Vốn xuất thân từ gia đình làm nông, luôn ấp ủ giấc mơ phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương, nhiều năm qua anh Nguyễn Đăng Vương đã quyết tâm khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng hữu cơ, bước đầu đã cho thu nhập ổn định. Và để phát triển bền vững, anh kết nối các nông hộ tại địa phương thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn để chủ động về con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ thương phẩm nhằm đảm bảo thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn cho mỗi gia đình...
Từ mô hình chăn nuôi hữu cơ
Khác với rất nhiều người chăn nuôi theo kiểu trang trại, anh Nguyễn Đăng Vương ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh rất cởi mở, vui vẻ dẫn vào khu vực chuồng trại để giới thiệu quy trình chăn nuôi khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Vừa chuyện trò vừa dẫn lối, nhưng thấy chúng tôi hơi ngập ngừng anh Vương liền bảo: “Mọi người cứ tự nhiên, bất cứ ai đến đây tham quan, học hỏi tôi đều sẵn sàng dẫn tận nơi để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết. Muốn mọi người cùng biết, cùng làm để phát triển kinh tế gia đình và đảm bảo thực phẩm sạch cho người tiêu dùng...”.
Nguyễn Đăng Vương chia sẻ, trước đây anh là giám đốc một doanh nghiệp xây dựng, nhưng tình cờ trong một lần đi tham quan tại Nhật Bản, bị cuốn hút bởi các mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn của nông dân nước bạn. Nên sau khi về nước anh đã quyết định khăn gói vào Đồng Nai để học thêm về kỹ thuật lên men vi sinh cho thức ăn gia súc, gia cầm. Với kiến thức học hỏi được, anh trở về quê bắt tay vào đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ khép kín từ con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ thương phẩm ra thị trường.
Theo anh Vương hiện nay mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ là không mới, nhưng khác với nhiều người anh tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu là những phế phẩm ở các chợ như đầu cá, ruột cá, trái cây hỏng, bã đậu, bã bia xay nhuyễn ủ men vi sinh để làm thức ăn cho vật nuôi. Nhiều người ái ngại bởi chợ là nơi lưu hành nhiều loại virus có hại, dễ lây lan dịch bệnh, nhưng với anh Vương thì không. Toàn bộ những gì gom được ở chợ, anh đem về một khu vực tách biệt, ủ lên men theo đúng quy trình mà mình đã học được. Các thức ăn này được ủ lên men trong vòng 15 ngày, sau đó sẽ ủ chung với đạm cá, bột ngô, bột lúa gạo, men vi sinh, men tiêu hóa, khoáng, nước men tỏi và một số vị lá thuốc nam khác rồi đem cho gia súc, gia cầm ăn...
Bảng hướng dẫn các công đoạn lên men thức ăn cho vật nuôi tại trang trại anh Vương ai cũng có thể tham khảo - Ảnh: L.T
Song song với quy trình xử lý lên men thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, anh Vương đã dành một khu vực diện tích rộng để nuôi ruồi lính đen xử lý chất thải từ trang trại nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh và tạo ra nhiều những ấu trùng. Số ấu trùng này được ủ lên men làm thức ăn kích thích tiêu hóa cho gia súc, gia cầm... Bên cạnh đó, các phế thải sau khi được ruồi lính đen xử lý sẽ đem làm phân bón cho việc trồng cỏ nuôi bò, trồng cây ăn quả và sử dụng cho hơn 5 héc ta lúa gieo trồng theo hướng hữu cơ của gia đình.
Nhờ việc tự phối trộn thức ăn, xử lý môi trường một cách khoa học, nhiều năm nay trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh chưa hề bị dịch bệnh. “Có thể một phần nhờ vào may mắn nhưng tôi nghĩ, việc mình lên men thức ăn đã tạo sức đề kháng cao cho đàn vật nuôi và tuân thủ quy trình tiêm phòng nên tránh được các dịch bệnh nguy hại lây lan cho trang trại trong nhiều năm qua”, anh Vương chia sẻ thêm.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Vương hiện có 35 lợn nái, gần 150 con lợn thịt, chủ yếu là lợn địa phương, lợn lai và gần 20 con bò… chúng được nuôi nhốt ở những khu vực riêng biệt. Và dù nuôi mỗi năm hàng trăm con lợn, hàng chục con bò nhưng anh Vương rất ít khi bán cho thương lái. Tất cả đều được đem đến lò mổ sau đó bán tại các cửa hàng thương hiệu thực phẩm sạch do anh xây dựng.
Ông Lê Đức Quang Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp cho hay, anh Vương không ngại chia sẻ những bí quyết của mình cho những người cùng chung chí hướng. Nhiều người ở Quảng Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Đà Nẵng... đã đến học hỏi bí quyết chế biến thức ăn chăn nuôi từ anh Vương. Họ ở tại trang trại một tuần, hoặc cả tháng và rất nhiều người ứng dụng thành công.
Đến Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn
Với định hướng chăn nuôi bền vững, anh Nguyễn Đăng Vương đã kết nối các nông hộ tại địa phương thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn để chủ động con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ thương phẩm. Qua nhiều năm phát triển với tôn chỉ sạch từ trang trại đến bàn ăn, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn đã thu hút được 36 thành viên tham gia và tạo việc làm cho nhiều nhân công trên địa bàn. Tất cả các hộ tham gia hợp tác xã đều chăn nuôi, trồng trọt theo cùng một quy trình do anh Vương hướng dẫn. Những sản phẩm chăn nuôi của hội viên anh Vương đều thu mua với giá cao hơn thị trường để bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch do mình xây dựng. Cùng với đó, để đảm bảo cho việc dự trữ, chủ động thức ăn chăn nuôi, trong thời gian tới, anh Vương sẽ tiếp tục đầu tư mua máy ép viên để sản xuất thức ăn lên men dự trữ. Nguồn thức ăn dự trữ này sẽ cung cấp cho hội viên của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn với giá ưu đãi nhằm giảm chi phí và chăn nuôi ngày càng có lãi...
Cửa hàng thực phẩm sạch của anh Vương tại đường Hai Bà Trưng, Tp. Đông Hà - Ảnh: L.T
Ông Trần Phương Anh sau vài năm chăn nuôi theo hướng công nghiệp không thành công nên đã tìm hiểu và đến với Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn trải lòng với chúng tôi: Chăn nuôi theo hướng hữu cơ, thức ăn đảm bảo không có thành phần chất cấm, chất kích thích tăng trọng, kháng sinh... Nguyên liệu chủ yếu chính là nông sản, thực phẩm sẵn có ở nông thôn như gạo, ngô, cám gạo… được phối trộn theo công thức riêng và kết hợp với chế phẩm sinh học, ủ lên men sau đó mới cho gia súc, gia cầm ăn. Cùng với thức ăn, cách chăm sóc, thời gian chăn nuôi theo hướng hữu cơ tuy có vất vả hơn so với nuôi công nghiệp, nuôi thông thường, vì phải thực hiện nghiêm túc các quy định, yêu cầu về kỹ thuật từ mọi khâu. Nhất là thành phần thức ăn phải bổ sung men vi sinh giúp tăng cường khả năng tiêu hoá và hấp thu các chất dinh dưỡng làm cho vật nuôi tăng trọng tốt, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn...
Từ hiệu quả chăn nuôi cùng những tín hiệu tích cực của thị trường về nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, anh Nguyễn Đăng Vương đã mạnh dạn đầu tư mở rộng cửa hàng thực phẩm sạch tại đường Hai Bà Trưng, thành phố Đông Hà để cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng. Chị Trần Thị Hương (ở khu phố 2, phường 1, Tp. Đông Hà) cho hay: “Là người nội trợ của gia đình, tôi luôn tin dùng thịt lợn tại cửa hàng của vợ chồng anh Vương mở bán nhiều năm nay và rất hài lòng về chất lượng. Ngoài ra, cửa hàng còn bán nhiều mặt hàng như trứng gà, vịt, rau củ quả… nên việc chuẩn bị bữa cơm cho gia đình không chỉ tiện lợi mà còn ngon và đầy đủ hơn...”.
Kỹ sư Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Kỹ thuật và chuyển giao công nghệ Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị trao đổi thêm với chúng tôi: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã, đang và sẽ là xu hướng phát triển mạnh, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bởi nó tận dụng tối đa nguồn sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp, tạo nên chuỗi sản xuất khép kín, tuần hoàn, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi hữu cơ giảm được chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi truyền thống và không phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ bên ngoài. Hơn thế, thông qua mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp người dân hiểu biết thêm về vai trò, lợi ích của thực phẩm hữu cơ đối với sức khỏe con người và cộng đồng... Với các sản phẩm sạch được chăn nuôi, trồng trọt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm sẽ là cách để người nông dân gia tăng thu nhập một cách bền vững và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng cuộc sống con người.