Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 22/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sương mây trên đỉnh Sa Mù

Màn trời trắng xóa không rõ là sương, mây, hay mưa. Ngồi trên xe ô tô tôi không thấy cần gạt nước hoạt động. Cảnh vật trước mặt chỉ nhờ nhờ một màu xanh xám ẩn hiện trong cái màn trời ảo diệu ấy. Ngoái nhìn phía sau, cung đường vừa đi qua cũng chả rõ ràng gì hơn, vẫn là một khoảng xám tĩnh lặng và vệt đường màu ghi.

- Anh nhà báo cứ yên tâm. Tôi chạy đường này bao năm quen rồi, thuộc đường lên núi như đường về nhà mình.

Chạy thêm đoạn nữa tài xế cho xe dừng, mở cửa để tôi xuống, rồi xe vút đi ngay sau khi dặn:

- Anh ở đấy chơi chán chiều tôi quay về sẽ đón. Mà nếu thích quá cứ ở lại với cậu ta, tới chiều mai hẵng về.

Lúc này tôi mới cảm nhận được chút se lạnh trên đồi cao, giữa màn hơi sương dập dìu lẫn mây trắng lơ thơ. Đang là mùa hè, dưới đồng bằng còn nắng ráo, thậm chí oi nực, thế mà chỉ mới đi hai tiếng đồng hồ đã tới một nơi mát mẻ đến lạnh người.

Một dáng đi tấp tễnh ngoi ra giữa màn sương rồi nở nụ cười tươi rói.

- Anh mới lên. Chắc làm nghề báo đã đi nhiều vùng này nhưng nay em mới được gặp anh. Em là Chinh.

Tôi thú thật với Chinh lâu nay đi đó đi đây cũng khá, thế mà đèo Sa Mù ở ngay trong tỉnh nay mới lần đầu tới. Ấy, đôi khi xa thương gần thường là thế. Bụt chùa nhà không thiêng. Hôm nay xin đi nhờ xe biên phòng tuần tra, mới lên tới đây.

- Thế thì anh phải ở lại đây thôi, ít nhất một đêm, để em cho anh biết thế nào là một đêm trong rừng núi.

Rồi Chinh cất giọng hát: “Sơn nữ ơi, đành lòng sống với bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương”.

Minh họa: Kim Duẩn

Minh họa: Kim Duẩn

*

TRẠM ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Là dòng chữ với màu sơn đã tróc trầy trên tấm biển treo ở cổng do tiết trời ẩm ướt quanh năm. “Người cũng mòn huống nữa nước sơn” - Chinh tếu táo, như để biện minh khi thấy tôi nheo mắt đọc dòng chữ trên cổng. 

- Ở đây vắng vẻ, phải thả đèo chục cây số nữa mới có nhà dân. Mấy ai đột nhập làm gì mà cửa với nẻo. Nếu có thì chỉ là những vị khách quý thôi.

Chúng tôi đang ở độ cao một nghìn bốn trăm mét so với mực nước biển. Vùng này quanh năm sương mây mù mịt bao phủ nên từ xưa đã có tên gọi Sa Mù, tức là sương sa và mây mù. Từ thị trấn Khe Sanh, chiến trường ác liệt năm xưa, đi men đường núi theo hướng Bắc thêm hai chục cây đã gặp những cung đường ngoằn ngoèo, ấy chính là đèo Sa Mù. Nói có vẻ rất gần thị trấn Khe Sanh, nhưng đường vào Sa Mù cũng chỉ mới có sau giải phóng. Thêm nữa, cứ tới mùa mưa nước ngấm vài hôm thể nào cũng có chỗ núi sạt, đường lở gây ách tắc phiền toái. Phải đợi đội bảo trì đường bộ đem phương tiện máy móc, nhân công từ ngoài kia vào mới xử lý được. Đường sá vậy, nên cũng ít người đi qua cung đường này làm gì. Thế mà bảy năm trước, chính trên đỉnh đèo mọc lên một cái trạm nghiên cứu ứng dụng khoa học để trồng hoa.

- Lúc đó mấy ai nghĩ ở đây lại có thể trồng hoa. Nơi heo hút không một bóng người mà hoa hòe chi. Nhưng anh biết đấy, có những loài hoa chỉ nở trên đỉnh đồi.

Chinh lùa tấm cửa sang một bên mời tôi bước vào khu nhà kính. Hàng ngàn bông hoa lan hồ điệp xòe nở tím phơn phớt. Những cánh hoa tươi rói, khỏe khoắn như những tai nấm đều tăm tắp. Các chậu hoa được đặt trên giàn cao tầm thắt lưng. Đưa tay ẩy nhẹ chút xíu, tấm giàn trượt qua tạo thành khoảng trống lối đi.

- Làm như thế để vừa tiết kiệm diện tích, vừa dễ chăm sóc tưới tắm, bón phân anh ạ.

Tôi bắt đầu cảm nhận được mấy chữ “ứng dụng công nghệ” treo ở trước cổng lúc nãy. Bỗng nhiên một vệt sáng từ từ rọi qua chỗ tôi đang đứng nói chuyện cùng Chinh. Ngước đầu lên phía trên, mái che đang nhẹ nhàng khe khẽ hé mở như mấy cánh buồm ướm gió.

- Có ai đang kéo nó lên?

- Tự động đấy anh. Tùy vào lượng áng sáng ngoài trời, hệ thống quan trắc sẽ phân tích và kéo lên hay khép đóng màn chắn nắng để lấy ánh sáng cho lan.

Phía dưới màn chắn ấy lại có những lớp lưới màu đen. Khi cường độ ánh sáng quá mạnh thì lưới cũng tự động căng phủ để ngăn bớt ánh nắng mặt trời. Nếu nhiệt độ cao quá, tức thì các quạt và máy lạnh sẽ hoạt động. Lúc này tôi mới để ý đến những cái quạt vuông lớn và mấy chiếc máy lạnh đặt sát bốn phía bờ tường nhà kính.

- Tất cả đều được kết nối với hệ thống cảm biến, các máy phân tích dữ liệu để tự động kích hoạt cơ chế làm việc. Cả hệ thống tưới nước theo dạng phun sương cũng tự động nốt đó anh.

Người xưa nói “vua chơi lan, quan chơi trà”, vì hai loại ấy rất kén, khó chăm bón. Chỉ những ai thực sự có điều kiện và thời gian mới trồng được. Nay thì máy móc đã làm hết việc chăm sóc rồi, thế mới có được hàng ngàn hàng vạn chậu cùng lúc thế này. Mà có phải chốn cao sang gì, chính nơi mảnh đất Quảng Trị “Ô châu ác địa”, mùa nắng thì gió Lào thổi ràn rạt đổ mồ hôi sôi con mắt, mùa mưa trắng trời thối đất thêm bão lũ triền miên. Chẳng ai dám nghĩ xứ ấy lại có thể mộng mơ hoa lá được.

- Sa Mù này lạ lắm. Nhiệt độ gần như bình hòa suốt trong năm, rất phù hợp với các loại hoa trái xứ lạnh.

Chinh lại đẩy tiếp một cánh cửa cho tôi vào một nhà kính khác. Vẫn là hệ thống giàn chưng nhưng trên đó lại là những chậu dâu tây. Đã cuối vụ thu hoạch, song vẫn còn sót lại mấy quả chín đỏ, chon chót trắng hồng ở đầu trái.

- Để em chọn mời anh một quả. Coi vậy chớ không quen chẳng thể biết trái nào ngon dở đâu.

Tôi cắn một miếng quả dâu đỏ mọng.

- Ngon không anh?

- Hảo hạng. Chả thua gì dâu... bên tây.

- Ấy là quả cuối vụ thôi. Chứ đúng mùa, ngon lắm. Người ta đặt mua nhiều nhưng có đủ để cung cấp đâu. Dù sao, mình cũng chỉ mới làm thử nghiệm thôi anh. Được cái dâu mình trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp xanh, đảm bảo sạch, an toàn.

- Có gì đảm bảo không?

Tôi buông một câu hỏi, chợt thấy mình dớ dẩn quá chừng. Thế mà Chinh lại không tỏ vẻ khó chịu, còn cười tươi.

- Ai cũng hỏi như anh cả. Niềm tin là thứ không dễ có trong thời buổi ngày nay. Nhất là thực phẩm. Nhưng thử nghĩ mà xem, chả ai dại gì tốn công sức gây dựng một cái trạm nghiên cứu khoa học trên đỉnh đèo để làm ra những thứ xoàng xĩnh.

- Và chẳng ai sống một mình trên đèo ấy để lừa dối thiên hạ, đúng không?

Hai chúng tôi cười vang.

- Nhưng có chuyện này, thử xem anh tin không. Em sống đây không chỉ một mình đâu.

- Còn ai?

- Rồi anh sẽ biết thôi mà. Giờ em đi làm đồ nhậu. Say một bữa trên đồi cũng hay lắm.

- Mà này, uống chút cho vui thôi. Còn phải canh mấy cái nhà kính chứ.

- Em đã “giao nhiệm vụ” cho mấy cái máy tự động rồi, nó sẽ làm thay việc cho mình ngồi nhậu.

Trong khi Chinh chuẩn bị thức nhắm, tôi đi loanh quanh khu trạm nghiên cứu ngắm cảnh rừng núi. Vẫn sương giăng ảo mờ, mây là đà trôi qua một vài đỉnh núi xa xa. Kia là đỉnh Voi Mẹp “nóc nhà Quảng Trị”. Kia nữa, hình như là núi Mai Lĩnh nơi bắt nguồn của con sông Thạch Hãn đại trường giang chảy lau lách qua bao xóm làng để đổ ra biển Cửa Việt. Núi thì cao, sông thì dài, bao giờ và ở đâu mà chả thế, chỉ có ý chí con người mỗi nơi một khác. Trên đỉnh đèo này hẳn ý chí người ta phải cao như núi và dài như sông thì mới chịu nổi sự cô đơn hoang vắng.

Phía sau hai khu nhà kính trồng lan và dâu tây còn có một dãy nhà cấp bốn sơ sài. Đầu kia là chỗ bếp, nơi Chinh đang xào nấu món gì đấy, hương sả thơm phảng phất. Còn đầu này là một căn phòng cánh cửa khép hờ khiến tôi tò mò. Đưa mắt nhìn vào, tôi nhìn thấy cái tủ vải hoa hòe, tấm rèm chắn màu hồng, giá gỗ treo bên tường có ba lọ hoa khô, một cái kẹp tóc, vài hộp tròn tròn giống như mỹ phẩm thì phải. Thoáng qua có thể đoán đây là phòng đàn bà con gái. À ra thế, hèn chi lúc nãy Chinh bảo cậu ta không sống ở đây một mình.

Tôi đẩy cửa bước vào. Ngay bên hông cửa là chiếc bàn gỗ thông, trên bàn có cây bút và cuốn sổ bìa ố vàng. Không ngăn được tính tò mò, tôi cầm cuốn sổ lên.

*

LƯU BÚT NGÀY XANH.

Gạt lớp bụi mịn phủ bên ngoài bìa, đập vào mắt tôi mấy chữ viết theo lối khắc bằng bút bi lên bìa cứng cuốn sổ. Trang bìa lót nét chữ mềm mại ghi tên một người con gái chắc là chủ nhân, đúng như tôi dự đoán. Tấm ảnh cô gái có mái tóc dài chải chuốt gọn ghẽ rũ xuống như đang hong gió. Nét mặt đẹp thanh tú, mắt rói cười để lộ lúm hạt gạo nhỏ xíu bên khóe miệng.

Ngày... tháng... năm 2017

Hôm nay là ngày đầu tiên mình sống ở Sa Mù, mà sao cảm giác như nơi này thân quen lắm. Rồi sẽ còn những ngày dài đằng đẵng với bao thứ phải thích nghi, nhưng mình có niềm tin rằng mình sẽ gắn bó lâu dài chốn này.

Người cho mình biết cảm giác cheo leo đèo núi là Nguyện. Lúc chiều anh ta đạp xe tận mười cây số đường đèo chở mình lên đây. Đống núi sạt to ú ù chắn ngang đường, đâu có phương tiện cơ giới nào qua được. May thay có đội quân đang xúc đất đá thông đường, rồi ông chỉ huy giao nhiệm vụ cho anh ta chở mình lên trạm. Lúc ấy có hơn chục người, ai cũng cười trêu, bảo trai chưa vợ gái chưa chồng chở nhau lên đèo biết bao giờ mới tới. Nguyện đứng nghiêm chỉnh nhận lệnh chỉ huy răm rắp khiến mình cũng bật cười theo. Đi một chặng anh ấy mới nói lúc ấy là thực hiện quân lệnh đấy, quân lệnh như sơn.

Chỗ ở không phải nhà tập thể ngôi trường mà là trang trại trồng hoa. Thế cũng rất thích và càng tiện. Vì mình được phân công dạy điểm trường lẻ trong bản, từ đây về trung tâm xa ngái nên trường đã liên hệ xin cho mình sống ở trang trại hoa. Thầy hiệu trưởng còn cười ý vị bảo mình cứ lên sống tạm trong trạm trồng hoa ấy, có khi gặp tình duyên, lại ở luôn đấy dài lâu không muốn về cho mà xem.

*

Nghe tiếng Chinh gọi, tôi nhẹ nhàng đặt cuốn sổ xuống chỗ cũ. Khép hờ cánh cửa như lúc đầu, tôi đi về phía cuối dãy nhà, nơi mùi thơm thức ăn đang ngậy lên.

- Nãy giờ anh đi đâu vậy. Có thấy thì hay hay không?

- Ờ, cũng ngắm nghía đôi ba chỗ. Ở đây vắng lặng nhưng chắc là có nhiều chuyện hay, bí mật. Núi rừng luôn ẩn giấu những điều kỳ thú mà, đúng không.

- Cũng không nhiều chuyện lắm đâu anh. Mà em không có khiếu kể chuyện. Cần gì anh cứ hỏi em sẽ trả lời nhiệt tình, có gì kể nấy, rồi anh thêm thắt vào cho văn vẻ.

Chinh bưng mâm lên, bảo ra ngoài trời ngồi nhậu cho thú vị. Tôi cũng khoái cái kiểu nhậu dân dã, hòa mình giữa thiên nhiên. Nhất là lại ở nơi thâm sơn cùng cốc, chỉ có ta với bạn, và mây trời mênh mang rất gần. Ở nơi ấy chuyện gì cũng nói ra được, chẳng lo ai nghe thấy, chẳng sợ làm phiền ai.

Giữa dãy nhà cấp bốn và khu nhà kính là một khoảng sân đất, cỏ dại mọc sàn sạt, lá cỏ không xanh mà hơi ngả úa. Bộ bàn ghế đá mài đã nằm sẵn ở đấy.

- Đây chính là phòng khách lộ thiên anh ạ, những khi không có nắng ngồi suốt ngày cũng chả hề hấn gì. Chỗ này uống trà cũng hay lắm. Còn uống rượu thì... càng hay. À, mà anh thông cảm em không có bia, rượu thì sẵn, nên mình uống rượu nhé.

Chinh chạy vào phòng lấy ra bình gốm nhỏ màu nâu. Mở nắp, rót ra hai cốc nhỏ. Nước rượu trong, ửng vàng. Đưa cốc lên tới miệng thì ngửi thấy mùi thơm vị sâm.

- Đặc sản bản địa đó anh. Rượu của bà con Vân Kiều nấu từ men lá rừng, an toàn lắm. Còn thứ vàng vàng ấy là đông trùng hạ thảo, cũng là thứ trạm mình đang nghiên cứu nuôi cấy sản xuất.

Lúc này tôi mới để ý mấy phòng cửa đóng kính trong kia là nơi nuôi đông trùng hạ thảo. Chinh chưa vội cho tôi vào tham quan.

- Nuôi đông trùng hạ thảo, trồng lan hay dâu tây ở đây thì chi phí sẽ giảm hơn rất nhiều so với nơi khác anh ạ. Vì thời tiết mát mẻ, ẩm ướt nên trước hết là đỡ tiền điện cho máy móc hoạt động này. Về chất lượng thì chẳng thua kém nơi nào, thậm chí là hơn hẳn, như lúc nãy anh ăn trái dâu thì biết rồi đấy. Lan hồ điệp của trạm chăm trồng nở bền lắm, tươi được trên trăm ngày như chơi. Tới mùa tết thì cháy hàng.

Chúng tôi nâng ly, mừng cuộc gặp lần đầu mà cứ như đã thân quen. Thức nhắm cũng rất tinh tế, có thịt dê, rau rừng, thêm mùi gia vị tẩm ướp cũng đặc trưng vùng cao. Chinh bảo ở đây có gì dùng nấy, là thứ cậu ta tự kiếm lấy, rừng phong phú lắm, đủ sức nuôi anh em chúng ta. Có lần hồi mới xây dựng trạm, mùa mưa đường đèo sạt lở. Chỉ sạt một đoạn ngắn thôi, người bên này nhìn thấy người bên kia nhưng không sao qua về được. Thế là anh em xây dựng coi như mắc kẹt ở đây năm hôm, tự kiếm thức rừng ăn uống.

- Ở đây bọn em đã thử trồng nhiều loại hoa quả và dược liệu cao cấp lắm. Tulip này, lily này, rồi hoa cát tường, đồng tiền. Ngoài quả dâu tây thì còn cà chua cherry. Chẳng những nấm dược liệu đông trùng hạ thảo mà còn có thất diệp nhất chi hoa. Tất cả đều thích nghi khí hậu và cho kết quả khả quan. Trạm cũng đã chuyển giao quy trình, kỹ thuật trồng hoa lily cho nhiều hộ dân trong vùng, và bà con đã trồng được để bán dịp tết.

Bầu trời hôm nay cũng như đang xuân, không một chút nắng nên chẳng đoán biết giờ giấc gì cả, lúc này là đang trưa, hay đã sang chiều mà màn trời cứ trắng xóa. Hay là tôi đã bắt đầu say. Say ở đây thì cũng chả sợ xấu mặt với ai. Ở đây chỉ có mây trời, cây núi, có Chinh và tôi, tất cả đều đang say.

Không thấy cuộc gọi nào của cậu lái xe biên phòng lúc sáng, chắc đúng như cậu ta nói, là sẽ đón tôi vào ngày mai. Thế thì tôi còn được ở lại với Chinh và nghe tiếp chuyện đời của chàng kỹ sư nhân viên. Nhưng sao mắt tôi đã díu lại mơ màng thế này. Chinh đỡ tôi loạng choạng vào phòng. Đặt lưng xuống giường, bụng dạ cuộn cạo, tôi cảm giác lâng lâng và thỉnh thoảng xốc nảy lên.

*

ĐOÀN KINH TẾ QUỐC PHÒNG 337

Dòng chữ lờ mờ ẩn hiện nhập nhoạng trước mắt, tôi cố căng mi lên để nhìn rõ hơn nhưng không thể. Giấc mơ kéo tôi vào một khoảng chơi vơi. Dòng chữ lúc này lại hiện lên rõ ràng màu vàng thư in trên cái túi xách đeo chéo sau lưng của cậu trai trẻ mặc quân phục. Cậu đang gò lưng đạp xe chở tôi qua một khúc cua. Đến đoạn thả đèo, cậu mới ngoái đầu nhìn lại phía sau cho tôi thấy mặt. Một cậu thanh niên còn rất trẻ, mặt trắng trẻo thư sinh, bộ đội thời bình có khác.

- Cậu chở tôi đi đâu thế này?

- Mời anh về thăm doanh trại đơn vị chúng em. Anh cứ giữ chặt cái yên xe giúp em. Thả đèo hơn chục cây số là tới thôi.

- Nhưng cậu tới đón lúc nào mà tôi không biết.

- Lúc sáng em theo xe biên phòng đi cùng chuyến với anh mà. Em ngồi vắt vẻo trên trần xe phía sau ấy. Rồi đợi ở ngoài cổng trạm nghiên cứu ứng dụng từ sáng đến giờ mới rước được anh về chỗ bọn em chơi.

- À, mà sao tôi thấy chiếc xe đạp này quen quen. Cậu là...

- Em chính là người từng được chỉ huy giao nhiệm vụ đạp xe chở cô giáo Bông lên Sa Mù nhận việc mấy năm trước đó anh.

- À, vậy cậu là Nguyện.

- Dạ.

Xe đang xuống dốc, đoạn này đường ngon không bị xốc nẩy, tôi rời nắm tay khỏi yên xe và dang hai cánh tay ra để tận hưởng cú đổ đèo mướt mượt. Thỉnh thoảng người tôi như rời khỏi gác baga và bay lên tà tà theo xe. Cậu lính trẻ cũng không cần dùng sức nữa, cứ để xe chạy theo đà quán tính, trong lúc đó cậu giới thiệu cảnh sắc trên cung đường.

- Xuống tới đây là đỡ mây rồi anh. Có thể nhìn rõ hai bên đường là những rẫy trồng cây dong riềng của bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Thú thật lần đầu tôi mới nhìn thấy cây dong. Hồi sáng lên tôi cứ nghĩ nó là cây chuối tây Thiên Điểu. Xa xa lấm chấm những bông hoa nở đỏ, vài cô sơn nữ đang gùi giỏ trên lưng.

- Đoàn 337 đưa cây dong riềng này về hướng dẫn cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng đó anh. Bộ đội cho cây giống, cùng bà con cuốc rẫy, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, rồi thu mua luôn củ dong với giá cao. Bà con Vân Kiều phấn khởi lắm.

Trước khi lên Sa Mù tôi có đọc một ít thông tin về chuyện này nên cũng biết sơ sơ. Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 tiền thân là sư đoàn được mệnh danh “cánh cửa thép Lạng Sơn” trong chiến dịch biên giới năm 1979. Năm 1995 đoàn được điều vào Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Rồi từ năm 1999 đoàn nhận lệnh vào miền núi Quảng Trị vừa đảm bảo an ninh tuyến biên giới, vừa giúp dân làm kinh tế. Bấy giờ nơi đây bà con còn nghèo nàn lạc hậu, chủ yếu săn bắt khai thác lâm sản, trồng trọt thì thô sơ giao phó cho trời. Nhờ các chú bộ đội 337 hướng dẫn chuyển đổi cây trồng mà biết bao nhiêu hộ dân thoát nghèo, có cái ăn cái mặc tươm tất, lại được bộ đội dạy chữ và giúp xóa bỏ hủ tục.

Chiếc xe đạp cứ thong thả theo những triền đồi thoai thoải. Đoạn này hai bên đường lại có những giàn trồng chanh leo lúc lỉu quả. Nguyện bảo đấy chính là sự kết hợp của khoa học, quân đội và sức dân. Nghe có vẻ hơi khó hiểu nhỉ.

- À, tức là bên trạm ứng dụng khoa học thử nghiệm giống chanh leo thích nghi với thổ nhưỡng thì triển khai cho bà con trồng đại trà. Đoàn kinh tế quốc phòng chúng em thì phụ giúp dân dựng trụ, làm giàn, lắp hệ thống nước tưới. Coi vậy, chứ tất cả mấy trăm hecta chanh dây ở đây đều được tưới tự động hết.

Nguyện bẻ ghi đông rẽ sang phải. Đã tới doanh trại của đoàn 337, ở đây là chân đèo nên trời lại nắng ráo. Ngay giữa sân, từng liếp phiên tre đang phơi phóng thứ gì trăng trắng.

- Miến dong đó anh. Miến dong 337.

Vừa nói, Nguyện vừa dựng chiếc xe đạp bên gốc cây cổ thụ rậm tán rồi dẫn tôi đi vào dãy nhà cấp bốn. Ở thềm hiên, các chú bộ đội đang vắt từng bó miến lên liếp tre. Nom cảnh ấy không thể nghĩ đây là doanh trại quân đội, nó giống một nhà máy sản xuất thì đúng hơn. Củ dong sau khi sơ chế sạch được nghiền thành bột. Bột nấu chín thì được xát thái ra sợi nhỏ đem phơi thành miến dong. Tất cả đều được làm thủ công, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ còn hai tháng nữa là tết rồi, miến dong phải làm từ bây giờ mà cuối năm vẫn không đủ cung ứng.

Nguyện bảo đơn vị không nặng nề chuyện lời lãi kinh doanh. Chủ yếu là để giúp đồng bào thay đổi quan niệm mưu sinh dựa vào trời; hướng bà con thoát nghèo bằng đôi bàn tay lao động, để bà con thấy mình hoàn toàn có thể làm chủ vận mệnh.

Trời nhá nhem tối. Mọi người dừng tay. Những tấm liếp phơi miến nhanh chóng được đưa vào kho.

- Đây là giường của anh. Ta đi ngủ sớm để mai còn dậy sớm. Lát nữa ba giờ khuya em sẽ thức anh dậy xem các đồng chí nhóm củi nấu cơm sáng.

Tôi đặt lưng xuống chiếc giường đơn, nhìn qua cửa sổ ngoài trời tối muộn  nhưng vẫn lờ mờ thấy được một quả đồi rất gần, dân bản địa nơi đây gọi là núi Cửa Trời. Những vệt rạn màu đất đỏ bazan trổ vằn vện quanh đồi. Mắt tôi cứ nhìn chằm chằm vào quả núi ấy, những vệt rạn cứ sáng dần lên, nở to dần lên.

Âm thanh lục bục, hình như là mưa. Mưa cũng dần nặng hạt thêm. Một nhoáng thì nghe ràn rạt, thêm cả gió mạnh nữa. Quả đồi như quả trứng đến ngày nứt vỏ. Thanh âm càng lúc càng dữ, giống tiếng thét gào của gã khổng lồ nào đó sắp chui ra từ cái vệt rạn nứt ấy.

Một tiếng ùm khủng khiếp tựa hồ tiếng bom kinh thiên động địa.

Tôi bị hất văng khỏi giường, bay ra tận mé đường ngoài xa, nhìn xuống chân một lớp bùn nhão nhoét đỏ lòm đang ngập lên tận mắt cá chân. Núi Cửa Trời đã vỡ tanh bành và bao nhiêu đất đá chảy trườn xuống đè bẹp dãy nhà nuôi quân. Những tiếng kêu cứu yếu ớt vang vọng từ trong mớ hỗn độn đất đá ngập ngụa.

*

Tôi chợt tỉnh giấc, thoát khỏi giấc mơ, người ớn lạnh. Mà trời lạnh thật, bên ngoài đã tối om. Hèn gì lúc chiều Chinh bảo ở đây mỗi ngày có đến bốn mùa, xuân hạ thu đông cứ tuần tự từ sáng đến tối. Lúc này là đêm, thời tiết theo kiểu mùa đông. Chinh đang ngủ ngon, tấm chăn chiên đắp từ mắt cá chân lên tới ngực.

Rượu vẫn còn ứ đọng trong người tôi và vì độ ẩm không khí cao nên cơ thể không thoát nước được, nó càng khiến tôi khó ngủ, khó chịu. Gan ruột cũng đang ấm nóng nên tôi không cảm thấy chút sợ sệt nào cả, thậm chí càng dạn dĩ hơn. Tôi nhẹ nhàng đi ra khỏi phòng Chinh. Bên ngoài màn đêm và núi rừng tạo nên những mảng đen với nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau. Nếu có một người họa sĩ nào đó vẽ cảnh núi đồi trong đêm tối, hẳn đó sẽ là một bức tranh kiệm màu nhưng có những chuyển sắc nhịp nhàng, tinh tế.

Căn phòng cuối dãy nhà vẫn le lói chút ánh sáng. Tôi nhớ cuốn sổ lưu bút đang đọc dở dang hồi chiều. Sức hấp dẫn của những mẩu chuyện chủ nhân kể khiến bàn chân tôi bước về phía đó.

Cửa phòng vẫn he hé, lọt ra một chút ánh sáng kẻ vệt đường vàng trên thềm hiên. Cuốn sổ vẫn nằm trên bàn, hơi lệch một chút chứ không ngay ngắn. Đấy là lỗi do tôi, lúc chiều nghe Chinh gọi thì gấp gáp đặt đại sổ xuống bàn. Tôi đưa tay kéo sợi dây lụa màu đỏ dính liền gáy sổ để đánh dấu chỗ đang đọc tới.

Nguyện vẫn thường ghé qua đây, khi thì cho măng, lúc vài củ sắn. Mình thắc mắc anh bộ đội trốn doanh trại đi chơi hay sao thì Nguyện bảo đi giúp dân tiện thể ghé qua thôi. Hình như mình nói thế nên lần nào Nguyện cũng ngồi chút rồi về, quá lắm là ngồi nửa tiếng, thế nhưng anh chàng này nói chuyện rất có duyên.

Nụ cười, cả ánh mắt của Nguyện cũng rất khác lúc trò chuyện với mình. Đôi khi anh chàng để một khoảng lặng và chỉ nhìn ngắm mình say đắm.

Tôi đang đọc những chỗ riêng tư trong nhật ký của một cô giáo. Mà nhật ký nào chẳng chất chứa những điều riêng tư. Chỉ có điều, dường như tôi sắp đi vào một câu chuyện thầm kín hơn của những người trẻ, rất trẻ. Ở độ tuổi mà sự lãng mạn luôn ăm ắp và sẵn sàng bộc lộ trong từng cử chỉ, ánh nhìn đôi lứa. Và nhất là nơi miền cao này, thử tưởng tượng một anh chàng áo lính quân hàm gặp gỡ chốc lát cô giáo cắm bản, đã là một câu chuyện thú vị.

Nhưng không, không ai được phép nhìn ngó vào sự bí mật đời tư ấy thêm nữa. Hãy để họ được tự do trong chính cái cách mà họ đang sống đẹp đẽ và trong trẻo như thế. Cuốn sổ dày dặn, tôi lật vội nhiều trang liên tiếp, cố gắng không xen vào câu chuyện riêng tư tuổi đôi mươi để tìm một mẩu chuyện khác đời thường hơn. Bên ngoài núi đồi vẫn yên ắng. Thỉnh thoảng có tiếng hú vọng nhưng không có vẻ gì đáng sợ, hình như đấy chỉ là tiếng gió đêm vuốt qua ngàn, thổi qua những lũng đồi mà ra thứ âm thanh u u tựa hồ hơi thở nhẹ.

Những khuya thanh vắng không còn đáng sợ như hồi mới lên đây. Bây giờ, thỉnh thoảng nửa đêm thức giấc vẫn thấy ánh đèn trong khu nhà kính bật sáng một góc. Mình gạt cửa bước vào mà Chinh vẫn không hay biết. Anh kỹ sư đang say sưa ngắm nghía một cành lan hồ điệp vừa nhú ngòi. Cái chút xíu nhú ra ấy thôi mà khiến anh ấy thao thao bất tuyệt suốt hôm nay. Chinh nhút nhát lẳng lặng, chẳng hiểu sao hôm nay anh ấy nói nhiều đến thế.

Đã cuối tháng chín lịch ta, chỉ còn ba tháng nữa đã tết. Độ này cả khu nhà kính lan bắt đầu đâm ngòi để sẵn sàng nở đón mùa Xuân. Việc chăm sóc lan thời điểm này là quan trọng nhất để có được hoa đẹp, tươi bền và nhất là canh đúng thời gian nở theo ý muốn. Tháng chạp ở Quảng Trị tiết trời cũng thất thường lắm, có khi rét cóng buốt, có năm cũng nắng ráo khô khan. Thế nhưng ở phía miền Tây Quảng Trị, trên đỉnh đèo Sa Mù ông trời lại rất dễ tính. Và đó chính là cái thuận lợi để trồng hoa thương phẩm mùa tết. Thêm nữa, các hệ thống nhà màng, máy sưởi, quạt gió, được trang bị nên trồng hoa mà như làm công nghiệp.

Hôm qua Chinh bảo mình hãy quên mọi chuyện đi, cứ ở lại đây cùng anh, cho vui.

*

Cuốn nhật ký có lẽ lại sắp sửa vào những điều riêng tư. Tôi gấp sổ lại, đi về phòng Chinh, trông chàng kỹ sư ngủ rất ngon lành. Nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh Chinh, tôi ngắm một khuôn mặt bình thản, không gợn chút ưu tư nào. Tôi thì đã đủ giấc, đành nằm yên chờ trời sáng.

Đêm eo óc tiếng vọng xa xăm, tôi mường tượng tiếp sự kiện đau thương trong giấc mơ hồi nãy, và như hiện ra trước mắt cái đêm cách đây chỉ mới hơn ba năm. Lúc ấy khoảng một giờ đầu ngày 18 tháng 10 năm 2020, sau những ngày mưa dầm dề, quả núi Cửa Trời phía sau doanh trại đoàn kinh tế quốc phòng 337 bỗng bục vỡ giữa đêm khuya. Đất đá đua nhau tràn xuống đè bẹp dãy nhà gây nỗi đau mất mát ngút ngàn. Đoàn 337 mấy hôm nay đi giúp dân phòng chống mưa lũ, tận khuya khoắt mới về tới đơn vị, vừa đặt lưng nghỉ ngơi chút xíu đã gặp tai họa. Hai mươi hai cán bộ chiến sĩ đang yên giấc bỗng hóa ngàn thu.

Chập chờn trước mắt tôi là nụ cười trong trẻo của chàng lính trẻ tên Nguyện. Khuôn mặt ấy rõ ràng là bức hình chàng trai được dán trong cuốn nhật ký của cô giáo Bông ở trang ghi ngày 18 tháng 10 năm 2020. Tôi chỉ lật xem trang đó mà không đọc vì nó chẳng ghi gì cả ngoài ngày tháng và dán lên một bức hình chân dung chiến sĩ trẻ.

*

- Tiếc là anh không được gặp cô Bông vì mấy hôm nay cô ấy về thăm nhà. Nếu không, chắc có nhiều chuyện hay để anh viết lắm.

Chinh nói lúc chia tay. Tôi ậm ừ hẹn dịp khác.

Ngồi trên xe biên phòng xuôi đèo Sa Mù trở về, giữa sương mây giăng giăng, lòng tôi miên man hư thực. Nguyện ơi, chẳng biết cậu có đang ở trên xe theo về doanh trại không.

- Con đèo này thiêng lắm anh nhà báo ơi. Nhiều khi tôi ôm vô lăng mà cứ như ai đang lái chứ không phải mình, nhờ thế mà lách qua được mấy bận hiểm nguy. Anh cứ lên đây vài lần sẽ hiểu thôi, ở nơi đất đá và mây trời rất gần nhau thì luôn có những cuộc gặp gỡ âm dương kỳ lạ.

Nhất định tôi sẽ lên lại để tận hưởng thứ lạc quan yêu đời của những người cô đơn trên đỉnh Sa Mù. Mà, có khi họ chẳng cô đơn đâu.

HOÀNG CÔNG DANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 355

Mới nhất

Đại hội Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030

2 Giờ trước

TCCVO - Chiều nay 21/12, Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị tổ chức đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Dự đại hội có NSND Huỳnh Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị - Nguyễn Văn Dùng, đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị.

"Tiết học Biên cương" giáo dục lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ

14 Giờ trước

Ngày 19/12/2024, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cùng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thành (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức Chương trình “Tiết học Biên cương”...

Tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đensavan

20/12/2024 lúc 19:49

Ngày 16/12, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT)Lao Bảo (Bộ đội biên phòng Quảng Trị) và Đồn Công an Cửa khẩu quốc tế Đensavan (Công an Savannakhet - Lào) tổ chức Hội đàm 6 tháng cuối năm 2024.

Hai nhạc sĩ Quảng Trị đoạt Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024

17/12/2024 lúc 14:38

TCCVO - Tối 15/12, Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND

Bế mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024

17/12/2024 lúc 00:02

TCCVO - Sau 4 ngày diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, tối 16/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

23/12

25° - 27°

Mưa

24/12

24° - 26°

Mưa

25/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground