Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/04/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Truyền thuyết về người con gái của Yang Xư

Hôm nay gia đình pi(1) Khăm Say làm lễ cúng cho người em gái. Thường thì lễ cúng chỉ dành cho người trong gia tộc đã khuất, gọi là cúng ma. Nhưng người em gái này của pi Khăm Say thì mất tích. Bà ấy đã đi vào rừng sâu từ năm 1982 sau khi gửi lại lời nhắn cho gia đình là đã nhận lời làm con nuôi của một A-nha(2) bên kia dãy núi.

Cả làng đã đi tìm suốt mấy con trăng, qua nhiều ngọn đồi, len lỏi vào từng hang núi hẻm rừng nhưng tuyệt nhiên không thấy tăm hơi. Trưởng làng làm lễ cầu hồn thì được ứng nghiệm tin, cô ấy không chết mà sống ở thế giới khác. Thế giới nào ư? Không ai nhận diện được! Chỉ biết rằng đó là một thế giới biệt lập với thế giới của chúng ta. Ta có thể cảm nhận được sự tồn tại của nó bằng ý niệm, bằng cảm giác mà không thể thấy được bằng mắt thường.

Bởi thế mà năm nào gia đình, dòng tộc pi Khăm Say cũng làm lễ cúng, nhưng không phải cúng ma người chết mà là cúng vọng tưởng nhớ đến cô, cầu mong người ra đi có cuộc sống trọn vẹn an yên.

Phu Sao vừa ăn cơm nếp trong cái típ(3) vừa nghe bà nội mình kể câu chuyện về người em gái đã đi vào rừng sâu thuở nào. Cô bé đang đói vì vừa trải qua chuyến xe từ Huế để về nhà. Cô đang là sinh viên năm nhất ngành Nông Lâm của Đại học Huế. Vừa ăn Phu Sao vừa thích thú với chuyện có bà dì trở thành con nuôi của Yang Xư(4). Thật là hoang đường nhưng cũng thật thú vị. Lời bà nội cô nhẹ nhàng như hơi thở của rừng sâu. Vừa nói bà vừa tha thiết ngắm nhìn cháu gái:

- Giống quá! Cháu rất giống bà dì cháu. Bà dì cháu rất đẹp. Đẹp như cháu vậy!

Phu Sao cười phá lên: 

- Ôi!… chắc cháu cũng đi vào rừng sâu như bà dì mất… Yang Xư thường thích bắt con gái đẹp mà.

Phu Sao bỗng im bặt, tắt hẳn nụ cười hồn nhiên vì cô thấy gương mặt bà nội mình tái đi, môi run run. Mắt bà mở to đầy hoảng sợ và cơ thể dường như bất động. Phu Sao vội đỡ lấy bà, lớn tiếng gọi mọi người đến giúp.

Một lúc sau, bà nội cô tỉnh lại. Bà luống cuống gọi tên Phu Sao. Cô cháu gái vẫn đang ngồi cạnh bà. Bà ôm chầm lấy cô. Chắc bà cũng sợ cháu gái mình bị ma rừng bắt đi như người em gái năm xưa. Phu Sao vỗ về, an ủi bà:

- Cháu đây! Cháu đây mà… cháu không đi đâu cả. Với lại bây giờ núi rừng chỗ nào cũng có bóng dáng con người… thần Núi chẳng dám bắt ai nữa đâu ạ.

Những lời an ủi của cô cháu gái khiến pi Khăm Say nguôi đi phần nào nỗi lo lắng ám ảnh. Phải rồi! Bây giờ núi rừng trần trụi, chỗ nào cũng có bóng dáng con người chứ không thâm u, bí hiểm như mấy chục năm trước đó. Thời pi Khăm Say còn con gái, bước chân xuống sàn nhà phải nhìn trước ngó sau xem thử có con cọp chực chờ lởn vởn ngoài bờ rào hoặc có con gấu nào leo rào vào hái đu đủ chín trong vườn không. Thời ấy, con người vừa thân thiện vừa kính sợ thiên nhiên. Mỗi bước chân của họ đi qua rừng vắng phải khẩn cầu Yang Xư che chở. Nhưng sống giữa thiên nhiên núi rừng cũng có nhiều điều vui vô kể. Đó là được nghe tiếng gió lao xao suốt ngày không dứt. Gió đem theo hương hoa phong lan, hương cỏ mật, hương lá rừng rải muôn chốn mọi nơi khiến đất trời thơm ngát. Những buổi sớm tinh sương khi mặt trời chưa ló dạng thì người ta đã bị đánh thức bởi tiếng gà gáy, tiếng dê kêu, tiếng con lợn ụt ịt dưới sàn và cả tiếng chim véo von trên những tàn cây cổ thụ quanh bản. Lắng nghe chút nữa vọng về từ phía xa xa là tiếng dòng suối trong vắt, róc rách chảy nhẹ luồn qua những phiến đá nhỏ.

Minh họa: AI Thanh

Minh họa: AI Thanh

Không biết từ khi nào, cảnh vật thay đổi hẳn. Không còn màu xanh vời vợi long lanh mơn mởn nữa mà thay vào đó là màu vàng nâu của đất, màu đen nham nhở của những khoảng rừng bị đốt cháy. Những dãy đồi lởm chởm có nhiều gốc cây bị đốn hạ, thân cây bị thiêu rụi chết khô cháy. Người ta phá rừng, người ta chặt cây. Những cây gỗ hàng mấy trăm tuổi bị triệt hạ. Cây không còn, rừng đã mất thế là chim muông, hổ, báo, trăn, rắn, hươu nai...  nháo nhác trốn chạy.

Phu Sao ngồi trên sàn, giúp bà nội dệt nốt tấm khăn choàng bằng chỉ ngũ sắc. Con gái Vân Kiều phải có khăn choàng thì mới duyên dáng. Cô biết đây là chiếc khăn dành cho cô nên dệt rất cẩn thận. Đang chăm chú luồn chỉ, cô giật mình nhìn về phía dưới sân. Một người con gái xinh xắn, trắng trẻo đang đứng đó, giữa một vầng sáng trắng bàng bạc như sương! Điều đặc biệt là người con gái ấy rất giống Phu Sao. Giống như hệt. Phu Sao ngỡ rằng mình đang soi gương. Nhưng không! Chẳng có cái gương nào trước mặt cô cả. Chỉ có một đám mây mỏng nhuộm ánh sáng hồng rực long lanh. Giữa đám mây đó là người con gái đẹp như hoa đang nhìn Phu Sao mà mỉm cười. Phu Sao có chút bối rối, ngỡ ngàng không nói nên lời. Hình như có một sức mạnh vô hình nào đó kéo cô đứng dậy, rời khỏi khung dệt và cô từ từ bước xuống sàn, tiến lại gần người con gái đang đứng cười trong đám mây kia. Phu Sao giơ tay chạm vào người cô gái như muốn kiểm nghiệm đó là người khác hay chỉ là hình bóng mình trong gương. Người con gái xinh đẹp đứng trong vầng mây trắng hồng lấp lánh ấy cầm lấy tay Phu Sao, cười nhẹ và dắt Phu Sao đi.

Họ đến trước một căn nhà sàn to rộng làm bằng gỗ được chạm trổ thích mắt. Phía sau nhà là rừng tre xanh cao vút. Hai bên phía chái hiên là những cây mít xù xì bóng dáng cổ thụ uy nghi. Trên nhiều cành mít, người ta trồng những giò phong lan muôn sắc màu rực rỡ. Phu Sao bâng khuâng giữa cảnh sắc thơ mộng tựa chốn thần tiên. Cô không thể tưởng tượng được lại có một nơi thanh tĩnh, trong lành và hữu tình đến thế này. Người con gái lạ buông tay Phu Sao, nhìn thẳng vào cô mà nói:

- Ta là Mia, em gái của bà nội cháu!

Ôi trời! Phu Sao cảm thấy có luồng điện lạnh toát chạy dọc sống lưng mình. Trong khoảnh khắc cô hiểu là mình đã bị con ma rừng Yang Xư dẫn đi như người em gái của bà nội năm xưa. Nhưng người con gái xinh đẹp trước mặt cô đây đang mỉm cười, nụ cười rất hiền và có đôi bàn tay ấm áp thì chắc không phải ma rồi. Mà dù sao, theo vai vế thì người con gái ấy cũng là bà dì của Phu Sao. Nghĩ vậy nên cô không thấy sợ nữa nhưng vẫn chưa hết ngỡ ngàng:

- Nhưng bà đã đi đâu vậy ạ? Bà nội cháu rất nhớ bà. Cứ đến ngày cúng vọng là bà nội lại kể chuyện về bà cho cháu nghe. Mà đây là đâu bà nhỉ? Sao bà trẻ mãi không già vậy?

Trước những câu hỏi dồn dập của cô cháu gái, Mia chỉ cười, rồi dắt cháu gái lên sàn nhà. Hai bà cháu (theo tuổi tác vai vế trong nhà thì là vậy) ngồi đối diện với nhau bên cái pa-điêng(5) đầy thức ăn mà người hầu gái xinh đẹp vừa mới bưng ra. Mia thủ thỉ kể cho cháu gái nghe chuyện của mình:

- Đây là bản của Yang Xư, ông ấy là cha nuôi ta. Ngày trước, khi ta vào rẫy cùng với a-zê(6) của con, ta đã gặp một con cọp vàng bị vướng chân vào bẫy của mấy người thợ săn. Lúc đầu ta đã sợ muốn ngất đi, nhưng thấy cọp vàng đẹp óng ánh, ánh mắt dịu dàng nhìn ta, ta đã động lòng mà gỡ cái bẫy dưới chân nó. Nó vừa thoát nạn, gầm lên một tiếng khiến ta kinh hãi… Khi tỉnh dậy, ta thấy mình ở đây, ngồi trước mặt ta là một vị a-nha rất tôn kính. Vị a-nha ấy cảm ơn ta đã cứu ông. Lúc đó ta mới biết a-nha chính là cọp vàng bị mắc bẫy. Con nhìn kìa, kia là bộ da cọp mà Yang Xư, cha nuôi ta thường mặc để đi du ngoạn núi rừng sông suối.

Thì ra là vậy! Tấm da cọp vàng óng treo trên cành mít cổ thụ kia là vật hóa thân của Yang Xư. Phu Sao không hiểu mình đang trong cõi thực hay mơ. Có cái gì là mộng ảo phiêu bồng khiến cô không muốn đắm chìm vào đó. Cô thấy cần trở về với thực tại. Nhưng thực tại cũng là đây, là người em gái của bà nội cô mất tích từ hơn bốn mươi năm về trước, mất tích từ thuở cô chưa có mặt trên đời. Bà dì Mia khi ra đi mới đang tuổi mười tám mùa lúa rẫy ngả vàng, tính đến nay thì đã là bà lão gần bảy mươi rồi đấy! Ấy nhưng trước mặt Phu Sao lúc này lại là người con gái trẻ đẹp như ánh trăng tròn đầu non, như một vị thần tiên được tạo hình trong những phần mềm công nghệ mà cô hay sử dụng. Bà dì Mia thủ thỉ:

- Con biết không, Yang Xư nói muốn nhận ta làm con vì ta biết thương vạn vật muôn loài. Thế giới con người thật tươi đẹp, nhưng cũng thật tàn nhẫn. Xứ sở của Yang trước đây đông vui tấp nập, vạn cây rừng sống ngàn năm bất tử che chở cho muông thú sinh tồn, đem lại nguồn sống cho con người ở những bản làng bình yên, xinh đẹp. Vậy mà có một thời, bọn Nhắc(7) từ phía mặt trời lặn bay tới, thả xuống xứ sở xanh tươi trù phú của Yang vô vàn những trái quả rất lạ. Mỗi một trái quả lạ đó rơi xuống phát ra tiếng nổ long trời, tỏa ra quầng lửa chói sáng dữ dội, đốt rụi rừng cây, thiêu cháy muôn thú. Cõi Yang trở nên vắng lặng hoang vu và nhiều người cũng chết dần chết mòn vì đói, vì bị thiêu đốt. Nỗi đau khiến Yang Xư run rẩy làm sạt lở dãy núi kia kìa…

Bà dì Mia dắt Phu Sao tới đứng nơi cửa sổ hướng đông, chỉ cho cô thấy những dãy núi đồi bị sạt lở trơ ra mảng màu vàng nâu của đất, có chỗ bị thiêu cháy nham nhở một màu đen xám không khác gì tấm da của người bị bỏng nặng đến hồi lở loét. Cả một vùng rừng núi không có chút màu xanh. Phu Sao có cảm giác đau lòng vì cảnh tượng chết chóc hoang vu đó. Bà dì Mia lại nhìn cô, khẽ mỉm cười, nói:

- Đó là trước đây. Bây giờ khác rồi con à. Con nhìn lại xem!

Trong một khoảnh khắc, Phu Sao không tin vào mắt mình nữa. Cô tưởng rằng mình đang xem thước phim có sự chuyển cảnh tinh tế. Trước mắt cô lúc này là bạt ngàn màu xanh mát mắt của muôn dãy núi đồi lô xô như sóng biển đuổi nhau đến tận cùng chân trời tít tắp. Thật là hùng vĩ! Thật là tráng lệ! Phu Sao thốt lên:

- Ôi! Đây mới đúng là quê hương của con. Kia, kia kìa bà ơi, con đường vượt qua đèo Sa Mù này! Xuống đèo một đoạn là đến nhà con đấy. Ngay trước đường vào bản nhà con có cây bằng lăng cổ thụ, ra giêng bằng lăng nở hoa thơm ngát, hoa của nó từ trắng chuyển sang tím trông hay lắm bà ạ!

Bà dì Mia nhìn nét mặt rạng rỡ của Phu Sao. Ánh mắt bà cũng chan chứa niềm vui. Phu Sao tíu tít:

- Bà ơi! Bà về bản sống với gia đình mình nhé! Bà nội con nhớ bà lắm. Bà nội con cứ thương mãi vì không biết cô em gái yêu quý của mình sống ở đâu, có được ăn uống đầy đủ không, có được ở mái nhà vững chãi êm ấm không. Bà về nhé…!

Bà dì Mia chùng giọng, ái ngại thủ thỉ với cô cháu gái:

- Ta không về sống như người thường được nữa con à… Bây giờ ta cũng là thần cây cỏ rừng núi rồi, ta vẫn nhớ gia đình xưa. Ta biết bà nội cháu rất nhớ ta nên khi sinh con đầu lòng, tức là cha cháu, bà ấy đã lấy tên ta đặt cho con trai mình. Và cháu thấy không? Cháu giống ta như hai giọt nước. Ấy là bởi Yang S’Rưng đã lấy linh hồn hoa cỏ, sương gió núi rừng mà tạo nên một sinh linh có hình hài giống ta rồi tặng cho gia đình mình để bù lại người con gái mất tích năm xưa. Hình hài giống ta đó chính là cháu, Phu Sao à…

Phu Sao lắng nghe từng lời bà dì, cảm giác mình đang nghe chuyện cổ tích. Bản thân cô không phải là tinh huyết của cha mẹ mà là linh khí của cây cỏ nơi núi rừng này kết tụ nên sao? Dù gì cô cũng là một sinh viên, một cử nhân khoa học tương lai nên cô không bao giờ tin vào những điều huyễn hoặc ấy. Cô khẽ véo vào tay mình. Cảm giác đau nhói khiến Phu Sao nhăn mặt. Hiểu ý cô, bà dì bảo:

- Cháu không mơ đâu! Đừng tự làm mình đau nữa. Cháu đang sống cùng ta ở thế giới song song. Chút nữa ta sẽ đưa cháu về. Ta dẫn cháu đến đây là muốn nhờ cháu một việc…

Phu Sao vẫn chưa hết mơ màng, nửa tin nửa ngờ. Cô hỏi:

- Vậy cháu không phải là người sao? Không phải là con của cha mẹ cháu à?

Mia, người con gái của Yang Xư lại cười dịu dàng, khẽ nói:

- Cháu là người, là máu thịt của cha mẹ cháu. Nhưng linh hồn cháu sinh ra từ tinh anh cây cỏ, gió, sương. Rồi sau này, khi không còn sống trên cõi đời vật chất kia nữa, cháu lại trở về với cỏ hoa sương gió thôi… Cháu thấy đó, người Vân Kiều ta từ thuở nào sống cùng rừng núi suối sông, khi chết đi thân thể tan vào đất vào nước, đất và nước lại nuôi sống cỏ cây mà cho ra hoa trái bốn mùa. Tất cả là để làm nên sự sống cháu à!

Phu Sao vẫn chưa thực sự thông tỏ những điều bà dì nói. Nhưng cô tò mò vì không biết bà dì muốn nhờ mình việc gì nên cô hỏi:

- Dạ thưa bà! Bà muốn cháu làm việc gì ạ!

Bà dì Mia không trả lời mà hỏi:

- Cháu thấy nơi này thế nào?

Phu Sao hào hứng:

- Dạ! Đẹp lắm ạ! Cháu chưa thấy nơi nào có cảnh sắc thiên nhiên đẹp như ở đây ạ. Thích quá! Giá được sống ở một nơi như này thì tuyệt biết mấy.

Phu Sao vừa nói cười vừa vô tình nhìn về phía bà dì Mia. Cô có cảm giác mình đã lỡ lời nên im bặt. Chốn thần tiên này thật tuyệt diệu nhưng không phải là thế giới của cô. Thế giới của cô có mái nhà giản dị, có bà nội và cha mẹ luôn yêu thương cô, có cả những người bà con hàng xóm vui tính, nhiệt tình... Nếu cô vĩnh viễn không về thì sẽ có hàng chục người trong bản không ăn không uống mấy đêm ngày vượt suối băng đồi mà đi tìm cô, rồi bà nội và mẹ cô lại khóc cạn nước mắt và hằng năm người ta sẽ làm lễ cúng cho cô. Nghĩ đến đây, trái tim Phu Sao đột nhiên se sắt một nỗi buồn man mác.

Tiếng bà dì Mia cất lên nhẹ nhàng trong trẻo như tiếng gió ban mai: 

- Ta biết cháu thích nơi này nhưng không muốn xa cha mẹ, xa gia đình như ta phải không? Thật ra vẻ đẹp chốn thần tiên chính là hình ảnh của trần gian được in dấu. Cháu hãy nhìn lại cảnh quê nhà của cháu mà xem. Cũng núi cao rừng thẳm, cũng non xanh vờn bóng mây ngàn. Này là thác hùng vĩ, này là suối êm đềm, đấy, đấy, cháu thấy không? Đây là quê hương chúng ta mà.

- Dạ vâng! Đúng rồi ạ... Là đỉnh núi phía sau bản ta, chỗ này là suối trước bản... Nhưng, bà ơi, bản mình không đẹp như nơi này, nó tàn tạ hơn đây.

Mia ngắt lời:

- Tàn tạ hay thăng hoa rực rỡ là do bàn chúng ta cháu ạ. Một bàn tay nâng niu, trân trọng sẽ làm cho vạn vật hồi sinh. Nhưng với đôi bàn tay thô bạo chỉ biết tàn phá thì dẫu là ngọc sáng cũng phải tan nát.

Phu Sao đăm chiêu lắng nghe từng lời của bà dì. Mia tiếp lời:

- Ta muốn nhờ cháu hãy nói với cha mình đừng cho người vào chặt cây ở khu rừng phía sau bản. Bởi nơi ấy là khu rừng thiêng, là nơi an nghỉ, nơi trú ngụ cuối cùng của linh hồn tổ tiên người Vân Kiều chúng ta. Vẫn biết những mùa rẫy gần đây, dân bản đã trồng rừng, đã khôi phục màu xanh cho vạn dặm núi đồi. Nhưng linh hồn tổ tiên chúng ta cần được trú ngụ ở những khu rừng ngàn năm cổ thụ. Nơi đó có những loài cây thiêng cắm rễ sâu đến tận cùng lòng đất, cành lá mạnh mẽ vươn lên hút lấy linh khí từ tinh tú trời cao. Có như thế, tổ tiên ta mới đủ sức mạnh bảo vệ cuộc sống con cháu đời sau bình an, yên ổn… Cứ phá hết những khu rừng thiêng ấy, làm cho linh hồn tổ tiên phách tán thì con cháu không tránh khỏi tai họa sạt lở, mưa lũ, bão dông…

Càng nghe bà dì Mia nói, Phu Sao càng sợ. Không biết thực hư thế nào. Nhưng nghĩ đến cảnh xóm làng, nhà cửa bị vùi trong bùn nước mưa lũ như ở miền núi phía Bắc năm qua là cô đau lòng. Cô hiểu rõ một điều mà bà dì nói, thiên nhiên chính là nguồn sữa ngọt ngào nuôi dưỡng sự sống con người. Con người chỉ là một đứa trẻ sơ sinh tội nghiệp rất cần nguồn sữa quý giá của mẹ thiên nhiên để duy trì sự sống. Cô nhớ về việc cha cô đang có kế hoạch cưa hạ khu rừng phía sau bản để lấy đất làm trang trại sinh thái…

Bây giờ Phu Sao mới hiểu rõ hơn những điều bà dì Mia tâm sự. Yang Xư chẳng phải ai khác chính là vị thần vũ trụ thiên nhiên mà người Vân Kiều của cô luôn tôn kính thờ phụng. Ngay từ sâu trong ý niệm phong tục mình, dân tộc cô đã rất trân trọng tôn kính thiên nhiên rồi. Được sống giữa cảnh sắc tươi xanh, hoa thơm cỏ ngọt, cây trái bốn mùa, được nghe tiếng chim hót, được thấy công múa phượng bay và gặp cảnh đàn nai thơ thẩn rủ nhau xuống suối uống ước... Ôi chao! Trái tim Phu Sao rộn ràng những giai điệu thật vui vì sự đáng yêu vô cùng của cuộc sống này. Người ta thường mơ ước được sống nơi thiên đường mỹ lệ. Và thiên đường đâu có xa xôi gì. Nó ở ngay trong tầm tay của ta, chỉ cần ta biết xây đắp nên và trân trọng nó.

Phu Sao giật mình mở mắt. Thế giới đáng yêu đã biến đâu mất. Thì ra chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ ấy thật đẹp! Trước mắt cô lúc này là gương mặt thân quen của bà nội, cha mẹ và bà con trong bản. Họ đang lo lắng cho cô. Thấy cô tỉnh lại, ai cũng vui mừng. Họ rối rít lay gọi rồi hỏi xem cô cảm thấy trong người thế nào. Dĩ nhiên là Phu Sao thấy khỏe khoắn, sảng khoái lắm nhưng có chút nuối tiếc khi phải rời xa thế giới xinh đẹp trong mơ, thế giới mà bà dì Mia đang sống.

Phu Sao lặng lẽ nhìn mọi người trong nhà hân hoan mừng vui vì họ đã tìm được cô nằm bất tỉnh bên bờ suối trước bản. Họ đã đưa Phu Sao về và thấy cô khỏe lại chứ không bị mất tích như người con gái tên Mia năm xưa. Phu Sao bâng khuâng nhớ lại những giây phút ngắn ngủi ngồi nói chuyện với bà dì Mia, nhớ lại những điều bà ấy nói. Phu Sao cứ băn khoăn tự hỏi không biết đó là thực hay mơ. Nếu là thực thì bà dì Mia ở đâu? Thế giới mà Mia sống tồn tại nơi nào? Nhưng nếu là mơ thì tại sao nó lại đem đến cho cô những cảm giác chân thực như vậy? Cô không cần hiểu nữa! Vì trong đời sống tinh thần của đồng bào cô đã có biết bao nhiêu chuyện không thể lý giải bằng khoa học hiện đại được. 

Phu Sao xuống giường. Cô thấy cần nói chuyện với cha mình về khu rừng phía sau bản, về việc hạ cánh rừng thiêng và cả kế hoạch xây dựng khu trang trại sinh thái mà huyện mới vào làm việc với bản cô hôm trước. Kế hoạch ấy cần được điều chỉnh để vừa giữ được cánh rừng thiêng, vừa đảm bảo không làm gián đoạn tiến trình xây dựng đã đề ra. Trong lòng cô mong mỏi một điều đơn giản thôi, được sống cùng gia đình, cùng người thân và bà con dân bản giữa một khung cảnh thiên nhiên trong lành thơ mộng. Hãy trân trọng tôn kính Yang Xư như đúng với phong tục của dân tộc đã tồn tại từ ngàn đời nay.

Một cơn gió thoảng qua mát dịu. Trong gió có hương thơm. Phu Sao mỉm cười. Cô biết đó là bà dì Mia đang tới. Cô tin có một thế giới song song, tin vào nhân quả và tin vào linh hồn mẹ Thiên Nhiên phóng khoáng nhân hậu vô cùng. Niềm tin ấy như thể người ta tin vào việc tồn tại những cơn gió mặc dù từ xưa đến nay chưa ai trông thấy hình hài cơn gió như thế nào.                                                                                                    

L.L

__________

(1) Pi: mẹ

(2) A-nha: Tù trưởng, vị chức sắc cai trị một vùng

(3) Tip: Vật dụng đan bằng tre hoặc mây, dùng để đựng cơm.

(4) Yang Xư: Thần cai quản núi đồi, sông, suối, vạn vật; nghĩa hẹp là ma rừng, thần rừng (theo tín ngưỡng người Vân Kiều)

(5) Pa-điêng: Cái mâm đan bằng tre, mây

(6) A-zê: cụ tổ, bố mẹ của ông bà mình

(7) Nhắc: thế lực xấu (con quỷ, ma lai) 

 

LÝ LINH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 365

Mới nhất

Giải vô địch quốc gia marathon tại Quảng Trị năm 2025

22 Giờ trước

TCCVO - Sáng ngày 30/3, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Ban tổ chức Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong tổ chức bế mạc Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 66 - năm 2025...

Khai mạc Trại sáng tác Văn học nghệ thuật chủ đề “80 năm Truyền thống Công an Nhân dân và quê hương Quảng Trị anh hùng”

27/03/2025 lúc 16:17

(TCCVO) – Sáng ngày 27/3/2025, Công an tỉnh Quảng Trị và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức khai mạc Trại sáng tác văn học - nghệ thuật chủ đề “80 năm truyền thống Công an nhân dân và quê hương Quảng Trị anh hùng”.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2025

27/03/2025 lúc 15:59

Sáng nay 27/3, tại Trường THPT Lê Lợi TP. Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025. Giám đốc Sở VH,TT&DL Lê Minh Tuấn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các thầy cô giáo và hàng trăm học sinh các trường học trên địa bàn tham dự.

Trên ban công; Hát với những xanh

27/03/2025 lúc 08:22

 Trên ban công Những ngôi sao bắt đầu rạng Từ phía đôi mắt em nâu Em khơi trầm Bay về phía

Chín

27/03/2025 lúc 08:19

Chínbước ra khỏi dòng sông nguyên âm phụ âmhai mươi chín chữ cái hóa thành những đám mâyuống cạn mênh mông giấy trắng là chiếc gương

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/04

25° - 27°

Mưa

05/04

24° - 26°

Mưa

06/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground