Theo ghi chép trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, vào thế kỷ XVI - XVII, Đông Hà thuộc tổng An Đôn, huyện Đăng Xương. Đây là thời kỳ người Việt mở rộng bờ cõi về phương Nam, và người dân đã định cư, lập làng, khai khẩn vùng đất này. Theo nhiều nguồn tài liệu, dòng họ đầu tiên khai khẩn đất Đông Hà là người từ Đông Triều (Hải Dương) và làng Hiền Lương (Thừa Thiên - Huế). Các dòng họ Trần, Nguyễn, Ngô, Lê, Hoàng từ nhiều miền đất khác nhau như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị cùng quần tụ, lập nên xóm làng. Tuy nhiên, nghề rèn không xuất hiện ngay từ buổi đầu mà được truyền vào Đông Hà bởi hai anh em họ Nguyễn Đức, người làng Lễ Môn (Gio Linh).
Sự xuất hiện của nghề rèn đã đánh dấu bước chuyển trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân Đông Hà xưa. Nghề rèn không chỉ đáp ứng nhu cầu nông cụ trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân địa phương mà còn phục vụ cho các vùng lân cận. Thời kỳ hưng thịnh của nghề rèn phường 3, Đông Hà không chỉ ghi dấu ấn về mặt kinh tế mà còn tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc. Ngày nay, dù phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn, những giá trị tinh hoa ấy vẫn tiếp tục được lưu giữ trong từng sản phẩm, từng câu chuyện của những người thợ rèn còn bám trụ với nghề.
Nghề rèn không chỉ đòi hỏi kỹ năng khéo léo, kiên nhẫn mà còn cần sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên trong lò rèn. Để tạo ra những sản phẩm sắc bén, bền đẹp như dao, rựa, cuốc, liềm,… các “nghệ nhân” phải thực hiện một quy trình lao động thủ công đầy công phu, nơi mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác. Yếu tố quyết định thành công của lò rèn chính là sự phối hợp nhịp nhàng của cả đội ngũ. Trong đó, thợ cả với tay nghề cao và nhiều năm kinh nghiệm giữ vai trò chủ chốt. Họ không chỉ dẫn dắt các thành viên khác mà còn quyết định hình dáng, độ bền và chất lượng của từng sản phẩm, biến từng thỏi sắt, thép thành những công cụ hữu ích, mang đậm dấu ấn của nghề rèn truyền thống.
Nguyên liệu chính của nghề rèn là sắt và thép, được người dân thu mua nhập về với số lượng lớn để dùng dần. Kế đến là than - nguyên liệu không thể thiếu để nung chảy vật liệu, làm vật liệu dễ định hình qua các công đoạn. Sau khi định hình từ vật liệu, sản phẩm được đưa vào lò nung, sau khi lấy ra người thợ sẽ tiến hành tôi luyện, quai đập liên tục (rèn nóng) để rèn ra thành phẩm. Thành phẩm rèn ra phải qua tiếp công đoạn gia công rèn nguội để chuẩn hình và có độ sắc nhọn tùy sản phẩm. Một lò rèn truyền thống cần ít nhất 2 đến 4 nhân lực: Một thợ cả, một người phụ thụt ống hơi cho than đỏ (giữ lửa), một người đóng búa và người chuyên mài và trui. Mỗi người đều đóng vai trò quan trọng trong việc chế tác, từ nung sắt, quai búa, gọt dũa, đến hoàn thiện sản phẩm.
Dù từng là nghề truyền thống gắn bó với đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng ngày nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khiến ngọn lửa trong những lò rèn dần tàn lụi. Đặc thù nghề rèn cần nhiều nhân công và yêu cầu cao về kỹ năng khiến giá thành sản phẩm thủ công khó cạnh tranh với hàng hóa công nghiệp, dẫn đến nguy cơ mai một nghề. Một trong những nguyên nhân chính khiến nghề rèn mai một là lớp trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống của đời trước. Nhiều thanh niên trong các gia đình có truyền thống làm nghề rèn đã lựa chọn con đường khởi nghiệp hoặc lao động trong các lĩnh vực khác vì cho rằng nghề rèn nặng nhọc, vất vả và thu nhập không ổn định, khó đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại.
Do đặc thù sản xuất thủ công, nghề rèn truyền thống yêu cầu nhiều nhân công tham gia vào từng công đoạn. Chính điều này khiến giá nhân công cao, kéo theo giá thành sản phẩm tăng, khó cạnh tranh với các mặt hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt. Ví như một cây rựa thủ công có giá dao động khoảng từ hai đến ba trăm nghìn đồng, trong khi sản phẩm công nghiệp chỉ khoảng một trăm tám mươi nghìn đồng. Việc chênh lệch về giá thành khiến nhiều khách hàng lựa chọn sản phẩm công nghiệp, gây khó khăn lớn cho đầu ra của các lò rèn truyền thống nơi đây.