Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mẹ Việt Nam anh hùng gần nửa thế kỷ đi tìm con

Mẹ tên là Trần Thị Chánh. Cái tên đã làm nên con người mẹ: chính trực, khảng khái và bản lĩnh. Một người phụ nữ can trường, cầm gậy gộc đi theo cách mạng từ năm mười ba tuổi; ngoài hai mươi tuổi lấy chồng; đẻ tám đứa con; bốn mốt tuổi chồng chết; trong vòng một năm mất cả cha chồng và ba đứa con… Riết, cho đến bây chừ gần trăm tuổi vẫn sang sảng giọng nói của người đàn bà miền biển bãi ngang, “không theo cách mạng, thì theo ai” rồi gan ruột mà rằng: “Mệ lấy chồng là do cha mạ sắp đặt, xong rồi cả hai cùng đi theo kháng chiến. Ông bị giặc bắt, tra khảo, đánh đập cho tới kiệt sức mới thả về, được mấy bựa thì chết. Nếu ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ và tìm ra xác thằng con trai cả nữa là mệ thỏa nguyện… ”. Có lẽ, viết về Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Trần Thị Chánh, chỉ từng đó “trích ngang” là đủ, nhưng tôi vẫn muốn dông dài…

Tôi được gặp mẹ VNAH Trần Thị Chánh đã ba lần. Hai lần trước là vào dịp 27/7/2022 và 27/7/2024, tự bản thân nhận lãnh trách nhiệm trước bạn bè, anh em cùng với một người chị đi thăm nom, tặng quà các bà mẹ VNAH hiện còn sống trên địa bàn Quảng Trị. Trong các bà mẹ VNAH còn sống tại Quảng Trị đó có mẹ Chánh. Lần gặp nào cũng thấy mẹ ăn vận đẹp đẽ, chỉnh tề, áo quần lụa phẳng phiu, sạch sẽ, tinh tươm, dáng vóc khỏe mạnh, khuôn mặt, thần thái tươi tắn cho dù đã gần trăm tuổi. Tôi yêu cái phong thái nồng hậu, thô rám, đậm chất biển dã của mẹ. Tôi đã luôn đùa “nhìn mẹ chất phác, mộc mạc vậy, mẹ làm nông dân thì hợp hơn, sao mẹ có thể đi buôn, đi bán được, mà còn buôn bán giỏi nữa”. Mẹ nhìn tôi cười, kiểu “mi biết chi” rồi chặc lưỡi, “Triệu Lăng bãi ngang ít đất trồng trọt, trên bom dưới đạn, biển dã lúc đó khó mần lắm, giặc đi càn riết, pháo giặc ngoài khơi cứ chĩa vô nên phải lanh lợi buôn bán mới có cái mà ăn, có sức mà bám làng”.

Mẹ VNAH Trần Thị Chánh sinh năm 1926 ở thôn Ba Bốn, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Tính tuổi ta thì sang năm mẹ đã trăm tuổi. Tôi nói, mẹ phải sống thật khỏe để nhận áo đỏ Chủ tịch nước tặng khi tròn trăm. Mẹ nghe rồi nhìn tôi, nhìn qua con cháu rồi cười hiền lành, đôi mắt xa xăm. Đột nhiên mẹ hát cho chúng tôi nghe mấy câu, “Trên rừng xanh tràn về đồng nội / Cờ hòa bình phấp phới từ đồng nội tới rừng xanh… Nay chừ gặp nhau đây cả mừng cả tủi / Quân và dân tíu tít bắt tay dưới cờ…” rồi mẹ quay qua nói với tôi, “hồi nớ giải phóng xong vui lắm!” - ấy là mẹ đang nhớ. Anh Định - người con trai áp út phải giải thích thay mẹ, “đó là năm Năm Tư, khi đó vừa giải phóng Điện Biên, mạ kể với bọn tui đoạn nớ không khí hòa bình rộn ràng. Ai ngờ không được mấy thì chiến tranh trở lại”. Chiến tranh trở lại, làng biển nghèo quê mẹ cũng như bao làng quê khác của miền Nam, luôn mơ ước ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Mẹ nói, “mà để có hòa bình, thống nhất thì phải tiếp tục chiến đấu thôi!”. Bà con quê mẹ bám biển, bám đất, bám làng, bám vào những gốc phi lao già cằn cỗi trên cát để đào hầm nuôi giấu cán bộ, chôn giấu vũ khí, lương thực. Vợ chồng mẹ vừa chiến đấu vừa làm cơ sở cho cách mạng suốt chín năm kháng chiến chống Pháp rồi sang cả mấy chục năm chống Mỹ.

Mẹ VNAH Trần Thị Chánh giữa vòng tay của các cựu chiến binh - Ảnh: L.T.K.H

Mẹ VNAH Trần Thị Chánh giữa vòng tay của các cựu chiến binh - Ảnh: L.T.K.H

Năm 1967, chồng mẹ - ông Trần Mỹ Thạch bị giặc bắt giam ở nhà lao Quảng Trị. Sau nhiều lần bị tra tấn dã man, chết đi sống lại tới kiệt sức, ông được chúng thả về. Về nhà, cầm cự thêm được ít ngày thì ông mất. Mẹ Chánh bắt đầu một tay cáng đáng gia đình, nuôi cha chồng già yếu cùng đàn con và tiếp tục đóng góp công sức cho cách mạng: đào hầm, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, cất giấu vũ khí, lương thực, đi buôn cá, buôn mắm và nắm tình hình địch... Cũng những năm tháng ấy, không ít lần mẹ bị kẻ thù bắt vào nhà lao, “đánh đập bưa rồi hắn thả về, nên chi chừ cái chân hắn yếu” - mẹ chỉ vào đôi chân run run nhắc lại nhiều lần… Nhưng khi tôi hỏi về hai người con liệt sĩ thì mẹ lắc đầu, thở ra, “lâu rồi nhắc chi nữa”; “lâu rồi, không nhớ nữa”… Anh Định lại nói thay mẹ: “Năm 1972, tôi chín tuổi, đứa em út vừa bảy tuổi, bộ đội vận chuyển đạn pháo và lương thực vào quê tôi bằng đường biển. Mạ cùng du kích địa phương đào hầm giấu vũ khí, lương thực ở ngoài mép biển. Sau một đợt giấu hàng xong thì gia đình tôi được thông báo cho theo tàu sơ tán ra Vĩnh Linh. Mấy chị em tôi cùng mạ tạm biệt quê hương ra Bắc nhưng lòng vô cùng trĩu nặng vì ông nội già yếu quá không theo tàu đi được, hai anh đang chiến đấu trong ni”. Theo lời kể ngắt quãng của mẹ, cha chồng của mẹ ở lại quê được một thời gian thì ông mất bởi pháo của giặc từ biển bắn vào khi ông đang ở dưới hầm. Con trai cả của mẹ là anh Trần Khánh Ngạch, sinh năm 1950. Cùng năm cha mất, anh đi theo cách mạng. Năm 1972, anh hai mươi hai tuổi, là thượng sĩ biệt động Quận Triệu Phong về tăng cường làm Xã đội trưởng xã Hải Trường, huyện Hải Lăng. Anh bị thương nặng trong một trận oanh kích bằng máy bay B52 của giặc khi đang chỉ huy một cuộc họp, rồi hi sinh vì máu ra nhiều quá không cấp cứu được. “Đó là theo thư của cái người có tên là Cầu gửi cho tui đó!”. Anh Định nối lời mẹ: “Cũng theo bức thư tay của bà Cầu là giao liên xã Hải Trường, thì anh Ngạch được chôn ở cạnh một cái miếu, nhưng mãi tới giờ không biết ở đâu!”. Sau câu nói của anh Định, mẹ lại thở dài, “chừ thì chịu rồi!”. Trước đó, người con trai thứ ba của mẹ là anh Trần Kinh, năm 1972 mới mười tám tuổi đang là thôn đội phó, chiến đấu rồi hi sinh ngay tại quê nhà. Anh Kình hi sinh trước anh Ngạch một tháng. Cũng năm đó, người con thứ hai của Mẹ cũng mất vì bạo bệnh. Vậy là trong năm 1972, bốn cái tang ụp xuống gia đình mẹ! Nghe trong quê bắn tin ra, mẹ bàng hoàng, tê tái định tìm đường quay trở về nhưng không thể được, bởi năm 1972 trở đi, tình hình chiến sự bờ nam sông Thạch Hãn vô cùng ác liệt, mẹ sống giữa Vĩnh Linh bình an mà lòng dạ quặn đau…

Anh Trần Khánh Ngạch hi sinh trên đất quê hương nhưng rồi mẹ Chánh không biết con nằm ở đâu. Vậy nên, chuyện mẹ Chánh đi tìm hài cốt đứa con trai cả của mình cũng có nhiều điều để kể. Thực ra, không phải sau giải phóng, mẹ đã đi tìm con ngay. Bởi vì lúc đó cực khổ quá nên mẹ đã phải cố mà quên con đi, coi như không nhớ tới, coi như chưa một lần mình mang nặng đẻ đau, chưa một lần mình đã yêu thương và tự hào… Mẹ chỉ lo mần ăn. Mẹ nói: “Cả làng đói, cả làng túng thiếu, chỉ nhà tui - một người đàn bà với bốn mặt con lau nhau là không đói, không túng thiếu”; còn anh Định thì nói: “Tui ngưỡng mộ và nể phục mạ vô cùng!”. Ngồi nghe hai mẹ con hồi tưởng chuyện xưa, tôi hình dung ra dáng hình người phụ nữ trẻ oằn đôi quang gánh trên vai, đi bộ hàng mấy chục cây số từ xã miền biển Triệu Lăng đem cá, mắm lên tới vùng chiến khu Ba Lòng thời kháng Pháp; rồi hình ảnh người phụ nữ trung niên một mình làm cuộc mưu sinh cũng đôi quang gánh bán cá, mắm để đổi lương thực, nuôi đàn con thơ dại sau ngày đất nước giải phóng mà rưng rưng xúc động.

Mẹ Chánh là người giỏi buôn bán từ thời kháng Pháp nên sau giải phóng, khi mà ở làng mẹ người dân đói quay đói quắt phải ăn cả rễ môn mà mấy mẹ con mẹ vẫn no là nhờ vào cái tài buôn bán tháo vát của mẹ. Cho tới khoảng năm bảy chín, tám mươi, khi đời sống gia đình đã ổn, bốn đứa con hột gà hột vịt của mẹ đã lớn khôn, mẹ bắt đầu công cuộc tìm kiếm người con trai cả. Rường mối từ lá thư tay của bà Cầu - người giao liên năm xưa nhắn lại với mẹ, anh Ngạch được chôn cất ở cạnh một cái miếu thuộc làng Trung Yên. Nhưng Trung Yên thuộc xã nào thì không rõ. Vậy là chỗ nào có miếu thờ, nơi nào có tên làng Trung Yên là mẹ lại vác cuốc, vác xẻng đi đào tìm. Con cái lớn dần, mẹ bới cơm, bới gạo, đem theo con cái và cả bà con họ hàng đi tìm. Đất bờ ruộng mùa hè khô nẻ, mùa mưa sụt lún mẹ đều tìm đào những mong ở đâu đó có hình hài con trai mẹ. “Người ta đồn, rằng tui đã mua cả ruộng để đào tìm con, kỳ thực không phải vậy. Nhưng ở những nơi đồng ruộng, chỗ nào có miếu thờ, tui cũng tìm tới để đào bới. Tui đi coi bói, thầy chỉ chỗ mô tui tới chỗ nấy, nhiều khi thầy chỉ vô tận miệt Thừa Thiên. Biết là con mình chiến đấu ở quê mình thì răng mà chết tận trong đó được, nhưng vì mong muốn tìm con mà tui cứ nghe theo”. Cứ thế, cơm đùm gạo bới, có những đợt mẹ đi hàng tuần, hàng chục ngày chỉ mong tìm ra chút xương cốt của con còn sót lại. Nhưng rồi cho tới hôm nay, sau năm chục năm đất nước sạch bóng quân thù, mẹ chấp nhận buông tay chuyện tìm con, “chịu rồi!”. Nhìn cái cách mẹ Chánh nói chuyện và những biểu cảm của mẹ, tôi hiểu rằng, cũng như bao nhiêu người mẹ trên thế gian này, mẹ làm sao quên được đứa con mình rứt ruột đẻ ra; mẹ sẽ luôn nhớ quặn lòng núm ruột mình đã sinh thành. Nhưng mẹ là một người mẹ Việt Nam, luôn đặt tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc mình lên trên hết nên tới bây giờ mẹ chấp nhận buông tay, bởi khi các con của mẹ chỉ mới mười bảy tuổi, mẹ đã đồng ý và động viên các con đi theo cách mạng “mình phải cho con đi vì nếu ở nhà là giặc bắt lính”.

Lần này là lần thứ ba gặp mẹ. Buổi chiều tháng Chín. Cuối thu, nắng ươm mật, vàng ruộm. Nắng ở quê mẹ trải dài qua những mảnh vườn đầy cát, thưa thớt cây cối, chảy tràn ra tới mép biển. Nắng là vậy nhưng hơi nóng đã bớt ngột ngạt. Năm nay, bão lũ cuồn cuộn đem thương đau về phía Bắc; quê mẹ đang yên hàn. Mẹ từ bếp chống gậy nhúc nhắc đi lên nhà trên. Bên cạnh là đứa cháu nội hiện làm trưởng thôn Ba Bốn của xã Triệu Lăng quê nhà. Cả hai bà cháu cùng cười tươi, cho dù mẹ nhìn tôi vừa quen vừa lạ. Tôi đưa cho mẹ xem tấm hình chụp dịp tháng 7 năm 2022. Mẹ cười phô khuôn miệng không còn răng, móm mém dễ thương như tất thảy các bà nội, bà ngoại xưa chân chất, bình dị. Bất chợt lòng tôi chùng xuống khó tả. Nụ cười ấy trở lại sau bao nhiêu biến cố, thăng trầm, sau nhiều nỗi đau đứt ruột. Mỗi khúc ruột đứt lìa là một lần lòng người mẹ đớn đau quặn thắt - mẹ đã nhiều lần như thế trong cuộc đời mình…

Lần này gặp mẹ, tôi thấy sức khỏe của mẹ có hơi xuống. Mẹ nói đôi chân bị giặc đánh đập nhiều lượt trong tù nên chừ yếu, đi không vững; bữa ni trí nhớ kém đi rồi, quên nhiều rồi nhưng may con cháu luôn bên cạnh. Mỗi lần về thăm mẹ, cho dù không báo trước, tôi vẫn thấy con trai, con gái và các cháu quây quần bên mẹ đón tôi. Vì có việc ở thôn nên người cháu nội vội vàng chào tôi để chạy đi. Trước khi đi, anh không quên ôm và hôn vào má nội kèm lời chào. Nhìn cái cách con cháu nói chuyện, âu yếm với mẹ, tôi thấy mẹ bây giờ thật hạnh phúc, gian lao cực nhọc đã đi qua trong đôi mắt đang còn rất sáng của mẹ…

LÊ THỊ KHÁNH HÀ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 361

Mới nhất

Những “nữ tướng” của bản làng

19/11/2024 lúc 08:26

Thay vì kết hôn sớm, quẩn quanh với nương rẫy, một số phụ nữ Vân Kiều đã lấy việc

Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi”

19/11/2024 lúc 08:34

Có lần nhà văn Châu La Việt trở lại thăm quê nhà Quảng Trị, mấy anh em văn nghệ

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển

19/11/2024 lúc 16:48

Sáng nay 19/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 20024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”.

Bản sắc vùng cao Quảng Trị trong không gian triển lãm trưng bày hiện vật và ảnh nghệ thuật

19/11/2024 lúc 10:21

Triển lãm ''Không gian văn hóa Hồ Phương và Ảnh nghệ thuật bản sắc vùng cao của tác giả Hồ Thanh Thọ, Lê Ngọc Tú'' diễn ra trong hai ngày 18 - 19/11/2024 tại khách sạn Đông Trường Sơn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

Những dấu ấn nổi bật và vững tin vào nhiệm kỳ mới

19/11/2024 lúc 08:23

LTS: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 là sự kiện chính trị xã hội quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị. Nhân dịp này đồng chí Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị có những chia sẻ với phóng viên (PV) Tạp chí Cửa Việt về những kết quả đạt được trong thực hiện những mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị lần thứ III năm 2019 đã đề ra. Đầu đề bài phỏng vấn do tòa soạn đặt.

Triển lãm 200 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng

16/11/2024 lúc 09:38

TCCVO - Sáng 15/11/2024, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng. Triển lãm giới thiệu tới công chúng 200 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc tiêu biểu của 193 họa sĩ, nhà điêu khắc đã sáng tác giai đoạn 2019-2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/11

25° - 27°

Mưa

23/11

24° - 26°

Mưa

24/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground