Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức không ngủ quên

Đang chuẩn bị lên xe để đi công tác thì bố khập khiễng bước lại gần, tôi mỉm cười hỏi:
- Bố có mệnh lệnh gì cho con gái phải không?

Tác phong người lính đã ăn sâu trong máu thịt của bố nên tôi hay nói với bố theo khẩu ngữ của người lính như vậy. Bố nhìn tôi âu yếm, bảo:

- Dịp này tháng bảy vào trong đó công tác nhớ đến thắp hương cho các cô, các chú ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và cô Hương con nhé!

- Dạ! Con sẽ sắp xếp ạ!

Sợ tôi quên, bố hỏi:

- Con nhớ vị trí mộ cô Hương chứ?

- Bố ơi! Con gái rượu của bố gần lên chức bà ngoại rồi chứ đâu còn đểnh đoảng như tuổi mười ba nữa.

Mặc dù chưa tới Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nhưng khi bố nhắc đến tên cô, tôi nhớ ngay ngôi mộ của cô số bao nhiêu nằm ở khu nào, dãy nào, hàng nào - vì bố đã nhiều lần kể cho tôi.

Bố mắng yêu:

- Bố cô! Chỉ được cái bẻm mép thôi.

Tôi hôn nhẹ lên má bố rồi xách va ly lên ô tô. Vào đến thành phố Huế, lấy phòng nghỉ xong, mở tập tài liệu ra xem, hỏi cô lễ tân tôi phát hoảng. Quãng đường từ Huế ra Quảng Trị lên Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hơn cả trăm cây số, chương trình hội nghị thì dày kín, mà vé khứ hồi đã mua, xong hội nghị là ra sân bay ngay để kịp cuộc họp của cơ quan đã bố trí. Biết tính bố sống bình dị, nặng sâu tình nghĩa, hơn nữa đây là việc tâm linh, là nơi linh thiêng đã hứa với bố… Tôi thở vắn thở dài, không biết phải xoay xở thế nào.

Những năm trước đây, vào dịp tháng bảy, bố thường cùng các bác cựu chiến binh tổ chức vào Quảng Trị để viếng đồng đội. Nhưng hai năm nay, do tuổi cao, sức yếu, vết thương lại tái phát nên bố không thể đi được. Lần này nhân thể tôi vào trong này công tác, bố chỉ dặn như vậy. Đây là tâm nguyện của bố để phần nào vơi đi nỗi niềm day dứt với đồng chí, đồng đội của mình.   

Quảng Trị là quê hương thứ hai của bố. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bố là lính lái xe Trường Sơn nhiều lần cái sống, cái chết chỉ trong gang tấc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bố xuất ngũ trở về quê với nhiều vết thương trên mình. Tôi ra đời là kết quả của gần mười năm mòn mỏi đợi chờ của bố mẹ. Năm tôi sáu tuổi thì mẹ mất sau cơn đau tim đột ngột. Thật tội nghiệp cho bố khi niềm vui, hạnh phúc chẳng được là bao. Một mình bố nuôi nấng và chăm sóc tôi bằng tất cả tình yêu thương của bố và mẹ. Tôi không nhớ đã bao đêm bố ấp iu tôi, hát cho tôi nghe những bài hát về Trường Sơn, đến nỗi tôi thuộc lòng, như: Bước chân trên dải Trường Sơn, Cô gái mở đường, Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca cánh võng… Giọng bố trong và rất êm ru tôi vào giấc ngủ từ lúc nào không hay. Lớn lên vài tuổi nữa, hàng đêm bố thường kể chuyện cho tôi nghe. Đó là những ký ức không ngủ yên day dứt trong trái tim nhân hậu của người lính; hình ảnh về Trường Sơn, những người lính lái xe, những cô thanh niên xung phong đã in dấu sâu đậm trong tâm trí tôi. Bố kể: Ở Trường Sơn có hai mùa. Mùa mưa thì cả trời đất sũng nước hết ngày này qua ngày khác, đường nhỏ hẹp, đất đỏ trơn lầy, xe ô tô rất dễ trôi tuột xuống vực thẳm. Những chỗ vượt đèo, dốc cao phải cài số và dùng tời thì mới nhích dần lên được, nhất là núi sạt lở rất nguy hiểm. Còn mùa nắng thì như rang cháy cả người và xe. Xe chạy trước, xe chạy sau bụi bay mù trời, phải tháo kính ra mới đi được vì cái gạt nước không thể gạt nổi bụi bám trên kính xe. Người nhuốm đầy bụi đất, chỉ còn hai con mắt nhấp nháy nhìn đường. Cứ đi được một đoạn là phải dừng lại giấu xe vào bụi cây, dùng khăn quật lên người, lên mặt cho bụi rơi ra rồi đi tiếp. Những khi xe bị hỏng hóc trên đường nếu chở hàng nhẹ và dễ bốc thì đỡ vất vả còn chở xăng dầu thì thật khốn khổ. Vì mỗi phi xăng dầu nặng tới 200 kg mà chỉ có hai người (lái xe và phụ xe) phải bốc từ trên xe xuống mang đi giấu, sửa xe xong lại phải bốc lên để đi tiếp. Cũng có khi không có phụ xe phải chờ xe sau tới, hoặc các cô thanh niên xung phong gặp ở trên cung đường giúp sức. Đã vậy máy bay địch còn đánh phá dữ dội suốt ngày đêm không ngớt. Cái chết luôn rình rập, có thể đến bất cứ lúc nào, đặc biệt là phải vượt qua những trọng điểm ác liệt. Một lần xe bố chở xăng dầu vào Trạm Z, như thường lệ thì xe xuất phát vào lúc mười bảy giờ nhưng hôm đó là chủ nhật, cứ nghĩ bọn Mỹ sẽ không ném bom nhiều như ngày thường nên xuất phát vào lúc mười lăm giờ để đẩy nhanh tiến độ vận chuyển, tăng chuyến. Không ngờ vừa ra khỏi cánh rừng của bản Húc thì bất thần một loạt máy bay F111 ồ ạt kéo đến đánh bom…

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Những vết thương trên người bố trở trời đau nhức, tôi xuýt xoa thương bố. Bố cười bảo: “Bố như thế này là “có lãi” lắm rồi, chứ đồng đội của bố nhiều người đã không trở về, nhiều người cho đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt, chưa xác định được tên, tuổi, quê quán… Chiến tranh bom đạn ngút trời, chẳng ai dám chắc mình còn sống để trở về. Nhiều khi may mắn thoát chết là nhờ sự che chở của trời đất, sự phù hộ của các anh hùng liệt sĩ”. Rồi bố kể cho tôi nghe một câu chuyện như là một huyền thoại linh thiêng: Hôm ấy xe của bố đến ngầm Tà Lên, một toạ độ lửa của máy bay địch thì trời đã tối. Do không nhìn rõ được đá ngầm; lại không dám bật đèn pha sợ máy bay địch phát hiện nên xe bị mắc kẹt ngay giữa suối, không sao tiến lên, lùi lại được. Bất lực bố đành mắc võng nằm lại ở cánh rừng trước mặt chờ đêm đến có xe đi qua sẽ nhờ kéo giúp. Nhưng mãi đến khuya mà vẫn chẳng có chiếc xe nào. Thất vọng và mệt mỏi bố thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ bố nghe có nhiều tiếng nói cười rộ lên rất gần, rồi tiếng hò dô một, hai, ba... một, hai, ba... nhịp nhàng, đều đặn. Tiếng hò dô như những đợt sóng trào làm cánh rừng nơi bố nằm chao đi chao lại. Bố mở mắt ra nhìn chằm chằm về phía chiếc xe của mình thì thấy ở đó có rất nhiều thanh niên xung phong và bộ đội đang gò mình đẩy xe theo nhịp hò dô. Ai nấy quần áo lấm lem bụi đất, có nhiều vệt máu đỏ thẫm bết trên tóc, trên mặt, trên ngực. Một cô gái thanh niên xung phong, tóc tết đuôi sam, khuôn mặt hao gầy, ngời lên trên đôi mắt to tròn lúng liếng như ánh sao, dáng vẻ nhí nhảnh đi như bay về phía bố: "Đồng chí bộ đội ơi! Xe lên được rồi. Đồng chí cho xe đi ngay, kẻo máy bay địch sắp đánh ngầm". Bố thấy cô ấy rất giống cô Hương nhưng chưa kịp gọi thì cô đã trôi khuất vào trong làn mây trắng hồng… Giật mình tỉnh dậy vùng chạy ra xe nhưng bố không thấy ai cả. Chiếc xe như một nấm mồ nằm bất động im lìm, đen đặc. Núi rừng thâm u tĩnh lặng đến ghê người, chỉ có dòng suối dưới chân bố đang lững lờ chảy, ôm bóng bố chờn vờn, chờn vờn... Hốt hoảng bố nhảy lên ca bin nổ máy, cài số theo phản xạ của người lái xe. Thật lạ kỳ như có một sức mạnh vô hình, chiếc xe rướn lên và vượt khỏi ngầm êm ru. Bố thở phào, mừng rỡ và cứ thế cho xe dong thẳng về phía trước, tất cả tâm trí dồn vào ánh đèn gầm lờ mờ trên mặt đường. Bỗng chiếc xe rung lên, tiếng máy bay, tiếng bom nổ long trời, lở đất, ánh pháo sáng sáng trưng cả một khoảng trời phía ngầm mà xe bố vừa vượt qua… Ngày hôm sau trả hàng xong, bố quay lại thì đã thấy bến ngầm bị bom địch đánh nát như tương, xe không sao qua được. Cánh rừng trước mặt ngay chính nơi bố mắc võng nằm là những hố bom sâu hoắm kế tiếp nhau đang còn nồng nặc, khét lẹt mùi thuốc nổ...

Nghe bố kể xong, tôi hỏi: “Bố ơi! Thế sau này bố có gặp lại cô Hương không?”. Dường như câu hỏi ngây thơ của tôi đã chạm vào miền ký ức thiêng liêng của bố. Ôm chặt tôi vào lòng, lặng đi một hồi lâu, giọng bố nghèn nghẹn: Lần ấy trên đường vận chuyển lương thực, thực phẩm vào Trạm T, đến khu vực Khe Ngo gần đồi Bến Xy thì bố gặp một cô thanh niên xung phong tay cầm cờ, ra hiệu cho xe dừng lại:

- Đồng chí lái xe ơi! Máy bay địch vừa oanh tạc, có nhiều bom nổ chậm trên đường, các đồng chí công binh chưa phá kịp.

Một cô gái trong bộ quân phục gọn gàng, tóc tết đuôi sam, khuôn mặt tươi xinh như một bông hoa rừng, đứng trước mũi xe. Bố vội phanh xe dừng lại, hỏi:

- Có đường nào tránh không đồng chí?

Cô thanh niên xung phong nhanh nhẹn chạy sang bên phía cửa lái phụ vừa đưa tay mở vừa nói:

- Làm gì có đường nào, nhưng tôi sẽ đi cùng đồng chí.

Lời nói của cô như một mệnh lệnh, bố chưa kịp đáp thì cô đã ngồi xuống ghế rồi nhìn xéo sang bố:

- Sao đồng chí đi chỉ một mình?

Bắt gặp đôi mắt to tròn, đen láy rất có thần của cô, bố nghĩ bụng cũng đáo để đây, rồi trả lời:

- Đồng chí lái phụ bị sốt rét giữa đường phải nằm lại ở trạm giao liên.

- Những nơi có bom nổ chậm em sẽ chỉ để anh tránh nhé! - Cô ấy đổi cách xưng hô và với thanh âm nhẹ nhàng, dễ gần. Bố khẽ mỉm cười, gật gật rồi tiếp tục cho xe chạy. Vượt qua được mấy quả bom nổ chậm nằm trên đường như tử thần, bố thấy nhẹ cả người, liền nói với cô:

- Cảm ơn đồng chí! Nếu không… thì thật là nguy hiểm.

- Nhiệm vụ của chúng em mà!

Bố trêu cô ấy:

- Cánh lái xe bọn tớ, bom đạn cũng sợ thật nhưng sợ nhất là các cô bắt nạt.

Cô mỉm cười:

- Vậy à! Ai bắt nạt anh, bảo em…

- À… Mà đồng chí tên gì nhỉ?

- Dạ… Hương ạ!

- Trời ơi! Người đẹp, tên đẹp thế này chắc là có người thương thầm nhớ trộm rồi?

Ngập ngừng một lúc, cô ấy mới trả lời:

- Cũng là lính lái xe như anh.

- Vậy sao! Ở binh trạm nào?

Trong những năm tháng chiến tranh, bộ đội lái xe Trường Sơn được biên chế thành các đại đội, tiểu đoàn trực thuộc các binh trạm. Nếu ở cùng một binh trạm thì hầu như sẽ quen biết nhau nên bố mới hỏi cô như vậy. Cô Hương nhỏ nhẹ trả lời nhưng bố không nghe rõ vì đúng lúc ấy có tiếng máy bay gầm rít ở trên đầu. Chiếc xe của bố bỗng rùng rùng, chao đảo bởi hàng loạt tiếng bom nổ rung chuyển cả núi rừng. Cô Hương đập đập vào vai bố chỉ về phía có lá cờ hiệu. Hồi ấy dọc các tuyến trọng điểm, thanh niên xung phong đào sẵn các hầm trú ẩn ở bên đường và cắm cờ làm hiệu để bộ đội ta dễ phát hiện tránh bom. Bố liền đánh xe tấp sát vào mép đường. Cô ấy nhảy xuống hầm trước, còn bố phải vòng qua đầu xe mới sang được hầm. Khi bố vừa nhảy xuống thì nghe có tiếng rơi “bịch” trước cửa hầm rồi xịch… xịch… lăn xuống hầm. Bố vừa trông thấy một quả bom bi “quả ổi” đen sì thì cô đã đứng chắn lấy người bố rồi vội vàng cúi xuống nhặt ném lên. Nhưng không kịp. “Bùm”. Bụi, đất bay rào rào. Bố bị hất ngửa ra phía sau còn cô thì bật tung người lên rồi đổ ập xuống. Choáng váng, bàng hoàng bố ôm lấy cô nâng lên. Máu từ bụng, từ ngực, từ mặt cô trào ra xối xả. Quá bất ngờ và bất lực, bố thốt lên: “Hương ơi! Hương ơi!... Sao em lại làm như vậy!?...”. Cô mở mắt nhìn trân trân, không nói được lời nào rồi nhắm nghiền lại, đầu lả xuống cánh tay bố. Cứ thế bố ôm chặt lấy cô trong nỗi đau đến cùng tận cho đến khi ngớt tiếng máy bay mới bế cô lên nơi bìa rừng. Máu chảy ra ướt sũng ống tay áo, lúc này bố mới biết là mình cũng bị thương ở phần mềm của cánh tay. Bố quay lại xe ô tô lấy bông băng, băng lại vết thương, rồi lấy xẻng đào hố chôn cất cô. Trước khi đặt cô nằm xuống, bố dùng khăn lau máu trên người cô. Vùng ngực cô lỗ chỗ nhiều vết thủng, ở đó máu đã tím thẫm, một vài chỗ có những giọt nước màu trắng đục. Lúc ấy bố không biết đó là thứ nước gì… Chôn cất cô xong bố vội vàng lái xe đi để kịp giao hàng theo kế hoạch. Lúc trở ra bố đi tìm đơn vị của cô để báo tin, nhưng khắp khu vực xung quanh đó chẳng thấy một đơn vị thanh niên xung phong nào. Những chuyến chở hàng tiếp theo bố được phân công đi các cung đường khác mãi gần nửa năm sau mới quay lại cung đường ấy. Bố gặp một đội thanh niên xung phong đang san lấp hố bom. Các cô ấy bảo: “Trong đơn vị không có ai tên là Hương cả và cũng mới đến tiếp quản cung đường này”. Bố hỏi: “Các cô có biết đơn vị cũ chuyển đi đâu không?”. Các cô ấy chỉ lẳng lặng nhìn nhau, rồi một cô lớn tuổi nhất trong đội, có lẽ là đội trưởng bước đến gần bố, rưng rưng hai hàng nước mắt:  “Các cô ấy hy sinh hết rồi anh ạ!”. Một nỗi buồn đau dâng ngập lên trong lòng bố. Chao ôi! Những cô gái thanh xuân phơi phới, mới chỉ bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, nhiều cô còn chưa có người yêu, chưa biết đến nụ hôn đầu, vậy mà… Bố đưa các cô đến thăm mộ cô Hương kể về sự hy sinh của cô Hương… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng bố tìm về gặp lại các cô, rồi cùng liên hệ với Sở Lao động và Thương binh Xã hội tỉnh Quảng Trị đưa cô Hương về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Và, vì chưa xác định được đơn vị, quê quán… nên trên tấm bia mộ, chỉ ghi: Đồng chí Hương. Quê quán miền Bắc.

***

Nhớ lời bố dặn, tôi băn khoăn chưa biết phải làm thế nào. Thấy vậy, chị Hoa ở cùng phòng, quê ở tỉnh Hà Nam hỏi:

- Có việc gì mà em bần thần cả người ra thế?

Tôi kể cho chị nghe. Chị khẽ gật đầu, rồi bảo:

- Chiều nay hội nghị xong hai chị em mình cùng đi.

- Buổi tối cũng viếng được hở chị?” - Tôi sốt sắng hỏi.

- Được em ạ! Năm ngoái cũng dịp này chị cùng cơ quan vào thắp hương ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Chị nói chưa hết câu, tôi mừng quá, như mở cờ trong bụng, ôm chầm lấy chị:    

- Cám ơn chị! Cám ơn chị!

- Chị cũng có dự định từ trước như vậy mà.

Rồi chị nói trong nước mắt: Mẹ chị hy sinh ở Trường Sơn, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt em ạ!

Quá xúc động đến sững sờ, tôi đứng lặng nhìn chị. Chị khẽ kéo tôi ngồi xuống bên chị: Mẹ chị hy sinh khi chị mới mấy tháng tuổi. Bố chị cũng là bộ đội lái xe Trường Sơn. Hai người gặp nhau trên một cung đường ác liệt, cô thanh niên xung phong tươi xinh, nhí nhảnh và chàng “hùng xế” rắn rỏi, can trường đã phải lòng nhau ngay từ lần gặp đầu tiên rồi yêu nhau tha thiết. Hơn một năm sau trong chuyến chở hàng ra mặt trận, họ hẹn nhau khi trở về sẽ báo cáo đơn vị tổ chức đám cưới. Nhưng rồi ngày tháng cứ lặng lẽ trôi đi, hài nhi trong bụng mẹ cứ lớn dần, lớn dần mà chẳng thấy người yêu trở về. Chị em trong đơn vị ai cũng động viên, an ủi mẹ, họ biết rằng người lái xe ấy đã nằm lại ở một cung đường Trường Sơn nào đó. Bởi ở chiến trường khi ấy mưa bom, bão đạn luôn rình rập người lính lái xe và cũng đã có những chuyến đi, những mối tình như vậy. Trong tình yêu thương, đùm bọc của đồng đội, mẹ chị về quê sinh chị rồi gửi ông bà ngoại nuôi. Mẹ chị trở lại chiến trường được mấy tháng thì hy sinh. Trong giấy báo tử chỉ ghi hy sinh tại Mặt trận Tây Trường Sơn…

Kể đến đây giọng chị nghẹn lại, tôi ngậm ngùi không sao cầm được nước mắt.

Chiều hôm đó, hội nghị xong tôi và chị Hoa đi Quảng Trị ngay. Chuyến đi khá thuận lợi không như tôi nghĩ. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (một nhánh đường huyền thoại Trường Sơn năm xưa) lên Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn được rải nhựa phẳng lì, khang trang rộng rãi, từng đoàn xe tấp nập nối nhau xuôi ngược. Hai bên đường chập chờn một màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng cao su; những nhành phượng vĩ đỏ thắm, những bông hoa dã quỳ vàng tươi, hoa sim, hoa mua tím biếc đung đưa trong gió dưới ánh hoàng hôn nhuộm tím cả nền trời như chiến tranh chưa hề đi qua nơi đây…

Xe dừng lại, trời bắt đầu tối hẳn, chị Hoa dẫn tôi vào khu tượng đài chính của Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Tượng đài bằng đá trắng cao vút uy nghi. Xung quanh tượng đài là các khu mộ liệt sĩ được xếp lớp lớp thẳng hàng lung linh, huyền ảo bởi hàng vạn ngọn nến được thắp sáng mênh mang chừng như vô tận. Từng đoàn người lặng lẽ nối nhau vào viếng tại khu tượng đài rồi tỏa ra thắp hương tại các khu mộ của các tỉnh, thành phố. Tôi và chị Hoa thắp hương tại khu tượng đài rồi tìm đến phần mộ của cô Hương. Đặt bó hoa lên mộ, tự nhiên chị Hoa có một cảm giác khác thường, chị rưng rưng nước mắt, giọng lạc hẳn đi: “Mẹ chị cũng tên là Hương, em ạ! Không biết mẹ đang nằm lại ở nơi nào trên núi rừng Trường Sơn…!?”. Tôi xúc động đến nghẹn ngào ôm lấy chị Hoa, không biết phải nói với chị như thế nào. Rút chiếc điện thoại trong túi xách ra tôi gọi cho bố: “Bố ơi! Con đang thắp hương ở phần mộ của cô Hương”. Bố vui nhưng có vẻ ngạc nhiên: “Con gái bố giỏi… nhưng sao lại đi vào buổi tối?”. “Dạ!... Có chị bạn cùng đi ... Mẹ chị ấy…”. Giọng bố run run, xúc động: “Con ơi! Con đưa máy… đưa máy cho chị ấy…”. Tôi không biết bố đã nói gì, chỉ nghe thấy tiếng chị Hoa thổn thức: “Dạ... Dạ!..  Con sẽ lên thăm bố ạ!...”.

Tối hôm sau về tới nhà, tôi kể cho bố nghe toàn bộ chuyến công tác và đưa hình hai chị em chụp bên mộ cô Hương trong chiếc điện thoại cho bố xem. Bố nhìn rất lâu, không muốn rời chiếc điện thoại. Trong đôi mắt bố lúc ánh lên, lúc đượm buồn vời vợi như có cả niềm vui và nước mắt ở trong đó. Đột ngột, tiếng bố thảng thốt: “Trời ơi! Đúng rồi… đúng rồi… Giống mẹ như tạc, cứ như cô Hương trở về vậy!...”

Ngày hôm sau chị Hoa lên thăm bố. Nỗi chờ mong, niềm khát khao khôn xiết đến quá bất ngờ khiến chị nghẹn ngào không sao thốt được nên lời… Bố gặp chị, niềm vui dâng ngập trong lòng như những ngày mới hòa bình sau chiến tranh gặp lại người thân… Bố rất muốn về thăm gia đình chị Hoa, thắp nén hương lên bàn thờ của cô Hương nhưng sức khỏe yếu không thể đi được. Hai tuần sau bệnh tình của bố trở nên trầm trọng hơn. Trước khi qua đời, bố gọi tôi lại gần, đặt nhẹ bàn tay lên tay tôi rồi gắng sức nói trong hơi thở ngắt quãng: “Bây giờ… bố đã yên lòng… mà nhắm mắt được rồi… con ạ!”. Rồi đôi mắt bố từ từ khép lại, thanh thản như đi vào giấc ngủ. Tôi ngồi lặng đi nhìn bố, nước mắt ứa ra, nghẹn ngào nấc lên: “Bố ơi! Bố ơi!...”.         

                                                                                                                                           V.X

 

 

VĂN XƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 358

Mới nhất

"Tiết học Biên cương" giáo dục lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ

9 Giờ trước

Ngày 19/12/2024, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cùng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thành (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức Chương trình “Tiết học Biên cương”...

Tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đensavan

20/12/2024 lúc 19:49

Ngày 16/12, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT)Lao Bảo (Bộ đội biên phòng Quảng Trị) và Đồn Công an Cửa khẩu quốc tế Đensavan (Công an Savannakhet - Lào) tổ chức Hội đàm 6 tháng cuối năm 2024.

Hai nhạc sĩ Quảng Trị đoạt Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024

17/12/2024 lúc 14:38

TCCVO - Tối 15/12, Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND

Bế mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024

17/12/2024 lúc 00:02

TCCVO - Sau 4 ngày diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, tối 16/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối

Ấn tượng không gian văn hóa và ẩm thực truyền thống các dân tộc

16/12/2024 lúc 22:11

(TCCVO) Sáng ngày 16/12, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày chế biến, giới thiệu ẩm thực truyền thống; hướng dẫn giới thiệu điểm du lịch cộng đồng trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/12

25° - 27°

Mưa

23/12

24° - 26°

Mưa

24/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground