Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/09/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Mới đấy mà đã năm mươi bảy năm qua.

Đoàn làm phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân lên đường vào một ngày tháng 5 năm 1967. Đạo diễn là nhà làm phim quốc tế lừng danh thế giới Joris Ivens và vợ là bà Marceline Loridan, một nữ chiến sĩ hòa bình đã từng bị giam tại trại tập trung Búc-Chen-Oan (Buchenwald) của phát xít Đức.

Trước khi lên đường, 8 anh chị em chúng tôi gồm 4 quay phim, 1 thu thanh, 1 bảo vệ, 1 dẫn đường và tôi là bác sĩ kiêm phiên dịch tiếng Pháp đã được Bác Hồ gọi lên, chỉ thị và căn dặn bằng mọi cách phải bảo vệ tính mạng của hai người bạn thân này của Bác: Các cô chú phải gắng để những thước phim về tọa độ lửa này đến được với Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.

Hà Nội - Vĩnh Linh, đoạn đường 548 km, ba xe Command-car đã ngày nghỉ đêm đi trong 28 ngày đêm. Tính trung bình mỗi đêm đi được 20 km dưới ánh sáng tù mù của một chiếc đèn gắn dưới gầm xe và trong tiếng nổ sắc gọn kèm ánh sáng xanh ma quái của một bầu trời chằng chịt pháo sáng và bom Mỹ.

Hai tháng ròng đoàn làm phim đêm ngủ ở địa đạo, sáng lên mặt đất, vũ khí chống lại với bom đạn Mỹ là bốn máy quay phim và lòng quyết tâm ghi lại những thước phim tố cáo tội ác trên đất Vĩnh Linh.

* * *

Cuối tháng 9 năm 1967.

Vào một buổi tối, từ sân bay Gia Lâm, đoàn chúng tôi tiễn ông bà Ivens lên đường trở lại Paris. Hơn 2.000 thước phim 16 mm in tráng tại Hà Nội, được xếp kín đáo trong những vali quần áo.

Liên tiếp những năm sau đó ông bà Ivens báo về: Phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân đã được chiếu trong các rạp, các trung tâm văn hóa công cộng, các trường đại học ở Pháp, ở Bỉ và ở Đức. Đến năm 1970 thì phim được chiếu trong rất nhiều trường đại học ở Mỹ.

* * *

Paris, mùa thu năm 1991.

Tôi đến căn hộ 81 đường Saint Pères để chào từ giã Marceline và thắp nhang tưởng nhớ Joris Ivens, người thầy điện ảnh của tôi, từ trần tháng 6 năm 1989.

Căn hộ còn nguyên vẹn dấu tích của người đã khuất. Chiếc ghế tựa nơi Ivens ngồi đọc sách hàng ngày đã ngả sang màu nâu sẫm, chỗ tựa đầu đã sờn hẳn một bên. Từ trên gác, Marceline đưa xuống một tập giấy đánh máy đã ố vàng: Joris căn dặn không để cho các bạn Việt Nam biết chuyện này. Nay Joris đã đi xa, tất cả đã là dĩ vãng nên tôi đưa Phượng đọc để hiểu thêm tấm lòng Ivens đối với Việt Nam.

Trên chiếc bàn đá, là những giấy tờ thế chấp ngân hàng cầm cố ngôi nhà 81 đường Saint Pères vào đầu năm 1967. Loại giấy mỏng tanh, úa vàng, chữ đã bắt đầu khó đọc.

Trước khi sang Việt Nam, Joris dặn tôi: “Việt Nam đang có chiến tranh, vô cùng khó khăn lắm rồi. Đừng để họ phải lo chi tiêu thêm cho chúng ta nữa”. Chị mỉm cười: “May mắn là phim được hưởng ứng rất tốt trên thế giới. Chúng tôi đã có đủ tiền để trang trải nợ vay.”

Tôi trở về Việt Nam trong tay có bộ phim video Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân. Marceline căn dặn: Phượng thay chúng tôi chiếu cho người dân Vĩnh Linh yêu quý xem nhé.

Mấy tháng liền, tôi bàn bạc với con trai tôi, Nguyễn Phước là đạo diễn phim của Trung tâm Nghe Nhìn các tỉnh phía nam.

Phim Trở lại Vĩnh Linh 40 năm sau được hình thành.

Nhà thơ Nguyễn Duy là biên kịch. Tôi đã 78 tuổi là cố vấn phim.

Tháng 8 năm 2007.

Trên chiếc sân của trường Tiểu học xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, hầu như cả xã không thiếu một ai trong buổi chiếu ngoài trời phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân của 40 năm trước.

Tôi ngồi ở một góc sân, lắng nghe tiếng xuýt xoa, tiếng cười nói, tiếng đạn nổ, tiếng khóc… và cồn cào nỗi nhớ Ivens, nhớ Quang Tuấn, Đào Lê Bình, Nguyễn Chơn, Phi Hùng… những người đã khuất trong đoàn làm phim bốn mươi năm trước.


Sau buổi chiếu, chúng tôi quây quần bên nhau. Nhiều người đã nhận ra hình ảnh của cha ông, bạn bè hay chính mình trong phim. Anh Hồ Ngọc Thiện nhớ những kỷ niệm về một đơn vị cao xạ pháo đã bắn rơi một máy bay Mỹ. Anh Lưu Thiện Thành kể đã cùng mẹ băng qua ruộng đem cơm nước hằng ngày cho các pháo thủ ngoài trận địa: Hồi đó cứ háo hức chờ mạ cho đi theo, không sợ bom đạn chi hết. Chị Hồ Thị Tá năm 1967 xung phong khiêng cáng thương binh trong những căn hầm thuộc ban quân y dã chiến: Thấy anh em lăn lộn đau đớn, thuốc men thiếu thốn, thương đứt ruột. Tui cứ khóc theo sưng cả mắt. Ở trong ban văn nghệ của xã, mặc cho bom rơi, tui cứ hát cho anh em thương binh nghe. Hồi đó, răng mà gan góc như rứa không biết.

Hai ngày sau, dưới cái nắng cháy da, chúng tôi tìm gặp những người xưa. Cả Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh năm 1967 chỉ còn lại bác Dương Tú năm nay 90 tuổi. Nhớ mãi lời căn dặn từ tốn, nhẹ nhàng và đĩnh đạc: Các cháu nên nhớ ở Vĩnh Linh có Bốn Chưa Chắc: bom rơi chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã nổ, nổ chưa chắc đã bị thương, bị thương chưa chắc đã chết. Nên đừng hoảng sợ chạy lung tung. Bác còn minh mẫn, mái tóc bạc phơ cắt ngắn, đôi mắt hiền từ. Nơi bác nằm có cửa sổ nhìn ra một cây bông giấy hai màu trắng tím đung đưa theo gió. Rời hầm lên mặt đất, bốn chục năm qua bác Dương Tú vẫn một ngôi nhà nhỏ giản dị, thanh bạch.

Ông Lê Phước Sách, một chú bé có mặt trong phim trước, mời chúng tôi về nhà thăm mệ mình. Người đàn ông gần 60 tuổi này kể lại: Cả nhà đã reo vui khi hiện lên màn ảnh mệ tôi ngồi ôm cháu say sưa xem đoàn văn công xã biểu diễn trong địa đạo. Năm nay đã 102 tuổi, mệ mong gặp lại đoàn làm phim để mời một bữa cơm. Một ngôi nhà khang trang mái ngói đã thay cho một góc hầm chật chội trong lòng đất xưa kia. Một vườn tiêu chi chít những chùm hạt tiêu xanh mọng nổi bật trên nền đất đỏ. Người mệ Vĩnh Linh vẫn còn minh mẫn, nụ cười thật hiền lành, hai tay không ngừng lẩy những hạt tiêu xuống chiếc nong đặt phía trước.

Những “em bé” 9, 10 tuổi trong phim năm 1967 đưa chúng tôi đến căn hầm đã đón đoàn làm phim Ivens. Vết tích còn lại chỉ là cái miệng hầm. Chuối, mít, cỏ dại chen nhau mọc kín những bậc thang dẫn xuống địa đạo. Anh Chờ chỉ vào mấy bụi chuối: Chỗ ni chỗ bọn tui hay núp để xem hai ông bà Tây đi quay phim về. Họ cao to hung.

Màu đất đỏ Vĩnh Linh vẫn còn y nguyên nhưng thời gian đã che lấp những bậc thang gồ ghề, khúc khuỷu dẫn xuống những vườn trẻ, những trạm quân y, những bếp nấu ăn nằm sâu trong địa đạo.

Tôi đến thăm nơi trước kia làm cảnh kết cho phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân: một căn hầm nửa nổi nửa chìm, một lớp học trong lòng đất.

Căn hầm xưa đã nhường chỗ cho một hàng dài các lớp học tươi mát một màu xanh trắng. Một dãy cây tỏa bóng rợp sân chơi hòa trong tiếng cười đùa vang vang.

Có những nhân vật xuất hiện trong phim năm 1967 nay không còn nữa.

Một quả bom Mỹ đã rơi trúng hầm khi phát thanh viên Nguyễn Lãng đang cầm trên tay chiếc micro.

Trong phim ghi lại hình ảnh nhà thơ Minh Hoàng đạp xe trên con đường gồ ghề xuyên qua chi chít hố bom. Anh dừng xe dưới một rặng tre nhìn ra cánh đồng, trầm bổng ngâm một bài thơ chống Mỹ. Chúng tôi rời Vĩnh Linh chưa được ba tuần, anh đã bị bom vùi lấp.

Hai cô giữ trẻ đã bị đạn pháo câu trúng khi đang chuyển những chiếc nôi từ hầm sâu lên mặt đất để các cháu được hưởng nắng trong vài phút.

Mến yêu biết chừng nào người dân Vĩnh Linh yêu thương và can trường của chúng ta.

Không còn tin tức của Thu, người chủ tịch xã nhẹ nhàng, tận tụy với bà con; của Miện, cô xã đội trưởng dân quân tháo vát nhanh nhẹn, dũng cảm; của Phạm Công Đức, cháu bé đã biết cách đưa thông tin cho bộ đội du kích để triệt phá một sân bay trực thăng bờ nam sông Bến Hải khi chưa đầy 9 tuổi.

Tôi đã cố gắng tìm, ra Quảng Bình, về Bảo Ninh, về Bố Trạch, về Phúc Trạch… Vẫn không có tin tức. Đành phải quyết định đóng máy.

Tối hôm ấy Phan Khiêm, nhà quay phim đài truyền hình Quảng Trị, đến chào từ biệt.

Cô rất cảm ơn cháu đã rất vất vả với đoàn. Chỉ buồn một nỗi là không tìm được một vài nhân vật trong phim như o Thu, o Miện, cháu Phạm Công Đức…

Khiêm ngập ngừng: Thầy giáo dạy Vật lý năm lớp 12 của cháu cũng tên là Phạm Công Đức. Thầy là người Vĩnh Linh được Chính phủ cho ra miền Bắc học từ năm 1970. Không nghe thầy nói gì về…

Linh tính nhà báo thúc tôi hỏi dồn dập: Con có số điện thoại của thầy Đức không?

Một giọng Quảng Trị trong ống nghe: Ai hỏi chi tôi rứa?

Đúng giọng của cháu bé năm nào rồi. Tôi hét to: Đức ơi, o Phượng đây, o Phượng trong đoàn làm phim năm 1967 đây.

Điện thoại bàn đột ngột ngắt quãng. Chỉ chừng ba mươi phút sau, Phạm Công Đức đã đứng trước mặt tôi. Bốn mươi năm không thay đổi nụ cười hiền lành với chiếc răng khểnh. Đôi mắt to tròn thông minh của thầy giáo Vật lý 50 tuổi và chú bé Đức 9 tuổi là một. Tìm đông tìm tây nào ngờ hôm ấy Đức ra Đông Hà chấm thi. Đức chỉ ở cách khách sạn chúng tôi ở có vài chục phút xe máy.

Sáng hôm sau, Đức đưa chúng tôi về số 1 Dốc Miếu. Từ trong ngôi nhà, Tịnh vợ Đức cùng ba con chạy ra ôm chặt tôi.


Thay cho căn hầm tối tăm ẩn sâu trong lòng đất, thay cho bụi tre nham nhở vết đạn nằm sát một tiểu đội bắn máy bay, Đức mời tôi vào một phòng khách rộng rãi, thoáng đãng. Qua bức màn trúc đung đưa, thấp thoáng những cọc tiêu xanh mát, những cụm hoa nhài đang nở rộ. Cháu gái thứ hai của Đức mời tôi một chén trà thoang thoảng hương sen.

* * *

Với những kỷ niệm vừa viết ở trên, chắc bạn đọc đã hiểu vì sao đối với tôi, “Đất lạ trở thành nhà”.

Chỉ muốn kể thêm một chi tiết:

Trước khi về Việt Nam năm 2012, tôi đã đến nghĩa trang Mont Parnasse (Paris) thắp nhang, đặt hoa, thắp hai ngọn nến chào tiễn biệt hai người thầy, vợ chồng nhà đạo diễn Joris Ivens và Marceline Loridan.

Em gái của Marceline, bà Jacqueline trao cho tôi một quyển sách dày trong đó có ghi nhiều chi tiết liên quan đến việc làm phim và chiếu phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân trên thế giới.

Tôi đã được đọc một bản sao lá thư viết năm 1968 của một nhà sản xuất phim lớn ở Mỹ. Ông này được tin có một phim quay về Vĩnh Linh đã bay từ New York sang Paris với ý định mua phim này để chiếu ở Mỹ. Sau khi xem xong phim ông viết bức thư sau:

Thưa ông Ivens,

Sau khi xem bộ phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân của ông, tôi rất tiếc là không thể mua phim này. Giữa một phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đang nhen nhúm trong giới học sinh sinh viên, nếu chiếu phim của ông lên, người dân Mỹ sẽ hiểu là không thể nào thắng được một cuộc chiến mà toàn dân đều tham gia. Nếu mua phim của ông mà tôi rất kính trọng, tôi sẽ bị lỗ nặng. Là một nhà kinh doanh, tôi phải xin lỗi ông.

Tại Hà Nội tháng 9 năm 1967, trong bữa cơm chia tay ông bà Ivens, Bác Hồ đã nói một câu mà lúc ấy tôi không hiểu hết ý nghĩa: Phim do chúng ta làm sẽ rất khó được chiếu ở Mỹ, phim của ông bà Ivens sẽ làm được việc này, sẽ có ảnh hưởng rất tốt cho cuộc chiến đấu của chúng ta. Các cháu phải cố gắng bảo vệ tính mạng của hai nhà điện ảnh cách mạng này. Cuộc chiến tranh nhân dân trong lòng đất Vĩnh Linh sẽ góp phần mình trong cuộc chiến ở ngay trong lòng nước Mỹ.

Hồi ký của XUÂN PHƯỢNG

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Tập huấn kỹ năng viết phóng sự cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

3 Giờ trước

TCCVO  - Trong 3 ngày 12 - 14/9, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn kỹ năng viết phóng

Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm lần 3

4 Giờ trước

TCCVO - Trung thu năm nay tại vùng biên giới Việt - Lào đã diễn ra trong không khí ấm áp, đơn giản nhưng đầy nghĩa tình. Do tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Bắc vẫn còn đang khắc phục, nên chương trình “Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm nơi biên giới lần 3” được tổ chức nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhưng vẫn ý nghĩa cho thiếu nhi hai bên biên giới...

Tỉnh Quảng Trị vận động quyên góp, ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại cơn bão số 3

12/09/2024 lúc 09:58

TCCVO - Chiều 11/9, tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động kêu gọi, vận động ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc

Vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024.

12/09/2024 lúc 04:01

Ngày 11/9/2024, tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ba Tầng, Trung tâm khám chữa bệnh từ thiện Thiện Lành và các nhà tài trợ tổ chức chương trình vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024. Đây là dịp để các cháu thiếu niên nhi đồng 2 nước Việt Nam và Lào được giao lưu, gặp mặt, vui chơi, phá cỗ đêm trăng.

Góp phần khẳng định vai trò của Công đoàn, biểu dương người lao động

10/09/2024 lúc 10:27

Công nhân và Công đoàn là mảng đề tài lớn của văn chương, báo chí. Nhưng có thể trong một thời điểm nào đó, ở một vài nơi, mảng đề tài này vẫn chưa được phản ảnh và khai thác tương xứng. Đối với những địa phương còn khó khăn, thị trường lao động chưa thật sự sôi động, thì các vấn đề của người lao động cũng ít được các phương tiện thông tin đại chúng chú trọng. Chính vì thế cuộc thi viết về "Công nhân & Công đoàn Quảng Trị" do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cùng Tạp chí Lao động & Công đoàn đồng tổ chức (từ tháng 4 đến tháng 8/2024) là một dịp để bạn đọc hiểu hơn sự đóng góp của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/09

25° - 27°

Mưa

18/09

24° - 26°

Mưa

19/09

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground