh Mạng cho khắc hình nổi trên Nghị Đỉnh, đúc năm Ất Mùi (1836). Nghị Đỉnh là đỉnh thứ năm trong Cửu Đỉnh, hiện đặt tại Điện Thế Miếu trong Đại Nội, Huế. Khi đứng trước Nghị Đỉnh, tôi nghĩ hình mẫu cá tràu để nghệ nhân chạm khắc lên Đỉnh chính là con cá tràu cóc đỏ đuôi có trong rú làng quê tôi. Hình ảnh rõ nét là đuôi cá hình quạt tròn, vây vi xòe rộng, màu tím tía khá bắt mắt, đầu tròn chứ không nhọn như cá tràu đồng. Tóm lại cá tràu cóc đỏ đuôi không khác mấy so với cá tràu cảnh hoàng đế hiện nay. Cá tràu cóc đỏ đuôi lớn nhất chỉ to hơn ngón chân cái người lớn, dài hơn gang tay, béo múp míp. Thịt nó cực thơm ngon và bổ, xưa thường nấu cháo cá tràu cóc đỏ đuôi cho người ốm ăn để nhanh phục hồi sức khoẻ. Gọi là tràu cóc vì nó nhỏ nhưng có khả năng nhảy xa như cóc. Ở quê tôi trẻ con chậm biết đi người nhà thường bắt cá tràu cóc đỏ đuôi còn sống đập vào chân “làm phép” cho trẻ nhanh biết chạy nhảy.

Nấm mọc rất nhiều trong rú Lịnh - Ảnh: Hoàng Táo

Nấm mọc rất nhiều trong rú Lịnh - Ảnh: Hoàng Táo

Lớn lên đi học tôi mới biết thêm, lâm viên tự nhiên, hay còn được gọi là rừng nguyên sinh là những hệ sinh thái rừng phức tạp và đa dạng, với nhiều tầng thực vật khác nhau. Từ cây gỗ lớn đến các loài thực vật ưa bóng tán, là một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, nó điều hòa khí hậu và cân bằng carbon, bảo vệ đất, giữ nước và ngăn ngừa xói mòn, lũ lụt. Chỉ có rừng nguyên sinh mới tạo nguồn sinh thủy. Điều này cũng giải thích vì sao sau chiến tranh xung quanh làng tôi đã ngút ngát rừng trồng thay cho rú làng tự nhiên đã bị chiến tranh hủy diệt nhưng chức năng sinh thủy không thể phục hồi. Rừng trồng không có thảm thực bì và cứ năm, bảy năm lại khai thác rồi trồng mới nên không thể thực hiện chức năng hệ sinh thái hoàn chỉnh, liên tục như rừng tự nhiên nên vì thế không còn chức năng sinh thủy. Không sinh thủy, thì hàng ngàn hecta rừng trồng dẫu tốt tươi đến mấy cũng không thể tái dựng kỷ niệm xưa nay đã thành quá vãng.

Tuổi thơ và những cánh rừng quanh làng luôn gợi nhớ sự trong trẻo, lãng mạn với nhiều người trong đó có tôi. Một quãng đời đáng nhớ, gắn liền với những trải nghiệm đẹp đẽ và tình yêu thiên nhiên vô bờ trong mỗi con người¢   

Dẻ gai mọc rất nhiều trong rú Lịnh - Ảnh: Hoàng Táo

Dẻ gai mọc rất nhiều trong rú Lịnh - Ảnh: Hoàng Táo

                                                        

Ở làng quê Quảng Trị nói chung và huyện Vĩnh Linh nói riêng, mùa gió nam nắng, muốn tìm nơi râm mát để tránh cơn oi nồng thì ngoài về biển không nơi nào tốt hơn là vô rú làng. Những khoảnh rú làng, rú cấm nho nhỏ ở đầu hay cuối mỗi làng chính là cái ô tự nhiên che chở cho làng quê qua bao trận cuồng phong, khô hạn, nắng cháy.

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Chuyên đề 13 "Mùa nam nắng"

Mới nhất

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

27/01/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

7 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

10 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground