Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/09/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đứa con nuôi

Truyện ngắn của VĂN XƯƠNG

Vừa tới trước cửa quán cà phê Giang Châu đã thấy ông cậu ruột đưa tay vẫy vẫy. Tôi vội bước vào.

- Cháu xin lỗi, có chút việc nên đến muộn.

- Ờ, cháu uống gì?

- Dạ! Cho cháu ly cà phê xay. - Tôi trả lời cậu rồi mỉm cười chào xã giao hai người đàn ông lạ ngồi đối diện. Một người tuổi như cậu tôi, dáng đạo mạo, đôi tai to và dày, cặp lông mày nhô cao, đặc biệt có đôi mắt phù quang như biết nói, còn một người độ tuổi trung niên, gương mặt cân đối, hài hoà, phong thái tự tin.

- Đây là cậu Vinh và Quang con út của cậu mới ở ngoài quê vào. Còn đây là Hải con chị Hương. - Cậu tôi giới thiệu.

Đúng lúc đó có một chiếc xe taxi đỗ xịch trước cửa. Cậu Vinh nhìn ra xe rồi nói với tôi:

- Thời gian gấp quá, giờ hai ba con cậu phải ra sân bay. Cậu gửi lời thăm sức khoẻ ba, mẹ, còn cháu khi nào có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh thì ghé nhà cậu mợ chơi.

- Dạ! Cháu sẽ ghé thăm cậu mợ.

Hai cậu cháu tôi tiễn hai ba con cậu Vinh ra xe taxi rồi quay lại bàn cà phê. Vừa ngồi xuống cậu tôi đã hỏi:

- Thế cháu chưa gặp cậu Vinh à?

- Dạ, chưa.

- Vậy mẹ cháu chưa khi nào kể chuyện về cậu Vinh và Quang à?

- Dạ! Cháu chỉ nghe loáng thoáng gia đình cậu mợ ở trong thành phố Hồ Chí Minh. Các anh chị con cậu mợ đều xây dựng gia đình và lập nghiệp ở trong đó. Với lại cháu cũng xa quê từ nhỏ, thi thoảng mới về…

Minh họa: Minh Phú

Minh họa: Minh Phú

Cậu tôi đằng hắng mấy tiếng rồi nói:

- Vậy thì cậu kể cho cháu nghe: Cậu Vinh là con bác ruột của cậu và mẹ cháu. Cuối năm 1971, đang học năm thứ hai Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội thì nhập ngũ. Huấn luyện mấy tháng ở Thanh Hoá rồi hành quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Cậu ấy bị thương trong trận đánh Đăk Tô - Tân Cảnh thuộc chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972, được đưa ra Bắc điều trị sau đó xuất ngũ trở lại trường đại học. Học xong cậu ấy được điều về tỉnh rồi lên công tác tại nông trường cao su Trường Sơn. Nông trường cao su Trường Sơn thành lập sau ngày giải phóng chủ yếu là bộ đội và thanh niên xung phong chuyển ngành. Chỉ có cậu Vinh, mợ Hồng (vợ cậu Vinh), mẹ cháu và một số người nữa là kỹ sư nông nghiệp làm công tác kỹ thuật. Là thương binh được đào tạo cơ bản lại có chí tiến thủ nên cậu Vinh được thăng tiến rất nhanh. Chỉ sau mấy năm cậu ấy được bổ nhiệm là Phó Giám đốc nông trường phụ trách kỹ thuật. Mợ Hồng rất đảm đang, chịu thương, chịu khó, ngoài việc cơ quan còn lai ghép giống cao su cung cấp cho nông trường và bán cho các hộ dân trồng cao su nên kinh tế gia đình khấm khá lắm. Ngôi nhà của cậu mợ sát trục đường chính của nông trường Bộ. Nhà ngói năm gian làm bằng gỗ mít sáng bóng nằm trong khu vườn đất đỏ ba gian rộng đến ba, bốn ngàn mét vuông trồng tiêu và chè. Trước nhà là khoảng sân rộng, lát gạch. Trụ cổng xây bằng xi măng hình vuông, cánh cổng làm bằng gỗ mít. Xung quanh hàng rào trồng loại cây dứa tàu cắt tỉa rất gọn gàng và đẹp mắt. Thực ra hồi ấy nhà của cậu Vinh làm cũng không tốn nhiều tiền lắm, vì đất thì tự khai hoang, gỗ mít thì nhiều và rẻ. Có khu rừng toàn gỗ mít, cây to đến hai người ôm. Chỉ có tiền công thợ là nhiều, phải thuê từ trong Huế. Cậu kể sơ qua như vậy, chắc cháu cũng đã hình dung ra ngôi nhà của cậu ấy. Nói tóm lại là vào loại đẹp nhất của nông trường Bộ lúc bấy giờ. Năm ấy, cũng gần bốn mươi năm rồi, à mà chính xác là bằng tuổi của cháu đó. Cậu nhớ khi ấy cháu mới bốn, năm tháng tuổi thôi. Trong một dịp cùng với đoàn công tác của tỉnh lên kiểm tra chương trình 327 tại nông trường. Buổi tối ở lại, vợ chồng cậu Vinh mời cậu về nhà ăn cơm. Bữa cơm có hai đứa con của cậu mợ, đứa con trai chừng mười tuổi, đứa con gái chừng năm tuổi; ba, mẹ cháu và cậu Vĩnh em ruột cậu Vinh cũng làm việc tại nông trường Bộ. Vừa ngồi quây quần bên mâm cơm, chưa kịp cầm bát đũa thì bỗng tiếng chó sủa vang ngoài sân. Nghĩ bụng chắc có ai đến nhà chơi, mọi người ngước nhìn ra chờ đợi, trời mùa đông lạnh, mưa bụi lây phây không thấy rõ người. Nhưng chờ một lúc chẳng ai vào và chó cũng không sủa nữa. Mợ Hồng nhỏ nhẹ: “Mời mọi người dùng bữa tự nhiên, chắc là có người nào đó đi qua cổng nhà mình”. Nghĩ vậy nên chẳng ai chú ý nữa. Anh em lâu ngày gặp nhau vừa ăn vừa hàn huyên đủ thứ chuyện. Thời kỳ chiến tranh ly tán mỗi người mỗi ngả, người ở bên này, người ở bên kia chiến tuyến, đến khi hoà bình chưa kịp gặp gỡ nhau thì người vào Nam, người lại ra Bắc, thành thử anh em, bà con ruột thịt có khi đánh nhau bêu đầu không biết. Như cậu với cậu Vinh cùng là học sinh miền Nam ra Bắc nhưng cậu Vinh ở Hải Phòng còn cậu ở Quảng Ninh. Học xong phổ thông vào đại học, đi bộ đội gần nửa đời phiêu dạt mới gặp nhau. Được mấy năm cùng công tác trong ngành nông nghiệp, cậu Vinh và gia đình lại chuyển vào một nông trường ở trong tỉnh Đắk Lắk. Lúc đó cháu và Vĩnh còn nhỏ nên bây giờ không nhận ra nhau cũng phải.

- Dạ! Ba, mẹ cháu cũng chuyển công tác đến mấy lần. Có lần bạn bè học cùng lớp vừa quen mặt nhau thì lại chuyển đi nơi khác. Chỉ năm lớp hai được ba mẹ đưa về ở với ông bà ngoại là sướng nhất.

- Ừ thời gian trôi đi nhanh quá, mới đó mà đã mấy chục năm. Bọn cậu bây giờ cũng gần đất xa trời cả rồi.

Cậu tôi nói, nét mặt trầm tư, nhìn đi xa xăm như cả một miền ký ức đang hiện về trước mắt cậu. Tôi châm thêm điếu thuốc, nhấp nhấp ly cà phê nhìn cậu chẳng biết nói gì.

Rồi như sực nhớ ra, cậu kể:

- Ờ, ờ. Lâu ngày gặp nhau nên anh em cứ mải mê trò chuyện. Thế rồi tiếng chó lại sủa vang rền, con ở phía cổng, con ở phía ngoài vườn làm mọi người cứ bồn chồn, thắc thỏm. Cậu Vĩnh nói: “Bữa nay có nhiều trộm chó lắm. Chúng dùng câu nên chó không chống cự được. Hôm trước trên đội Tám, hai thằng ăn trộm chó bị anh em bắt nện cho một trận nhừ tử rồi đốt luôn cả chiếc xe đạp hành nghề”. Nghe vậy, cậu Vinh bảo: “Chú Vĩnh to khoẻ  chắc là bắt được trộm chó”. Cậu Vĩnh lẳng lặng vào buồng lấy chiếc đèn pin rồi rút thêm chiếc gậy chống cửa cầm tay. Cậu ấy đi chừng mươi phút mới trở vào: “Em kiểm tra khắp vườn rồi, không có gì. Chỉ phía ngoài hàng rào lúc đi ra em lờ mờ thấy bóng người, không rõ đàn ông hay đàn bà. Em nghi là kẻ trộm nhưng thấy trong nhà có người và chó sủa dữ quá nên đã bỏ đi”. Mợ Hồng cười: “Nhà chị chỉ có vườn tiêu, chè và ông xã, ai muốn ăn trộm thì tặng luôn”. Ba cháu nháy nháy cậu rồi cười nói: “Chị ơi! Chị đừng có chủ quan. Nông trường ta hơn hai phần ba là phụ nữ, trong đó số quá lứa, lỡ thì đếm không xuể… Mà anh Vinh nhà mình thì vừa đẹp trai, lại vừa ăn nói có duyên…”. Mẹ cháu đang cho cháu bú nghe vậy nghiêm nghiêm nét mặt đe: “Này, này tôi nói cho các ông biết. Liệu cái thần hồn, ông nào léng phéng coi chừng với chị em tôi. Cứ là xẻo luôn cả bụi không thương tiếc”. Cả nhà cười râm ran. Cậu cũng góp chuyện để dung hoà: “Nói cho vui vậy thôi chứ giỏi giang, đảm đang, đẹp người đẹp nết như chị Hồng ai sánh được”. Cậu vừa nói đến đó thì tiếng chó lại đồng loạt sủa rền vang như tiếng pháo nổ đêm giao thừa hướng về phía cổng. Lần này chúng sủa mãi không dứt. Mọi người lại hướng mắt ra, lòng dạ nôn nao, phấp phỏng. Cậu Vinh bực bội: “Lạ thật! Tối hôm nay trở chứng thế nào ấy. Chẳng mấy khi anh em được hội ngộ mà cứ như có người muốn trêu tức”. Ba cháu tỏ vẻ nghi ngại: “Chó sủa dai thế này là có chuyện, em và cậu Vĩnh ra ngoài xem thế nào”. Hai anh em cầm đèn pin mở cửa đi ra ngoài cổng. Mọi người chẳng ai ăn uống gì nữa, nóng lòng hướng ra phía cổng chờ đợi. Khác với lần trước, lần này chỉ một lúc đã thấy cậu Vĩnh hớt hải chạy vào nói trong hơi thở: “Các anh chị ơi ra xem”. Cậu và vợ chồng cậu Vinh vội vàng đi ra.

Kể đến đây cậu tôi dừng lại hỏi:

- Cháu thử đoán xem ngoài cổng có cái gì?

Suy nghĩ một lát, tôi trả lời cậu:

- Cháu nghĩ, chắc cũng không có chuyện gì to tát, chẳng qua con trâu, con bò nhà ai ban đêm sổng ra đi ăn cỏ rồi nằm ì lại, chó sủa không chịu đi.

- Cháu nói cũng có lý lắm nhưng chẳng phải con trâu, con bò hay con gì khác mà là con người…

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, bán tín, bán nghi, cậu kể tiếp:

- Cậu và vợ chồng cậu Vinh ra đến nơi sững sờ cả người. Thì ra đó là một chiếc nôi của trẻ. Phía trên nôi phủ một tấm ni lông che mưa bằng bao phân đạm. Mở tấm ni lông ra thấy một tấm chăn dù màu xanh cỏ úa, loại chăn của bộ đội, thanh niên xung phong thời đánh Mỹ. Tấm chăn dù được gấp làm đôi, một nửa lót phía dưới nôi, một nửa đắp cho em bé đang nằm ngủ ngon lành và một ít tã lót để bên cạnh. Thấy vậy, mợ Hồng thốt lên: “Trời ơi! Tội nghiệp quá! Ai lại đang tâm đem con bỏ trước nhà mình thế này”. Cậu Vinh đứng thừ ra nhìn. Ba cháu giục mọi người: “Thôi cứ đưa nó vào nhà rồi tính, kẻo trời mưa lạnh”. Vào đến nhà mới biết đó là một bé trai rất kháu khỉnh khoảng hơn một tháng tuổi. Lúc này cháu bé đã tỉnh giấc, miệng chóp chép, đôi mắt to, sáng đen lay láy nhìn mọi người. Mẹ cháu vội bế nó lên cho bú thì thấy ở dưới nôi có một mảnh giấy. Mợ Hồng cầm lên đọc, chỉ mấy dòng thế này: “Tôi là người phụ nữ, người mẹ bất hạnh, vì hoàn cảnh quá nghiệt ngã nên không thể nuôi nấng con mình được. Cầu xin anh chị mở rộng lòng từ bi, thương xót, cưu mang, nuôi dạy cháu thành người. Sống để bụng, chết mang theo, tôi sẽ không bao giờ quên công ơn trời biển của anh chị”. Cậu nói với mợ Hồng: “Như vậy là người này biết rõ về gia đình anh chị…”. Cậu Vĩnh bảo: “Ở vùng này ai mà chả biết... Theo tôi ngày mai mình báo với Uỷ ban xã để họ đưa cháu đến trung tâm nuôi trẻ sơ sinh bỏ rơi hoặc có ai đó muốn nhận nuôi…”. Nghe cậu Vĩnh nói thế, mẹ cháu mới vỗ vỗ vào vai ba cháu: “Hay là mình đem nó về nuôi anh?”. Ba cháu có vẻ lưỡng lự. Cậu biết mẹ cháu muốn nuôi đứa bé là xuất phát từ lòng trắc ẩn của một người mẹ trước tình cảnh một đứa trẻ bị bỏ rơi. Nhưng do điều kiện, hoàn cảnh của ba mẹ cháu lúc ấy còn nhiều khó khăn nên cậu ái ngại, can ngăn: “Vợ chồng em con đang còn nhỏ. Với lại mình cũng chưa biết sự tình thế nào. Có nhiều trường hợp tệ nạn xã hội, mắc căn bệnh thế kỷ, nhiễm chất độc da cam/dioxin… rồi khổ”. Thực tình lúc đó cậu nói theo cảm tính chứ không có ác ý gì và cũng không phải là hùa theo cậu Vĩnh. Cũng may chứ không lại trở thành tội đồ.

Tôi ngắt lời cậu:

- Cháu thấy cậu nói thế cũng phải, vì nếu mình không đủ điều kiện thì không nên nuôi.

- Thì ai mà ngờ được. Lúc ấy cậu và mọi người cũng nghĩ như cháu, mãi một lúc sau mợ Hồng mới lên tiếng với thái độ khá kiên quyết: “Vợ chồng tôi sẽ nuôi cháu. Đây là việc tâm phúc và cũng là ý trời. Tôi nghĩ người mẹ nào mà chẳng đứt ra từng khúc ruột. Nhưng nỗi buồn đau của người phụ nữ ấy chắc cũng đã được an ủi, nguôi khuây đi phần nào trong niềm hy vọng về tương lai, hạnh phúc của con mình. Vì vậy, làm sao mình có thể đành lòng mà chối từ”. Cậu Vinh gật gật nói với mợ Hồng: “Thế thì tuỳ em. Chỉ sợ em vất vả”. Mợ Hồng bế cháu bé vào lòng nựng nựng: “Con ngoan. Từ nay con là con của ba mẹ…”.

Mấy ngày sau mợ Hồng đưa cháu bé đi kiểm tra sức khoẻ và làm các thủ tục nhận con nuôi. Rồi làm lễ cúng báo cáo gia tiên cho cháu bé được trở thành thành viên của gia đình và dòng tộc.

Vậy là từ đó đứa bé được vợ chồng cậu Vinh nuôi nấng chăm sóc như con đẻ của mình. Cả nhà ai cũng yêu thương, nâng niu nó. Và quả thực là báu vật trời ban, nó rất dễ nuôi và chăm ngoan, học giỏi. Bây giờ nó đang làm giám đốc cho một công ty nước ngoài. Đợt này nó và cậu Vinh về để xây lăng mộ cho ông bà nội, ông bà ngoại và còn hỗ trợ dòng họ bên cậu xây dựng nhà từ đường cả tỷ bạc.

Nghe cậu kể, tôi quá bất ngờ vì chưa hề biết và cũng chưa bao giờ nghĩ rằng Quang là con nuôi chứ không phải là con đẻ của cậu Vinh, mợ Hồng.

Tôi hỏi cậu:

- Thế Quang có biết không và mẹ đẻ Quang có khi nào tìm về không?

- Cậu không biết. Mà theo cậu điều đó cũng không quan trọng.

Ngập ngừng, phân vân một hồi, tôi bộc bạch với cậu:

- Nhưng sao cháu thấy Quang giống cậu Vinh thế, cứ như là một bản sao.

- Điều đó, chắc mợ Hồng là người biết rõ và có thể ngay từ cái đêm hôm ấy. Thật là một người phụ nữ, người mẹ tuyệt vời… Mà có như vậy mới thành chuyện để hôm nay kể cho cháu nghe chứ.

Cậu tôi tủm tỉm cười.

                                                                                                V.X

 

VĂN XƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 351

Mới nhất

Tập huấn kỹ năng viết phóng sự cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

3 Giờ trước

TCCVO  - Trong 3 ngày 12 - 14/9, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn kỹ năng viết phóng

Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm lần 3

5 Giờ trước

TCCVO - Trung thu năm nay tại vùng biên giới Việt - Lào đã diễn ra trong không khí ấm áp, đơn giản nhưng đầy nghĩa tình. Do tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Bắc vẫn còn đang khắc phục, nên chương trình “Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm nơi biên giới lần 3” được tổ chức nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhưng vẫn ý nghĩa cho thiếu nhi hai bên biên giới...

Tỉnh Quảng Trị vận động quyên góp, ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại cơn bão số 3

12/09/2024 lúc 09:58

TCCVO - Chiều 11/9, tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động kêu gọi, vận động ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc

Vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024.

12/09/2024 lúc 04:01

Ngày 11/9/2024, tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ba Tầng, Trung tâm khám chữa bệnh từ thiện Thiện Lành và các nhà tài trợ tổ chức chương trình vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024. Đây là dịp để các cháu thiếu niên nhi đồng 2 nước Việt Nam và Lào được giao lưu, gặp mặt, vui chơi, phá cỗ đêm trăng.

Góp phần khẳng định vai trò của Công đoàn, biểu dương người lao động

10/09/2024 lúc 10:27

Công nhân và Công đoàn là mảng đề tài lớn của văn chương, báo chí. Nhưng có thể trong một thời điểm nào đó, ở một vài nơi, mảng đề tài này vẫn chưa được phản ảnh và khai thác tương xứng. Đối với những địa phương còn khó khăn, thị trường lao động chưa thật sự sôi động, thì các vấn đề của người lao động cũng ít được các phương tiện thông tin đại chúng chú trọng. Chính vì thế cuộc thi viết về "Công nhân & Công đoàn Quảng Trị" do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cùng Tạp chí Lao động & Công đoàn đồng tổ chức (từ tháng 4 đến tháng 8/2024) là một dịp để bạn đọc hiểu hơn sự đóng góp của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/09

25° - 27°

Mưa

18/09

24° - 26°

Mưa

19/09

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground