Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tìm mẹ

Buổi chiều, tôi vừa mừng, vừa hốt hoảng khi có chiếc xe đò tấp ngang qua nhà, có người nói vọng vào:

- Hiếu ơi, nghe người ta nói mạ mi côi chợ.

- Chợ mô?

- Hướng Phùng.

Chiếc xe chạy vù, để lại đằng sau đám bụi bẩn. Đó là Tùng, người tôi hay gửi một ít hàng từ thiện đi miền núi. Tôi bỏ hết, vườn cây chưa tưới xong, chiếc kéo tỉa cành còn nằm trên cây nhãn. Phải tìm cho được mạ, hơn chục năm bặt tăm hơi. Tivi thông báo mấy chục lần, báo cũng đăng tin mấy chục số nhưng bặt vô âm tín. Mạ trốn đâu đó giữa cuộc đời này. Mãi hôm nay mạ mới chịu ra chợ, chốn lao xao đông người nên tôi mới có cơ may lượm được thông tin. Lấy vội chiếc mũ bảo hiểm, tôi phóng xe đi. Qua cầu Đầu Mầu, qua Tân Lâm, qua Hướng Hiệp, qua thị trấn Krông Klang… gió cứ mặc sức thổi và mưa lác đác rớt xuống mặt đường đủ cho hơi đất bật lên ngùn ngụt. Chạy được hơn hai chục cây số, chiếc xe Honda giở chứng nóng máy. Tôi dừng lại, tắt xe, lấy chiếc mũ bảo hiểm múc nước đọng ở vũng cạn tạt vào lốc máy vừa van xin nó, tao lạy mày, cố cho tao một đoạn đường thôi, còn vài chục cây số nữa, nếu lỡ duyên mạ đi mãi mãi thì cả cuộc đời này tao cũng không tha thứ cho mày, không tha thứ cho tao. Tôi vỗ vào yên xe, nhẹ nhàng, lắc lại để kiểm tra xem con vít nào long ra không.

Minh họa: Trịnh Hoàng Tân

Minh họa: Trịnh Hoàng Tân

Năm phút, tôi trèo lên xe nổ máy, ịt ịt ịt ịt ít ít ít… âm thanh tắc tị. Tôi ngẩng mặt lên trời, cố khởi động lại, nhẹ nhàng, máy nổ. Tôi phóng xe đi, qua dốc thủy điện Rào Quán, tới cổng B, Khe Sanh, ngã ba tượng đài… những địa danh lần lượt được tôi bỏ lại phía sau. Trước mắt tôi là mạ, hình ảnh đó hiện lên rất mãnh liệt. Mạ cười rất tươi, đôi mắt biết nói và hàm răng sáng loáng. Đoạn qua mấy khúc cua hơn chục con đèo lớn nhỏ, mấy chiếc xe còi inh ỏi khi thấy tôi cứ tiến về phía trước với tốc độ cao. Những đoạn ôm cua tôi đeo chiếc xe nép gần mặt đất. Cũng chẳng sao, tôi buộc làm như thế, đây là cơ hội có một không hai của đời mình. Cứ coi tôi bây giờ là một bệnh nhân, chiếc xe chở tôi là chuyến xe thương cấp cứu tình cảm. Mạ giận tôi, đi chục năm, tôi chỉ muốn gặp để nói lời xin lỗi. Còn sau đó, tùy mạ phán xử. Mạ là phụ nữ nhẹ dạ nên khi gặp mạ sẽ không cầm lòng được trước những giọt nước mắt của tôi, một người đàn ông gần bốn chục tuổi. Nhưng tôi cũng chợt nghĩ, dù nó thoáng qua thôi nhưng khiến tôi rùng mình. Hơn chục năm, tình cảm người ta có khi nguội ngắt. Có khi nào mạ không còn yêu thương tôi. Tình yêu được phát triển từ sở thích và thói quen. Hơn mười năm không gặp nhau, có khi mạ không còn quen tôi nữa. Chỉ nghĩ tới đó thôi thì con người tôi như tan rã, ai đó không còn yêu thương mình không quan trọng, nhưng người đó là mạ thì thật hệ trọng, tôi đã nghe cổ họng mình uất nghẹn và mắt bắt đầu cay xè khi xe giáp đỉnh dốc tiếp theo.

Xe thắng gấp ở Trung Đoàn 52, cảnh sát giao thông thường túc trực ở đây để đo nồng độ cồn và kiểm tra giấy tờ xe. Đứng trước mặt tôi là anh cảnh sát còn rất trẻ, anh ta nghiêm nghị nhìn tôi.

- Chú chạy xe vượt tốc độ, không đảm bảo an toàn.

Tôi không nói gì, mắt cứ lơ láo nhìn về phía trước. Vài cây số nữa là tới chợ Hướng Phùng, mạ ở đó… tôi phải thật nhanh lo vụ việc với cảnh sát. Thực ra trước đó tôi định phóng đi rồi nhưng tôi không có bất cứ giấy tờ gì và hành động đó sẽ mang lại bực bội cho họ. Nếu thế, họ tịch thu xe, hoặc có thể họ cho tôi đi nhưng tình huống này khó có thể xảy ra. Tôi tiến tới chỗ cảnh sát giao thông.

- Xin lỗi, tôi không mang theo bất cứ giấy tờ chi…

- Như thế chúng tôi phải lập biên bản và tạm thời tịch thu xe.

- Không được rồi, nhất là hôm nay. Hoặc cho tôi đi vô, chút tôi mang xe ra nộp…

- Không được, hôm nào cũng vậy thôi, nếu chú không có đủ giấy tờ hợp lệ, đó là chưa kể đến việc chú vi phạm tốc độ.

- Này anh! - Tôi gằn giọng nhưng vẻ mặt rất khắc khổ. - Anh có mẹ chứ?

- Mẹ thì liên quan gì tới việc này.

- Tôi đi tìm mẹ, bà ấy mất tích hơn mười năm, nay mới có được thông tin nên tôi rất vội.

- Đấy, chú Lửng, đi tìm mẹ cũng hơn chục năm… - Anh cảnh sát chỉ về phía trước và vẫy tay cho tôi qua.

Theo hướng đó tôi nhìn thấy chú Lửng. Chú đi bộ, đầu đội gần chục cái mũ lưỡi trai. Chúng chồng xếp lên nhau trông rất ngộ. Đoạn chạy xe ngang qua, tôi cố tình đi chậm để chú xin nhờ xe nhưng chú chẳng quan tâm gì nên tôi dừng xe lại.

- Chú đi không?

- Đi mô?

- Tìm mạ.

- Không. Tìm mạ không vội được, hồi trước tui đi xe Honda, mạ tui đi bộ, vừa phát hiện ra tui là mạ theo đường nhỏ chạy mất. Nay đi bộ, phát hiện là rượt theo liền. Mà cũng tùy bà nữa, mạ trốn là chịu à nghe. - Người đàn ông gần bảy mươi nói như khóc.

Tôi chạy xe chậm hơn, đi về phía trước, quan sát kĩ những người đàn bà đi ngang qua đường. Tôi hất cái kính bảo hiểm lên lỡ mạ có qua đường mà thấy. Nhưng không được, tôi nghĩ lại. Hơn chục năm, nhà cũ, ruộng nương cũ, nhất là tôi cũ. Tôi chờ mạ đến mốc meo con tim nhưng mạ không quay trở lại nói chi tới việc gặp nhau trên đường rồi với chạy gọi tôi. Nhưng… tôi lại nghĩ, cứ như thế cơ duyên bộc phát, lỡ mạ kêu mà không kịp chuẩn bị chi. Kiểu như người ta bộc phát giữa cơn đau kêu tên một ai đó thì thiệt là quý giá. Bao nhiêu suy nghĩ cứ giằng xé. Tôi phải trả giá cho tuổi trẻ của mình, hay lang thang khắp nơi, mạ gọi không về, hoặc về tới nhà mạ nói lại quay đi. Ôi tuổi trẻ, có những ngày tháng vô giá và vô tri, mất được giữa cuộc đời. Hối lỗi cho hành động của mình chỉ là giây phút tự làm mình đau hơn, còn người khác không hay hề biết.

Chợ Hướng Phùng hiện ra trước mắt. Trời đã về chiều, mây núi bao trùm lên thị trấn. Trong mắt tôi giờ đây toàn là người già, tóc trắng mà người nào cũng có thể là mạ. Tôi dớn dác, chiếc nón trên đầu và khăn trùm mặt không ngăn cản được, tôi có thể tìm kiếm mạ qua đôi mắt. Những năm tháng dài tôi nhận thấy được ánh mắt của mạ, lúc tôi còn trẻ, mắt mạ đen láy, lúc tôi lớn lên, ánh mắt mạ chuyển sang màu nâu, lúc tôi lang bạt khắp nơi, ánh mắt mạ có màu hổ phách. Tôi nhanh chóng lục lọi người có ánh mắt như thế, trong chộn rộn người. Chợ chiều vãn khách, dường như chỉ còn một vài người. Tôi nhận ra chú Lửng từ cổng chợ, chú khóc. Mạ ơi! Mạ mô rồi, răng mà khổ ri trời… Dường như đã quen với tiếng van lơn, với hình ảnh chú Lửng ở chợ nên những người đàn bà không hề ngó tới. Họ chồng xếp lại thúng mủng, đặt trái cây vào thùng xốp, dọn lại hàng gia vị. Tôi mất vài phút để định hình lại, có mạ ở đây. Tôi cảm nhận được điều đó qua mùi người già thoang thoảng khắp khu chợ và vấn vít trong ký ức của tôi. Rất nhiều đêm, tôi đã thức giấc bởi mùi hương quen thuộc đó. Tôi cũng đi tìm, lục lọi khắp nhà, kiểm tra từng cánh cửa, ra đến ngoài sân để thả ánh mắt mình vào khoảng trống mênh mông không gì bù đắp được. Tôi nhận ra điều ấy, về tình yêu của tôi đối với mạ, nó vừa ấm áp, vừa cô đơn, vừa đớn đau tủi nhục. Đó là thứ tình cảm duy nhất tôi trân quý ở cuộc đời tôi. Tôi không muốn từ bỏ hay thay đổi tình yêu đó. Có khi tôi nghĩ, nếu từ bỏ tình yêu đối với mạ, tôi sẽ không còn yêu ai. Không phải thế giới quá nghèo nàn mà chính tôi cố chấp trong tình yêu và tôi khá nhàm chán.

Cả không gian của chợ như cuộc đời của mạ, ngổn ngang nhưng nhỏ hẹp, ngọt ngào và thơm lừng, hạnh phúc và cay đắng. Cha mất từ hơn hai mươi năm về trước, mạ chắt chiu nuôi tôi. Chợ là nơi mạ kiếm tiền, từ hàng hóa ở nhà gánh ra chợ và đồ từ chợ mang về bán dọc thôn. Năm tôi mười hai tuổi, tôi sốt một trận li bì, tôi mê sảng. Mạ đem hết tiền dành dụm được kêu thầy về cầm vía cho tôi, vía tôi rớt sông, phải vớt.

Người ta bảo những người như tôi thường lơ ngơ, người ở trần gian mà hồn theo nước sông trôi đi muôn nẻo, có khi lên trời đợi thành mưa. Tôi đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẹp. Một ngày, tôi nhớ mạ, tôi điện thoại về hỏi mạ ăn cơm được không. Những ngày sau thì không, tôi quên đi mình từng có một gia đình, có mạ ngồi chờ con tóc xanh thành tóc bạc. Tôi miên man suy nghĩ, về ký ức của mình, chú Lửng cũng theo tôi lục lọi khắp chợ rồi rú lên rượt đuổi một ai đó, tôi cũng chạy theo, tới đoạn đường thẳng đủ để chứng minh chú Lửng chạy một mình thì tôi dừng lại. Từ đây câu chuyện của chú Lửng theo dân xóm chợ chạy về. Người mang án chi mà tội, mấy chục năm lội gió, luồn mưa. Người ta kể, chú Lửng đi tìm mẹ như thế được hơn chục năm, mưa nắng chi cũng đi, cứ lững thững đi về khóc. Chú nhận mụ Hường trong chợ là mẹ, xin lỗi mà mụ không tha cho, có lần mụ Hường còn nổi nóng với chú Lửng.

- Mụ Hường là mạ chú Lửng? - Tôi hỏi.

- Không, chú Lửng điên nên nhận bừa thôi. - Một người đứng cạnh đó đáp.

Người ta còn bảo mụ Hường không có con còn keo kiệt, mất chi mà không tha thứ, gật đầu ừ đại cho xong. Chú xin lỗi mụ Hường chục năm ni rồi, người hẹp hòi quá. Giá như nó rơi vào một người trong số họ thì họ sẽ gật đầu tha thứ. Nhưng cuộc sống quả là trớ trêu, chú Lửng chỉ nhận mụ Hường là mẹ chú, chú chỉ xin mụ Hường tha thứ chứ không phải bất kỳ người đàn bà nào trên phố núi này. Tôi bắt gặp mụ Hường, mắt màu hổ phách, tóc bạc, gương mặt rất sang. Mạ, tôi thốt lên, có phải mạ đó không. Người đàn bà vội vàng bỏ mặc hàng hóa rồi đi ra hẻm, mất hút sau dãy dâm bụt nở bông đỏ ối.

Câu chuyện về mụ Hường, tôi nhặt được từ người dân kẻ chợ.

Mụ Hường không phải người ở đây, một người đàn bà bán hàng xáo trong chợ kể. Hơn chục năm trước, mụ xuất hiện ở chợ phụ người ta bán bún sau mở quầy bán hàng. Không nghe nói về gia cảnh, không nghe chuyện con cái. Ai cạy miệng nửa lời cũng không. Người đàn bà khéo léo như thế không lý gì sống cuộc đời đơn độc. Mụ về được vài năm thì chú Lửng xuất hiện ở chợ này, ngày nào cũng vô chợ tìm mạ, hỏi tên thì bảo mạ tên Hường, khi thấy mụ Hường chú Lửng mừng run nhưng mụ Hường không nhận. Để minh chứng mụ Hường là mạ, chú Lửng lôi ra bức ảnh, ai cũng nhận ra đó là mụ Hường nhưng mụ lại xua tay, không thèm nhìn bức ảnh. Mụ còn nói, tui không có bất kỳ người con mô trên trái đất ni. Chịu, đời chỉ có con bỏ mẹ chơ hiếm khi có chuyện mẹ bỏ con. Mà đứa con đã lớn đùng đùng như chú Lửng thì càng không nên mọi người tin mụ Hường hơn tin chú Lửng. Số khác thì nghĩ, do chú Lửng gây tội, lại điên nên mụ Hường không nhận cũng phải. Đàn bà thương hết sức nhưng hận cũng hết lòng. Hoặc họ sợ trách nhiệm, một gánh nặng tình cảm, hai gánh nặng cơm áo gạo tiền bởi đứa con không được tỉnh táo. Có hôm suy diễn này lọt tai chú Lửng, chú quỳ gối trước mụ Hường van xin.

- Mạ, tha thứ cho con, một lần ni thôi rồi con đi. Con sẽ không lui lại chợ nữa, mạ sẽ không phải nhìn thấy con.

- Không!

Một tiếng sắc lạnh, mụ Hường lẻn ra con hẻm rồi mất hút sau hàng dâm bụt để lại tiếng van xin của chú Lửng, có khi chú khóc, nghe mà xé ruột xé gan.

Chiều, trời mưa. Thị trấn miền núi buồn đến nao lòng. Khách đã vãn chợ, chỉ còn tôi, chú Lửng và mụ Hường. Ba người đối mặt nhau. Tôi tiến tới.

- Mạ, có phải mạ không?

- Không!

Người đàn bà đứng đối diện nhìn tôi lắc đầu ngao ngán. Chú Lửng lấy tấm ảnh trong túi đưa về phía người đàn bà rồi quay lại phía tôi.

- Đây là mạ tui, ảnh ni cha tui để lại, đề tên Hường hẳn hoi.

Tôi nhìn bức ảnh, đó là mụ Hường, đó cũng là mạ khi bà mười tám tuổi. Mái tóc xanh, đôi mắt đen láy, gương mặt căng tròn.

- Mạ, đúng là mạ rồi. - Tôi vồn vã.

- Thằng điên, mi có bằng chứng không? Có ảnh như tao không?

Chú Lửng đẩy tôi ngã dúi trên nền đất vừa mới mưa xong. Một nửa khuôn mặt tôi bê bết đất. Tôi đứng dậy và nhìn người đàn bà đối diện. Bà vẫn thản nhiên nhưng trên đôi mắt màu hổ phách chảy ra những giọt nước mắt. Người đàn bà ngước mắt lên trời. Chú Lửng đi gần tới người đàn bà hơn. Tôi không chấp người điên nhưng trong cuộc tranh giành mạ thì tôi không nhượng bộ. Tôi tới giựt lấy tấm ảnh trên tay chú Lửng rồi gằn lên.

- Ảnh ni nhà tui cũng có, tui treo trên tường…

- Kệ mi…

- Ở mô chú có bức ảnh của mạ tui?

- Đây là mạ tao, đồ gian manh, mạ tao không có tài sản hay bất cứ thứ chi để bây thừa kế mô...

Tôi lặng người, người như chú Lửng lại biết nói lên điều đó, chú nghi ngờ cả tôi. Còn tôi, tài sản nào bằng một người mẹ. Với tôi, người sinh ra mình là tài sản gốc không thể có tranh chấp ở cuộc đời này. Tôi ghì lấy chú Lửng khi người đàn bà lẻn ra con hẻm và đi về phía hàng dâm bụt.

- Được rồi, mụ Hường là mẹ chú được chưa. Ngồi yên ở đây để tui đi kêu về cho…

Chú Lửng ngoan ngoãn ngồi xuống góc chợ lấm lem. Tôi vội vàng theo chân người đàn bà ra con hẻm, chạy vội ra hàng dâm bụt rồi đi vào ngõ có hai hàng cau. Ngôi nhà rộng thân quen, cầu thang gỗ… tôi bước theo mụ Hường. Thật kỳ lạ, đây là nhà của tôi. Tôi đi lên tầng hai, qua bàn thờ, mùi của người già đặc quánh. Không thấy người đàn bà ở đâu, tôi hét toáng lên, lũ trẻ ngoài sân chạy vào lay vào người tôi.

- Ba, ba nằm mơ thấy mệ phải không?

Tôi nhìn lên trần nhà, nước mắt đã bò ra tới mang tai. Trên nền gạch, chiếc gối chỏng chơ, cạnh bên là tấm chăn ấm, đó là những thứ mạ để lại, như một kỷ vật trước ngày đi xa…

H.H.L

 

HOÀNG HẢI LÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 361

Mới nhất

Di chúc của mẹ

16/01/2025 lúc 09:33

Bà Liên vật vã hết nghiêng người về bên này lại nghiêng bên kia, rồi gác tay lên trán thở dài thườn thượt, buồn bã. Lời ông trưởng thôn chậm rãi nhưng cứ như xát muối vào gan ruột của bà: “Việc thờ cúng người bên kia chiến tuyến trong ngôi nhà này thật sự không phù hợp…”

Yêu thương biền biệt

16/01/2025 lúc 09:28

Có người bấm còi rồi chỉ đằng sau đuôi xe, Thư giật mình ngó lui, trời ơi, con Gấu lại chạy theo hai mẹ con ra tới đường lộ nãy giờ.

Báo Quảng Trị tổng kết công tác năm 2024

19/01/2025 lúc 00:13

Sáng ngày 18/1, Báo Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền, xuất bản năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đã đến dự.

Ấm áp phiên chợ “xuân biên phòng - ấm lòng dân bản” năm 2025

18/01/2025 lúc 23:01

TCCVO - Ngày 18/01/2025, tại Chợ phiên biên giới Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bản tổ chức Chương trình Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng Dân bản” năm 2025 cho nhân dân hai bên biên giới. Tham dự Chương trình có đồng chí Thượng tá Hồ Phú Vinh - Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị, Đồng chí Trần Bình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Thượng tá Phan Mạnh Trường - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo.

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị (mở rộng) cuối năm 2024

18/01/2025 lúc 21:55

TCCVO - Sáng ngày 17/01/2025, tại Hội trường Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng phiên cuối năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của các Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025, đại diện các phân hội chuyên ngành; lãnh đạo Tạp chí Cửa Việt; chuyên viên Tổng hợp - Hành chính; chuyên viên theo dõi sáng tác, hội viên.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị gặp mặt báo chí Xuân Ất Tỵ 2025

16/01/2025 lúc 20:13

Sáng ngày 16/01/2025, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Tham dự sự kiện có đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, cùng lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/01

25° - 27°

Mưa

23/01

24° - 26°

Mưa

24/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground