Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/09/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Bước ra khỏi chiến tranh, Vĩnh Linh chẳng còn gì ngoài sự vĩ đại và anh hùng mà năm châu đã khen ngợi. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh, ngoài những thứ đã tỏ tường, tôi kiếm tìm những bộn bề nhỏ nhặt từ nơi chôn nhau, những mảnh ghép còn lại có dáng dấp đặc trưng của Vĩnh Linh để ghép vào với thành quả oai hùng của nơi địa đầu như viên kim cương này.


* * *

Đội 5, hợp tác xã Nam Hồ, đó là ngôi làng đặc biệt - nếu gọi như vậy cũng không sai, vì nó nằm trên vị trí của Ủy ban hành chính Khu vực Vĩnh Linh, là các Ty, Sở… Ủy ban Quốc tế giám sát khu phi quân sự ngày xưa. Cũng như các Đội, Đội 5 ngày đó nhỏ nhắn khiêm nhường. Trong mắt tôi, nó nằm nghiêng nghiêng phía dưới đường 20 nhìn lồng lộng ra hai cánh đồng: Trằm và Trại Quan. Tôi mê cánh đồng Trằm, gọi là cánh đồng nhưng thực ra chỉ là một doi ruộng chạy dài theo mép làng, tầm vài héc-ta. Nó cong cong xinh xắn như chiếc vương miện được gắn lên triền đất đỏ vừa hoàn thành sứ mệnh với non sông.

Từ lâu, tôi đã ước mơ mai kia cánh đồng Trằm sẽ là công viên, là lá phổi, là điểm nhấn ý nghĩa của một “thành phố lũy hoa”. Ngó lên phía bắc nơi thị trấn Hồ Xá tươm tất, có cái bồ tháp nước, đó mới là thứ to lớn, là điểm nhấn, là biểu tượng của Vĩnh Linh có hàng chữ chạy quanh trên chót vót: Đánh cho giặc Mỹ tan tành, năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng. Nếu leo lên tháp nhìn xuống Đội 5 là một thửa đất vuông vắn tươi tốt; nhìn về phía nam, có con đường Cáp Lài làm ranh giới với Đội 1, nó chạy về hướng đông 400 mét thì gặp tháp nước Hồ Xá bị bom đánh chỉ còn trơ bộ khung (tháp nước này được thi công năm 1960 bằng bê tông cốt thép, khác bồ tháp nước xây dựng bằng sắt sau ngày thống nhất).

Tháp nước Hồ Xá - hình ảnh can trường của miền Bắc xã hội chủ nghĩa năm 1960

Nhà tôi ở giữa ngôi làng đặc biệt đó, nương trong những túp lều tranh nằm lọt giữa mảnh vườn hơn một sào đất. Ngớt bom đạn, cây cối tranh thủ mọc. Mỗi loài cây được phân một khu vực riêng: Cây tiêu cùng cây mít quấn quýt mọc chắn ở hướng đông bắc, che gió lùa khi đông về; trước nhà có vườn chè sâm sẩm lá, đầu năm trắng ngần hoa chè nở, cuối năm lún phún nở hoa tiêu; có hai hàng rau ngót lá mỏng xếp đều trên chùm quả trắng trang trí từ cổng vào, cũng là ranh giới của hai phần đất trồng một bên là cây thuốc lá và một bên là cây môn “lựu đạn”.

Về cây thuốc lá thì có rất nhiều câu chuyện, tôi sẽ kể sau, còn cây môn lựu đạn thì tốt lạ lùng - tôi có thể đi lại dưới hai dãy bẹ lá khép tán, đưa tay đẩy bẹ qua một bên mới thấy trời. Mỗi khi có chiếc phản lực diễn tập bay ngang, cảm giác đứng dưới lá môn thật yên tâm khi hình dung cảnh bom rơi là như được che chở… Còn cây thuốc lá, bây giờ rất ít nhà lưu giống. Mới đôi ba tuổi, tôi đã trố mắt nhìn mấy bô lão phì phèo cái gì mà đầu nhọn thì ngậm, đầu loe thì cháy, khói um lên rồi tan dần lộ ra khuôn mặt dạn dày đúng chất của đàn ông “đất thép”!

Trước mái hiên của nhiều nhà ở Đội 5 khi đến mùa, đều có những xâu lá thuốc dài cả sải tay treo như để lợp mái. Lá khô vàng hươm đượm màu nắng rồi đem gác lên giá bếp. Chất lượng loại đó hút phê lạ lùng. Bây giờ một số cụ cao niên ở quê còn trồng, quấn những điếu to bự, con cháu gọi đó là “xì gà” Vĩnh Linh! Thực ra cái tên hay nhất là “thuốc bọ” (thuốc bọ là thuốc của bọ, ở quê tôi gọi bố là bọ, thứ này chỉ có bọ hút). Những năm Mỹ mon men gây hấn, đàn ông Vĩnh Linh có thêm điếu thuốc phì phèo thì oai hẳn, ngậm thuốc bọ để “chia lửa” với cả làng: hút thuốc bọ để thức đêm bắt biệt kích, hút thuốc bọ để phân biệt mùi thuốc của địch hay ta, hút để chống chọi với giá rét mùa đông… Tôi còn nghe chuyện tên gián điệp do phía Việt Nam Cộng hòa tung sang bờ bắc chưa kịp phá hoại thì bị phát hiện bởi mùi thuốc lá “tư bản”...

Năm 1979 ở Đội 5, nhiều hộ dân trở thành điểm đóng quân của bộ đội chuẩn bị vào chiến trường biên giới Tây Nam, nhà tôi có gần một tiểu đội ở. Bây giờ trong tôi còn lại ký ức chắp nối, lúc tỏ lúc mờ. Tôi hỏi mạ: Lúc con 3 tuổi có mấy chú bộ đội ở nhà mình? Mạ ừ. Có phải mấy chú hay kéo tấm ri đô vải dù lại rầm rì công chuyện, dặn con đừng vô phòng ở của mấy chú vì có súng đạn nguy hiểm; mấy chú giúp dân đạp rơm lẫn đất trét tường làm nhà, gánh nước, thổi cơm…? Mạ ừ và khen tôi nhớ giỏi. Thời điểm mấy chú đi thì tôi không nhớ, lúc nửa đêm hay là tinh mơ họ rời làng trong yên lặng. Mạ kể, mấy chú gửi lại mấy quyển sách, vẻ quý lắm! Hẹn khi về ghé lấy. Chờ mãi mà mấy chú không về. Nếu về, chắc là các chú sẽ ghé ngôi nhà chung ở đất Vĩnh Linh - ngôi nhà của người đàn ông miền Nam tập kết. Mấy quyển sách có tên người đề tặng, gửi gắm yêu thương vẫn còn đó!

Một góc thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh

“Bắc - Nam một nhà” đó là câu nói của non sông. Riêng Đội 5 đã có nhiều hình ảnh Bắc - Nam trong một ngôi nhà. Bắt nguồn từ tháng 9 năm 1954, Vĩnh Linh đã đón hơn 5.000 đồng bào, chiến sĩ từ bờ nam tập kết. Những trái tim ở bờ nam đã gắn liền trái tim ở bờ bắc, hai con người từ hai miền quê hướng về nhau như mũi kim đường chỉ vá níu đường giới tuyến thêm bền chặt. Câu chuyện cưu mang và sẻ chia ở miền đất đỏ giới tuyến như kho tàng mãi mãi kể không hết. Một đứa lớn lên đầy bụi bặm của triền đất đỏ như tôi, đã từ thế giới “tập trung” rồi bước ra “khoán mười” cho tới hôm nay giống đứa con đang ngồi mân mê nốt chai sần và những vết nhăn trên cơ thể của người mẹ mà nâng niu, kiểm đếm làm sao xuể. Bây giờ không còn là Đội 5 của thời bao cấp nữa, mà một cái tên mới của đô thị: Khu phố 5. Một khu phố thay đổi hoàn toàn so với ký ức vụn vặt của tôi, nằm giữa một Vĩnh Linh thời hiện đại, ở đó còn lại những con người, những công trình mà bom đạn không thể đánh sập.

* * *

Năm châu đã khen ngợi, Nam Bắc đã một nhà, đó là tự hào của non sông, của Vĩnh Linh. Ở đây tôi chỉ nhắc đến những con người bình thường ở tuyến lửa lúc ấy, họ là anh hùng. Ở khu phố 5 bây giờ tôi có gặp cụ Nguyễn Văn Cư, nay gần 80 tuổi, là một trong nhiều người sôi nổi của “lũy thép” ngày ấy. Khi tuyến đầu bị giặc Mỹ bắn phá dữ dội, như ngày 8 tháng 2 năm 1965, thị trấn Hồ Xá đón tới 82 lượt máy bay điên cuồng bắn phá. Có khi năm bảy người, rồi cả nhà, cả hầm đều trúng bom hi sinh một lúc ngày một tăng; khi con người phải sơ tán khỏi quê hương, làng mạc chuyển xuống lòng đất, thì vùng “đất chết” đó chỉ còn đội quân cảm tử ở lại với hầm hào.

Cụ Nguyễn Văn Cư kể chuyện về lũy thép Vĩnh Linh

Tuổi 16 của cụ Cư đã thoăn thoắt ôm súng dọc ngang các làng quê Hồ Xá, đến các xã vùng ven; ngày ăn cơm Bắc, đêm đánh giặc Nam, tham gia nếm trải chiến dịch Mậu Thân 1968… Cụ muốn chôn sâu những cống hiến của mình. Tôi khơi chuyện cũ thì cụ nhìn tôi nở nụ cười của người hiểu lẽ thường: “Chuyện cộ rồi, nhắc lại mần chi, còn ngồi đây là may, chừ nói chuyện xưa sợ kéo chùng cái không khí hăng say…”.

Nể cụ thật, từ năm 1966 cụ đã đứng trong hàng ngũ của Đoàn thanh niên Lao động, đã hai lần được bằng khen của Trung ương Đoàn, tham gia ban quản trị của hợp tác xã, rồi làm đội trưởng, quả là rất sớm. Có những câu chuyện đã nằm dưới nắm đất quê hương và mãi mãi chôn vùi theo năm tháng, nhưng có những câu chuyện vì chưa hoàn thành sứ mệnh mà phải xuất hiện để gửi gắm với thế hệ mai sau. Như những tấm huân chương, bằng khen của cụ, thứ mà có được nó nhiều người phải đổi một phần cơ thể hoặc cả tính mạng mới có được.

Những tấm huân chương, bằng khen của cụ Nguyễn Văn Cư

Khi tôi muốn xem, cụ bưng ra cười nói: “Hắn đây, chỉ chừng nớ thôi”. Chừng nớ thôi! Nghe nhẹ nhàng như cầm lên một nắm lúa mùa rộ mà gặt. Cụ phấn đấu đến 20 năm mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng, khi mà thành tích phải ngồi kể một ngày chưa hết.

Quay lại với những gì mà cụ nói: “Chuyện qua rồi”. Tôi thỉnh cầu được nghe cụ kể vài mẩu chuyện ngày xưa, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống huyện nhà. Cụ cười khà, sau tiếng cười thoải mái, cụ bắt đầu bằng cái chỉ tay về phía hầm Khu ủy Vĩnh Linh - nơi phục vụ cho việc họp bàn các công tác quan trọng trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ: “Cái đó là của Khu ủy, chứ của dân là tháo từ cột kèo nhà ở đem xuống làm hầm chữ A, nối liền nhau bởi giao thông hào”.

Rồi cụ dẫn vào một mẩu chuyện thú vị: Bữa ăn trưa vội vã giữa hai đợt oanh tạc, trời im ắng, nắng oi bức. Rầm, rầm, rầm… một tốp máy bay thay nhau bổ nhào, cắt bom xuống từng tọa độ, tiếng phầm phập kèm theo tiếng nổ, nóc hầm như giãn ra, ứa đất đá dột xuống mo cơm mới mở, đất tràn vào cửa; một quả bom tạ phập xuống ngay miệng hầm của cụ, cùng thằng phản lực vừa bay vọt lên, quả bom cắt muộn mà chính xác, nó đâm xiên xiên xuống mặt đất, rồi chẳng hiểu sao nó bắn ngược lên lao tới gần trăm mét mới nằm phưỡn bụng nóng ran mà không nổ, cả nhà thoát chết. Tôi nhìn cụ lành lặn ngồi trước mặt mà mường tượng đến một công trình sót lại sau hủy diệt của chiến tranh. Rồi cụ kết thúc câu chuyện cũng bằng tiếng cười khà khà thanh thản.

Hầm Khu ủy Vĩnh Linh do Bộ Quốc phòng đầu tư để phòng tránh đế quốc Mỹ phá hoại ra miền Bắc. Hiện là di tích được bảo tồn tại Khóm 5 thị trấn Hồ Xá

* * *

Bây giờ người muôn nơi tìm về như những đàn chim chọn chỗ đất lành xây tổ. Tôi tự hào về truyền thống Đội 5 của làng Hồ Xá Trung, được ban cán sự Khu phố 5 tiếp nối phát triển. Nơi từng là vệt dài trận địa pháo cao xạ, là “trạng cỏ” sỏi đá, thế mà bây giờ ngôi nhà văn hóa khang trang mọc lên, với nhiều hạng mục đóng góp từ con em quê hương.

Tại gian khánh tiết, tôi lần lượt ngưỡng mộ thành tích qua từng thời kỳ của các giấy khen, cờ thi đua, rồi dừng lại ở tấm bằng khen mới nhất (2023) của UBND tỉnh Quảng Trị tặng Ban công tác mặt trận Khu phố 5. Tôi chặc lưỡi: “Hèn chi khu phố trở thành khu phố tiêu biểu trong các phong trào thi đua của thị trấn”. Chị Hà khu phố trưởng phấn khởi nói: Để chuẩn bị chào mừng ngày truyền thống của huyện, khu phố mình đang được đầu tư mở rộng và thảm nhựa con đường “bắt đình” năm xưa, nay là con đường Lê Hồng Phong; rồi con đường “bắt trâu” nay là đường Tôn Đức Thắng cũng được tỉnh đầu tư nối liền các xã vùng biển. Khu phố 5 còn ngổn ngang với dự án khu đô thị mới ở giai đoạn 1 và rất nhiều nữa… Xưa và nay cùng phối hợp nhịp nhàng ghép vào công trình lớn Vĩnh Linh thật tinh xảo, rạng ngời.

Tôi đi dọc con đường Huyền Trân Công Chúa mà thuở nhỏ là lối mòn đầu làng mướt một màu tre xanh. Tiếng nghé ọ vọng về, mùi cỏ lẫn mùi lúa non thoảng bay trong trí nhớ. Lá phổi của thành phố mà tôi muốn đặt tên là “thành phố lũy hoa” chỉ là mùi hương của ký ức. Hình ảnh chiếc vương miện của triền đất đỏ nhói lên rất nhanh. Tôi nhìn các tòa công sở mọc lên, mọc ngay trên cánh đồng Trằm. Và cỏ trở thành ký ức duy nhất để những đứa như tôi được vỗ về! Thế là đã 70 năm kể từ ngày Vĩnh Linh mang sứ mệnh cao cả: Tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, thì Đội 5 cũng như mạch máu nhỏ trong một cơ thể Vĩnh Linh mãi chảy trong mạch nguồn của non sông.

• Nội dung: ĐOÀN DUY LONG
Hình Ảnh: ĐOÀN DUY LONG - NÔNG VĂN DÂN

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Tập huấn kỹ năng viết phóng sự cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

3 Giờ trước

TCCVO  - Trong 3 ngày 12 - 14/9, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn kỹ năng viết phóng

Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm lần 3

5 Giờ trước

TCCVO - Trung thu năm nay tại vùng biên giới Việt - Lào đã diễn ra trong không khí ấm áp, đơn giản nhưng đầy nghĩa tình. Do tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Bắc vẫn còn đang khắc phục, nên chương trình “Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm nơi biên giới lần 3” được tổ chức nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhưng vẫn ý nghĩa cho thiếu nhi hai bên biên giới...

Tỉnh Quảng Trị vận động quyên góp, ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại cơn bão số 3

12/09/2024 lúc 09:58

TCCVO - Chiều 11/9, tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động kêu gọi, vận động ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc

Vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024.

12/09/2024 lúc 04:01

Ngày 11/9/2024, tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ba Tầng, Trung tâm khám chữa bệnh từ thiện Thiện Lành và các nhà tài trợ tổ chức chương trình vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024. Đây là dịp để các cháu thiếu niên nhi đồng 2 nước Việt Nam và Lào được giao lưu, gặp mặt, vui chơi, phá cỗ đêm trăng.

Góp phần khẳng định vai trò của Công đoàn, biểu dương người lao động

10/09/2024 lúc 10:27

Công nhân và Công đoàn là mảng đề tài lớn của văn chương, báo chí. Nhưng có thể trong một thời điểm nào đó, ở một vài nơi, mảng đề tài này vẫn chưa được phản ảnh và khai thác tương xứng. Đối với những địa phương còn khó khăn, thị trường lao động chưa thật sự sôi động, thì các vấn đề của người lao động cũng ít được các phương tiện thông tin đại chúng chú trọng. Chính vì thế cuộc thi viết về "Công nhân & Công đoàn Quảng Trị" do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cùng Tạp chí Lao động & Công đoàn đồng tổ chức (từ tháng 4 đến tháng 8/2024) là một dịp để bạn đọc hiểu hơn sự đóng góp của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/09

25° - 27°

Mưa

18/09

24° - 26°

Mưa

19/09

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground