Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/09/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mây trôi về núi

Mây trôi về núi, tôi buồn lắm! Gió cuộn về tôi, mây vẫn trôi…

Má nói, mày có thôi đi không hả Hoài? Đàn ông con trai, sự nghiệp phải đội ở trên đầu, chứ đâu ra ngày than vắn đêm thở dài. Thất tình chứ có gì ghê gớm lắm đâu. Má mày thất tình mấy chục bận, vẫn sống nhăn răng mà có hó hé than tiếng nào. Sao tao đẻ mày ra mà mày giống ai đâu không…

- Má thấy con giống ai?…

- Ờ thì… mà thôi đi, vô ăn cơm! Kiến cắn bụng má, sôi òn ọt nè!

- Má ăn đi, con chưa thấy đói!

- Vô ăn cơm, má con mình nói chuyện. Chớ má ăn một mình, rồi phải ngồi nói chuyện với cái đầu gối ha bây?

Hoài uể oải nhổm khỏi võng. Hiên nhà mùa hè này lộng gió. Gió thổi từ đồng bưng tứ bề mát rượi. Gió cuộn từ sông. Gió luồn qua vách lá. Gió chui vô nhà, khều đám tro than trong bếp củi xộc lên khiến mắt Hoài xót mấy ngày liền. Má nói trước giờ làm gì có vụ tro than bay vô mắt làm xót mắt thằng con của má được. Má biết, Hoài không chỉ xót con mắt thôi đâu. Hoài xót lòng xót dạ.

- Cả tháng rồi chứ ít gì, hả con? Cứ hoài vậy, rồi làm sao!

Hoài vuốt điện thoại. Má nhắc anh mới nhớ. Bữa nay nữa là tròn một tháng, Nhạn đi.

Minh họa: Kim Duẩn

Minh họa: Kim Duẩn

Mà Nhạn đi đâu? Anh không biết. Má không biết. Cả cái xóm đìu hiu này không ai biết. Cũng giống y lúc Nhạn xênh xang tới đây, chỉ với cái giỏ bàng trên tay, vài ba bộ đồ. Không ai biết cô từ đâu tới. Mà biết để làm gì. Nhạn không đẹp. Nhạn bình thường hơn tất cả những cô gái bình thường khác trong xóm này, đến mức đám trai trong xóm không thèm dòm ngó tới. Hoài là ngoại lệ. Nhạn nói chắc kiếp trước cả hai mắc nợ nhau mới đưa đẩy gặp nhau. Hoài chỉ cười cười. Ừa, nợ thì phải trả. Tui sẽ trả cho Nhạn tới khi nào hết nợ thì thôi. Mình đừng bỏ nhau. Đứa nào bỏ trước đứa đó đầu thai làm con vịt bầu, con le le, con tu hú… Nhạn cười nhẹ hều. Thôi, em chỉ muốn làm mây. Không ai nhìn rõ mặt mũi mây ra sao, xấu đẹp gì cũng là mây thôi, thảnh thơi biết mấy! Mây bay đi đâu, cũng kệ!

Bữa đó, Hoài xỏ giày, quảy ba lô, chỉ kịp nói má đừng chờ con, chừng nào kiếm được Nhạn, con dìa!

Ngó cái tướng thằng con chạy sấp ngửa ra đường lộ bắt xe, má chỉ biết thở dài. Hồi Nhạn tới, má cũng ỷ y không hỏi quê quán con nhỏ chỗ nào, chỉ nghe loáng thoáng đâu miệt núi cao. Chắc Thất Sơn. Cái nước da của Nhạn, má cũng ngờ ngợ người xứ đó, khúc Tịnh Biên, giọng Nhạn cũng lơ lớ như giọng mấy người bà con xa của má. Nhưng mà Nhạn nói câu nào ngọt ngào câu đó, ngọt như thứ đường thốt nốt thanh tao. Má đâu ngờ Hoài dính vô Nhạn như hình với bóng, dù Nhạn tới đây cũng chưa đầy năm. Cái con nhỏ có nước da bánh ít đó, ngoài cặp mắt buồn rười rượi ra thì khuôn mặt hiền lành coi bộ cũng đằm thắm mặn mà, kiểu người mà bao nhiêu giông gió cũng giấu tiệt trong lòng. Hồi xưa, má cũng y sì như Nhạn vậy. Nên chỉ cần nhìn mắt cô là bà nhìn thấu ruột gan. Có điều bà không hỏi. Bà cho Nhạn một cơ hội để trải lòng, ít ra là với con trai bà. Vậy mà cô đành đoạn bỏ đi. Lững lờ như một áng mây mà trôi hoài trôi mãi không về.

Mà Hoài đi không biết chừng nào về. Cái vuông tôm một tay Hoài chăm sóc, canh nước ra vô. Cái thằng, yêu đương cũng ngộ, không biết giống ai. Tình yêu có nấu lên được bữa cơm nào không mà nó lo chạy đi kiếm đi tìm. Bữa má rầy rà, Hoài nhăn mặt.

- Má có yêu hồi nào đâu mà má biết!

Má thắp nén nhang lên bàn thờ, nhìn cái người đàn ông tóc bạc phơ trong di ảnh, móm mém cười.

- Ông coi, cái thằng, ăn nói xà lơ! Hông giống tui miếng nào! Hông biết nó giống ai!

* * *

Mùa này đường lên núi bỗng dưng xanh ngát. Ngước lên, những tán cây trên đầu phun ra chỏm lá non tơ. Đầu mùa mưa, cây cối rũ hết bụi mù suốt những tháng mùa khô, như một cú rùng mình sau giấc ngủ nhọc nhằn. Mùa này, mây cũng sà xuống thấp. Những hang núi ngậm mây lững lờ như tiên cảnh. Mây nhớ hồi còn mê mải chạy theo bụm những làn mây trắng đục kia trong lòng bàn tay, cô ước mây có thể ở lại trong tay mình, cứ mềm mại dịu dàng như vậy. Mà rồi mây vẫn trôi. Lớn thêm một chút, trổ mã con gái, khuôn mặt Mây có phần dễ coi hơn, vài đám trai trong thôn xóm cứ kiếm cớ tụm năm tụm ba trước ngõ nhà cô. Mây cũng có mấy lần đỏ mặt khi đi ngang đám trai đó, nhưng tuyệt nhiên không nghĩ ngợi nhiều. Cô chỉ động lòng với một gã trai phong sương khác. Hồi đó, ông già tía từng nắm tóc cô hăm dọa “cạo đầu” nếu cứ qua lại với cái “thằng ôn” đó. Bữa, cô bấm bụng hỏi lí do. Ông già nhả ngụm khói thuốc trắng ngà như mây trời, lễnh loãng bay lên không trung.

“Nhìn đi! Rồi nó cũng bay đi mất! Thứ trai phong tình, không ai giữ chân nó được đâu, bây khờ lắm!” Con gái mới lớn, cô làm sao biết nhìn mặt thằng con trai nào là phong tình, thằng nào không. Ông già thì cứ nhìn cái nghề buôn thuốc lá lậu của gã mà đoán. “Mày coi, chân nó nửa bước ở bên này, nửa bước đã qua bên kia biên giới. Mày giữ nó nổi không?”

Hồi đó, có lần Mây đi sâu vô Thiên Cấm Sơn, gặp bà già bán me dốt cho khách du lịch, bà chỉ cho cô cách giữ chân gã trai ấy. Cô nhớ đó là mùa me, cũng là mùa các loại rau rừng phát triển mạnh. Thiên Cấm Sơn vô mùa mưa trở nên thâm trầm hơn, nhưng lượng khách tới thăm viếng mấy nơi thờ phụng Phật Di Lặc, Quan Âm vẫn đông nghẹt. Cáp treo cứ kĩu kịt đón đưa. Bà già bán me coi bộ vô mùa hốt bạc, bán không ngơi tay, kêu cô vô ngồi phụ bán, có đồng ra đồng vô cho ông già ngày quấn mấy cữ thuốc rê. Cô ngồi từ sáng tới tối mịt, vậy mà cứ hễ nhắc tới gã trai kia là ông già mặt nặng mày nhẹ. Sau này, khi cái bụng cô lùm lùm đùn lớp áo nhô lên, ông không chửi nữa. Ông đòi vác xà beng đi kiếm “thằng ôn” nện cho nó một trận. Mà biết kiếm nó ở đâu. Phải chi nó đi chở hàng lậu rồi trôi qua bên kia biên giới, ông còn biết đường mà kiếm. Đằng này, nghe nói nó lên Sài Gòn, rồi sau đu xe lửa ra Bắc biệt xứ luôn. Nước mắt Mây tưởng lai láng hơn cả dòng Châu Đốc. Nhiều đêm hết con khóc tới mẹ khóc, ông già điên quá, chửi um lên. Mây tưởng mình chết rồi. Mà cái đoạn đó, cô cũng không nhớ mình sống kiểu gì.

* * *

Mây chỉ nhớ mình trôi khỏi miệt này. Những đêm nhớ xứ, nước mắt cô lặn ngược vô trong. Ở đó, trong Thiên Cấm Sơn, có đôi mắt đau đáu kiếm tìm. Mây không thể không trôi. Miệng đời cay nghiệt lắm. Chỉ có biệt xứ thì may ra còn an ổn mà làm lại cuộc đời. Bà già bán me gói ghém mấy bộ đồ còn mới của con gái bà, dúi vô tay Mây.

- Bây đi đi, hễ nhớ quá thì về, không thì cứ để đó, tao lo!

* * *

Tay xe ôm nheo mắt cười khi Hoài hỏi nón bảo hiểm.

- Đường lên núi, ai bắt đâu mà phải đội nón, chú mày thiệt tình quá đó!

Hoài đờ người ra. Phải rồi, đường lên núi ngoằn ngoèo như rắn bò, ai hơi đâu… Như cái hồi Nhạn kể đến thứ lá lụa màu tím phớt chuyên để ăn bánh xèo, anh cũng ngẩn ra không biết lá lụa là lá gì. Anh tưởng lụa chỉ để may áo thôi chứ, ai lại ăn. Nhạn cười ngất. Vậy mà trên núi người ta ăn lụa không đó. Hoài đâu biết thứ cây lá lụa xứ này chỉ có trên Thiên Cấm Sơn. Dọc đường đi tìm Nhạn, anh đã hỏi không biết bao nhiêu người, ai cũng lắc đầu. Những cái lắc đầu đưa anh đi xa hơn, xa hơn… Miệt này nhiều núi, nhưng đâu phải núi nào cũng có cây lá lụa. Bữa tấp vô quán nước lề đường, chủ quán cười:

- Hỏi đúng người rồi đó, anh bạn! Đi tìm người thương đúng không? Lên Thiên Cấm Sơn!

Hoài đỏ mặt. Bà chủ lại cười thành tiếng. Tiếng cười ngọt như thứ nước thốt nốt mát lành.

- Thiên Cấm Sơn nhiều huyền thoại về tình yêu lắm sao, dì?

- Không đâu, nhưng nhìn mặt anh thì tôi biết! Chúc anh gặp may!

* * *

Tay xe ôm phóng bạt mạng trên đoạn đường nhiều cua hẹp. Đa số khách du lịch lên núi bằng cáp treo, cung đường này chỉ lác đác vài chiếc xe của dân địa phương thồ những thứ đặc sản lên núi bán buôn nên ai nấy thi nhau chạy. Hoài vỗ vai gã:

- Nè anh, làm ơn cho tôi biết, trong mớ cây ở đây, cây nào là cây lá lụa?

Tay xe ôm hơi khựng, hạ ga:

- Chú mày hỏi để làm gì? Chú mày là dân buôn gỗ?

Hoài ngại ngùng:

- Không phải, chỉ là tui mới nghe qua, nên muốn biết.

Tay xe ôm lắc đầu:

- Thua rồi! Tui cũng mới nghe tới tên này luôn! Lá lụa hả? Có tên đó luôn hả? Lạ lùng nghen!

Hoài đực mặt ra. Sao kỳ vậy? Rõ ràng Nhạn nói nó tên nó là lá lụa. Không lẽ Nhạn lừa mình, để làm gì?

- Thứ lá màu tím để ăn bánh xèo. Anh biết không?

- Không, nhưng chắc vợ tui biết. Thứ gì bả cũng biết!

Hoài định hỏi, vậy chớ vợ anh có biết ở đây có ai tên Nhạn không? Nhưng anh kịp ngăn ý định ngu ngốc đó lại. Nhạn đâu phải cái tên đặc biệt. Xứ này, rồi quê anh nữa, có hàng trăm người tên Nhạn.

* * *

Người đàn bà thấp đậm luôn tay cân hàng cho khách, miệng vẫn không quên nhắc chừng thằng nhỏ đang mê mải nặn đất thành vô số hình thù. Tay xe ôm xòe xấp tiền cho bà, mấy tờ mệnh giá nhỏ, không đáng kể.

- Nè, bà cất đi, mua thêm bánh kẹo gì cho thằng Sún. Mà, má nó đâu?

- Đi hái me cho tui rồi, nay khách nhiều, bán đắt!

- Ờ mà, bà biết lá lụa không, lá ăn bánh xèo gì đó?

Người đàn bà nhìn Hoài, đon đả gật đầu khi biết anh muốn tìm thứ lá đó.

- Chú chờ xíu, con Mây nó hái me về tui kêu nó đi kiếm lá lụa cho chú. Mùa này lá lụa cũng đang rộ, ngon!

Tay xe ôm lại phóng xuống chân núi kiếm khách. Chỉ những thanh niên trai tráng muốn tìm cảm giác mạnh mới chịu khó ngồi trên cái xe cà tàng chồm lên thụp xuống của anh ta. Nhưng khách du lịch chủ yếu dân thành phố, ngồi xe hơi, có dân đi Mẹc bóng loáng nữa, ai mà thèm leo lên “con ngựa bất kham” đó.

- Xứ này, kiếm tiền nhọc nhằn lắm chú! Giờ mà có một đứa con thôi, kiếm tiền nuôi nó cũng trần ai!

* * *

Đó cũng là lí do mà Mây trôi dạt tới xứ Hoài, rồi đổi họ thay tên thành Nhạn, cho dễ làm ăn, cho quên đi những tháng ngày tối tăm hút mắt đó. Nắm lá lụa cô hái cho Hoài nằm yên trên bàn gỗ nhỏ, trong căn nhà xập xệ dựa lưng vào núi. Hồi cô sinh thằng Sún, ba cô đổ bệnh. Cô phải bấm bụng gửi con cho người đàn bà bán me, người duy nhất gần gũi với gia đình cô. Cô đi chẻ thốt nốt, đi nấu mật, đi vô rừng bắt ong… làm đủ thứ nghề. Rồi đời đẩy đưa cô trôi dạt tới xóm nhà Hoài, được chủ vựa tôm cho ở lại, mỗi sáng mỗi chiều theo bà chủ vựa đi cân tôm, mới gặp anh.

Thằng Sún nép mình trong lòng má nó, mắt nhíu nhíu nhìn Hoài, kiểu đề phòng. Thằng nhỏ gầy gò, sau trận sốt, người xanh dờn như lá non. Càng về đêm, ánh đèn trong núi càng hiu hắt. Gió vờn mấy vòm cây đập vách núi rào rạt như cào vào đêm những vết xước. Lòng Hoài cũng đầy những vết xước chằng chéo nhau, khi Mây nhất định từ chối trở về cùng anh.

- Anh về đi. Thật ra, mình đâu nợ nần gì nhau, xin anh đừng nặng lòng, anh Hoài!

- Mình đâu nợ nần gì nhau! Em nói hay lắm! Em gieo vô lòng tui những thứ nặng trĩu rồi giờ giũ một phát bằng câu nói nhẹ hều đó. Vậy mà coi cho được, hả em?

Giọng Hoài lạc vào hang hốc nào đó, mắc kẹt trong đó hay sao mà cô không thể hiểu anh nói gì. Hoài ngước nhìn bóng đèn chớp lay lắt trước gió, không biết bầy đom đóm trong núi có thật hay do mắt mình nhòe.

* * *

Hoài rời núi khi mây còn ngủ yên trên đỉnh. Ông Phật ngồi cười thư thái giữa thinh không. Mây ngửa mặt vô lưng núi khóc. Mây muốn theo Hoài chứ. Nhưng Mây không xứng đáng. Con Mây đã khổ lắm rồi. Bữa, nếu cô không về kịp, thằng nhỏ bị biến chứng sốt xuất huyết chắc cũng khó mà chờ đợi nữa. Ôm con trong lòng, cô khóc không thành tiếng. Mây không đành đoạn bỏ con thêm lần nữa. Hoài muốn đón con cô theo, nhưng cô biết, phận mình nên ở đâu. Cô là mây. Mây trôi đi đâu rồi cũng bay về núi, quần tụ nơi này, như một lẽ thường tình.

* * *

Nhưng má Hoài không coi đó là lẽ thường tình. Sau mấy ngày không cam tâm nhìn thằng con trai bỏ ăn, bỏ ngủ, dật dờ như thây ma, má quyết đi lên núi.

Mây bối rối đến mức làm đổ ly nước khi mời người má quê mùa lặn lội leo bao nhiêu cái bậc đá để lên gặp mình.

- Để má nói con nghe. Thằng Hoài, má chửa hoang!

Mây chết sững. Vậy rồi… ai ở trên bàn thờ nhà má?

- Ờ thì, ba dượng nó đó! Ổng nhứt quyết đón má với thằng Hoài về ở, coi nó còn hơn con ruột. Bây giờ thì má biết tánh nó giống ai rồi!

Má còn nói má biết cô có con từ lâu. Má nghe ra mùi sữa sau lớp áo bông đã sờn. Má nhìn mắt cô là biết nguyên đêm khóc nhớ con. Má biết hết, má thương, mà má chưa kịp nói!

Mây còn kịp nhớ hái đầy một giỏ bàng toàn lá lụa non trước khi ba người lên chuyến xe cuối cùng trong ngày, về lại cái vuông tôm rộng ngút mắt. Cuộc đời Hoài chưa bao giờ được ăn lá lụa non cuốn bánh xèo. Bây giờ phải ăn cho biết với người ta chứ, đời được mấy khi vui! Mây trên núi đã tan ra từ lâu lắm. Mùa này, cây bật những chồi xanh bao quanh lớp đá dựng đứng vô tri. Mặt trời khuất núi, chỉ còn những chỏm xanh thao thức lùi sau cửa xe.

Mây cứ trôi…

T.H.T

TRẦN HUYỀN TRANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 358

Mới nhất

Tập huấn kỹ năng viết phóng sự cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

3 Giờ trước

TCCVO  - Trong 3 ngày 12 - 14/9, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn kỹ năng viết phóng

Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm lần 3

5 Giờ trước

TCCVO - Trung thu năm nay tại vùng biên giới Việt - Lào đã diễn ra trong không khí ấm áp, đơn giản nhưng đầy nghĩa tình. Do tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Bắc vẫn còn đang khắc phục, nên chương trình “Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm nơi biên giới lần 3” được tổ chức nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhưng vẫn ý nghĩa cho thiếu nhi hai bên biên giới...

Tỉnh Quảng Trị vận động quyên góp, ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại cơn bão số 3

12/09/2024 lúc 09:58

TCCVO - Chiều 11/9, tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động kêu gọi, vận động ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc

Vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024.

12/09/2024 lúc 04:01

Ngày 11/9/2024, tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ba Tầng, Trung tâm khám chữa bệnh từ thiện Thiện Lành và các nhà tài trợ tổ chức chương trình vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024. Đây là dịp để các cháu thiếu niên nhi đồng 2 nước Việt Nam và Lào được giao lưu, gặp mặt, vui chơi, phá cỗ đêm trăng.

Góp phần khẳng định vai trò của Công đoàn, biểu dương người lao động

10/09/2024 lúc 10:27

Công nhân và Công đoàn là mảng đề tài lớn của văn chương, báo chí. Nhưng có thể trong một thời điểm nào đó, ở một vài nơi, mảng đề tài này vẫn chưa được phản ảnh và khai thác tương xứng. Đối với những địa phương còn khó khăn, thị trường lao động chưa thật sự sôi động, thì các vấn đề của người lao động cũng ít được các phương tiện thông tin đại chúng chú trọng. Chính vì thế cuộc thi viết về "Công nhân & Công đoàn Quảng Trị" do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cùng Tạp chí Lao động & Công đoàn đồng tổ chức (từ tháng 4 đến tháng 8/2024) là một dịp để bạn đọc hiểu hơn sự đóng góp của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/09

25° - 27°

Mưa

18/09

24° - 26°

Mưa

19/09

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground