Xịch - tiếng động khô khốc vang lên báo hiệu một điều gì khủng khiếp sắp xảy ra. Cạch - tiếng chân chống chiếc xe máy vừa gây ra tiếng động ấy cùng lúc với đôi giày thể thao hầm hố cáu bẩn vừa chạm đất. Đó là “chuyên gia” đòi nợ - quân của bà Nga Hô ở xóm chợ.
Gã vừa cao vừa gầy, tóc húi cua, sống mũi cao, môi hơi dày và rộng. Nhìn gã cũng giống như mọi đàn ông khác ở cái tuổi gần ba mươi. Duy chỉ có thứ đáng giá để phân biệt gã với những gã đàn ông lương thiện khác đó là cặp mắt. Đôi mắt đen sâu hoắm như hồ nước không trông thấy đáy. Nay đôi mắt ấy càng sâu và lạnh lẽo hơn như mặt hồ vào mùa đông cùng một vết sẹo. Vết sẹo dài, chạy dọc từ đuôi mắt trái, qua má, nối đến tận dái tai. Ấy là chiến tích trong một lần đòi nợ cách đây mấy năm gã cũng không nhớ rõ. Tóm lại gã cũng không cần để ý đến nó. Dù không có nó, gã vẫn là một kẻ đòi nợ thuê cả phố huyện này khiếp sợ. Bây giờ có thêm nó cũng chỉ xem như gã vừa sắm cho mình một món trang sức, vậy thôi.
Minh họa: Thế Hà
Ngồi bên cửa kính ô tô nhìn ra ngoài, gã thấy mọi thứ cứ lùi về phía sau lưng như chính cuộc đời gã, càng bước tới càng thấy mọi thứ lùi xa dần. Sống chỉ để sống, thế thôi, không mục đích, không có cái gì được gọi tên rõ ràng. Làm chỉ để ăn, ăn để sống và sống để chờ… chết. Thế đấy! Nhiệm vụ của gã lần này là một con nợ xa - một mối làm ăn của Nga Hô. Cũng hay, lâu rồi gã không được đi đâu xa, chỉ như “con gà què ăn quẩn cối xay” quanh cái xóm chợ tồi tàn kia. Cũng lâu rồi gã không có cảm giác được ngồi ngẫm nghĩ như một con người bởi lâu nay gã vẫn chỉ được xem như một con chó cao cấp. Gã miên man chìm vào mớ ý nghĩ không đầu không cuối của chính mình.
- Chú ăn không? - Một giọng nói trong trẻo vang lên, đi kèm với nó là ánh mắt trong veo cùng đôi mắt mở to của một cô bé chừng sáu tuổi ngồi kế bên gã từ bao giờ.
Chắc cô bé vừa mới lên xe lúc nãy khi xe dừng, nhưng gã không để ý. Ừ mà gã có bao giờ để ý điều gì đâu. Trên tay con nhỏ là một chiếc kẹo mút đang chìa ra. Gã cầm lấy chiếc kẹo một cách vô thức.
- Sao mắt chú lại như thế? Chắc chú nghịch dại rồi bị bố đánh phải không? Cháu cũng có những cái như thế đây này.
Cô bé vừa nói vừa kéo chiếc váy để lộ những vết sẹo đen dài chằng chịt ở hai cẳng chân.
- Bố dượng cháu không thích cháu nghịch dại đâu vì bố bảo như thế rất nguy hiểm.
Trước mắt gã bây giờ không phải là cô bé sáu tuổi nữa mà chính là gã khi còn là một thằng bé mười tuổi. Mười tuổi, gã ở với ông bố dượng, chính ông ấy đã dạy cho gã hiểu rằng nếu ta cho đi một thì nhất định phải lấy lại mười. Những vết sẹo của gã nhạt dần trên da thịt theo thời gian nhưng những vết hằn trong tâm hồn một gã nòi nợ thuê ngày càng đen kịt lại.
Xe dừng.
- Xuống đi con!
Một giọng nói yếu ớt vang lên trên môi người đàn bà gầy gò dường như đã chịu quá nhiều sự vùi dập của một kiếp người. Con nhỏ quay sang vẫy vẫy tay chào tạm biệt. Nhỏ tặng gã một nụ cười hồn nhiên nhất mà gã từng thấy rồi lẽo đẽo đi theo người đàn bà xuống xe. Môi gã mấp máy nhưng chẳng có lời nào thoát ra khỏi đó. Chính gã cũng từng lẽo đẽo sau lưng mẹ xuống xe và bước vào căn nhà đó. Một căn nhà lạnh lẽo như chính chủ nhân của nó. Chính từ nơi ấy gã ngày ngày chứng kiến sự tủi nhục của mẹ gã và cũng chính từ nơi ấy gã lớn lên, thấy mình mạnh mẽ đến nổi chẳng ai dám đến gần. Và gã đã từng lấy làm hãnh diện về điều ấy - sức mạnh.
Bước chân đến cái thị trấn nhỏ bé này gã như một kẻ lạc loài. Ở đây, trông khuôn mặt ai nấy đều bình dị, chân chất như chính cái mảnh đất mong manh này. Gã mở quyển sổ ghi chép ra xem lại địa chỉ “khách hàng” rồi chép miệng: “Lại xóm chợ.”
Nhưng trước tiên gã phải uống cốc nước lấy lại sức sau hơn trăm cây số ngồi xe. Gã đưa mắt nhìn quanh rồi bước chân sang bên kia đường, đi thẳng vào cái quán nước đầu tiên mà gã nhìn thấy. Một cái quán cũ lẹp xẹp ép sát mình vào gốc cây bàng già chắc cũng đến cả trăm tuổi rồi chứ chẳng chơi. Trông vào quán, gã lại thấy một lão già già nua chẳng kém gì cái quán và cây bàng ngoài kia. Gã ngồi xuống bàn, từ sau cái tủ kính đã cũ nhưng sạch sẽ, tiếng một bà già hỏi vọng ra:
- Cậu dùng gì?
Gã gọi một ly chanh đá. Trong lúc ngồi chờ, gã đảo mắt quanh cái quán nước tồi tàn. Điểm đáng chú ý nhất của nó có lẽ là phía bên phải, nơi kê một chiếc bàn dài với trăm nghìn thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh tràn xuống tận dưới gầm rồi lan sang cả hai bên bàn. Ở đó, một ông già ngồi quay mặt vào trong, lưng còng xuống như bị vật gì nặng lắm đang đè lên. Tóc ông bạc trắng phất phơ bay dưới cái quạt nhỏ được treo ngay trên đầu. Ông già loay hoay với những món đồ nghề để sửa một chiếc quạt máy hỏng. Gã đưa mắt nhìn ra tấm biển hiệu trước quán. Bên cạnh biển hiệu quán nước là biển hiệu được viết tay bằng sơn đỏ: “Nhận sửa chữa: quạt, nồi cơm điện, các loại máy móc…”
- Bà ơi, lấy cái túi treo trên cột trong nhà ra đây giúp tôi với.
Ông già quay đầu lại khàn khàn cất tiếng. Gã chỉ kịp nhìn thấy trên khuôn mặt nhăn nheo ấy là một đôi mắt vẫn còn tinh tường nhanh nhẹn sau cặp kính trễ xuống tận sống mũi. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng không hiểu sao dường như có một luồng điện chạy dọc qua sống lưng gã. Gã thấy ông già kia sao mà quen quá. Nhất là đôi mắt tinh anh cùng cặp kính trễ xuống ấy. Gã cố moi trong mớ ký ức lộn xộn xem đã từng gặp ông già ấy ở đâu nhưng ký ức của gã như có một màn sương mù bao phủ mà gã không tài nào bước vào được. Đầu đau nhức, gã bỏ cuộc thôi không lục lọi ký ức nữa. Uống ực hết li nước mát trên tay, gã đứng dậy trả tiền rồi hỏi thăm đường đến nhà “khách hàng” của gã. Thì ra nó chỉ ở phía cuối cái chợ nhỏ này, cách đây chừng hai trăm bước chân.
Với vẻ mặt lầm lì của một tên đòi nợ thuê, gã giở những ngón nghề quen thuộc sau khi bước chân vào hiệu cầm đồ. Sau một hồi cả xóm chợ om sòm huyên náo bởi tiếng cãi vã, tiếng đồ đạc bay vèo vèo ra sân, rơi xuống, chạm đất và vỡ toang, bà chủ hiệu cầm đồ hẹn với gã sáng mai quay lại lấy tiền vì gấp quá bà ta chưa kịp chuẩn bị. Ừ mai thì mai, nói sớm chút có phải đỡ mất công hơn không, nhưng dù sao gã cũng đang có thời gian, ở lại đây một ngày cũng tốt.
Gã quay lại con đường vừa đến lúc nãy. Đi chừng hai trăm bước chân, gã lôi điện thoại trong túi quần ra định gọi cho bà chủ Nga Hô, vừa nhìn vào cái quán tồi tàn lúc nãy đưa mắt tìm ông già sửa đồ. Mắt gã vừa thoáng nhìn thấy cặp kính trễ xuống thì “bốp” - một cú đánh như trời giáng vào sau đầu khiến gã ngã gục xuống đất khi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một chiếc xe máy lao vọt đi. Mắt gã hoa lên như đang nhìn trực tiếp vào mặt trời, vũng máu tươi giữa mặt đường nhựa ánh lên một màu đen thẫm kỳ quái. Mi mắt gã khép lại với hình ảnh cặp kính trễ xuống sống mũi.
* * *
“Thầy rất buồn vì hành động của em hôm nay. Thầy biết em có lý do để làm điều đó nhưng hại người rồi lại bị người hại thôi em ạ”.
…
“Em có chắc là muốn đi không?” - Đôi mắt sau cặp kính trễ xuống nhìn chằm chằm vào thằng bé 10 tuổi đang cúi gằm mặt, hàm răng trên cắn chặt môi dưới lại để không phải bật ra tiếng nấc.
…
“Thầy hy vọng sau này sẽ được gặp lại một chàng trai tử tế” - Thầy cười, bàn tay xoa nhẹ lên mớ tóc cứng queo của đứa học trò ngỗ nghịch nhất lớp.
Nó quay phắt người chạy ào đi để khỏi phải nhìn thấy đôi mắt buồn sau cặp kính trễ xuống của ông giáo làng. Thằng Tân chạy theo túm lấy lưng áo nó kéo: “Mày định cứ thế mà đi thật à? Ở lại đi Nhân!” Nó cúi đầu chạy một mạch ra khỏi cổng trường rồi hụt chân, ngã khuỵu…
* * *
Bừng tỉnh. Trước mắt gã là cái quạt trần đang xoay tít. Gã định thần lại.
- Cậu tỉnh rồi à? Sao thế? Vừa mơ thấy gì à? - Cặp mắt dịu dàng sau cặp kính trễ xuống đang nhìn gã.
Thầy, đúng là thầy rồi - người thầy cuối cùng trong đoạn đời học chữ của gã. Những mảng ký ức như một đám lá khô bị cơn gió thổi tung lên chợt ùa về. Gã khẽ gật đầu. Bây giờ trông gã đòi nợ thuê ngoan ngoãn như một con mèo rơi xuống sông ướt sũng được người ta thương tình cứu rỗi.
- Cậu cứ nằm yên để tôi đi gọi bác sĩ.
Ông giáo đi ra khỏi cửa rồi quay lại sau chưa đầy một phút cùng cô bác sĩ của trạm y tế. Cô ta khám vết thương cho gã rồi hỏi gã vài câu đảm bảo trí nhớ gã vẫn đang ở lại trong não bộ. “Hỏi gì mà hỏi, không những không mất trí mà còn nhớ lại rất rõ ràng những chuyện trước kia không tài nào nhớ nổi” - gã nghĩ thầm.
Sau một hồi làm xong trách nhiệm của mình, cô bác sĩ rời khỏi phòng. Giờ chỉ còn gã đối diện với ông giáo. Gã không biết tại sao ông giáo lại lưu lạc đến nơi đây và trở thành một ông thợ sửa đồ điện, nhưng có một điều gã rất chắc chắn là đôi mắt với ánh nhìn trìu mến sau cặp kính trễ ấy vẫn thế, chưa bao giờ thay đổi.
- Cậu có nhớ số điện thoại của người nhà không để tôi gọi giúp cậu nhé, điện thoại của cậu bị chúng nó giật mất rồi.
Gã lắc đầu không nói gì. Gã biết nói gì bây giờ. Mẹ gã vì buồn lòng mà sinh bệnh rồi chết cách đây đã mười năm. Còn ông bố dượng nát rượu nếu bây giờ có ai nhắc đến tên gã chắc ông ta cũng chẳng biết Nhân là thằng nào. Người thân ư! Gã hoàn toàn cô độc. Lần đầu tiên gã thấy sợ sự cô độc đến vậy.
- Thôi có gì từ từ hẵng tính, cậu ăn tí cháo đi. Cậu mất bao nhiêu máu đấy. May nhờ cô bác sĩ giỏi vừa tăng cường về trạm này nên cậu mới sống được đấy. Ăn đi, từ từ thôi.
Gã cầm lấy chén cháo thầy đưa cho, hiền lành và ngoan ngoãn. Gã nuốt từng thìa cháo và cố gắng nuốt luôn những giọt mặn nơi khóe mắt. Gã không thể cất tiếng gọi “thầy ơi” bởi từ khi xa thầy chưa ngày nào gã sống như một người tử tế. Câu nói của thầy trước lúc chia tay văng vẳng luẩn quẩn trong đầu óc gã: “người tử tế, người tử tế”. Thầy chẳng mong muốn gì, chỉ mong mình trở thành một người tử tế, ấy vậy mà…
- Cậu cứ ở lại đây vài ngày cho khỏe hẳn rồi hẵng đi. Bây giờ tôi phải ghé qua nhà một lát. Cậu nằm xuống nghỉ ngơi đi nhé! - Giọng thầy khàn khàn, đôi mắt sau cặp kính trễ xuống như nhìn thấu tâm can gã.
Thầy bước ra cửa, lưng còng xuống nặng gánh thời gian. Gã lảo đảo đứng dậy. Với gã những lần “máu chảy đầu rơi” như thế này là chuyện thường như cơm bữa nhưng sao lần này gã có cảm giác không còn đủ sức để chịu đựng. Lần theo hành lang, gã đi về phía con đường bê tông chạy dài cắt ngang một quãng đồng rộng. Xa xa, trong ánh chiều tà, những mái nhà sực lên mùi cơm gạo mới.
Gã không biết mình đang đi đâu, chỉ là theo hướng mặt trời cuối ngày đang tỏa ra một thứ ánh nắng dịu dàng chảy tràn khắp cơ thể gã, chiếu rọi gã. Bên tai gã vang đến câu nói của ông giáo làng. Bất giác, gã ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào vầng mặt trời đỏ ối kia, gã chẳng còn thấy hoa mắt chút nào mà chỉ thấy ở đấy một đôi mắt hiền dịu sau cặp kính trễ xuống. Gã mỉm cười, hít một hơi thật sâu, nhìn quanh để ghi nhớ vùng đất này như một lời hứa hẹn trước khi từ giã. Tiếng chuông chùa bên kia cánh đồng vẳng lại lan trong nắng chiều vàng mịn. Chiều nay, nắng không tắt.
T.V