Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quãng vắng quạnh quẽ

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Cái chòi bên bờ làm ra để che cuộn mô tơ, nhỏ hơn chòi canh nương, từ đây một sợi cáp inox nối với đỉnh bốn cọc tre, buộc vào bốn góc tấm lưới ở giữa dòng. Bấm điều khiển, dây cáp chạy trên cái ròng rọc mỗi lúc mỗi căng, lưới dần nâng lên khỏi mặt nước, những giọt nước rơi xuống ràn rạt lẫn với tiếng rè rè của mô tơ. Anh chồng chống cây sào bơi thuyền ra đứng dưới, ngước lên. Chị vợ căng mắt nhìn theo, chờ tiếng quẫy rộn nơi rốn lưới.

- Rồi! Trúng rồi chồng ơi! 

Đàn cá mòi nằm gọn trong mẻ lưới, vùng vẫy, dày đặc.

- Mần răng chồng ơi…!

- Ra mần chi đó, đã nói rồi… rứa thì chuẩn bị nhiều chậu… à, mà ngửa cái ghe ra… để đó… phụ anh kéo cá lên.

- Chi dữ rứa?

- Đừng hỏi nữa, làm nhanh, năm mươi ký là ít. 

Người đạp xe, người đi thể dục dừng lại, xúm xít chờ mua…

Chồng tháo rốn. Cả đời chài tháo rốn lấy cá là thường mà sao lần này cảm giác vừa sướng, vừa run, pha chút sợ. Anh tóm gọn khúc dưới đầy cá xổ vào khoang, khúc còn lại chờ xổ lần sau. Cứ thế ba bốn lần xổ mới hết mẻ lưới…

Khúc giao mùa trời đêm đang ấm. Dưới ánh sáng bóng điện 500w, bọn bọ cam, cánh muỗm; bọn liều mình, thiêu thân… vờn quanh, mỏi thì rụng xuống làm mồi. Từng đàn cá chui vào đóng đèn, mô tơ lại quay, tiếng rè rè nặng nề, dây cáp căng, bưng hổng lên bốn tao lưới dần khỏi mặt nước, mới đầu hình thành cái ao khổng lồ, mặt ao nhỏ dần, nước tụt xuống sát rốn, lại rộn ràng tiếng cá quẫy. Mẻ lưới nào cũng đầy bụng. Chị ở nhà bán, đi chợ bán, trên đường bán. Chị đếm tiền, một tháng liền: đi chợ về đếm, cá vừa vớt lên, người qua đường, người trong làng mua… chị lại đếm. Tiền nhiều. Chồng hăng máu, say sông, say lưới, say cá và say mỗi đêm bảy tám lần cất vó. Hình ảnh con Bẹp mặc áo dài tay cầm phấn thúc giục anh, anh thấy hạnh phúc bao trùm!

Đã quyết rồi, vất vả là việc của chồng, con Bẹp phải lên bờ - khó chi cũng chịu!

* * *

Minh họa: Lê Long

Minh họa: Lê Long

Mùa đông đuổi tới. Chồng tranh thủ, cứ ba mươi phút vó lại được nhấc lên, rồi ngủ luôn ngoài chòi. Cực cũng được, hi sinh cả đời cũng được, miễn sao con Bẹp không eo sèo nơi bờ sông mãi. Con của người ta, học làm cô giáo ra trường đã đi dạy, con mình còn theo chài lưới quyện mãi hương bùn nao nao. 

Mùa đông tới thật, sông thêm quạnh quẽ. Chồng ngoài chòi, trong nhà cũng quạnh quẽ như sông. Một mình khó ngủ, vợ gạt tấm chăn thiếu hơi ấm rồi bước ra. Gió lạnh thốc vào ống quần, lai áo, vào hốc mũi. Mắt chị dõi theo chiếc xuồng của chồng đang bơi ra giàn lưới đã cất lên lỏng thỏng, còn cái rốn chạm dưới mặt nước. Không một tiếng quẫy, chỉ có tiếng sào đập vào thân lưới sàn sạt, nước bay tung tóe dưới ánh đèn, tiếng gió trời khuya vun vút, cuối cùng chỉ có tiếng mái chèo bẽ bàng khua nước lội vào bờ. Vợ đứng nép mình bên vách chòi nghe chồng thở dài nhưng giữ im lặng - đó là ứng xử phù hợp trước một người đàn ông khó chấp nhận thất bại, nhất là có mặt phụ nữ. Tránh ánh mắt vợ, lần đầu tiên anh để vợ chứng kiến tâm trạng không vui. 

- Tối ni ngủ đã chồng! - Vợ lên tiếng. 

Anh tắm rửa, cục xà bông Lux thoa khắp cơ thể, cánh tay anh vuốt qua xát lại trên thớ cơ săn chắc, gồ ghề. Bọt đùn lên đánh tan mùi bùn tanh tao, còn lại sự vạm vỡ. Nghe lời vợ, khuya đó chồng không ra cất vó nữa. Vợ thỏa mãn cười - ước chi mãi như ri, nằm ngoài sông hoài có ngày không ưng ngủ với vợ cũng nên... 

Chị vợ để thế, không mặc gì, quấn chăn lại rồi gọn gàng trong cánh tay chồng. Cả hai quên đi việc cất vó, họ ngủ ngon như chưa từng làm nghề vạn chài.

Mấy tuần liên tục, chỉ có gió rét, đêm tối đặc lại như nắm được màu đen của đêm vào tay. Lạnh, cá cũng chui vào nấp trong mấy vày lùng léc, trốn khỏi mặt nước mênh mông. Tấm lưới giữa dòng trở nên vô dụng. Thưa dần các lần cất vó, môi chồng đã thâm nắng giờ thêm tím lại giữa rốn lưới, chơi vơi giữa mùa đông. Người đàn ông đi ngược lại mùa tôm mùa cá - cố tình bắt chúng chui ra khỏi nơi ẩn nấp mà đi kiếm ăn trong mùa rét, để mình đánh bắt. Không phải cố chấp, hay không biết quy luật kiếm ăn của cá, mà do nuôi hi vọng: mùa này chỉ có những chú cá cực lớn, như cá vược, cá trắm đen, loài chình cô đơn… đó là những chú cá đơn độc, lừng lững, đi bất chấp con nước hay tiết trời. Loài này bắt được nó có khi phải trả giá - bị hủy hoại tài sản, có khi là bị cá làm trọng thương. Chồng hi vọng mỗi lần bấm cái mô tơ, ròng rọc quay nâng tấm lưới lên là mơ con Bẹp được mặc áo dài đứng trên bục giảng, thoảng mùi hương - hương của con gái rời xa mùi bùn tanh ai ải của bờ sông khuya khoắt…

- Cha! 

Con Bẹp chợt gọi làm anh giật mình.

- Ra mần chi đó? Mẹ con bây tao nói cứ không nghe!

- Để con cất mẻ này cho, vía con nhẹ, biết đâu được quý nhân phù trợ.

- Khoan khoan, chờ lát nữa, đứng lùi vô đây, gió lạnh khiếp!

Cha nhìn con gái, giống cha y đúc, nhớ đêm đẻ nó trong chòi - cục đỏ hỏn tuột xuống chậu nước ấm, luôn thể nó được vệ sinh và cắt dây rốn sạch bách - đêm giữa trời lạnh bông băng làm chi có. Rơi vào chậu nước nên bây giờ nó thấy nước là sà tới, bơi lội còn hơn cha nó.

- Cha, nghề chài cũng có cái thú cha hè! 

- Thú chi mà thú! Thú thì tao tìm đường cho mày thoát làm chi, sướng sung chi làm kẻ chài, họ lên bờ hết!

- Nói thế thôi, gọi “kẻ chài” không phải kiểu miệt thị, chê bai, mà ngày xưa mỗi vùng, mỗi ấp, mỗi buôn có mỗi làng nghề khác nhau. “Kẻ” là nói đến một vùng, vùng nghề gì đó, như ở Thủ đô có phường Kẻ Chợ đó, là nơi buôn bán, không phải hiểu như kẻ xấu mô cha ơi…

- Thì mi có học mới hiểu, bọn tao nghe quen rồi…

Bẹp nhìn ra sông:

- Cất được rồi cha.

- Để tao điều chỉnh cái ròng rọc cho chuẩn đã…

- Cha bấm nút đi. 

Nói rồi Bẹp lần xuống con xuồng nhỏ, để cha cùng cái mô tơ thâu sợi cáp lại ngắn dần. Bóng đèn lập lòe ngoài giàn lưới rọi vào dáng cha con lủi thủi chia việc. Con nhà tông giống cả lông cả cánh. Bẹp chống sào cũng như cha, mạnh mẽ lẫn trong nét phiêu diêu, những cái loi sào xuống bùn, chiếc xuồng lao đi nhằm giàn lưới trờ tới. Lưới dần nâng khỏi mặt nước, bóng con gái chơi vơi, cha nhìn vừa mừng vừa thương. Cái vung sào như thanh niên, đập ràn rạt, thân lưới rùng mình, cao lên. Còn một vũng như cái ao nhỏ ở giữa, Bẹp chèo quanh… mặt sông lặng như tờ, gió hiu hiu trống trải, lại một mẻ lưới không hứa hẹn. Bốn góc lưới cao lên quá ngọn đèn, vũng nước giữa tấm lưới mỗi lúc một nhỏ dần, im ắng. Thời điểm này thường là sự tuyệt vọng của đàn cá, cũng là nỗi thất vọng hay hả hê của cha. Chiếc xuồng của Bẹp chợt chòng chành, chao đảo bởi cuộn sóng khá mạnh, lưới rung rinh, bốn cọc tre cũng chúi đầu lại rồi bật ra, rốn lưới bung lên, nước bắn vọt đến bóng đèn 500w. Vó vẫn từ từ nâng, còn trong lòng lưới vài khối nước, một cái kỳ đen lùi lũi dài gần hai mét xé nước chạy vòng tròn, lưới nâng cao, nước cạn. Sự quẫy đạp điên cuồng của chú cá vược, nó không chịu khuất phục, có thể một vài lần nó đã xé tấm lưới ai đó thoát thân. Bẹp reo lên: 

- Cha ơi… ơi! 

Tiếng kêu vui giữa mênh mông u tịch. Cha lao xuống. Nước không còn lạnh, mấy cái sải tay, bỏ qua một trăm mét, cha đã tới nơi, đu vào lưới, Bẹp túm rồi lần thu lưới hẹp lại cho cha tiếp cận nhanh hơn. Tiếng cha: 

- Cẩn thận, loại này có cạnh rất sắc và nhọn, cứ cho nó vùng vẫy, nó sẽ đuối sức, không vội. 

Tiếng cười con gái hòa vào lời kinh nghiệm của cha. Sau một hồi vùng vẫy, phá phách cá cũng xuôi lơ, nó đổ nghiêng mình tựa vào thành lưới, hiện ra nửa trên đen nửa dưới bụng trắng vật vờ hung dữ. Cha tuồn về cuối rốn, xổ vào một cái túi lưới rồi kéo trì nó vào bờ…

- Nó to lớn hơn mày đó Bẹp, tầm năm sáu chục ký là ít.

- Cha thấy chưa, vía con nhẹ mà vẹ…

- Ừ thì vía mày nhẹ nhưng ai sinh ra đứa có vía đó!

Cả hai cha con rôm rả đầy cảm hứng, cùng nghêu ngao vác con cá vật vã vào nhà. Vợ nhìn hai cha con dâng lên niềm hi vọng đầy hạnh phúc. Ngoài sông gọng vó chưa hạ xuống, đang ngẩng lên sung sướng.  

Chồng lại mơ một ngày gần nhất có tiền đi lo việc cho Bẹp.

* * *

Trời êm đềm, ai quan tâm chi trên núi, cứ ngỡ dưới xuôi trời đẹp thì nước đâu ra mà tạo lũ. Mưa nguồn như thằng ăn trộm, trườn về trong đêm, chảy qua ngôi làng đang say ngủ. Lưới quằn quại níu vào bốn thanh tre, chới với giữa dòng, rều, rác, củi khô chảy luồn vào trong lòng, tan tác rồi bung hết bốn góc, thả cọc, trôi đi. 

Sáng, tiếng chồng kêu “Trời ơi!” rít lên qua kẽ răng rồi im bặt, như bị cơn đau đột ngột, trong cảnh cô quạnh. Chị vợ chạy ra nhìn dòng sông cuồn cuộn, bốn thanh tre trồi lên ngụp xuống chới với theo dòng lũ đỏ quạch, mà tao lưới thì chẳng thấy đâu. Vợ theo quán tính nhìn về phía biển, biển đang trườn lên ngập bờ. Lưới có lẽ nằm giữa mênh mông biển nước đó. Trôi. Trôi hết rồi! Là bảy mươi triệu đồng, tiền bán nhà với mấy tay lưới bén, bán sạch để ra gần bờ sông cắm sào chài lưới. Vợ đến bên: 

- Chồng, chồng, em biết, em biết rồi!

- Mần lại, lo chi!

Nói thế nhưng trong đầu chồng cộm lên con số đầy bi đát, nó cộm lên như khối ung thư. Định hai mùa cất vó thì đủ lo cho con Bẹp có việc làm, để không phải mênh mang cất vó nơi mặt nước chơi vơi. Vợ lẩm nhẩm, mấy mươi triệu, con số khổng lồ, đó là tài sản lớn nhất, canh bạc lớn nhất dồn vào những mẻ lưới, là vốn liếng từ mảnh đất thừa thẹo với cái chòi cuối làng. Gặp may làm đường, đền bù mới có giá tốt. Các tay lưới bén của anh được thay bằng cả một giàn lưới hiện đại thả giữa dòng sông này… 

Ngày xưa chồng cưới vợ. Vợ lớn lên giữa bốn bề sông nước, lẫn giữa rều rác, chỉ có chồng mới phát hiện ra gái lênh đênh xinh đẹp cỡ nào. Vợ không được như con Bẹp bây giờ - chẳng ai mơ thay một ngày thơm mùi hương trên bờ, mùi thơm của vườn hoa, của siêu thị. Cứ trôi trên con thuyền đầy tao lưới, rộn ràng âm thanh của mái chèo gõ vào mạn thuyền đuổi cá, với những vùng vẫy, những cảm xúc khi cá đầy khoang. Họ vớt nhau lên từ dòng sông, cắm cái chòi bên bờ vừa ở vừa đơm cá. Của hồi môn là mười tay lưới bén và mấy cần câu, chỉ chừng đó, chồng với vợ dang nắng mùa hè, tiếp đón tê tái mùa đông, sống đầy hi vọng.

Chồng nắm tay vợ, đường gân ngoằn ngoèo bắt đầu nổi. Con Bẹp hai lăm rồi. Chồng đã hứa, đưa vợ lên bờ để tay vợ tróc đi lớp rám nắng, để cơ thể vợ không vương mùi lam lũ. Chưa lần nào chồng để vợ thấy mình thất bại, việc gì chồng cũng làm được, tranh vợ làm, làm để chứng minh lời hứa “Lên bờ cùng anh, trên đó vợ sướng hơn, con chúng mình sẽ khác”... 

Đêm mùa đông sinh con Bẹp trong cái chòi bên bờ sông ùa về đầy dằn vặt: 

- Chồng ơi! Hình như đẻ! 

- Bậy! Ai mà đẻ giờ ni, sáng trời đã chơ.

Chồng loắn xoắn, miệng nói thế nhưng toan tính một tình huống rất khó. Ngoài chòi chỉ có tối với rét, tối như đêm mùa lũ nước bạc tràn về, như cái đêm mất dàn lưới hôm trước… 

Nói thế thôi, ai mà hoãn đẻ, đẻ là phải đẻ, bàn chi được. Chồng đun một thùng nước sôi, đẩy thêm củi, củi bắt lửa cháy rừng rực, nước sôi, lửa cười. 

- Chồng ơi! Chồng ơi! 

- Cố đừng cho nó ra, nói với nó chờ cha nó đang chuẩn bị. 

Anh lục rương lôi tấm khăn lớn trắng tinh, thứ tinh tươm để dành cho sự kiện trọng đại nhất của một tổ ấm - trải ra. Lấy cái khay nhỏ xát mạnh xà phòng, đổ nước sôi ngâm tráng; lấy cái kéo nhỏ ngày thường làm ruột cá, thả vô nồi nước nấu, lấy ra đốt lên lửa. Để sẵn mấy gói khăn sơ sinh đã chuẩn bị từ trước; hộp y tế thường ngày được sử dụng; hòa một chậu nước ấm hứng ngay dưới thành giường, đỡ hai chân vợ tới gần: 

- Rồi, đẻ đi, đẻ đi, một đứa ni thôi, nuôi cho đàng hoàng… 

Vợ vừa đau vừa nghi ngờ:

- Ai vẹ, ai vẹ chồng làm rứa? Ưi cha, ưi cha!

- Đừng hỏi, nghe mạ kể chớ ai vẹ… Rặn đi, gắng, gắng tí nữa thôi…! Có chồng đây…! Đừng nhìn xuống… ngẩng mặt lên để thở, tay đưa lên, cầm vào thanh giường cho chắc, dạng chân ra… thấy rồi, cố lên, nữa, gần được rồi… 

Cũng mất gần mười lăm phút đỡ đẻ, con Bẹp mới chịu ra, một hình hài đỏ hỏn nhẹ nhàng rơi vào thau nước ấm, kéo theo cái dây rốn loòng thoòng. Cái kéo làm cá được chồng tiệt trùng bằng nước sôi, còn cẩn thận đốt trên ngọn lửa, anh xắp phựt cuống rốn rồi khựng lại một giây… “Bẹp vợ nờ…”!

Cả đời có ai bày cho đỡ đẻ bao giờ, bí nên làm liều thôi! 

Kể cả đỡ đẻ, chồng cũng làm được, trên đời này có mấy ông bố tự tay lôi đứa con từ trong bụng, như anh bồng con Bẹp rồi lau máu me, cắt dây rốn. Con Bẹp vì thế mà không làm anh thất vọng, sức vóc như một đứa thanh niên.

* * *

Từ khi lên bờ, chồng sợ nhất là vợ chứng kiến chồng thất bại, thế mà cái đêm mưa nguồn ác ôn đó, cuốn phăng cái gia sản, cuốn đi cái hi vọng đổi đời cho Bẹp, để vợ phải lo. 

Chồng rụt rè hối lỗi: 

- Được mấy rồi?

- Gần bốn chục.

- Gần bốn chục! 

Chồng nhẩm nhẩm: không bị trôi thì sau hai mùa con Bẹp có thể cầm phấn đứng trên bục giảng…!

Chồng bấm vào cái mô tơ, ròng rọc quay, tiếng mô tơ không tải chạy ro ro êm như ru. Vợ chồng nhìn bốn thanh tre đứng thẳng lên giữa biển nước trơ trọi rồi cuộn dây tìm một nơi mới buộc lại.

Thế là Bẹp vẫn chưa lên khỏi bờ.

Đ.D.L

 

ĐOÀN DUY LONG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 362

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground