| LTS: Sáng 25/5/2023, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 thảo luận ở tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, kế hoạch 2023. Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội đã phát biểu về vấn đề này. “Cục máu đông” gây tắc nghẽnNêu lên thực trạng đến giữa tháng 5 này dòng tiền tồn dư trong ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao, vượt mốc 1 triệu tỉ đồng nhưng không thể tiêu được, đồng chí Hà Sỹ Đồng cho đây chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn, khi mà tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước vẫn nằm “đắp chiếu” chủ yếu tại Ngân hàng Nhà nước và đã không quay trở lại được nền kinh tế do vướng ở kênh giải ngân đầu tư công. Thực trạng này thực ra đã được nhận diện khá lâu. Các nguyên nhân được chỉ ra mỗi năm một dài thêm, nhưng rốt cuộc, điểm mấu chốt của vấn đề có lẽ tới nay vẫn chưa thể được giải quyết triệt để. Thực tế này chưa thể được khai thông một sớm một chiều, do đó tôi ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp của Quốc hội và Chính phủ theo hướng tiếp tục hoãn, giãn, giảm một số khoản thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người dân, đồng thời giúp cân bằng bớt lại với việc chi đầu tư phát triển thực hiện chậm. Tính từ đầu năm tới ngày 17/5, Kho bạc Nhà nước vẫn phải phát hành trái phiếu huy động vốn trong nước tới 158 nghìn tỉ đồng trong khi mức đáo hạn trái phiếu chính phủ chỉ có 17 nghìn tỉ đồng, tức mức vay ròng từ nền kinh tế là 141 nghìn tỉ đồng. Và số tiền này có lẽ vô tình cũng đang tương đương với lượng tiền Kho bạc Nhà nước đấu thầu theo lãi suất thị trường tiền tệ gửi chủ yếu tại nhóm Ngân hàng thương mại Nhà nước. “Đành là cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn dỗi, nhưng liệu chính sách tài khóa có thực sự phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế hay không?”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi. Cần giảm mặt bằng lãi suất cho vayTrong bối cảnh áp lực lạm phát và tỷ giá không còn căng thẳng như giai đoạn những tháng cuối năm 2022 khi mà các yếu tố quốc tế liên quan đang trở nên thuận lợi, còn các yếu tố trong nước, dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, chính sách tiền tệ, bởi vậy, đã có thêm dư địa để theo đuổi mục tiêu hạ mặt bằng lãi suất cho vay nền kinh tế. Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, yếu tố quốc tế quan trọng nhất là nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm dừng tăng lãi suất chính sách, sau đó duy trì mặt bằng lãi suất đạt được 1 thời gian ngắn trước khi cắt giảm dần về ngưỡng trung tính 2,5%/năm trong dài hạn. Theo chân Fed, nhiều NHTW khác sẽ có động thái chính sách tương tự. Điều này khiến thị trường tài chính quốc tế dần ổn định trở lại, kéo theo rủi ro trên thị trường tài chính – tiền tệ trong nước suy giảm. Với yếu tố trong nước, điểm nhấn nằm ở nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính - ngân hàng vẫn đang hiện hữu, phải trông đợi vào nỗ lực hóa giải hiệu quả của Chính phủ. Cụ thể, một loạt những khó khăn, thách thức, đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản – trái phiếu doanh nghiệp – hoạt động ngân hàng, đang được Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xử lý mạnh mẽ, quyết liệt, với nhiều giải pháp chính sách, cả căn cơ lẫn tình thế. Nguy cơ đổ vỡ thị trường tài chính, thậm chí khủng hoảng kinh tế đã tạm được hoá giải, tuy nhiên vẫn cần nhiều thời gian và nguồn lực để tháo gỡ, xử lý triệt để. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã điều hành và kết hợp đồng bộ nhiều công cụ, giải pháp chính sách tiền tệ, bao gồm: hạ một số loại lãi suất điều hành, hạ trần lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, hạ lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên vào trung tuần tháng 3, đầu tháng 4; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thị trường tiền tệ; điều hành tỉ giá theo hướng hỗ trợ tích cực cho thị trường nội tệ; nới lỏng một số quy chế an toàn; và sau cùng là các biện pháp hành chính vẫn còn hiệu lực mạnh mẽ khác. Tuy nhiên, theo nhận định của đại biểu Hà Sỹ Đồng thì khả năng kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp và người dân đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lực cản lớn nhất nằm ở chỗ rủi ro tín dụng đang cao, khiến bên cho vay luôn đòi hỏi một mức bù lãi suất tương đối nếu khách hàng thực muốn vay và chấp nhận vay. Với nhóm khách hàng tốt, có mức tín nhiệm cao, sẽ có khả năng tiếp cận tín dụng với mức lãi suất tốt, nhưng thực tế với bối cảnh kinh tế hiện nay, họ không có nhiều nhu cầu vay mượn. Mặt khác, sự yếu kém kéo dài tới nay của hệ thống ngân hàng nói chung, dù đã được nhận diện từ rất lâu và đã trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ tái cơ cấu cay đắng, đã cản trở đáng kể các nỗ lực hạ lãi suất. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.
Lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát 2023Từ thực tế nêu trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng quan ngại cho triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay có nhiều khả năng cao chỉ đạt dưới đáng kể ở ngưỡng 6%. Bởi theo quan sát phía tổng cung, đơn cử như khu vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng tới 30% GDP nhưng gần như không tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng GDP của cả năm 2023. Cụ thể hơn, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ, trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nhưng giảm 2,1%. Các ngành được coi là trụ cột của xuất khẩu đều suy giảm so cùng kỳ năm trước, như: sản xuất hàng điện tử giảm 4,3%; trang phục giảm 1,8%; gỗ giảm 9,6%; máy móc thiết bị giảm 1%. Chỉ báo về sản lượng điện tiêu thụ giảm, cụ thể 4 tháng đầu năm giảm 0,4% so cùng kỳ năm trước, cho thấy bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp đang sa sút. Hay như chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) tiếp tục bị thu hẹp, ở mức 46,7 điểm, dưới ngưỡng 50 điểm lần thứ 5 trong 6 tháng qua, nguyên nhân do sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm khi mà nhu cầu khách hàng yếu. Quan sát phía tổng cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục giảm chưa có dấu hiệu hồi phục, trong đó vế nhập khẩu sụt giảm mạnh hơn vế xuất khẩu, tập trung vào khu vực doanh nghiệp FDI, khiến cán cân thương mại hàng hoá 4 tháng đầu năm thặng dư cao tới gần 7,6 tỉ USD nhưng lại báo hiệu chu kỳ sản xuất xuất khẩu tiếp theo là bi quan. Với cấu phần tiếp theo, Vốn FDI đăng ký và vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm giảm lần lượt là 17,9% và 1,2% so với cùng kỳ. Điểm lưu ý là chính sách “thuế tối thiểu toàn cầu” có hiệu lực từ đầu năm tới cùng một chính sách không chính thức đang hình thành là nhà đầu tư phân biệt đối xử các quốc gia “theo phe được xếp vào”, khiến loạt các ưu đãi nhằm thu hút FDI của chúng ta bị suy giảm hiệu lực, hiệu quả. Về cấu phần chi tiêu ngân sách nhà nước, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm chắc không cần phải bàn thêm ở đây nữa. Chỉ xin lưu ý là kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm nay rất lớn về số tuyệt đối. Như thế, áp lực hoàn thành giải ngân vốn trong 7 tháng còn lại của năm 2023 sẽ rất nặng nề. Tình trạng và triển vọng công ăn việc làm, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành nghề chính cho thấy rõ. Chính chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đang có xu hướng giảm tốc (cụ thể: tháng 4 chỉ tăng 11,5% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trung bình của 3 tháng đầu năm là 15,5%), cũng phản ánh tiêu dùng trong nước chậm lại. Nhìn bao quát, thực trạng tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế và thực trạng thu chi ngân sách nhà nước, hay cả thực trạng thị trường chứng khoán đã cho thấy bức tranh chân thực và thuyết phục về sức khỏe của nền kinh tế. Ngoài ra, xu hướng tỉ giá VND với USD cũng cho thấy, cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nước ngoài đang suy yếu thế nào. Do tổng cầu suy yếu, cả từ cầu tiêu dùng, cầu đầu tư, bao gồm cả đầu tư công, đến cầu ngoại thương, khiến áp lực lạm phát đã giảm nhanh. Giai đoạn mấy tháng qua, đường biểu diễn CPI tổng thể so cùng kỳ năm trước đã rơi vào vùng trũng. Sang nửa cuối năm, CPI có thể tăng đáng kể trở lại dưới tác động của các yếu tố giá điện, lương cơ sở, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, v.v… tăng theo lộ trình. Bên cạnh đó, nếu tổng cầu hồi phục tích cực trong quý cuối năm, áp lực lạm phát mới được bộc lộ trở lại. Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, khả năng cao, mức tăng giá bình quân năm nay so năm trước chỉ quanh ngưỡng 4%, thấp đáng kể so chỉ tiêu lạm phát 2023 Quốc hội giao./. | |