Sau vài tiếng gà gáy muộn, nắng cũng bắt đầu đậm màu phủ vàng khắp nương đồi Phôn Xi. Những con sông trước nhà và cả những con suối đang bọc lấy rìa làng vẫn còn nhiều nước. “Đi đi, mình xuống đoạn suối cuối làng. Cá to đều trôi theo dòng tập trung hết về đó”, nói xong Som May liền trầm lặng, có lẽ cậu cần tập trung tâm trí để dẫn đường.
Cũng đã lâu, từ ngày theo dự án của công ty sang đóng chân tại Lào, tôi chưa được nếm lại vị cá sông. Tôi nhớ hồi còn ở nhà, mẹ tôi hay nấu các món cá theo mùa. Mùa xuân có cá chép kho tộ, mùa hè có cá rô chiên giòn, sang đến mùa mưa, khi những con nước bạc cuồn cuộn dâng cao, chảy về lấp kín ruộng biền, bưng bãi, thì trong chiếc niêu đất bao giờ cũng là mớ cấn mại kho nghệ thơm lừng.
Cũng như một vài bản làng vùng sâu vùng xa ở miền Tây Quảng Trị, những ngôi làng phía Lào vẫn còn khá hoang sơ. Ở Phôn Xi, người dân mưu sinh dạt theo mạch nước, các cụm bản vì thế nằm thưa thớt, rải rác xen kẽ giữa cây cối, suối sông. Con đường mà tôi và Som May đang đi không giống bất kỳ con đường nào trong ký ức. Chúng gập ghềnh, bạc màu đá sỏi, những bụi cây nhỏ bốn mùa lúp xúp, xanh ngát nhờ hút hơi ẩm phả lên từ những con sông. Vì yêu quý và tin tưởng Som May nên lần nào tôi cũng không hỏi nơi cần đến, phó mặc bước chân để đuổi theo bóng lưng thoắt ẩn thoắt hiện, khi xa khi gần.
Tôi gặp Som May lần đầu tiên trong một buổi tuyên truyền về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cách đây năm năm trước. Sau khi cầm trên tay tấm bằng cử nhân ngành nông nghiệp, tôi “xuất ngoại”, tham gia triển khai dự án về công nghệ sản xuất phân bón vi sinh cho vài thôn bản ở Lào. Trời Phôn Xi cuối năm ít mưa nhưng khô và lạnh, bản làng sụm tối rất nhanh. Vì sốt ruột nên mọi người không còn ai chịu đứng yên lắng nghe tôi nói. Những người đàn ông bắt đầu giãn ra, nối đuôi nhau đi lên một con dốc lớn. Những người phụ nữ nhà gần đó cũng trèo lên chiếc tổ ấm cúng của mình bên trong những ngôi nhà sàn. Điện được bật lên, chỗ xanh, chỗ vàng, nơi thì đỏ nhạt. Chẳng mấy chốc, nơi khoảng sân tối mờ, chỉ còn mình tôi ngơ ngác, loay hoay.
Mãi sau này, tôi không bao giờ quên được bộ điệu vụng về chực khóc của mình hôm đó, khi mà chiếc khăn quàng sau cả buổi chiều đã đẫm hơi lạnh còn bị gió thổi bung ra. Từ đâu không rõ, Som May bước đến, cậu thắt lại chiếc khăn quàng cổ, lí nhí gọi tôi là bạn, rồi bảo: “Phôn Xi cũng là nhà”.
2 Trong quãng thời gian hai năm tiếp theo, khi tôi còn đồng hành cùng dự án tại Lào, thỉnh thoảng, tôi ghé chơi nhà Som May. Cha mất sớm, mẹ đã có gia đình mới, Som May ở với bà ngoại. Đó là một ngôi nhà sàn nhỏ, cũ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Không gian ngôi nhà được chia làm ba phần chính: gian bếp, khu vực phòng ngủ được ngăn bởi những tấm rèm tối màu và khoảng trống ở giữa được dùng để tiếp khách.
Có lẽ, tôi là vị khách đặc biệt của Som May. Chúng tôi thường chọn một góc khác của ngôi nhà để ngồi nói chuyện, lắng nghe chim hót và tận hưởng gió trời. Sau những chuyến đi rừng, lội suối, Som May thường đem về mấy cục đá, hòn sỏi trang trí cho khoảng không gian thông hiên phía trước thành một góc ban công kiểu mở xinh xắn. Hai đứa thường ngồi ở đây.
Ngoài chăm chỉ, Som May còn rất khéo tay. Cậu cưa xẻ, đục rỗng những thân cây khô rồi nhét thêm một ít đất ẩm, trồng vào đó những nhánh cây rừng. Som May cũng thích xương rồng. Những chậu xương rồng cỡ to hơn bàn tay được tôi mang theo từ Việt Nam sang luôn được Som May nâng niu cẩn thận. Những ngày đầu, vì tôi quên hướng dẫn nên Som May chăm sóc cho xương rồng theo đúng cách mà cậu hay làm với những loài cây khác. Việc tưới nước đều đặn vào mỗi sáng sớm khiến cho cây thối rễ, chết rục.
Som May nói: “Mình không ngờ trên đời lại có loài cây không thích việc tưới nước”. Tôi giải thích không phải là xương rồng không thích tưới nước mà chỉ là không thích tưới quá nhiều. Nó là một loại cây chịu hạn tốt, những chiếc lá đã biến đổi thành gai để tránh việc thoát nước nên khi chơi xương rồng, người chơi sẽ tốn rất ít công chăm sóc. Mỗi ngày chỉ cần yêu thương, ngắm nghía, tưới thêm chút nước khi thấy lớp đất phía trên đã khô hoàn toàn rồi chờ đợi, nhất định xương rồng sẽ có ngày nở hoa.
Som May ngạc nhiên nhưng rồi cậu ấy vẫn vui vẻ mỉm cười. Tôi nhìn ra con sông, trảng cây lớn và những vũng nước còn đọng lại phía dưới sân nhà do trận mưa lớn đêm qua. Tôi nhận ra, dù ở đâu, xa bao nhiêu nhưng chỉ cần có một người bạn, một sự đối đãi thật tử tế, dịu dàng thì nơi đó cũng chính là nhà.
3. Ngày công ty thông báo kết thúc dự án tại Lào là một ngày mát mẻ mùa xuân. Đội chúng tôi sẽ trở về nước, đến tỉnh Tây Ninh để tiếp tục triển khai một vài dự án khác liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Lười biếng dọn đồ, tôi khép cửa ra ngoài. Con đường đất dẫn đến bản Phôn Xi mùa này không còn khô khốc và mịt mù bụi bặm. Bên dưới những lùm cây lớn đang khoe chồi non là những đám cỏ vương sương mai đẫm ướt. Những chiếc lá xanh lấp lánh, những chú nhện nhỏ im lặng kéo thêm những sợi tơ mỏng trong ánh cầu vồng. Tôi đứng lại, nhắm mắt hít căng lồng ngực mùi đất, mùi cây và hương thơm của những loài hoa rừng. Nắng khiến cây cối càng bừng đậm hương thơm, ong bướm, chim chóc khắp nơi bận rộn kéo về hút mật, làm tổ líu lo.
Dưới mái hiên ngôi nhà sàn quen thuộc, tôi trao cho Som May thêm một chậu xương rồng, cậu tặng tôi một nhánh cây nhỏ mướt xanh được đặt trong một ống tre. Cũng đã từ lâu, chúng tôi không còn dài dòng giải thích cho nhau cách tưới cây, bón phân, tỉa cành hay cắt lá.
Điều chúng tôi nhớ mãi sẽ là những hoàng hôn ngồi bên nhau chờ nắng tắt phía lưng đồi .
D.T