Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 22/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người xưa đọc sách

Sĩ tức là tầng lớp nho sĩ, có học, xếp đứng đầu, và đương nhiên kẻ sĩ thời phải biết đọc sách, sách ở đây chủ yếu là sách thánh hiền, phổ biến là tứ thư, ngũ kinh.

Cụ già đọc sách - Ảnh: Pinterest

Cụ già đọc sách - Ảnh: Pinterest

Người xưa đề cao vai trò của sách có khi quá mức. Họ cho rằng thư trung hữu ngọc (trong sách có ngọc), hay Vạn ban giai hạ phẩm / duy hữu độc thư cao (mọi việc đều thấp kém, duy chỉ có đọc sách là cao quý). Nhà bác học Lê Quý Đôn có câu: Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng / Không bằng kinh sử một vài pho. Cổ ngữ Trung Hoa cũng nói: Để cho con một rương vàng không bằng để cho con một cuốn sách. Ca dao Việt xưa cũng có một câu vẽ nên khung cảnh đầy thi vị ở nông thôn Bắc Bộ: Sáng trăng trải chiếu hai hàng / Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ. Đọc sách học được nhiều điều hay, trong đó có đạo lý thánh hiền, mở mang đầu óc và đọc sách cũng là để đi thi, đỗ đạt làm quan, đó là ước mơ của bao nhiêu người mộng đèn sách. Cưới vợ chỉ là tiểu đăng khoa, thi đỗ mới là đại đăng khoa. Cho nên thời hiện đại, nhà thơ Nguyễn Bính vẫn nhắc lại trong bài thơ Trăng sáng vườn chèRằng tôi khuyên sớm, khuyên trưa / Rằng chưa thi đỗ thì chưa động phòng / Một quan là sáu trăm đồng / Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi / Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy / Hai bên có lính hầu đi dẹp đường...

Tác dụng to lớn về mặt tinh thần, kiến văn được Hoàng Đình Kiên, một danh sĩ thời Bắc Tống nhìn nhận: Sĩ đại phu tam nhật bất độc thư, đối kính giáo diện mục khả tăng, hướng nhân diệc ngữ ngôn vô vi, nghĩa là: kẻ sĩ ba ngày không đọc sách, thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe. Đọc sách ngoài việc thu nhận tri thức, học đạo thánh hiền còn là để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Quý sách và sách quý có nhiều chuyện thú vị, xin kể ra đây một dẫn chứng nổi tiếng. Ai cũng biết danh tính Lã Bất Vi thời Chiến quốc được cho là gắn liền với thương vụ có một không hai tầm cỡ quốc gia là buôn vua nhưng không phải ai cũng biết còn có in sách gây được tiếng vang trong thiên hạ lúc bấy giờ. Số là Lã Bất Vi làm thừa tướng nước Tần dưới thời Tần Doanh Chính, muốn thu hút nhân tài, chấn hưng văn hóa nên mời các kẻ sĩ ưu tú trong thiên hạ làm thực khách để soạn nên bộ sách Lã Thị Xuân Thu, được xem là kiệt tác đương thời.

Sự kiện văn hóa lớn này đã được sử gia xuất chúng Tư Mã Thiên ghi nhận trong tác phẩm lừng danh của ông là Sử ký như sau: Bấy giờ ở Ngụy có Tín Lăng Quân, ở Sở có Xuân Thân Quân, ở Triệu có Bình Nguyên Quân, ở Tề có Mạnh Thường Quân, đều đua nhau quý kẻ sĩ, chiều tân khách. Bất Vi thấy Tần mạnh mà mình không bằng họ nên xấu hổ cũng đón mời các kẻ sĩ đãi rất hậu, khách ăn trong nhà có đến ba nghìn. Khi ấy chư hầu có nhiều biện sĩ, như bọn Tuân Khanh làm sách truyền bá ra thiên hạ. Bất Vi bèn sai các khách soạn ra những điều mình biết, họp lại làm tám Lãm, sáu Luận, mười Kỷ gồm hơn hai mươi vạn chữ, cho là đủ hết những việc trời, đất, muôn vật, xưa nay; đặt tên sách là Lã Thị Xuân Thu.

Chưa hết, khi sách ra đời, Lã Bất Vi cho trưng bày bộ sách ở cửa thành kinh đô Hàm Dương và bố cáo treo thưởng: nếu ai chỉ cần thêm hoặc bớt một chữ trong sách thì sẽ được thưởng ngàn vàng. Thành ngữ Nhất tự thiên kim (một chữ ngàn vàng) xuất xứ từ đó mà ra. Không ai nhận lời sửa chữ trong sách này cả nhưng danh tiếng của bộ sách thì càng được lan rộng gần xa, càng được nhiều người biết đến. Đúng là một chiêu thức quảng bá của viên quan đầu triều xuất thân là một thương gia đặc biệt.

Ấy là chuyện đọc sách của một viên quan thừa tướng bên Tàu. Vậy còn ở nước ta, ngày xưa vua là cao nhất thiên hạ, là thiên tử (con trời) vậy vua có đọc sách không và đọc như thế nào? Xin thưa dù bận trăm công nghìn việc nhưng hễ là những bậc quân vương có trách nhiệm với xã tắc thì quyết không thể xa rời sách vở. Chẳng hạn như vua Lê Thánh Tông nói về việc cần thiết phải đọc sách như sau: Lúc rảnh sau muôn việc, trong khoảng nửa ngày, mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn, không nghe huyên náo, lòng như hoa thơm, dục thần ít trong, ở yên cao hứng, bèn hăng hái nghĩ đến các bậc đế vương thánh triết, đến lòng cặn kẽ của những bề tôi trung lương, mới gọi Giấy, Bút, Mực, Nghiên đến bảo cho biết rằng: Tình của ta thư thái, khí tinh anh cuồn cuộn tuôn ra, lời khuôn mẫu từng từng lớp lớp, các ngươi có thể vì ta ghi lấy được không?

Vua còn cho tập hợp các vị đại khoa tên tuổi lập hội sáng tác mang tên Tao Đàn, để cùng nhau đọc sách, ngâm vịnh. Lê Thánh Tông cũng nói rõ việc này để quần thần và bá tánh được rõ: Bài nào cũng chọn chữ kỹ càng, điệu vần sang sáng, dâng lên ta xem, lòng ta rất vui, xem kỹ hai ba lần. Ta nghĩ cán cân văn chương phải là công khí, không muốn chỉ để riêng ta thưởng thức một lúc, mới sai khắc bản in để truyền bá được rộng.

Liên quan đến chuyện đọc sách, tương truyền vua Tự Đức khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du đến hai câu miêu tả anh hùng Từ Hải: Chọc trời khuấy nước mặc dầu / Dọc ngang nào biết trên đầu có ai thì bảo nếu Tố Như còn sống chắc sẽ phạt trượng đánh đòn vì “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” là khi quân phạm thượng, coi vua cũng chẳng ra gì (?).

Cũng thời vua Tự Đức, nhà thơ, cử nhân Lê Ngô Cát đang làm quan ở biên viễn phía Bắc được triệu về kinh để tham gia sửa lại bộ Quốc sử diễn ca. Ông tuân mệnh dốc lòng cho công việc hoàn thành. Khi vua xem bộ sử, đọc thấy bốn câu về Bà Triệu của ông Lê Ngô CátVú dài ba thước dắt lưng / Cưỡi voi đánh trống trong rừng kéo ra / Cũng toan gánh vác sơn hà / Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam, vua thích thú và sửa “cũng toan” thành “ghé vai” rồi bảo: “Vậy đàn ông nước Nam đi đâu cả?”. Vua thưởng cho ông Lê Ngô Cát tấm lụa và hai đồng tiền vàng. Bạn hữu biết tin chúc mừng nhà thơ. Ông bèn cao hứng đọc hai câu thơ nửa đùa nửa thật: Vua khen thằng Cát có tài/ Ban cho cái khố với hai đồng tiền. Việc đến tai Tự Đức, vua cho rằng ông chê vua keo kiệt nên lại cho ông ra làm tiếp Bố chánh tỉnh Cao Bằng, nơi ông từng tòng sự với chức quan này trước khi được triệu về kinh sửa Quốc sử diễn ca, trong lúc lẽ ra ông phải được làm quan ở chỗ khác.

Bà và cháu cùng niềm đam mê sách - Ảnh: Lệ Thủy

Bà và cháu cùng niềm đam mê sách - Ảnh: Lệ Thủy

Say mê đọc sách, chịu khó đọc sách, nghiền ngẫm sách thì mới có thể thành tài. Như Mạc Đĩnh Chi dù nhà nghèo, phải đi kiếm củi nhưng rất chăm đọc sách, có được sách là như bắt được vàng. Nhà khó, không đủ dầu thắp thì đốt lửa lên mà đọc sách. Nhờ vậy thi cử đỗ đạt trạng nguyên, danh tiếng lừng lẫy. Chăm đọc sách thiên kinh vạn quyển mới mong thành người nhiều chữ, hay chữ như Cao Bá Quát. Còn nếu kém cỏi, không chịu học hành, đọc sách thì lại bi chê cười như khi nhà thơ Tú Xương trào phúng nổi tiếng cười nhạo một ông quan coi thi: Sơ khảo khoa này bác cử Nhu / Sách như hũ nút, chữ như mù / Văn chương lọ phải là đơn thuốc / Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu.

Ngày xưa số người biết chữ và đọc sách không nhiều nên văn hóa đọc như cách nói thời nay không lan tỏa như trong thời hiện đại, nhưng nhiều tác phẩm vẫn ăn sâu vào ký ức và đời sống dân gian hàng ngày, ví như Truyện Kiều của Nguyễn Du ở nước ta, nhất là với xứ Nghệ. Đáng nói trong sinh hoạt văn nghệ dân gian, tầng lớp bình dân đọc Kiều, lẫy Kiều, đố Kiều và còn cả bói Kiều, một hiện tượng chưa từng có trên thế giới và có lẽ chỉ tồn tại với Truyện Kiều mà thôi.

Muốn kiểm tra người khác đọc Kiều có kỹ không và phản ứng có nhanh nhẹn, linh hoạt không thì người ta hay đố Kiều, đây là một trò chơi văn chương đặc sắc, cả câu hỏi lẫn đáp án đều lấy từ Truyện Kiều, có khi nguyên văn, có khi tổ hợp từ nhiều câu Kiều khác nhau. Ví dụ hỏi đáp nguyên văn như: Truyện Kiều anh đã thuộc lòng / Chỗ nào tơ liễu mà không buông mành?, đáp: Dưới cầu nước chảy trong veo / Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha...

Đọc sách quá nhiều lợi ích tưởng không có gì đáng lưu ý, đọc và chỉ đọc mà thôi. Nhưng không, người xưa cũng sâu sắc và tinh tế lắm. Mạnh Tử có khuyên: Tận tín thư bất như vô thư (tin hết ở sách thì thà đừng đọc sách còn hơn). Một câu nói thoạt nghe có vẻ nghịch lý, trái chiều song ngẫm lại thấy rất bổ ích. Sách đúng là “túi khôn”, là tinh hoa văn hóa nhưng những cuốn sách cụ thể cũng có những giới hạn của nó, chưa kể những sai sót mà có tác giả vô tình hay hữu ý để xảy ra. Nến phải đọc sách bằng một tinh thần kế thừa và phê phán, biết gạn đục khơi trong, biết so sánh, đối chiếu, biết suy luận và chiêm nghiệm mới đúng thực sự là người biết đọc sách, để trở thành người đọc sách chuyên nghiệp. Lại nữa, phương Đông có câu Đa thư loạn tâm để ngăn ngừa chứng bệnh “ngộ chữ” của người đọc quá nhiều sách, nhất là những sách khó hiểu mà không tiêu hóa, khâu tiếp nhận có nhiều vướng mắc gây ra những sự cố tâm thần, hay ít ra cũng tâm trí bất an, rối loạn.

Nhận thức là một quá trình và đọc sách còn phụ thuộc vào tư duy, sự trải nghiệm của người đọc, vì sách vở không chỉ là chữ nghĩa mà còn là chính cuộc đời. Vương An Thạch, tể tướng đời Tống có làm hai câu thơ: Minh nguyệt sơn đầu khiếu / Hoàng khuyển ngọa hoa âm, nghĩa là: trăng sáng hót đầu núi, chó vàng nằm lòng hoa. Thi sĩ nổi tiếng Tô Đông Pha đọc cảm thấy vô lý, bèn chữa lại là: Minh nguyệt sơn đầu chiếu / Hoàng khuyển ngọa hoa âm, nghĩa là: trăng sáng rọi đầu núi, chó vàng nằm (dưới) bóng hoa để theo ông là hợp lý hơn. Mấy năm sau, Tô thi sĩ được bổ làm quan ở đảo Hải Nam. Lúc đó ông mới biết là vùng này có loài chim tên Minh Nguyệt hay hót đầu núi và loại sâu tên Hoàng Khuyển chỉ thích nằm trong lòng hoa, lúc ấy mới biết rằng kiến thức thực tế mình có chỗ không bằng Vương An Thạch.

Xem vậy, mới biết nhiều khi đọc sách cũng không phải là chuyện giản đơn.

 

 

THUẬN AN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 319

Mới nhất

Đại hội Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030

9 Giờ trước

TCCVO - Chiều nay 21/12, Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị tổ chức đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Dự đại hội có NSND Huỳnh Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị - Nguyễn Văn Dùng, đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị.

"Tiết học Biên cương" giáo dục lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ

21 Giờ trước

Ngày 19/12/2024, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cùng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thành (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức Chương trình “Tiết học Biên cương”...

Tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đensavan

20/12/2024 lúc 19:49

Ngày 16/12, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT)Lao Bảo (Bộ đội biên phòng Quảng Trị) và Đồn Công an Cửa khẩu quốc tế Đensavan (Công an Savannakhet - Lào) tổ chức Hội đàm 6 tháng cuối năm 2024.

Hai nhạc sĩ Quảng Trị đoạt Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024

17/12/2024 lúc 14:38

TCCVO - Tối 15/12, Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND

Bế mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024

17/12/2024 lúc 00:02

TCCVO - Sau 4 ngày diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, tối 16/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

23/12

25° - 27°

Mưa

24/12

24° - 26°

Mưa

25/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground