Đó là những ngày gió bấc thổi ròng rã trên những tàu lá chuối sau nhà. Tôi ngồi ở hốc nhỏ quen thuộc, để bóng tối giàn giụa nhấn chìm tôi tận đáy, nghe mưa hắt lành lạnh giữa từng đợt gió vi vút, u u phía chân đồi. Có lẽ mỗi đứa trẻ trên đời này đều có một hốc nhỏ của riêng mình như tôi, dành cho những khi lòng ấm ức, giận hờn hay buồn bã. Tôi nhìn qua khe hở, ngoài kia biển và trời nhạt nhòa như đã hòa thành một, vài đốm sáng le lói giữa mù sương chỉ làm lòng tôi thêm trống trải. Ngồi tựa vào tường, đôi mắt tôi nặng trĩu có lẽ vì đã rơi quá nhiều nước mắt, tôi từ từ thiếp đi giữa tiếng mưa day dứt gõ trên ngói trầm.
* * *
Bà ngoại kể ngày xưa ông tôi có một chiếc ghe đi biển, là của ông cố để lại. Ghe nhỏ nên ông chỉ đánh cá ở vùng biển gần bờ, ra khơi lúc mặt trời lặn và cập bến vào sáng sớm hôm sau. Chiếc ghe cũ lắm rồi, nắng gió ràn rạt đã làm nó bạc mòn đi. Năm mười hai tuổi ông tôi muốn lên thị trấn học tiếp, nhưng nhà cố nội chỉ đủ ngày hai bữa cơm, đường đi lại trắc trở nên ông phải ngậm ngùi bỏ học, rồi cũng đi biển như bao đứa trẻ làng chài khi lớn lên. Ông đi biển nhưng lòng ông từ lâu đã không thuộc về biển. Trận bão năm ấy đã cuốn chiếc ghe tan tành theo con sóng dữ. Sáng hôm sau, chỉ có bà tôi vừa đi dọc bờ cát nhặt từng mảnh vụn vừa khóc.
Không đi biển nữa, ông theo đoàn người trong làng xuôi ngược làm ăn xa, mỗi bận đằng đẵng mấy tháng trời. Những lần về ông lại càng thêm cục mịch, gắt gỏng. Cậu tôi lớn lên, ông cấm không cho cậu đi biển. Nhưng biển đã hút hồn cậu bởi vẻ bí ẩn muôn trùng của lớp lớp con sóng trắng ngoài khơi xa. Năm đó mùa bão đến sớm, ông tôi vẫn biền biệt. Mười sáu tuổi, lần đầu tiên cậu lén ông đi biển. Nhưng cũng là lần cuối cùng. Cậu đã không trở về.
Minh họa: Mục đồng
Ông sa vào men rượu cũng từ độ đó. Những khi đầm đìa hơi men, khuôn mặt ông tối lại, nước da màu nắng rát in từng đường nét khắc khổ, lặng câm, đáy mắt hằn những giận dữ, đôi khi sâu thẳm như mặt biển mùa nổi gió. Có lần ông nhìn thẳng vào mặt bà, quát lớn: “Mày không thương thằng Hai nên mới để nó đi biển. Tại vì nó là con của bả nên mày không thương!”. Rồi ông khuỵu gối xuống trước nhà, khóc ồ ồ, khàn đặc trong tiếng gió biển ráo riết đuổi nhau. Bà tôi lặng người, chân trần chạy lên ngọn đồi ngồi úp mặt rấm rứt. Mấy chục năm trời, mà vết thương trong lòng ông vẫn chưa thôi nhức buốt khôn nguôi.
Để rồi có những chiều thưa gió, bà nằm im lìm trên cánh võng nhìn khói nắng vàng hanh xuyên qua khung cửa, tự hỏi bâng quơ có phải ngày xưa ông tôi cố tình một mình neo ghe lại nơi đó, để sóng biển cồn lên đánh tả tơi. Chiếc ghe đâu có tội tình gì, tự số phận đã không cho ông tôi được đến với người con gái ông phải lòng thời trẻ. Người con gái nơi thị trấn huyên náo đã sinh cho ông một đứa con trai, mà sau này tôi gọi bằng cậu. Cô không quen với gió biển, nắng ran, cùng ông ấp ủ một cuộc đi xa hút không bị biển trời vây bủa. Nhưng bệnh tình của cố tôi đã ngăn chân ông chẳng thể bước đi, lòng ông đắng đót vỡ theo trăm ngàn con sóng. Những con sóng đêm ngày không ngủ nâng bóng thuyền rẽ nước lênh đênh.
Có nhiều đêm cơn say của ông thành bão qua ngôi nhà, bà thức trắng giấu mình vào bóng tối. Mẹ trở người nằm quay lưng về phía tôi, tôi quờ tay sang chạm mặt gối ướt đầm. Nhìn mẹ lặng lẽ kéo tấm chăn mỏng, che đôi vai gầy sớm chiều vượt đường xa thông thốc gió, tôi thầm trách sao cha chẳng chịu trở về. Tháng Chạp năm tôi sắp lên mười, chẳng phải cha đã hôn vào hai má của tôi, và hứa chỉ xa tôi một mùa xuân này thôi, khi hoa từ bi nở tím hết cồn cát sau nhà thì cha sẽ về. Tôi cứ đợi, đợi mãi, những bông từ bi nở tím đến xót xa mấy mùa rồi cũng tàn lụi. Tôi lén nghe bà thở dài với mẹ, rằng ông nhất định không cho lọt ra ngoài chuyện cha tôi trốn chủ ghe vào bờ, có con rồi ở lại mãi bên một người phụ nữ khác. Cha bỏ lại tất cả và vui với tổ ấm mới ở vùng đất nào đó rất xa. Nhưng chuyện cha tôi bỏ đi rồi cũng râm ran khắp xóm biển, như đàn cá không thoát khỏi mắt lưới. Tôi không tin, chạy ra sau nhà ngồi thu lu trong hốc tối.
Họ bảo vì có người cha vợ nát rượu là ông tôi, ngày nào cũng giày vò cả nhà nên cha mới phải trốn chạy. Mấy đứa nhóc xóm dưới đinh ninh rằng tôi hư nên mới bị cha bỏ, tôi lao vào chúng và mẹ của chúng đã làm ầm ĩ ở nhà tôi. Họ nói mẹ tôi là cô giáo, dạy đời mà chẳng biết dạy con, cha đã be bét như thế lại còn không giữ được chồng. Thấy mẹ chỉ lặng im ngồi vá lưới, họ được thế chửi sang cả bà tôi, rằng đời mẹ y hệt đời con, sống sao mà chồng không thương, người ở đây mà lòng thuộc xứ khác. Bà đang vo gạo ngoài chum nước, như đã đủ nhẫn nhịn, bà tới góc nhà lấy cây chổi chạy ra trước hiên, đuổi người ta về rồi đóng cổng. Tiếng chửi đổng còn văng vẳng cuối con đường.
Đêm đó mưa về xa vắng, miên man như cố dỗ dành những vết xước trên tay chân tôi. Ngồi trong hốc nhỏ, gió lạnh thỉnh thoảng làm buốt từng vết thương, nhưng có lẽ không gì đau hơn lời hứa năm nào của cha mà tôi vẫn đợi.
* * *
Mùa biển động năm ấy, ông tôi đổ bệnh. Men rượu đã làm người ông gầy rộc, khuôn mặt xanh xao với bóng tối dường như lúc nào cũng ngập đầy hai trũng mắt. Mẹ và bà đã đưa ông đi chạy chữa nhiều nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Sớm chiều ông nằm bên ô cửa sổ hướng ra biển, giấc ngủ chập chờn theo con sóng bạc đầu vỗ vào bờ mải miết. Mùi của thuốc men thay mùi rượu nồng thường trực. Giọng nói cộc cằn tự lúc nào đã tắt trên môi ông, giờ chỉ còn những tiếng thì thào nhẹ như khói.
Những ngày ông tôi bệnh, chú Thuần hay ghé sang nhà phụ mẹ và bà. Bao nhiêu việc cần bàn tay đàn ông khi mùa bão đã tới. Chú Thuần là bạn đi biển của cha tôi, gần như quanh năm chú lênh đênh trên biển khi nhà chẳng còn ai để trở về. Ngôi nhà nhỏ của chú ở cuối con dốc, xung quanh trơ trọi những bụi xương rồng trổ hoa vàng rực. Mùa biển động, chú về nhà nhìn lại chỉ thấy bóng mình giữa bốn bề vắng vẻ, nên đi tìm một chiếc lồng chim cu gáy treo trước mái hiên. Tiếng gù trầm ấm rót vào khung cửa làm không gian bớt hiu quạnh. Chú sang nhà tôi xin vài hom khoai mì về dặm bên hàng rào dâm bụt, dọn sạch cỏ vườn để lên liếp chuẩn bị trồng rau Tết.
Một chiều tôi nằm võng đung đưa nghe bà kể chuyện, mới biết ngày ấy cả cha tôi và chú Thuần đều thương mẹ. Nhưng tính chú hiền lành, nhường nhịn, lại không muốn rạn vỡ những thân tình nên chú đã chọn âm thầm neo đời mình vào biển cả. Thoáng chốc mười mấy năm mà chú vẫn một mình. Bà vừa nói vừa xót xa nhìn ra trước ngõ, lúc này chú Thuần đang loay hoay chặt bớt nhánh cây, khi đài báo chỉ vài ngày nữa là bão về.
Nghe bà kể, một nỗi lo lắng mơ hồ bỗng dâng lên trong tôi. Mấy ngày sau đó, tôi cố giấu bà và mẹ những ngổn ngang giữa lòng mình. Một lần tôi buột miệng nói: “Mẹ đừng vội lấy chồng khác nha mẹ!”, tay tôi nắm lấy vạt áo mẹ lay lay. Bà tôi nghe thấy, khựng lại một chút rồi nghiêm nghị nhìn tôi: “Ai dạy con nói thế?”. Mẹ cũng thoáng ngỡ ngàng rồi quay mặt về phía biển, giấu ánh mắt đượm buồn như bóng chiều đầy sương.
* * *
Ông tôi mất vào đêm bão về. Sáng ra trời không một gợn gió, bốn bề im phăng phắc đến rợn ngợp. Tôi nhớ khuôn mặt thanh thản, ánh nhìn lần cuối ông trao cho bà. Ánh nhìn có lẽ ấm áp nhất mà tôi từng được thấy, bóng tối đã tan hết ở hai trũng mắt sâu. Ông đã buông bỏ hết bao ám ảnh, kiệt cùng của mấy mươi năm qua, vết thương lòng giờ không còn buốt nhói. Thời gian cứ ngỡ đã bị bàn tay ai níu giữ, dùng dằng mãi ở khoảnh khắc những con tim như muốn nấc lên từng hồi. Bà ngồi bên ông thật lâu, thật lâu, giữa tiếng biển khơi muôn trùng vọng lại.
Tôi chui vào hốc nhỏ của mình, khóc nghẹn. Dẫu lúc say hay tỉnh, ông chưa bao giờ la mắng tôi. Những khi bị bà và mẹ đánh đòn, tôi thường sà vào lòng ông để được che chở. Có phải tôi là đứa trẻ bất hạnh nhất thế gian khi phải chịu rời xa cả cha và ông ngoại? Bài hát ru vụng về mà ông thường ru tôi những khi không chếnh choáng trong men rượu, giờ đã mãi tan vào tiếng sóng mênh mông. Lòng tôi lúc này trống trải như toa tàu bỏ hoang hun hút gió. Tôi đã thiếp đi khi nước mắt vẫn còn mặn môi.
Tỉnh dậy nhìn ra ngoài khe hở, bóng tối đã ập xuống từ lúc nào. Gió bắt đầu ràn rạt thổi qua khu vườn. Giữa màn mưa giăng, tôi thấy dáng mẹ ngã khuỵu xuống vì đau đớn, bóng chú Thuần từ xa tiến lại run run nâng mẹ đứng lên, rồi ôm chầm lấy mẹ. Tim tôi đập mạnh, một ý nghĩ lướt qua đầu. Tôi đã bất hạnh biết mấy khi phải lìa xa cả cha tôi và ông ngoại. Giờ không thể để ai khác lấy mẹ ra khỏi vòng tay tôi nữa. Tôi đứng dậy, chạy vòng ra phía vườn cây. Gió bấc tạt vào hàng bạch đàn vun vút, khua đám lá rụng se sắt trên máng xối hiên sau. Giữa bóng tối nhá nhem, tôi đã cắn thật mạnh vào ngón tay út của chú Thuần. Bao ấm ức như dồn hết vào nó. Tôi thét lên: “Chú không được làm vậy với mẹ cháu!”. Chú Thuần thảng thốt buông tay, ngón tay út cong cong bật máu. Mẹ tôi lặng đi rồi ôm mặt khóc. Chú Thuần bối rối bước lùi ra sau, ngập ngừng: “Chú, chú xin lỗi…”.
* * *
Đã mấy mùa xuân rồi chú Thuần không về lại xóm biển. Tôi hay đứng dưới gốc đa cổ thụ, nhìn sang ngôi nhà nhỏ của chú. Chiếc lồng chim năm nào nằm chơ vơ phủ bụi trước hiên, cửa lồng rộng mở. Có lẽ chú đã thả con chim cu bay về cánh rừng dương ngút ngàn. Mảng tường loang lổ in vài đốm nắng liêu xiêu, cánh cửa sổ màu xanh bị gió giật bong mất chốt gài. Mảnh vườn sau nhà cỏ đã mọc kín trở lại, phủ lên mấy luống đất còn chưa kịp gieo hạt cho mùa xuân năm ấy.
Có người bảo chú đã bỏ nghề đi biển, vợ con êm ấm ở xứ khác. Cũng có người ngậm ngùi nói chú đã mãi đi xa, giữa biển trời lênh đênh sóng gió vây bủa. Nhưng tôi chỉ tin vào con tim của mình. Tôi vừa lớn lên vừa đợi chú về. Tôi nợ chú Thuần một lời xin lỗi.
Một ngày tháng Chạp năm tôi mười sáu, hôm ấy màu nắng rất trong sau những cơn mưa dài, tôi nghe tin chú Thuần khăn gói về lại ngôi nhà cũ. Nhìn ra phiến lá bạch đàn long lanh nắng, tôi thấy lòng mình thơ thới những niềm vui. Nhưng lúc ấy tôi cũng bối rối tự hỏi không biết khi gặp lại, phải mở lời với chú từ đâu. Quẩn quanh nghĩ ngợi đến chiều, tôi quyết định đem mấy quả dừa mới hái sang biếu chú. Đã đến lúc câu xin lỗi mà tôi ấp ủ, dằn vặt mấy năm qua được nói ra thành lời.
Chú Thuần đang ở ngoài vườn, tỉ mẩn gieo hạt xuống nền đất phủ rơm. Chú dường như không phát hiện tôi đứng gãi đầu bên bụi xương rồng sau lưng chú. Bàn tay phải của chú khum khum thả những hạt giống xuống từng ô đất nhỏ, nhưng sao tôi chỉ thấy có bốn ngón tay. Tôi cố nhìn thật kỹ, đếm đi đếm lại, ngón út của chú đâu rồi? Lòng tôi thắt lại, chính là ngón tay đêm hôm ấy tôi đã giận dữ cắn vào.
* * *
“Ngón tay đó, chú đã gửi nó cho đại dương rồi!”. Chú Thuần nhìn tôi, cười hiền hậu. Nụ cười ấm như mặt trời vừa đội biển nhô lên.
“Cháu xin lỗi… xin lỗi chú ạ!”. Tôi cắn môi lắp bắp.
Những ngọn gió bấc lành lạnh chòng chành ghé ngang khu vườn. Những ô cửa trong tâm hồn tôi như vừa được mở ra, và chú Thuần đã ghé vào thắp lên một ánh lửa. Ánh lửa dẫn đường cho bao tin tưởng, xoa dịu an trú giữa lòng tôi, vén quãng mù sương trên từng lối về miền yêu thương thao thiết.
Chú Thuần đã về, tôi chờ được thấy những giọt nắng mới reo vui trong mắt mẹ. Tôi nhớ lại ánh nhìn ông dành cho bà lần cuối, bắt gặp giấc mơ xanh màu biển cả. Trong trái tim của biển, chú Thuần cũng gửi lại một phần giấc mơ.
Trên trời cao, những đôi cánh mùa xuân đã thấp thoáng bay về…