Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Miền quê khói lửa

Đã lâu tôi mới trở lại thành Vinh. Những con đường thân quen ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp ngày nào, giờ đã lún mình nâng những đại lộ thênh thênh tít tắp. Những ngôi nhà xưa cũ giờ cũng đã hóa thành những dãy phố khang trang. Dòng người, dòng xe cộ huyên náo nối nhau “chảy” như những đợt sóng ào ào bất tận…

Xe đột ngột dừng.

“Nhà khách giao tế tỉnh Nghệ An” - Tôi nhẩm đọc.

Một chị chừng năm mươi tuổi dáng người hao hao, khuôn mặt nhân hậu với nụ cười dễ gần, đon đả đón chúng tôi.         

- Các anh, chị đi đường xa vất vả quá! Có ai say xe không?

- Không chị ạ! Bọn tôi từ miền gió lửa mà.

Chị chững lại. Đôi mắt bừng lên một thứ ánh sáng dịu hiền. Chị đưa chìa khóa phòng cho từng người rồi vội vã đi về phía nhà ăn.

Buổi tối, anh chị em trong đoàn ra phố tham quan. Tôi có cuộc hẹn với anh bạn lính công tác ở Quân khu IV. Chờ anh, tôi đem cuốn tạp chí Văn Nghệ Quân đội ra đọc. Tôi đang tấm tắc với truyện ngắn “Những người đàn bà ở bến sông” (*), thì chị đến:

- Anh không đi chơi đâu à?

- Dạ vâng! Chị bận bịu cả ngày, thế mà bây giờ còn đến thăm chúng tôi.

- Có gì đâu! Mấy khi các anh chị ra ngoài này, với lại chúng tôi cũng muốn xin ý kiến đóng góp của đoàn về công tác tổ chức hội thi.

- Rất tốt, chị ạ! Các anh chị Kho bạc nhà nước Nghệ An chăm lo chu đáo quá, tôi cứ nghĩ như người nhà đi xa lâu ngày về vậy.

- Đúng! “Các anh, chị là người nhà” - Giọng chị run run, nghèn nghẹn.

- Quê mình thời gian này chắc nắng lắm phải không cậu? - Chị đổi cách xưng hô.

- Quê em nắng thì cháy da, mưa thì thối đất.

- “Ôi chao! Mới đó đã mấy chục năm rồi, thời gian trôi đi nhanh quá” - Chị thầm thì.

- Thế chị đã từng sống ở Quảng Trị?

Dường như không nghe câu hỏi của tôi, đôi mắt chị nhìn xa xăm. Tôi thấy trong đôi mắt đen sâu của chị như có những lớp sương mờ giăng giăng…

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

- Tôi học xong lớp mười thì vào thanh niên xung phong - Chị kể. Chúng tôi ở huyện đội ba ngày nhận quân tư trang, nghe phổ biến tình hình, nhiệm vụ, ngày thứ tư thì lên đường vào Nam. Lúc đi háo hức bao nhiêu, lúc ngồi trên xe lòng bùi ngùi bấy nhiêu. Xe qua phà Bến Thuỷ chẳng ai còn kìm nén được nữa, như ly nước đã tràn đầy cả bọn òa lên khóc. Anh lái xe quay lại mỉm cười: “Nhớ mạ, nhớ người yêu rồi phải không?”.

Xe chạy miết cả ngày đến quá nửa đêm mới dừng.

“Xin mời các đồng chí xuống xe, đây là đất lửa Vĩnh Linh” - Anh phụ trách nói to.

Dưới ánh trăng vằng vặc là những hàng cây xanh ngắt, thẳng tắp. Tôi thầm nghĩ: “Chiến tranh là thế này ư? Tuyến lửa là thế này ư?”.

Tiểu đội chúng tôi được bố trí về ở tại một ngôi nhà sát bìa rừng. Trong nhà chỉ có một bà cụ. Vừa đặt ba lô xuống chưa kịp rửa mặt, ngoài trời bỗng chớp lóe lên, những tiếng nổ, tiếng gầm rú rợn người. Cả không gian như ngàn ngôi sao sa đan chéo nhau dày đặc. Bà cụ kéo chúng tôi ra hầm chữ A đầu hồi nhà: “Các con đừng sợ, ở đây thì như cơm bữa, một ngày không biết bao nhiêu tráo, nhưng mà mạ và mọi người vẫn sống đó”.

- Thế mạ ở một mình ạ?

- Thằng Bình của mạ đi bộ đội đã hơn ba năm rồi.

- Anh ấy có hay về thăm mạ không?

- Sao mạ không lấy vợ cho anh ấy?

- Thằng Bình ít về lắm, mà chiến tranh thế ni…

Rồi từ hôm đó trở đi ngày nào chúng tôi cũng học chính trị và huấn luyện quân sự tại cánh rừng cao su trước nhà mạ. Một hôm chúng tôi vừa từ cánh rừng cao su trở về thì nghe có tiếng ô-tô. Mạ nhìn ra: “Bây ơi… thằng Bình… thằng Bình về”.

Cả bọn chẳng ai bảo ai cùng ùa vào đứa cầm tay, đứa bá vai, đứa véo vào hông, vào má làm anh Bình đỏ bừng cả mặt.

- Tưởng đi bộ đội thì mạnh bạo, ai ngờ nhát như cáy ấy…

- Chúng mày ơi! Đừng trêu chọc anh chàng mặt còn búng ra sữa kia nữa. Tội nghiệp. Người ta qua nhà nhớ mạ… bú tí rồi đi mà bọn bay phá đám.

Cả bọn òa lên cười. Tôi thấy anh đứng ngẩn ra khổ sở nên tìm cách giúp. “Thôi! Đến giờ ăn cơm, bọn mình đi kẻo muộn”.

Cả bọn lại nhao nhao lên: “A! A!... chị Hoà, anh Bình “thương tình” nhau rồi…”. Tôi chột dạ, giả vờ nghiêm nét mặt.

Ăn cơm xong, chúng tôi về nhà thì anh Bình đi rồi. Cả bọn tưng hửng, một cảm giác buồn buồn và thấy mình đã quá lời, mấy đứa hỏi mạ.

- Mạ ơi, chắc anh Bình giận chúng con lắm?

- Mần chi có chuyện nớ. Nó khen mấy o hồn nhiên. Nó hẹn “Gặp nhau ở Trường Sơn”. Cha cái thằng có khi mô về nhà mà ngồi ấm chỗ.

- À thằng Bình còn…

- Còn gì hở mạ?

- Nó gởi lời: “Cám ơn o Hòa”.

Mai tinh nghịch:

- Chúng mày có biết vì sao anh Bình cám ơn chị Hòa không?

Hạnh lên tiếng:

- Chị Hòa đã cứu anh Bình khỏi bị chúng mình vây ép chứ còn gì.

- Không phải chỉ có thế đâu, mà còn là “tín hiệu”của tình yêu. Em thấy anh chị đẹp đôi đấy.

- Em cũng thấy thế… em cũng thấy thế… - Cả bọn nhao nhao.

Nghe Mai và các bạn nói, mạ cười: “Được rứa thì tao mừng hung”.

Hơn một tháng sau, chúng tôi lên đường vào Trường Sơn. Mạ tiễn chúng tôi đến cánh rừng cao su: “Các con đi mạnh giỏi, nhớ về thăm mạ nghe”. Mai không chịu nổi òa khóc. Mạ dừng lại nhưng không quay nhìn chúng tôi, đôi vai gầy rung lên. Tôi mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, giờ nhìn mạ bước từng bước trong thổn thức mà lòng se lại, nước mắt ứa ra. Cả bọn sụt sùi “Mạ ơi!… Chúng con sẽ về với mạ…”.

Giọng chị trầm lắng, cảm động: - Những ngày ở Vĩnh Linh không bao giờ quên được cậu ạ. Ký ức về miền quê khói lửa ấy và tình mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong những tháng năm gian khổ ở Trường Sơn, trong đó có nhiều đồng đội thân yêu của tôi mãi mãi không còn về nữa.

Chị ngừng một lát rồi hỏi:

- Cậu tin cuộc đời có số phận không?

- Số phận có khi mỉm cười cũng có khi thật là nghiệt ngã, nhất là chiến tranh. Phải thế không chị?

- Chiến tranh hầu như nghiệt ngã, nhưng sự nghiệt ngã ấy thường làm cho con người tự khẳng định được mình để vươn lên, để sống đẹp hơn cậu ạ!

Tôi thán phục triết lý của chị và thầm nghĩ quả chị là người từng trải. Chị đăm đăm nhìn ra phía khung cửa sổ. Bên kia con đường Hồ Tùng Mậu dưới ánh điện sáng, trong làn gió đang mơn man những hàng cây; gái, trai từng đôi sánh vai nhau, họ cười khúc khích, có cả những cụ ông, cụ bà tóc bạc trắng cũng dìu nhau đi. Chị bỗng thốt lên: “Đừng bao giờ có chiến tranh”. Rồi chị dừng hẳn như quên cuộc trò chuyện. Tôi nâng ly nước trà mời chị uống.

Chờ chị uống xong ly nước, tôi giục chị kể tiếp.

- Ờ nhỉ! Nhưng mà cậu đừng cười nhé! Chuyện về những anh lái xe Trường Sơn với những cô gái thanh niên xung phong như chúng tôi thì quá nhiều người viết, người kể rồi. Hôm nay không hiểu sao, tôi thấy lòng mình xốn xang quá.

Chị ngước nhìn tôi:

- Ở Trường Sơn thời kỳ đó, cái sống, cái chết chỉ là ranh giới. Đạn bom rồi bệnh tật, thiếu thốn mọi thứ trên đời, nhất là tình cảm nhiều khi thôi thúc, réo xiết đến nhàu nát cả con tim. Đơn vị tôi được giao phụ trách một tuyến dài của “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Tuyến đường này là trọng điểm oanh tạc của máy bay địch. Bom cày đi xới lại không biết bao nhiêu lần. Sau mỗi trận bom không kể ngày hay đêm chúng tôi lại ào ra san lấp, phát hiện bom nổ chậm để thông đường. Mùa nắng đỡ hơn, mùa mưa thì cực kỳ vất vả. Ở Đông Trường Sơn mùa mưa đồng hành với cái rét. Rét chẳng khác gì mùa đông miền Bắc. Mưa dầm dề có đợt kéo dài cả tháng. Nước ở các con suối chảy đục ngầu. Làn da mịn hồng của tuổi thanh xuân tái bủng đi, mái tóc mượt óng của con gái cứ dần thưa theo từng trận sốt rừng. Ngày nào có những chiếc xe chở hàng, chở bộ đội đi qua là chúng tôi như sống trong ngày hội, được trêu chọc, được thỏa lòng…

Chị ngập ngừng: - Riêng tôi ngoài những cảm xúc ấy, cứ thấy mình chống chếnh, hụt hẫng. Tôi thầm nhủ: Anh ấy hẹn “gặp nhau ở Trường Sơn”.

Tình yêu có tiếng nói riêng và thật khó lý giải phải thế không cậu? Tôi mới gặp anh có một lần, chưa kịp nói gì với nhau, ấy thế mà cứ mong ngóng.

Thế rồi một hôm, trong lúc chúng tôi đang ngồi bàn phương án để phá quả bom nổ chậm trên mặt đường thì chiếc xe zin 157 lùi lũi tiến vào, bất chấp những lá cờ báo hiệu. Một anh chàng mặt mũi lấm lem bụi đất dừng xe bước xuống. Tôi chạy lại cản nhưng không kịp.

“Tất cả nằm xuống” - Anh ta hét lên rồi gắng hết sức lăn quả bom xuống vực. Một tiếng nổ long trời, đất đá bay rào rào… Anh nằm đè lên người tôi. “Phập” một mảnh bom găm sát vào mang tai tôi. Máu trên má anh ứa ra. Tôi chỉ kịp lấy chiếc khăn mùi soa áp vào má anh. Anh vội vã phốc lên xe nổ máy lao vút đi. Cả bọn tức tối: “Đồ thằng điên”.

- Tao thấy thằng cha này quen quen chúng mày ạ. Tao cũng thấy vậy. Hình như đã gặp ở mô rồi.

Tôi cúi xuống nhặt lấy mảnh bom. Mai la lên:

- Chị Hòa! Một bên đuôi tóc của chị bị tiện đứt rồi kìa… 

Hai ngày sau tôi đi họp giao ban về. Mai xách ra một chiếc ba lô trong đó nào là lương khô, thịt hộp, sữa đường. - Đố chị Hoà, quà này của ai? Nếu nói đúng em sẽ thưởng...

Tôi do dự một hồi:

- Làm sao mà chị biết được.

Mai bảo:

- Của anh chàng liều mạng hôm trước tạ tội đó.

- Vậy à!

- Anh chàng đó, chị biết là ai không?

Mai hét vào tai tôi.

- Là anh Bình của chị đó!

Tôi giật thốt, như có một luồng điện chạy qua người.

- Anh Bình chờ chị mãi, chị không nóng ruột sao? Tội nghiệp cho anh ấy quá. Anh ấy thì quay quắt mà người ta có thèm để ý tới đâu. Lại còn: “Cho anh xin lỗi Hòa” nữa chứ!

Tôi dí dí ngón tay lên trán Mai:

- Này! đừng đổ oan cho người ta…

Cả bọn khúc khích cười:

- Vậy từ nay đừng giả bộ, đừng có chối nữa nhé. Tôi lẳng lặng không nói gì.

- Chị Hòa ơi! Nhất định anh Bình sẽ quay lại - Chị đừng buồn. Mai an ủi tôi.

“Nhất định anh Bình sẽ quay lại”. Tôi uống lấy từng lời rồi mân mê làn tóc, chỗ bị mảnh bom tiện đứt. Một niềm xao xuyến, bâng khuâng trào dâng trong tôi.

Sau đó không lâu, anh Bình đã trở lại cậu ạ! Hôm đó vào một buổi chiều của tháng sáu. Mặt trời đã nghiêng xuống phía bên kia núi. Hoàng hôn nhập nhoạng đang lịm dần, bỗng bừng lóe lên hồng cả một góc trời, làm cánh rừng trước mặt phơn phớt một màu nhung tơ. Từ cánh rừng “thần tiên” ấy, anh Bình đã bước ra thật bất ngờ. Mấy đứa la lên: “Anh Bình… anh Bình…”      

Tôi như người mất hồn đứng ngây ra.

- Chào các cô! Chào Hòa!

Mai nhanh nhảu:

- Anh ở đâu hiện ra thế?

- Anh ở bên kia. Trong lúc xe trả hàng, anh tranh thủ sang thăm các em. Có quà của bà cụ gửi lên cho các em đây. Anh chỉ vào chiếc ba lô căng phồng.

Mấy đứa ào đến mở ra, nào là khăn mặt, thuốc đánh răng, xà phòng… loại nào cũng mười hai cái, chỉ có thuốc ký ninh, ớt… là gói chung.

- Trời ơi! Bà cụ chu đáo quá.

- Có gì đâu, quà của hậu phương đấy mà - Anh cười đáp.

- Sao chị Hòa đứng thẫn thờ ra thế - Mai nhìn tôi, nói.

- Em biết rồi! Chị ấy giận đó. Ai nhủ anh Bình không có quà cho chị Hòa.

Bình cười:

- Quà của Hòa anh để giành ngày chiến thắng…

Lúc này tôi mới được nhìn kỹ anh. Anh có dáng người chắc, cương nghị, nước da nâu, đôi môi tím thẫm nhưng đôi mắt to, sáng một cách lạ lùng. Anh nhìn như hút lấy tôi vậy. Phải nói rằng anh rất đàn ông.

Tim tôi muốn vỡ ra khi nhìn thấy vết sẹo dài hằn lên má anh.

- Thật không anh Bình? - Tôi lấy hết can đảm hỏi anh, cốt để tụi “yêu nữ” đừng trêu chọc, nhưng mấy đứa đâu phải vừa.

- Nếu chị Hòa không tin thì cứ ghé sát vào nghe tim anh Bình thổn thức: “Cám ơn em” - “Xin lỗi em” - “Anh yêu em”.

Cả tụi phá lên cười. Lòng tôi xiết bao bồi hồi rạo rực. Tôi hỏi Bình:

- Mạ có khỏe không anh?

- Mạ khỏe!

- Tụi em đi rồi chắc mạ buồn lắm?

- Mạ nhớ các em nhiều. Mạ bảo hôm các em đi, mấy ngày liền mạ không ngủ được. Mạ lo các em ở trên này bị sốt rét, con gái mà sốt thì tội lắm. Mạ dặn phải uống thuốc phòng thường xuyên và ăn thêm ớt để chống sốt.

- Anh về nói với mạ, đánh xong giặc Mỹ tất cả bọn em về ở với mạ. Còn anh cùng chị Hòa cho ở riêng - Cả bọn đồng thanh: “Sướng chưa!”.

- Chung chung, riêng riêng cái gì? Anh Bình đói meo bụng rồi - Mai vừa bưng nồi cơm vừa cười nói.

Chúng tôi ăn xong thì trời đã tối.

- Hôm nay trăng đẹp quá, lại bình yên nữa. Anh Bình ở lại với chúng em, ngày mai hãy đi nhé? - Mai nháy nháy mắt nhìn tôi.

- Anh muốn ở lại lắm, thậm chí… nhưng nhiệm vụ các em ạ!

- Thật hả anh Bình! Vậy thì bây giờ xin mời anh và chị Hòa ra với trời, với trăng, với núi rừng, bọn em dành cho anh chị đó.

Các cô ấy nói rất nghiêm túc, không một chút đùa trêu. Tôi nghe mà muốn rơi nước mắt. Tôi do dự. Tôi thương chúng nó quá. Anh Bình bước lại gần, nhỏ nhẹ, ấp úng: “Xe anh trả hàng…”. Tôi nhìn anh rồi theo anh... Chúng tôi ngồi bên nhau. Trăng mười sáu sáng như ban ngày đẹp đến lạ lùng. Rừng như một tấm thảm xanh thẫm trải rộng ngút ngàn, làn gió thoảng đến lay cây lá xào xạc, tiếng chim rúc rích, tiếng nai tác gọi nhau xao động. Anh nhìn tôi, đôi mắt sáng tựa như hai giọt sao lung linh. Anh nói trong xúc động: “Trời đẹp quá! Giá như đừng có chiến tranh…”. Anh mở nắp túi áo ngực, lấy chiếc khăn mùi soa còn mờ vết máu được gấp vuông vức, bên trong là những sợi tóc… Anh đặt vào tay tôi rồi nắm chặt. Từ đôi bàn tay anh, thật kì lạ, như có một luồng điện cứ lan dần, lan dần làm người tôi rân lên, con tim ngất ngây. Tôi ấp đôi bàn tay anh vào lòng, nhìn sâu vào đôi mắt anh. Anh mấp máy đôi môi định nói với tôi điều gì… Rồi như không kìm giữ nổi, anh hôn đắm say… Tôi ngập tràn trong niềm hạnh phúc. Một hồi lâu, như sực nhớ ra, tôi nắm chặt bàn tay anh, rồi nói trong hơi thở phập phồng: “Sao anh liều thế… hôm ấy mà quả bom từ trường đó phát nổ ngay trên mặt đường hoặc mảnh bom kia chếch đi một chút thôi, thì bây giờ…” . Anh hiểu ra điều tôi nói, trầm ngâm một hồi lâu, giọng lạc hẳn đi. Anh kể: “Hồi ấy xe anh thỉnh thoảng mới chạy qua tuyến đường này Hòa ạ! Một lần phải tránh trận bom B52 kéo dài nên đến đoạn hôm gặp em trời đã nhá nhem tối. Anh đang ngao ngán khi thấy những lá cờ báo hiệu có bom nổ chậm thì mấy cô thanh niên xung phong bước đến vừa cười vừa nói: “Sáng sớm mai các anh bên công binh mới xử lí được anh vui lòng ở lại với chúng em một đêm”. Tối hôm đó các cô ấy quây lấy anh hỏi đủ thứ chuyện. Anh có qua quê lụa Hà Tây, quê than Quảng Ninh, quê biển Hải Phòng… không? Bây giờ bọn em tặng anh món quà của Trường Sơn: “Tiếng hát át tiếng bom” nhé.

Các cô ấy hát. Hát say sưa. Hát với tất cả nỗi lòng. Bước chân trên đỉnh Trường Sơn, Bài ca Trường Sơn, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Đường tôi đi dài theo đất nước… Anh có đem theo cây sáo trúc bên mình nên cũng đem thổi tặng các cô ấy: Đường Trường Sơn xe anh qua, Cô gái mở đường… Một cô bảo: Anh thổi cho chúng em nghe bài Ngồi tựa mạn thuyền, dân ca quan họ Bắc Ninh ấy. Anh thổi chưa dứt thì các cô ấy đã rấm rức khóc. Anh bảo: Nếu biết các cô khóc thế này thì tôi chẳng thổi làm gì.

- Tiếng sáo anh làm chúng em nhớ nhà, nhớ người thân quá. Bọn em khóc cũng để thanh thoát nỗi lòng, với lại bọn em khóc đó, cười đó thôi mà.

Thế rồi các cô ấy cười thật, cười rất hồn nhiên. Anh thấy vậy mà nao nao cả lòng. Đêm ấy, anh lùi xe về đơn vị. Hai hôm sau trở lại con đường này, anh ghé vào thăm… thì hỡi ôi! Căn lán mới ngày hôm kia đó thôi, anh và các cô ấy còn ngồi quây quần bên nhau, các cô ấy đã hát, đã khóc, đã cười… thì bây giờ là một hố bom sâu hoắm, một vài vật dụng cuốc, xẻng, xà beng, xoong nồi méo mó văng ra quanh đó. Một quả bom tọa độ đã nhắm trúng vào lúc nửa đêm, lúc mà con người ta hiền thiện nhất, lúc mà sự trinh trắng cùng những giấc mơ đẹp của các cô ấy đang bồng bềnh như được chắp cánh… Thử hỏi có tội ác nào man rợ hơn nữa không? - Anh dừng lại cố nén nỗi xúc động.

Tôi thổn thức gục đầu vào lòng anh. Anh đưa đôi bàn tay nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi, vuốt những sợi tóc đang xòa trên mặt tôi, nói: “Chiến tranh khốc liệt và bi thương nhưng biết làm sao? Chúng ta phải đi qua chiến tranh em nhé! Chắc sẽ không còn xa nữa đâu, ngày đó hẳn mạ sẽ mừng lắm’’. Rồi anh khẽ khàng nâng đầu tôi, hôn lên đôi mắt tôi. Như ngọn lửa ngún cháy từ lâu bỗng bùng lên hối hả, tôi hôn lên tóc, lên mặt, lên vết sẹo trên má anh. Chúng tôi quyện lấy nhau, chìm tan vào trong nhau… “Hòa này’’ - Tôi sực tỉnh như từ trên thiên đường rơi xuống - “Đêm nay anh về đơn vị rồi đi sâu vào tuyến trong không biết khi nào mới trở lại, chúng mình mãi mãi sẽ là của nhau nghe em!”.

Tôi mân mê vết sẹo trên má anh. Áp sát tai mình vào ngực anh. Rồi ghì chặt không muốn rời anh ra nữa. Đêm ấy chúng tôi chia tay nhau. Anh đi biền biệt không trở về. Tôi cứ đợi chờ anh hoài trong bao năm tháng.

Tình yêu của chúng tôi là như vậy đó cậu ạ! Thật bình dị và thiêng liêng. Cô thanh niên xung phong và anh lái xe Trường Sơn - với những cánh rừng ngút ngàn nhuốm máu của biết bao đồng đội.                         

Tháng sáu năm 1974, tôi được đơn vị cho ra Bắc an dưỡng và ôn thi đại học. Trên đường đi ghé về thăm mạ, tôi cứ miên man, chắc mạ sẽ mừng lắm, nhớ lời mạ: “Được rứa thì tao mừng hung”. Tôi xốn xang cả lòng dạ.

Tôi vừa bước đến sân nhà thì nghe tiếng mạ:

- Có phải Hòa đó không con?

- Dạ… dạ… con… con đây!

Hai mẹ con tôi ôm chầm lấy nhau. Một người từ chiến trường trở về, gian khổ, sốt rừng nước da tái xám đi nhưng đang rạo rực trong niềm hy vọng, một người già nua hằn sâu, khắc khổ, mất mát, đau thương nghẹn ngào không nói nên lời.

Vào đến nhà, tôi chết lặng người đi. Trên bàn thờ, anh Bình đang chằm chằm nhìn tôi. Tôi cố sức để nhào đến với anh nhưng không được, như có một sức nặng vô hình trì néo, tôi lịm dần…

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mạ ngồi ở bên cạnh, đang lau nước mắt chảy tràn hai bên khóe mắt. Mạ lấy trong túi áo ra một lá thư, có nhiều chỗ bị nhòa ướt, đưa cho tôi.

                         “Tây nguyên, ngày 26 tháng 10 năm 1972

Mạ yêu quý!

Mạ ơi! Con biết mạ vui lắm khi nhận được lá thư này. Em Hòa hồi ở nhà mình sẽ là con dâu tương lai của mạ đó… Ngày chiến thắng, chúng con sẽ sinh nhiều cháu cho mạ bồng nghe mạ…

- Kỷ niệm về những năm tháng ở Trường Sơn, về tình yêu không sao làm tôi khuây nguôi được. Chao ôi! Những cánh rừng ngút ngàn rung lá trên đầu, những con đường dày đặc đạn bom, chất độc hóa học… từng khuôn mặt, từng dáng nét thân yêu của đồng đội đẹp tựa ánh trăng rừng. Họ đã sống, đã chiến đấu, đã nhuốm máu, nước mắt, tiếng hát, nụ cười của mình quyện hòa lên từng tấc đất Trường Sơn. Họ nghĩ gì cho riêng mình đâu, chỉ hẹn nhau… hẹn nhau “ngày chiến thắng”.

Nhiều đêm tôi không sao ngủ được, hễ cứ nhắm mắt lại là thấy anh Bình, Mai và đồng đội hiện về. Tim tôi thắt đau như con dao sắc cứa vào, nước mắt tôi ứa ra lặng lẽ… nhiều khi tưởng chừng như không thể vượt qua nổi.

Rồi nhờ sự chăm sóc, động viên của mạ, nỗi đau lắng vào bề sâu, tôi học xong đại học rồi xây dựng gia đình. Anh ấy cũng là lính Trường Sơn. Trước hôm tổ chức, chúng tôi vào thăm mạ và xin được đón mạ về cùng ở. Lúc đầu mạ từ chối nhưng sau mạ đồng ý. Cháu Trường Sơn lên năm tuổi thì mạ mất. Chúng tôi muốn mạ luôn ở bên mình nên để mạ an nghỉ ở ngoài này.

* * *

Hội nghị ngành Kho bạc nhà nước tám tỉnh Bắc miền Trung sau một tuần thì kết thúc. Ngày tôi rời thành Vinh cũng là ngày giỗ của mạ. Trước khi lên đường, cháu Trường Sơn đến đón tôi cùng anh chị Hòa đi thắp hương cho mạ. Mộ mạ được đặt trên quả đồi hướng về phía những ngọn núi cao. Ngồi bên mộ mạ, trong làn khói hương lan tỏa, nhìn những ngọn núi điệp trùng xa mờ tít tắp phía chân trời, tôi cứ miên man nghĩ suy về những cô gái thanh niên xung phong - những chàng trai lái xe ngang dọc Trường Sơn, nghĩ về những mối tình của họ, về mạ và “Những người đàn bà ở bến sông” của một thời chiến tranh ấy…

                                              V.X                      

                 

                                                                          

 

* Truyện ngắn “Những người đàn bà ở bến sông” của tác giả Vũ Minh Nguyệt đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 6 năm 1999.                                      

 

VĂN XƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 359

Mới nhất

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển

19/11/2024 lúc 16:48

Sáng nay 19/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 20024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”.

Bản sắc vùng cao Quảng Trị trong không gian triển lãm trưng bày hiện vật và ảnh nghệ thuật

19/11/2024 lúc 10:21

Triển lãm ''Không gian văn hóa Hồ Phương và Ảnh nghệ thuật bản sắc vùng cao của tác giả Hồ Thanh Thọ, Lê Ngọc Tú'' diễn ra trong hai ngày 18 - 19/11/2024 tại khách sạn Đông Trường Sơn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi”

19/11/2024 lúc 08:34

Có lần nhà văn Châu La Việt trở lại thăm quê nhà Quảng Trị, mấy anh em văn nghệ

Những “nữ tướng” của bản làng

19/11/2024 lúc 08:26

Thay vì kết hôn sớm, quẩn quanh với nương rẫy, một số phụ nữ Vân Kiều đã lấy việc

Những dấu ấn nổi bật và vững tin vào nhiệm kỳ mới

19/11/2024 lúc 08:23

LTS: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 là sự kiện chính trị xã hội quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị. Nhân dịp này đồng chí Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị có những chia sẻ với phóng viên (PV) Tạp chí Cửa Việt về những kết quả đạt được trong thực hiện những mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị lần thứ III năm 2019 đã đề ra. Đầu đề bài phỏng vấn do tòa soạn đặt.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/11

25° - 27°

Mưa

23/11

24° - 26°

Mưa

24/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground