Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/09/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Thép của hoa hồng"

Nếu được chọn một nhân vật để kể về câu chuyện hòa bình trên đất Quảng Trị, với tôi đó là Nguyễn Thị Diệu Linh, cô gái từng tham gia hoạt động rà phá bom mìn của một tổ chức quốc tế tại Quảng Trị và giờ đây, đã vượt qua phạm vi quốc gia, Diệu Linh đang là phó quản lý chương trình NPA (Norwegian People’s Aid - Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy) tại Lào từ tháng 3 năm 2024.

Bom mìn, vật liệu nổ, súng đạn… trong suy nghĩ của rất nhiều người đó là những câu chuyện không nên liên quan đến… phụ nữ. Nhưng ở Quảng Trị, trong các chương trình rà phá bom mìn của các tổ chức quốc tế hỗ trợ giúp đỡ hồi sinh những “vùng đất chết” lại xuất hiện khá nhiều những gương mặt “phái đẹp”. Và nhiều năm trước, khi đến làm việc với tổ chức RENEW/NPA tôi thực sự bất ngờ khi thu thập thông tin và sau đó người đưa tôi đi thực địa hiện trường là một cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn xinh xắn nhưng từ cô toát lên vẻ can trường sắt thép của một phụ nữ trên miền đất đạn bom hậu chiến!

Tôi biết tin Diệu Linh trở thành phó giám đốc Quốc gia của dự án mà NPA đang thực hiện tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hồi tháng 3 năm 2024 khi đọc thấy trên trang Twitter của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ một dòng “tweet” ngắn gọn nhưng đầy tự hào: “On IWD 2024, celebrates leaders like Nguyen Thi Dieu Linh who has dedicated her career to the lifesaving work of #UXO removal. Starting as an Operations Assistant in 2010 with  NPAdisarm VN, Linh now serves as Deputy Program Manager NPAdisarm Laos” (Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 2024, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ  tôn vinh những lãnh đạo như Nguyễn Thị Diệu Linh, người đã cống hiến sự nghiệp của mình cho công việc loại bỏ bom mìn chưa nổ (UXO). Bắt đầu với vị trí Trợ lý điều hành vào năm 2010 với NPAdisarm, hiện nay Linh là Phó Giám đốc Chương trình tại NPAdisarm Lào).

Diệu Linh trên hiện trường rà phá bom mìn - Ảnh: L.Đ.D

Diệu Linh trên hiện trường rà phá bom mìn - Ảnh: L.Đ.D

Nhiều năm trước, trong một chuyến đến tìm hiểu về công việc của RENEW ở Quảng Trị, buổi sáng, trước khi đưa tôi đi thực địa ở hiện trường, Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý hoạt động Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tại Dự án RENEW ở tỉnh Quảng Trị và Ngô Xuân Hiền, cán bộ truyền thông dự án có dành cho tôi nửa tiếng đồng hồ để tìm hiểu hoạt động của RENEW trong những năm qua.

Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, bom đạn hậu chiến với tôi là chuyện cơm bữa. Trong những kỷ vật quý giá của gia đình, tôi vẫn cất giữ vỏ một quả bom bi loại BLU26. Cha tôi, gần bốn mươi năm trước khi đi làm rẫy đã cuốc phải một quả bom loại BLU26 này và qua đời. Để những đứa con của mình sau này không phải khó khăn khi hình dung về cái chết của ông nội, tôi đã đi kiếm cái vỏ bom bi ấy cất đi để sau này giải thích cho chúng. Thỉnh thoảng tôi vẫn lấy vỏ quả bom ra ngắm nhìn như một mảnh ký ức buồn đau! Tôi nghĩ mình tự tin vào chuyện bom đạn ở quê hương và khó có điều gì có thể làm tôi ngạc nhiên. Thế nhưng điều ngạc nhiên ấy không đến từ chuyện đạn bom mà đến từ chuyện con người. Như Diệu Linh, cô gái với vóc dáng mảnh dẻ này, lại đang đảm trách một công việc mà thoạt nghe, không ai nghĩ lại dành cho phái yếu. Năm trước, Linh được bổ nhiệm vào chức vụ Quản lý hoạt động kỹ thuật rà phá bom mìn tại RENEW khi cô mới 32 tuổi. Linh cũng đã có chứng chỉ Tiêu chuẩn Hành động bom mìn quốc tế cấp độ 2 về xử lý bom mìn do NPA cấp và trải qua các khóa tập huấn nâng cao dành cho các nhà quản lý hành động bom mìn do Đại học James Madison (Hoa Kỳ) tổ chức tại Jordan năm 2009. Đưa tôi vào hiện trường vùng đồi phía tây xã Hải Lâm (huyện Hải Lăng), nơi có một đội khảo sát dấu vết bom chùm đang làm việc, nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của Linh và các thao tác dứt khoát khi giới thiệu hiện trường, công việc của đội mới thấy nội lực tiềm ẩn trong vóc dáng nhỏ nhắn của cô.

Khu vực Diệu Linh đưa tôi đến đang được nhóm khảo sát do Nguyễn Quốc Bảo làm đội trưởng tiến hành tìm kiếm dấu vết bom chùm. Nắng mùa hè Quảng Trị chỉ hơn 9 giờ sáng đã thấy nóng rát. Để vào khu vực đội đang khảo sát phải trải qua nhiều thủ tục nghiêm ngặt mà ấn tượng nhất là điền các thông số về cá nhân, nhóm máu vào một bảng biểu của một nhân viên y tế trực tại hiện trường đưa ra. Đó là nguyên tắc bắt buộc. Trên tấm bản đồ của khu vực khảo sát mang ký hiệu 339 được chia thành những ô vuông, mỗi ô vuông tương ứng với 50m x 50m trên thực địa.

Công việc của những nhân viên của RENEW đang làm ở đây là khảo sát bom chùm để khoanh vùng các khu vực khẳng định nguy hiểm cần được rà phá. Thực tế cho thấy khi phát hiện được một quả bom chùm thì sẽ phát hiện thêm nhiều quả khác tại khu vực xung quanh vì một quả bom “mẹ” khi thả từ máy bay thường chứa từ 650 đến hơn 1.000 quả bom chùm nên tầm ảnh hưởng trên một diện tích rộng. Tọa độ ném bom chùm cũng là mục tiêu tấn công của nhiều loại đạn khác. Khảo sát dấu vết bom chùm của RENEW đang triển khai ở Quảng Trị là phương pháp khảo sát dựa trên bằng chứng. Từ thông tin người dân khẳng định phát hiện bom chùm và các nhiệm vụ xử lý lưu động liên quan đến bom chùm, RENEW triển khai đội khảo sát kỹ thuật để xác định các khu vực khẳng định nguy hiểm cần được rà phá. Bom chùm và các loại vật liệu nổ khác phát hiện được trong quá trình khảo sát sẽ được xử lý vào cuối ngày làm việc. Các ô khảo sát có dấu vết bom chùm được đánh dấu là khu vực khẳng định nguy hiểm, được lập bản đồ và được nhập vào Cơ sở dữ liệu của Trung tâm Điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh Quảng Trị. Trung tâm điều phối sau đó giao cho các tổ chức phi chính phủ tiến hành rà phá các khu vực khẳng định nguy hiểm này. Tổ chức MAG (Nhóm Tư vấn bom mìn) hiện đang rà phá các khu vực nguy hiểm do RENEW xác định tại Cam Lộ và Triệu Phong. Cùng với đối tác chính NPA, dự án RENEW đang triển khai hoạt động khảo sát này trên toàn tỉnh Quảng Trị thật sự góp phần đem lại sự hồi sinh cho đất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Dù vùng đồi rộng mênh mông nhưng tiếng máy dò kim loại vẫn vang lên âm thanh u u trong không gian tĩnh lặng, cho đến khi phát hiện kim loại dưới tầng đất, tín hiệu phát ra và nhân viên khảo sát lại nhẹ nhàng đặt máy rà xuống, dùng xẻng gạt nhẹ lớp đất. Trên khu đồi, thấp thoáng những dải ruy băng màu đỏ trắng vây lấy những ô hình tam giác đánh dấu những vật nổ được phát hiện. Trong đội của Bảo có một nhân viên nữ là Cẩm Nhung. Nhìn cô gái trẻ trung xinh đẹp bên chiếc máy dò mìn và những quả bom giết người được phát hiện nằm phơi lớp vỏ kim loại han gỉ trong lòng hố đất, giữa buổi trưa nắng rát những mái đồi Quảng Trị, tôi như thấy có một điều gì đó vừa vô lý vừa trĩu nặng. Nhung mới ngoài 20 tuổi hay Linh, người chỉ huy của hơn 160 thành viên dự án đều là những người sinh ra khi chiến tranh đi qua rất lâu, vậy mà chính họ, những người trẻ này đang lại là những người giải quyết hậu quả chiến tranh trực tiếp nhất…

Diệu Linh hiện là phó quản lý chương trình NPA tại Lào - Ảnh: L.Đ.D

Diệu Linh hiện là phó quản lý chương trình NPA tại Lào - Ảnh: L.Đ.D

Từ “mặt trận Quảng Trị” là địa bàn cấp tỉnh, ba tháng trước Linh đã trở thành một lãnh đạo cấp quốc gia của dự án NPA tại Lào, trong khi gia đình cô đang sống ở Quảng Trị, đấy là một sự hy sinh cho sứ mệnh. Niềm vui của cô là tháng tư vừa qua, trong dịp Tết Lào Bunpimay, chồng và con đã từ Việt Nam qua thăm cô và vui tết cùng người dân trên miền đất mà cô đang góp phần vào sứ mệnh hồi sinh những cánh đồng, những khu rừng trên xứ sở Triệu Voi. Và cũng nói thêm rằng Linh bảo truyền thông đã nhắc nhiều về cô, trong khi cô chỉ muốn khiêm tốn “ở ẩn”. Tuy nhiên, câu chuyện của Linh chắc chắn không phải của riêng cô, hình ảnh một phụ nữ Việt Nam gắn bó với công việc rà phá bom mìn, trả lại màu xanh sự sống trên những cánh đồng hòa bình là một câu chuyện mang tính biểu tượng. Và nó càng đáng để kể với bạn đọc hơn khi câu chuyện ấy không giới hạn trong một địa phương cấp tỉnh mà đã vượt biên giới lan tỏa đến một quốc gia khác, với những cống hiến mới, đóng góp mới cho những người dân hiền lành thân thiện của quốc gia Lào anh em láng giềng.

Cũng xin nói thêm đường đến hòa bình có nhiều lối đi. Câu chuyện mang lại bình yên cho những con người trên vùng đất từng trĩu nặng đạn bom, mang lại sinh sôi mùa màng cho những cánh đồng từng là đất chết mà chúng tôi đã kể liên quan đến Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) là một hành trình của hòa bình với lối đi đặc biệt như thế. Để triển khai những hoạt động này, NPA đã được hỗ trợ bởi nguồn tài chính từ Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy để từ đó triển khai các dự án khảo sát dấu vết bom chùm, lập bản đồ tất cả các khu vực khẳng định nguy hiểm cần được rà phá. Những dữ liệu này khi hoàn thành sẽ chuyển đến Trung tâm điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ đây Trung tâm điều phối sẽ phân công các tổ chức như MAG, Cây Hòa bình… tiến hành rà phá các vùng nguy hiểm này và bàn giao đất an toàn cho cộng đồng địa phương. Sau khi hoàn thành công tác xác định và lập bản đồ tất cả các khu vực khẳng định nguy hiểm trên địa bàn Quảng Trị, các đội khảo sát của RENEW được chuyển thành đội rà phá. Điều đặc biệt nhất là trước đây, các tổ chức như RENEW, MAG, Cây Hòa bình, C.P.I… hoạt động ở các huyện riêng lẻ, các tổ chức khác nhau có phương pháp và hệ thống thông tin khác nhau, nhưng từ mười năm nay các tổ chức hành động bom mìn đang làm việc với nhau để triển khai một cách tiếp cận có hệ thống và thực hiện một kế hoạch khảo sát và rà phá cho toàn tỉnh.

Và câu chuyện hòa bình trên cánh đồng vẫn còn là một hành trình miệt mài với những con người như Diệu Linh, từ cánh đồng quê hương đến những cánh rừng nước bạn.

 

LÊ ĐỨC DỤC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 358

Mới nhất

Tỉnh Quảng Trị vận động quyên góp, ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại cơn bão số 3

11/09/2024 lúc 16:57

TCCVO - Chiều 11/9, tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động kêu gọi, vận động ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc

Tập huấn kỹ năng viết phóng sự cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

3 Giờ trước

TCCVO  - Trong 3 ngày 12 - 14/9, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn kỹ năng viết phóng

Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm lần 3

5 Giờ trước

TCCVO - Trung thu năm nay tại vùng biên giới Việt - Lào đã diễn ra trong không khí ấm áp, đơn giản nhưng đầy nghĩa tình. Do tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Bắc vẫn còn đang khắc phục, nên chương trình “Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm nơi biên giới lần 3” được tổ chức nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhưng vẫn ý nghĩa cho thiếu nhi hai bên biên giới...

Vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024.

12/09/2024 lúc 04:01

Ngày 11/9/2024, tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ba Tầng, Trung tâm khám chữa bệnh từ thiện Thiện Lành và các nhà tài trợ tổ chức chương trình vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024. Đây là dịp để các cháu thiếu niên nhi đồng 2 nước Việt Nam và Lào được giao lưu, gặp mặt, vui chơi, phá cỗ đêm trăng.

Góp phần khẳng định vai trò của Công đoàn, biểu dương người lao động

10/09/2024 lúc 10:27

Công nhân và Công đoàn là mảng đề tài lớn của văn chương, báo chí. Nhưng có thể trong một thời điểm nào đó, ở một vài nơi, mảng đề tài này vẫn chưa được phản ảnh và khai thác tương xứng. Đối với những địa phương còn khó khăn, thị trường lao động chưa thật sự sôi động, thì các vấn đề của người lao động cũng ít được các phương tiện thông tin đại chúng chú trọng. Chính vì thế cuộc thi viết về "Công nhân & Công đoàn Quảng Trị" do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cùng Tạp chí Lao động & Công đoàn đồng tổ chức (từ tháng 4 đến tháng 8/2024) là một dịp để bạn đọc hiểu hơn sự đóng góp của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Hiện đại hóa nông thôn từ một cuộc vận động lớn

10/09/2024 lúc 10:18

Nước ta là nước nông nghiệp, nông thôn chiếm diện tích lớn, nông dân chiếm đa số trong dân cư; vấn đề nông nghiệp, nông dân rất quan trọng. Từ lâu, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến xây dựng nông thôn - nơi người nông dân sinh sống và tiến hành hoạt động chính của mình là sản xuất nông nghiệp. Cuộc vận động nông thôn mới ở Việt Nam chính thức bắt đầu từ năm 2010. Đây là chương trình lớn của Chính phủ, được khởi xướng theo Quyết định số 800/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành vào ngày 4/6/2010 nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, đồng thời phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng và môi trường ở các khu vực nông thôn theo hướng bền vững.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/09

25° - 27°

Mưa

18/09

24° - 26°

Mưa

19/09

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground