Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được ai ngắm, trao tay. Thế mà tháng ba hoa chêng vô tình rực rỡ một khúc Hiếu Giang, sông chợt trở nên mượt mà và sâu lắng. Khác với vẻ đẹp gồng lên thường ngày bởi tôn tạo, tỉa vẽ, sự xuất hiện ngẫu nhiên thật đáng yêu mà ta thốt lên từ “duyên” để nói tới loài hoa gắn với đôi bờ. Khi bản năng con người được trau chuốt thì nhìn rau không còn phản xạ của ăn uống, chỉ thấy hồn hoa dạt dào ý tứ, tâm tình. Một “mùa hoa cải ven sông” cũng làm bao người nhớ bên bồi đến quay quắt, một “mùa hoa dẻ” cũng tạo cho dòng sông mộng mơ tới muôn đời.
Vì vạt hoa chêng bên dòng Hiếu Giang mà phải lần tìm ngọn nguồn của động đậy ký ức. Chêng chỉ là loài rau giàu chất dinh dưỡng bời bời giữa bãi phù sa - những bãi bồi ven sông nơi làng quê lắng đọng ngàn đời. Hình ảnh đó tạc vào trí nhớ từ ngày xửa ngày xưa, khi núi sông được liền một dải. Có mùi khói của máy thuyền lẫn mùi ngai ngái của chợ vương vương nơi bến đò gần quân cảng Đông Hà. Tiếng xình xịch chậm rồi nhanh dần. Máy nổ giòn tan. Con đò bắt đầu xuôi về ngã ba sông, như lướt trên làn thu thủy ánh lên một màu xanh lóng lánh, có đàn nuốt lập lờ xao dạt về sau mạn, tuột khỏi bàn tay ngả ngớn cào vào mặt nước đùa nghịch.
Hoa chêng ven sông Hiếu - Ảnh: Đ.Q
Ngã ba sông ngày ấy chỉ là chỗ quẹo phải của con đò dọc để hòa lên dòng Thạch Hãn. Chùng chình trong nắng nhạt mùa xuân, hoa cải ven sông vàng hoe, hoa cà tím ngát, mướt xanh các loài rau… mỗi loài hoa mỗi loài rau là mỗi ngón mềm man mác. Riêng màu hoa chêng đỏ rực lên khác biệt, càng thổn thức hơn khi màu đỏ thắm rải rác dọc tả ngạn vẳng lên lời thơ tha thiết: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ…”, giống những đóa mào gà được người chơi tiểu cảnh nâng niu. Nhưng chêng không có diễm phúc ấy. Chêng chỉ làm phận sự gieo vào đời hạt giống mà vô tình đánh thức cảm xúc của người lên bến tìm về, đi giữa bời bời vườn chêng đỏ; vô tình gợi lại cảm xúc buổi mẹ tiễn con, vợ phải xa chồng. Hai mươi mùa hoa chêng nở cùng bao lần vầng trăng khuyết, chỉ biết ngước nhìn trăng để gặp ánh mắt dùng dằng ngoái lại ở hai đầu nỗi nhớ. Tạc thấu nền trời dáng liêu xiêu của mẹ già, mảnh mai của người vợ tảo tần nách chiếc rổ đựng đầy lá rau chêng màu tím đỏ thủy chung, quay về đối diện với nửa vầng trăng khắc khoải…
Thực tình, không phải vạt chêng bên bờ làm Hiếu Giang lộng lẫy, cái lộng lẫy hình như ở tâm hồn người. Xuân sang, từ nguồn Hiếu Giang đỏng đảnh trôi về giữa hai bờ cây xanh soi bóng, khi thả lại những viên cuội sáng màu ở rừng xa thì phía hạ lưu có những bãi bồi xanh mướt nương ngô, ánh vàng hoa cải. Sông trôi hững hờ văn vắt cho lá xanh cúi xuống soi mình. Nếu không có hoàng hôn thì Hiếu Giang làm gì có lấp lánh đầy duyên, nếu không có gió Lào thì Hiếu Giang cũng không cậy mình mát mẻ. Thực ra sông đẹp cũng vì có điều kiện “ăn mang, trang điểm”. So với các dòng sông khác thì chưa đến nỗi đua đòi, se sua, nhưng cũng đủ để người ta nói “đẹp vì lụa”. Hiếu Giang đẹp nhất là khi trôi qua thành phố. Thành phố từ lâu rất muốn nằm bên Hiếu Giang, để lô cốt, ụ pháo, sân bay, bến cảng… thêm mềm mại. Bởi thế mà gần ba mươi năm nay, không biết chợ Đông Hà đẹp là nhờ Hiếu Giang hay là dòng Hiếu Giang đẹp là nhờ ngôi chợ có biểu tượng của những con thuyền gối bãi. Chảy qua thành phố, Hiếu Giang đẹp thêm không chỉ có thế, mà bây giờ thêm những cây cầu bắc qua. Sông lại thêm trưng diện, thêm lung linh.
Thế mà tháng ba, hoa chêng đỏ xuất hiện bên bờ sông Hiếu, ngay giữa thành phố hiện đại, mang cả miên man ký ức từ bãi bồi nơi dòng sông Thạch Hãn, làm mọi trưng diện kia phải thẹn thùng nhường chỗ.