Càng già cỗi, người ta càng thèm những cuộc đoàn viên. Những buổi gặp mặt đông đủ con cháu quây quần bên một mâm cơm đầy, bà tôi chỉ cần ngồi ngoài nhìn thôi cũng thấy no.
Bà có tất cả bảy người con, ba tôi là út. Ông nội mất khi ba tôi vẫn còn bồng trên tay, bà một mình nuôi lớn đám con nheo nhóc. Đám con vắt kiệt bà nhưng cũng cho bà sức mạnh.
Những lần rôm rả bên đám con cháu, bà vẫn hay kể về thời con nít của các cô bác tôi. Chỉ toàn mấy chuyện cũ nhắc đi nhắc lại, như thể bà muốn đám nhỏ trong ký ức của mình biết chúng không bị bỏ rơi, an tâm tiếp tục những chạy nhảy và nghịch ngợm. Giống như cái quần rách đáy làm ba khóc suốt từ trường về nhà vẫn chưa được khâu lại, vết rách cũ cứ phơi ra trong giọng bà cười ngặt nghẽo mỗi lần bà giở ký ức mình phô bày. Giờ tóc ba tôi đã xơ rơ màu khói, bà nằm một chỗ, trói buộc bởi đôi chân quên mất thuộc về cơ thể bà. Thời gian gặm người mòn mỏi.
Từ gió bấc về, thổi vào cù lao những buổi sáng se lạnh, trí nhớ dù đã rệu rã của bà vẫn còn ngoái lại nhắc đến mùng hai. Những mùng hai sáng mãi, rực rỡ như ánh đèn. Ký ức của bà đang buổi nhập nhoạng. Khi mọi thứ tối sầm, ánh đèn là điểm sáng duy nhất và rực rỡ nhất, đốm lửa sưởi ấm lòng bà là đám con cháu ngồi lại ăn cùng một bữa cơm.
Minh họa: Trịnh Hoàng Tân
Năm chiến tranh xảy ra ở vùng biên giới Campuchia, bà tôi đã khóc ròng khi hay tin đứa con trai lớn trốn nhà đi lính. Đời bà đã đi qua hai cuộc lửa đạn giày xéo đất quê, những cuộc chạy giặc nhức nhối từng bước đi một, gan bàn chân đến giờ vẫn chưa thôi nhức nhối. Bà hiểu rõ sự khốc liệt của đạn súng, vỏ đạn kim loại lạnh không bằng trái tim của kẻ địch. Không kịp gói cho con một hộp thịt chà bông để bữa cơm chiến trường có vị của nhà mình, bà chỉ biết ôm ngực khóc cơn dài. Gửi niềm tin vào trời đất, bà van vái cho đứa con được bình yên, lành lặn ngày trở lại. Lúc bác tôi về là vào đúng mùa nước nổi, bà đang ngồi trước hàng ba đưa võng bầy nhỏ vào cơn trưa. Thấy có xuồng rẽ mái dầm đi tới, mắt mờ nên bà vẫn còn ngờ ngợ, hỏi vói ra: “Khách nào đến chơi?”. Đoạn xuồng tấp lại, bác tôi xách cái ba lô lính phóng lên sàn nhà, nói: “Má quên con má rồi sao?”, bà mới vỡ òa, gục đầu vào ngực con mà khóc. Mấy cô bác tôi hay tin cũng mừng rơn, tranh nhau tìm một chỗ nắm níu lấy anh mình. Ngôi nhà nhỏ xôn xao mặt nước, đôi tay gầy nhom của bà cứ xoa nắn tay chân bác tôi như để kiểm tra xem bà có bị hao mất một chút gì không. Buổi cơm chiều đó quây quần bên nồi cơm nóng, bà gắp cho con một miếng thịt cá, nói: “Mùng hai Tết mỗi năm, má sẽ cúng một con heo, trời phật phù hộ để con má được lành lặn trở về.”
Một đời bà nuôi con, sau lại nuôi cháu. Ba mẹ tôi kiếm đồng tiền ở đất khách, sóng nước lênh đênh cả năm chỉ mấy lượt về. Mỗi dịp Tết, bà chuẩn bị mọi thứ tươm tất. Rằm tháng Chạp, bà cháu tôi cắp thúng ra sân lặt lá mai, những buổi chiều trút đầy sân lá, chồi lộc chờ đợi nấp sau tấm áo cũ mùa trước, nơm nớp rụt rè trên mấy cành nhánh khẳng khiu. Sau cúng ông Táo là quãng tất bật dọn dẹp nhà cửa, những tấm cửa lá sách chúng tôi phải dùng đũa bếp chọc giẻ lau vào từng tấm một, mỏi nhừ cả tay. Bà tôi quý nhất bộ lư đồng, món giá trị còn giữ lại được sau lần bom rơi cháy rụi ngôi nhà cũ. Mấy bà cháu tôi lấy chanh ra kỳ cọ cho đến khi bộ lư bóng loáng. Nhà cửa sạch sẽ, bàn thờ tươm tất xong thì bà cháu lại dắt nhau ra sau hè, quét vôi dọn cỏ mộ ông. Vừa quét vôi bà vừa lẩm nhẩm những lời trong miệng, như thủ thỉ với người bạn đời đã về với đất. Lo xong xuôi mồ ông tôi, bà cháu chỉ còn chờ ba mẹ tôi về, thường đến sát Tết. Căn bếp lúc đó trở thành của mẹ. Bà lại ra nhà trước, ngồi trên võng đưa mắt ngó nắng trên sân, lâu lâu canh trở mặt mấy miếng chuối sứ phơi trên giàn cũi sao cho nắng ướp thật đều. Đến tối ba mươi, bà tôi nhóm một đốm than vừa đủ, mang bánh phồng ra nướng rồi thức đợi cho đến giao thừa.
Xuyên suốt quãng thời gian sửa soạn cho Tết, bà không bao giờ quên nhắc đến mùng hai. Khi con bà đều đã có riêng cho mình một mái nhà khác, có người còn ở tận thành phố, dưới mái ngói ngôi nhà thuở nhỏ, ít lần những cuộc đông đủ con cháu ngồi bên nhau. Ngoài giỗ ông, chỉ mùng hai bà ngóng trông đến quên những chuyện khác. Như thể Tết với bà chỉ gom gọn lại trong hôm ấy. Ngày cúng heo bắt đầu từ một lời khấn vái, ngày mà con cháu sum họp và cầu mong những sum họp cho mãi sau này…
Năm nay bà yếu đi nhiều, cả ngày chỉ gỏn gọn trên một cái giường nhỏ, Tết cũng không ngoại lệ. Vừa năm trước, giao thừa bà vẫn còn trở bánh phồng trên than đỏ. Nhìn bà nằm yên trên giường trong đêm cuối cùng của năm cũ, dáng bà cong đi, những sợi tóc xoãi ra trên gối, có cảm tưởng chúng ám màu khói của những đêm giao thừa nướng bánh phồng, qua mỗi năm càng trắng. Những chậu vạn thọ đặt ở trước cửa, không biết mắt bà còn dõi được đến đó không, chúng sáng như đang nhả lại mớ nắng ban ngày, từng cánh cật lực.
Đếm lại tuổi bà, qua một đêm, giật mình khi đã tám mươi lăm…
Căn bệnh đến với bà đột ngột, như thể tuổi già bất ngờ vồ lấy bà mà cấu xé. Chúng ta không nhớ mình đã từng phung phí bao nhiêu lần thời gian, chỉ khi nhìn vào một người già đang chắt mót những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, ta mới nhận ra thời gian quý báu đến mức nào. Phung phí như thể một kẻ giàu có, để rồi khi nhìn lại, không dấu tích gì cho thấy thời gian đã chảy qua mình, vô nghĩa như chưa từng tồn tại.
Bà tôi đã mớm thời gian của mình vào cho con và cháu, chúng tôi lớn lên; bà chứa đầy trong da thịt, trong tim, trong từng bước chân đi về phía trước của chúng tôi. Ngay cả trong đoạn cuối cuộc đời, bà tôi cũng hào phóng rót số ít ỏi vốn liếng còn sót lại cho con cháu. Cả ngày bà ngoái nhìn lại quá khứ, những lần quây quần bên mâm cơm là những điểm sáng ký ức, trong vô vàn những điểm sáng đặt tên bằng các con của bà. Nằm suốt trên giường bất kể đêm ngày, bà vẫn cứ lo đến Tết với những chuẩn bị tươm tất trong nhà. Và dĩ nhiên, không bao giờ quên mất mùng hai…
Bà tôi già, héo như quả rụng khỏi cuống, những nếp nhăn càng hằn sâu và chảy dài trên da thịt bà hơn khi tôi dán mắt vào, cảm tưởng chúng không ngừng nhăn thêm. Tết đến, khoảnh khắc giao thừa vụt ngang qua chiếc giường bà lặng im giữa bóng tối. Trong cái mùng của mình, không chắc bà đang nhắm mắt, sự già nua của bà bị thời gian xác lập, rõ ràng không chối cãi, bà lại đầy thêm một chặng đường nữa. Và một chặng đường mới đến với bà, bà phải bước với đôi chân không thể bước…
Có cảm tưởng mọi thứ trên người bà đều trở nên nặng trĩu. Cơ thể bà và chiếc giường làm một, chiếc giường nằm im nghe mọt đục những thớ thịt mà không cách nào dứt khỏi cơn đau. Không ai có thể tin bà lại yếu đi nhanh đến vậy. Mới đây không lâu, bà vẫn mạnh mẽ như họ tin bao giờ cũng thế.
Bây giờ, bà thật là cái giường bên cửa sổ, như đã nhập với nó làm một. Cái giường có chân nhưng nằm im một chỗ. Chỉ đôi mắt nhìn mái ngói phía trên, nhìn quá khứ, nhìn sự già nua đang không ngừng già nua…
Từ hồi bà bệnh, ba mẹ tôi bỏ nghề cũ trên lênh đênh những kênh rạch, trở về nhà. Hơn nửa đời bà chăm lo cho mọi thứ dưới mái ngói ngôi nhà xứ cù lao này, bây giờ bà mới nhận được sự chăm sóc cho mình. Nhưng nỗi kiêu hãnh trong bà có lẽ không còn mạnh mẽ như trước, những ngày nằm mãi trên giường khiến da thịt bà lỏng ra, và mọi cử động đều khó khăn hết mức. Cơn đau không bao giờ buông tha, khi da thịt bà chính là cơn đau. Mọi sinh hoạt dù là chuyện nhỏ nhất cũng đều cần có sự giúp đỡ, như thể càng già đi thì bà càng nhỏ lại. Có lần, bà tôi đã khóc khi mẹ tôi đút từng muỗng cháo nhỏ, cái khăn trắng chặn lại dưới cằm phòng khi cháo tràn ra.
Những cuộc làm ăn xa, qua bao nhiêu năm đằng đẵng, ba mẹ tôi cũng tích góp được một số tiền kha khá. Hôm đó là một ngày giữa Chạp, khi dọn dẹp lại ngôi nhà ngói bao nhiêu năm đã thấm đầy trong từng thớ gỗ, những suy nghĩ thai nghén trong đầu bao lâu giờ bật ra thành lời. Đưa ngón tay trỏ ấn nhẹ vào tấm vách, nghe bụi mọt rớt lè xè, ba tôi nói:
- Qua Tết này chắc bọn con cất lại nhà mới, má coi, cũ kỹ ọp ẹp lắm rồi!
Tôi tin lúc đó bà đã cố bật người dậy, nhưng những thớ cơ đã quên mất chính mình. Bà đấm tay xuống giường, tấm chõng bật lên cốp một tiếng. Đôi lông mày níu vào nhau, những nếp nhăn ở mắt lún sâu hơn nữa. Cánh mũi bà bạnh ra, phập phồng theo lồng ngực phập phồng, như thể bà đang cố bơm đầy người mình bằng không khí, liên tục những nhịp thở đầy. Chưa bao giờ tôi thấy bà giận đến mức đó, bà lớn giọng, tiếng dội vang cả ngôi nhà đang lúc vào trưa:
- Cái nhà này còn ở được, chừng nào tao còn sống, không đứa nào được bứng cái nhà này lên!
Lời bà ăn sâu vào ngói, vào từng cột kèo, đòn tay, bức vách… Những nham nhở trong ngôi nhà mỗi ngày lan ra, như bà, già cỗi. Cũng bắt đầu từ ngày hôm đó, bà tôi trở nên im lặng, như hằn học và sợ hãi, bực tức và nuối tiếc… Dù chẳng ai nhắc lại chuyện đó nữa, nhưng dáng bà trên giường lẻ loi một cách tội nghiệp. Không chỉ da thịt đau nhức, bây giờ, đến trái tim…
Mùng hai, mẹ tôi thay bà lo mọi chuyện chuẩn bị cho ngày con cháu trở về dưới ngôi nhà ngói xứ cù lao. Mẹ tôi nói, qua hết hôm này thì cũng coi như hết Tết, chuyện chuẩn bị dài từ mấy tuần trước. Ngày mùng ba mẹ mới có thể nhâm nhi chút mứt chút trà, thảnh thơi là khi dứt Tết.
Thủ tục cúng heo mùng hai chắc chắn không thể thiếu, bà nhắc hoài, có lúc lời dính trong những tiếng rên nhức. Hôm đi chợ ba mươi, mẹ dặn sạp thịt đặt một cái đầu heo với đầy đủ bộ đồ lòng. Cúng cả một con heo thì hơi phung phí, năm nào cũng thừa mứa. Năm nay mẹ tôi quyết định làm gọn ghẽ, bà cũng không nói gì, chỉ lặng lẽ thả một tiếng thở dài thườn thượt.
Sáng mùng hai đó, mẹ thức sớm, lau người cho bà rồi lấy bộ quần áo mới, vải nhung màu xanh thẫm từ trong tủ ra thay cho bà. Bà vẫn nằm trên giường, mắt háo hức chờ đợi. Bác hai của tôi là người đến đầu tiên, sau đó là lần lượt gia đình của các bác khác đến. Lớp con cháu nheo nhóc làm bà vui thấy rõ. Người cô thứ năm của tôi đến sau cùng, đám cháu cười giỡn chí chóe đi với chồng cô ở phía sau. Đến hàng ba, cô thả cái túi đồ xuống, vuốt mặt, vừa đi lấy nhang để thắp lên bàn thờ ông, vừa nói:
- Đường sá xa xôi, đi mà thấy ứ hự, vợ chồng đàn đúm nhau bắt xe từ bốn giờ sáng chớ ít! Tụi nhỏ giỡn coi chừng, xứ này kênh rạch dữ lắm nghe!
Cô tôi dọn ra thành phố ở hồi đứa con của cô lập nghiệp ngoài đó, cô thắp nén nhang cho ông xong rồi thì ghé lại giường bà, bà tôi hình như giờ cũng quên mất cơn đau. Hai mẹ con gặp nhau khóc ròng, cô tôi nói không ngờ má yếu tới vậy. Bác hai tôi sợ bà khóc nhiều sẽ mệt, nên nói lảng sang chuyện khác. Mọi người kéo lại giường bà lì xì những phong bao đỏ, đầu năm chỉ nên kể chuyện vui!
Ngôi nhà ngói xứ cù lao mỗi lúc một đầy, tiếng cười nói dội vang giòn giã. Ngôi nhà cũ kỹ như bừng dậy. Gian bếp nhộn nhịp của những dao băm mặt thớt, mùi thức ăn thơm lừng, tiếng những người phụ nữ chia nhau cùng một căn bếp với những câu chuyện liên tục nối dài không dứt. Phía hàng ba, các bác trai tôi ngồi châm thuốc, uống trà, ngắm nghía con gà trống đá ba tôi úp bội trước sân. Chiếc giường của bà tôi nằm ở nhà sau, cứ thấy đứa cháu nhỏ nào của bà chạy ngang qua bà cũng gọi lại, vuốt tay vuốt chân chúng nó, chẳng lâu thì tụi nhỏ lại tuột ra chạy mất.
Đầu heo luộc chín trong nồi cháo trắng, khi cháo nhừ thì đầu heo cũng vừa chín tới. Mẹ tôi bưng mâm cúng ra đặt trên tấm phản gỗ ở nhà trước. Sau đó sắp xếp cho ngay ngắn, gồm một cái đầu heo luộc, một chót đuôi, bốn cái móng, chút gan, chút tim, chút lòng… Rồi đắp một tấm mỡ chài bao trùm lên trên. Đoạn soạn ra mấy cái chén để múc cháo ra cúng, đám con cháu của bà tôi có chút loay hoay. Không ai nhớ chắc chắn là cần bao nhiêu chén cho đúng, họ giật mình nhận ra dù đã cúng hàng mấy mươi lần vậy mà vẫn còn quên. Chưa bao giờ bà bớt quan trọng, còn nhiều thứ chưa học hết được từ bà. Một đứa cháu nhanh nhảu chạy vào nhà sau, rồi nói vọng ngược ra: “Ngoại nói bảy, má ơi!”.
Khoảng trưa, mọi người dọn tất cả thức ăn thành một hàng dài ở trước hàng ba. Chúng tôi ngồi bệch trên ván sàn, không phân biệt mâm trên hay mâm dưới. Dù già hay trẻ, trai hay gái, chúng tôi nối nhau thành một vòng dài, đầu gối người này đụng đầu gối người kia. Tất cả là con cháu của bà.
Chân bà đau, nhưng nhất quyết đòi được dìu ra nhà trước. Đám con xúm nhau lại, cố gắng nhẹ nhàng nhất với cơ thể của bà, xốc bà lên, dìu bà từng bước một. Bước được một bước, bà lại kêu lên đau nhói. Nhưng bà không cho phép mình chịu thua, như chưa bao giờ bà chịu thua. Sự mạnh mẽ trong bà đã tàn lụi bao giờ đâu, cả đời bà mạnh mẽ. Lại thêm một bước chân đi về phía trước. Cánh tay bà mềm nhũn vòng qua hai bên vai của con, lớp thịt bên dưới bắp tay sóng sánh như chất lỏng. Bước chân sau hứa hẹn đau đớn hơn bước chân trước. Đôi chân bà đang cố chống cự, bà bắt nó khuất phục bằng được. Những ngón chân bà ngấu chặt vào ván, lại thêm một bước chân…
Bà ngồi xuống tấm phản rồi! Ở chỗ này, bà lại được nhìn đám con cháu mình ngồi quây quần ăn cùng một bữa cơm. Chỉ cần để bà ở đó, không cần thức ăn ngon bà cũng đủ no lòng. Cuộc đoàn viên đẹp đẽ nhất là giây phút ấy, với bà. Bà tôi cười, nhưng lại xoay người đi lén chùi nước mắt. Người già dễ mũi lòng, cả đám con cháu không ai bảo ai đều dừng đũa, vây lấy tấm phản nơi bà ngồi, xoa nắn những ngón tay khô dài như que củi của bà tôi…
Chiều mùng hai, cô tôi tay xách khệ nệ mấy túi đồ quê mà bà bắt gói theo, trở về thành phố. Lúc đi ngang qua sân, ngắm cây vú sữa quen thuộc trong ký ức mình, cô tôi dừng lại. Mắt bà vẫn chưa thôi dứt phía sau lưng, cô xoay người hỏi bà tôi:
- Cái cây sống dữ thiệt, từ hồi con còn chút xíu tới giờ. Phải có cách nào mang ra thành phố, cho đỡ nhớ quê mình, má?
Bà tôi vẫn trên tấm phản, cảm giác mắt bà vừa sáng lên, như bà luôn sẵn sàng mọi lúc khi đám con cháu cần đến mình. Bà gật đầu nói:
- Mai má biểu thằng út bó một nhánh, chừng nào bén rễ, má kêu nó gửi ra cho bây!
Tôi ngắm bà, những sợi tóc lơ thơ trắng như phát sáng, trong ánh chiều tà ngả dài về phía sau lưng. Bà tôi là cái cây vú sữa kia, chẻ nhỏ mình ra, và bén rể ở một nơi khác. Ai đó nói cô tôi giống hệt như bà hồi trẻ, lúc cô ẵm đứa nhỏ dỗ cho dứt cơn khóc quấy không chịu bước lên xe.
Mùng hai dần khép lại, một điểm sáng nữa lại được thắp mới trong ký ức của bà tôi!