(Nhà văn người Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học 2018)
Mẹ mất! Gã tổ chức tang lễ chu đáo. Tất cả bạn bè của mẹ gã đều tới dự. Đó là những bà lão đau khổ ẩn mình dưới chiếc mũ bê-rê và những chiếc áo khoác đại hàn có cổ làm bằng lông thú còn vương mùi băng phiến. Dưới lớp trang phục đó, khuôn mặt của họ hiện ra như những khối u lớn và xanh xao. Họ lặng lẽ sụt sịt khi chiếc quan tài bắt đầu được hạ xuống bằng những sợi dây thừng đẫm nước mưa, rồi túm tụm lại với nhau thành từng nhóm nhỏ dưới những chiếc ô gập có hoa văn chẳng mấy phù hợp.
Ngay trong tối hôm đó, gã mở ngăn tủ mẹ vẫn để tài liệu ra và lục tìm trong đó một cách vô thức, không biết sẽ tìm kiếm thứ gì. Tiền ư! Cổ phiếu bí mật! Hay trái phiếu an hưởng tuổi già vẫn thường được quảng cáo trên ti-vi với khung cảnh mùa thu tràn ngập lá vàng rơi!
Tất cả những gì gã tìm thấy là vài cuốn sổ bảo hiểm cũ kỹ từ những năm 1950, 1960, một chiếc thẻ đảng viên của ông ngoại. Ông đã mất năm 1980 với một niềm tin trong sáng rằng chủ nghĩa cộng sản là một trật tự bất diệt và siêu thực. Gã cũng tìm thấy những bức tranh mình vẽ từ thời còn đi học mẫu giáo. Những bức tranh này được gói bọc cẩn thận trong một chiếc hộp các-tông buộc dây chun. Thật xúc động khi thấy mẹ gã còn giữ lại những bức tranh đó. Đó là điều gã chưa bao giờ nghĩ tới. Trong ngăn tủ còn có mấy cuốn sổ ghi chép các công thức ngâm, muối củ quả, làm tương ớt và mứt. Công thức mỗi món đều được bắt đầu ghi chép trên một trang khác nhau, với những cái tên gọi tinh tế được viết bằng nét chữ nhẹ nhàng, vẻ như rụt rè, diễn tả rằng ẩm thực cũng cần phải đẹp; những cái tên kiểu như “Rau củ muối mù tạt”, “Bí ngô ướp kiểu nữ thần Diana”, “Salad theo công thức Avignon”, hay “Phong cách Boletus Creole”. Đôi khi cũng có những thứ kì quặc nho nhỏ như “Thạch vỏ táo” hay “Diên vĩ ngâm đường”.
Phát hiện này khiến gã tò mò, muốn xuống xem cái tầng hầm mà đã nhiều năm nay gã không đặt chân tới. Mẹ gã thì khác, rất thích giết thời gian ở dưới đó trong khi gã chưa từng băn khoăn về điều đó trước đây. Bất cứ khi nào mẹ gã cho rằng các trận bóng gã xem quá ồn ào, hay thấy rằng những lời cằn nhằn yếu ớt của bà chẳng mấy tác dụng, bà lại xuống dưới tầng hầm và vui vẻ ở lại đó khá lâu. Trong khi đó, gã sẽ cho phép mình thực thi nốt cái công việc yêu thích của mình: Nốc hết lon bia này đến lon bia khác trong khi theo dõi hai nhóm đàn ông trong trang phục khác màu, chạy qua chạy lại giữa hai phần sân bóng.
Bên dưới tầng hầm hết sức gọn gàng và ngăn nắp. Chỗ này là tấm thảm nhỏ đã cũ mòn gã nhớ đã nhìn thấy từ khi còn bé. Chỗ kia làm chiếc ghế bành bọc vải nhung với chiếc chăn len gấp lại gọn gàng đặt phía trên. Ngoài ra, dưới hầm còn một chiếc đèn ngủ và vài cuốn sách đọc nhiều tới độ đã rách nhiều chỗ. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh với gã là những chiếc giá đựng hàng loạt chai, lọ rau củ ngâm, muối được lau chùi sạch sẽ. Trên mỗi chiếc lọ dán một chiếc nhãn ghi tên và năm các loại rau củ được ngâm theo công thức trong mấy cuốn sổ ghi chép gã tìm thấy trên nhà những cái tên đại loại như “Dưa chuột bao tử ngâm nước thịt Stasia, 1999”, “Món khai vị ngâm ớt đỏ, 2003”, “Món nhúng của bà Z”. Một vài cái tên lại có vẻ bí ẩn như “Đậu que tiệt trùng”. Cả đời gã cũng chẳng bao giờ nghĩ được “tiệt trùng” có nghĩa là gì, nhưng hình ảnh những cây nấm đã nhợt màu cùng mấy quả ớt đỏ như màu máu nén trong chiếc lọ to gợi cho gã khát khao cuộc sống. Gã lướt qua bộ sưu tập những món ăn ngâm, muối; chẳng thấy bất cứ thứ gì kiểu như cặp tài liệu hay tiền giấy được cuộn lại phía sau đống chai lọ. Có vẻ như mẹ chẳng lại để cho gã thứ gì.
Gã mở rộng không gian của mình bằng cách sử dụng phòng ngủ của mẹ để chứa quần áo bẩn và bia. Thỉnh thoảng gã lại xuống tầng hầm mang một hộp đựng mấy lọ rau củ muối lên, với tay mở một lọ và dùng dĩa lấy củ quả bên trong ra. Phải nói là bia nhắm cùng mấy thứ hạt khô kết hợp với ớt hay dưa chuột bao tử ngâm mềm ngon tuyệt vời. Gã ngồi trước ti-vi mà suy ngẫm về cái hoàn cảnh mới đó trong cuộc đời mình, về sự tự do mới có mà có cảm giác như vừa mới trải qua kì thi tốt nghiệp ở trường học và cả thế giới dường như đang mở ra trước mắt. Cứ như thể một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn đang bắt đầu vậy. Gã cũng đã có tuổi. Năm ngoái gã đã bắt đầu bước qua cái mốc bốn mươi, thế nhưng gã vẫn thấy mình còn trẻ, chẳng khác nào một học sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Và mặc dù số tiền hưu cuối cùng từ người mẹ quá cố đang cạn dần, gã vẫn còn có đủ thời gian để đưa ra quyết định đúng đắn. Trong khi đó, gã sẽ từ từ ăn hết những gì mẹ để lại như một gia tài thừa kế. Gã sẽ chỉ phải mua một ít bánh mì và bơ là cùng. Và bia nữa! Sau đó, có lẽ gã sẽ kiếm một công việc thực sự, thứ mà mẹ đã cằn nhằn với gã trong suốt hai mươi năm qua. Gã có thể lên sàn giao dịch lao động. Chắc hẳn ở đó người ta sẽ tìm thấy thứ gì đó phù hợp cho một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đã bốn mươi tuổi như gã. Gã thậm chí có thể mặc bộ véc sáng màu mà mẹ đã ủi cẩn thận và treo cùng một chiếc áo sơ mi màu xanh trong tủ quần áo, sau đó đi vào thị trấn. Tất nhiên là chuyện đó chỉ xảy ra khi trên ti-vi không diễn ra trận bóng nào!
Vậy mà lại gã thấy nhớ tiếng dép lê của mẹ lẹt xẹt quanh nhà. Gã đã quá quen với cái âm thanh lẹt xẹt đó, thường là đi kèm với cái giọng nhỏ nhẹ của bà, bảo rằng: “Mày không cho cái ti-vi nó nghỉ ngơi được một chút à. Sao không chịu ra ngoài gặp gỡ mọi người hay đi tìm đứa con gái nào đó đi? Mày định sống cả phần đời còn lại thế này hay sao? Phải tìm một căn hộ cho riêng mình đi chứ; căn nhà này không đủ chỗ cho hai người. Mọi người ai cũng kết hôn, sinh con đẻ cái, đi cắm trại và gặp gỡ nhau ở những bữa tiệc nướng. Còn mày thì sao? Có thấy xấu hổ không khi bám váy một bà già ốm yếu? Đầu tiên là bố mày, còn bây giờ thì là mày. Tao phải giặt giũ và ủi đồ cho mày, rồi thì lại tha lôi mua sắm một mình. Cái ti-vi đó luôn biết cách quấy nhiễu tao, làm tao không sao ngủ được. Vậy mà mày thì ngồi trước ti-vi đến sáng được. Có cái gì mà mày xem suốt cả đêm được thế? Sao mày không thấy nhàm chán về nó thế nhỉ?” Mẹ gã cứ càm ràm như thế tới hàng giờ liền. Thế là gã đi mua một chiếc tai nghe. Cũng là một giải pháp. Mẹ gã không phải nghe tiếng ti-vi nữa, còn gã thì không phải nghe tiếng cằn nhằn của mẹ.
Nhưng như bây giờ thì lại yên tĩnh quá! Căn phòng gọn sạch của mẹ gã đầy khăn lót bàn và những ngăn tủ kính thu mình dưới đống hộp các-tông. Căn phòng bắt đầu bị xâm chiếm của một thứ mùi lạ tỏa ra từ những tờ giấy đang mủn ra, của thạch cao đang bị tấn công bởi nấm mốc. Một không gian kín, nơi gió không thể chạm tới, bắt đầu bốc mùi và lên men. Một ngày nọ, khi đang đi tìm mấy chiếc khăn sạch, gã lại phát hiện thêm một số chai lọ khác ở khoang dưới cùng của tủ quần áo. Chúng bị che đi bởi đống khăn trải giường, hoặc nép mình giữa những sợi len, như một đội quân du kích. Đây là mẻ rau củ muối thứ năm trong cái thế giới chai lọ của mẹ gã. Gã kiểm tra kĩ lưỡng và thấy chúng khác với những chiếc chai, lọ dưới tầng hầm về độ tuổi. Chữ viết trên nhãn dán đã hơi mờ, thường thấy là năm 1991 và 1992. Cũng có một số chai lọ được để riêng ra một chỗ. Chúng cũ hơn, quãng năm 1983 và có cả một chai từ năm 1978. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến mùi hôi. Nắp vặn bằng kim loại đã gỉ sét và không khí đã lọt vào bên trong. Dẫu trước đây thứ gì đã từng ở trong lọ thì giờ đã biến thành một tảng bám màu nâu. Gã ghê sợ ném chiếc lọ vào thùng rác. Những dòng chữ tương tự xuất hiện trên nhãn một chiếc lọ có nội dung “Bí ngô trộn sốt nho Hy Lạp”. Cũng có một số dưa chuột bao tử đã chuyển sang màu trắng. Ngoài ra, còn có rất nhiều chai, lọ khác với các rau củ ngâm bên trong mà gã sẽ không thể nhận ra nếu không có cái nhãn được dán đầy đủ và rõ ràng bên ngoài. Nấm ngâm đã biến thành một thứ gì đó giống như thạch, đùng đục và u ám, hay một kiểu mứt màu đen đã đông lại. Mấy thứ pa-tê thì đã cứng đanh và quắt lại thành từng nắm nhỏ. Gã còn tìm thấy nhiều lọ như vậy trong tủ giày và một cái hộc nhỏ phía sau bồn tắm. Quả là một bộ sưu tập đáng nể! Không biết có phải mẹ đã tích trữ đồ ăn cho gã hay không? Hay mẹ làm những thứ đồ ăn này cho bà vì nghĩ rằng một ngày nào đó gã sẽ dọn ra khỏi nhà? Hoặc cũng có thể là mẹ thực sự chuẩn bị những thứ đồ ăn này cho gã bởi bà nghĩ rằng bà sẽ ra đi trước... Mà sau tất cả thì các bà mẹ đều chết trước con trai của mình. Vì vậy, có lẽ bà muốn dự phòng mấy chiếc lọ này cho tương lai của gã. Gã kiểm tra mấy lọ rau củ ngâm với một thứ phức cảm kết hợp giữa yêu thương và kinh sợ. Đến khi bắt gặp một chiếc lọ dưới bồn rửa bát có ghi “Dây giày ngâm giấm, 2004” thì gã mới thấy giật mình. Nhưng tất cả những gì gã cảm thấy chỉ là hơi chút bối rối khi nhìn thấy những sợi dây màu nâu cuộn tròn như một quả bóng nổi lềnh bềnh trong nước ngâm cùng những viên tiêu Jamaica màu đen. Tất cả chỉ có thế.
Cứ khi nào gã bỏ tai nghe ra và đi vào nhà vệ sinh là mẹ lại đã chờ sẵn ở đó. Bà lẹt xẹt bước ra khỏi gian bếp, chặn đường gã mà rền rĩ: “Gà con đều đến lúc rời tổ. Đó là điều đương nhiên, bởi bố mẹ nào cũng xứng đáng đến lúc được nghỉ ngơi. Đó là quy luật của tự nhiên. Vậy thì sao mày vẫn cứ ở đây mà làm phiền tao mãi vậy? Lẽ ra mày phải dọn ra khỏi nhà và đi tìm cuộc sống cho riêng mình từ lâu rồi mới phải”. Sau đó, khi gã cố lách qua, bà sẽ nắm lấy tay áo gã mà rít to lên, đôi lúc đến độ chói tai: “Tao xứng đáng được hưởng một tuổi già yên bình. Hãy để tao yên! Tao muốn được nghỉ ngơi”. Nhưng gã đã biến vào trong nhà vệ sinh, chốt cửa lại và chìm vào những suy nghĩ riêng mà quên đi chính mình. Mẹ gã sẽ lại cố gắng chặn gã lại khi gã quay ra, nhưng ít quyết liệt lên án hơn. Sau đó, mẹ gã sẽ chậm chạp đi ra, chui vào phòng ngủ của mình, và gã sẽ không còn thấy bất cứ dấu vết nào của mẹ cho đến tận sáng hôm sau, khi tiếng kim loại va đập vào nhau vang lên khi bà thong thả cọ nồi, cọ chảo, khiến gã không ngủ thêm được nữa.
Nhưng các bà mẹ bao giờ cũng yêu thương con mình. Thiên chức của mẹ là yêu thương và tha thứ. Vì vậy, gã chẳng chút lo lắng khi thấy mấy sợ dây giày hay miếng bọt biển sốt cà chua dưới hầm. Dù sao thì nó cũng được chú thích một cách chính xác là “Bọt biển sốt cà chua, 2001”. Gã mở ra, kiểm tra xem có đúng như trên nhãn đã ghi hay không rồi ném chiếc lọ vào thùng rác. Tuy vậy, gã cũng tìm thấy vài món thực sự ngon. Một trong những chiếc lọ cuối cùng gã tìm được là ở trên chiếc giá dưới hầm. Chiếc lọ ngâm móng giò lợn khá ngon. Gã lại tìm thấy cái lọ ngâm củ cải bao tử chua cay sau tấm rèm trong phòng mẹ. Chỉ trong hai ngày, gã đã ăn hết vài lọ. Còn khi cần đồ tráng miệng thì gã sẽ quẹt ngón tay lấy một ít mứt mộc qua mà chén.
Hôm diễn ra trận đấu giữa Ba Lan và Anh, gã kéo cả một hộp rau củ ngâm muối lên khỏi hầm và bày cả đống bia ra xung quanh. Gã cứ thò tay vào hộp một cách ngẫu nhiên và ngấu nghiến những thứ rau củ được ngâm muối đó mà không cần biết thứ mình đang ăn là gì. Gã cũng để ý thấy có một cái lọ nhỏ, vì mẹ gã nhầm lẫn một cách rất buồn cười. Trên nhãn ghi: “Nấm ngâm giấm, 2005”. Gã dùng dĩa lấy ra những chiếc mũ nấm màu trắng mềm mại. Thứ đồ ngâm đó trôi tuột xuống cổ họng gã như thể những sinh vật sống. Trận đấu đã có tỉ số. Vì vậy, gã thậm chí còn không nhận ra là mình đã ăn hết cả chỗ nấm đó. Đêm đó, khi đi vào vệ sinh, gã thấy như mẹ mình đang chặn trước cửa, rít lên bằng cái giọng chói lói không chịu nổi. Nhưng rồi gã sực nhớ ra rằng mẹ mình đã mất. Cứ thế, gã nôn thốc tháo từ đêm đến sáng, nhưng chẳng ích gì. Bệnh viện tìm cách ghép gan cho gã, nhưng không tìm được người hiến. Và thế là gã cứ thế hôn mê và chết vài ngày sau đó.
Chuyện chưa dừng ở đó, bởi mãi chẳng có ai tới nhận xác gã và cũng chẳng có ai sắp xếp tổ chức tang lễ cho gã. Cuối cùng thì những người bạn của mẹ gã cũng đến nhà xác bệnh viện. Những bà lão đau khổ ẩn mình dưới những chiếc mũ bê-rê, cầm những chiếc ô có hoa văn chẳng mấy phù hợp lại đứng trước ngôi mộ gã. Họ là những người thực hiện nghi thức lễ tang đầy trắc ẩn cho gã.
HỮU DƯƠNG chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh của Antonia Lloyd-Jines (nguồn: granta)
Nguồn: Văn nghệ Quân đội
http://vannghequandoi.com.vn/van-hoc-nuoc-ngoai/do-tich-tru_10040.html